Đại Kỷ Nguyên

Cái mình biết là hạt cát, cái mình chưa biết là biển khơi

Thế giới bao la, tri thức vô cùng vô tận. Nếu mình nhìn được một góc mà lại cho là cả thế giới, coi tí xíu tri thức bản thân là tổng hợp văn hóa nhân loại, thế thì giống như ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung.

Một cái giếng hoang có một chú ếch. Một hôm bên thành giếng, ếch gặp một con rùa lớn từ biển vào. Ếch liền khoe với rùa biển rằng:

“Anh xem tôi sống ở đây mới vui thích làm sao! Có lúc cao hứng. Tôi nhảy nhót bên bờ rào cạnh giếng một chặp, mệt rồi lại trở về giếng, ngủ trong cái hang gạch. Có lúc tôi chỉ lộ ra cái đầu và cái miệng, toàn thân yên tĩnh ngâm trong nước. Cũng có khi đi dạo một lúc bãi bùn mềm như bông, cũng rất dễ chịu. Hãy xem những con tôm tép, nòng nọc kia, chẳng con nào có thể so được với tôi. Mà tôi lại là chúa tể của cái giếng này, trong cái giếng này cực kỳ tự do tự tại. Sao anh không thường xuyên đến giếng này du ngoạn thưởng thức!”

Rùa biển nghe thế cũng muốn xuống giếng xem sao. Nhưng chân trái rùa biển chưa lọt xuống thì chân phải đã bị vướng. Rùa biển vội lùi lại, rồi kể tình hình ngoài biển cho ếch nghe:

“Anh đã ra biển chưa? Biển rất rộng lớn, hàng ngàn dặm không hết. Biển rất sâu, hàng ngàn trượng cũng chưa tới đáy. Thời cổ xưa, cứ 10 năm thì 9 năm có nước lụt, nước biển cũng chẳng lên được bao nhiêu. Sau này cứ 8 năm lại có 7 năm đại hạn, nước biển cũng chẳng thấp đi chút nào. Có thể thấy biển chẳng ảnh hưởng bởi lũ lụt hạn hán. Sống ở biển lớn như vậy, mới thực sự vui thích chứ”.

Thế giới của rùa là bãi cát trải dài, biển mênh mông vô tỉ, ngoài sức tưởng tượng của chú ếch trong đáy giếng. (Ảnh: naocungdi.com)

Ếch ta nghe rùa biển nói, kinh ngạc ngây người ra, chẳng nói lên lời.

Nhận thức của một cá nhân dựa vào những gì chúng ta thấy, gọi là kiến văn; những gì chúng ta trải qua, gọi là kinh nghiệm; và những gì chúng ta học được qua kinh nghiệm, kiến văn của người khác, gọi là tri thức. Nhân loại đã trải qua hàng ngàn năm, nên tri thức nhân loại mênh mông như biển cả.

Trong nhân loại hàng tỷ người, mỗi người lại có kiến văn, kinh nghiệm và tri thức riêng, có rất nhiều điều không được phổ biến rộng rãi, nên đại đa số chúng ta không biết đến. Vì vậy những điều chúng ta biết, những kiến thức được phổ cập cho nhân loại cũng chỉ là phần nhỏ trong kho tàng tri thức mênh mông.

Lão Tử nói “đại trí nhược ngu”, tức là kẻ có đại trí huệ thì biểu hiện ra ngoài như người ngu. Vì người có trí huệ lớn là người hiểu được sinh mệnh, vũ trụ, các Pháp lý ở các cảnh giới khác nhau, các tầng không gian khác nhau. Họ thấy được rất nhiều cái mà người thường chúng ta không thấy. Và họ phát hiện ra, điều họ thấy được, dù so với người thường đã là vô cùng lớn, nhưng so với vũ trụ mênh mông bao la với bao bí ẩn, thì vẫn còn hạn chế, nông cạn như chiếc giếng hoang kia.

Đức Phật có giảng, trong một hạt cát có tam thiên đại thiên thế giới. Trong hạt cát kia lại là một vũ trụ mênh mông vô tỷ, điều này khiến đại đa số chúng ta cảm thấy rất huyền hoặc. Đức Phật giảng câu đó đã 2500 năm, và trong suốt thời gian từ đó đến nay, nhiều bậc cao tăng, cao Đạo đắc Đạo đã ấn chứng được điều Đức Phật nói là chính xác. Vật lý hiện đại cũng từng bước chứng thực được điều này: Thế giới vi quan dưới phân tử, nguyên tử cũng tráng lệ kỳ vĩ như vũ trụ bao la với những thiên hà to lớn.

Khi nhìn thật sâu xuống, các phân tử cũng giống các hành tinh trong một giải ngân hà. (Ảnh: arefines.ml)

Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng, điều họ thấy họ biết mới chính xác, đúng đắn, nên họ thường phủ nhận những gì họ chưa thấy, chưa biết, phủ nhận cách nhìn nhận đánh giá vấn đề theo góc độ khác với họ. Xem ra người như thế cũng như chú ếch trong câu chuyện trên. Có lẽ còn không bằng chú ếch, vì ếch sau khi nghe rùa biển nói về biển, nó cũng kinh ngạc ngây người, thấy cái nó biết chỉ là hạt cát so với biển cả mênh mông.

Nam Phương

Exit mobile version