Đại Kỷ Nguyên

Bởi vì con là tất cả đời cha (P.2): Con gái nghẹn ngào khi mở chiếc hòm sắt bí mật của cha

Một ngõ nhỏ ở khu vực Thanh Nhàn, Hà Nội vẫn lưu truyền mãi câu chuyện về anh Trung nghèo khó, đối mặt với thử thách về vật chất và tinh thần để vượt lên số phận. Trong một xã hội đầy cạm bẫy cám dỗ con trẻ, anh đã nuôi con khôn lớn thành người. Thành công của người đàn ông luôn trọng chữ tín, sống đức hạnh, có tình người, và tín ngưỡng Thần Phật như anh cuối cùng đã xứng đáng được hưởng phúc báo.

Tiếp theo phần 1

Phần 2. Hết lòng vì con, cha đã được toại nguyện

Thế là hai cha con lại chuyển đến nơi ở mới ngay sau gò Đống Đa. Môi trường mới an toàn hơn, nhưng cả hai cha con đều vất vả hơn vì tăng thêm chi phí sinh hoạt, thời gian đi làm của anh cũng kéo dài hơn, nhà chật chội hơn. Nhưng may mắn là Hoa đã rút ra bài học cho mình, cô quyết tâm tránh xa cám dỗ của các trò chơi điện tử vô bổ ấy, ngoan ngoãn quyết tâm học hành, cô cũng biết rằng cha cả đời vất vả là để cô được đi học vì tương lai mai sau.

Cô gái ôm mộng thoát nghèo

Hoa càng lớn càng xinh, càng lớn càng duyên dáng, ở cô hội tụ tất cả những nét đẹp của cả cha và mẹ. Nhưng vài năm trôi qua, thời gian lại làm cô quên đi tâm nguyện của mẹ. Mặc dù lớn lên trong tình thương hết lòng của cha, nhưng thẳm sâu trong lòng Hoa vẫn tự thấy bất công, thấy cha mình nghèo hèn và thất bại so với những người cha khác. Hoa không hiểu vì sao lại có người giàu – người nghèo, vì sao “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”, vì sao nhiều người chẳng phải lao động nặng nhọc gì mà vẫn thoải mái nằm trên cả núi tiền? Cha cô là người đức độ, lại làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai khác, nhưng sao cứ mãi nghèo hèn?

Còn Trung thì vừa phải làm cha lại kiêm làm mẹ, lao động cần mẫn như một con ong không hưởng thụ bất cứ điều gì cho cá nhân mình. Anh quan tâm đến con, dành toàn bộ tình thương cho con, những lúc khó khăn anh luôn ở bên cạnh, che chở bảo vệ con, không bao giờ tức giận cáu gắt với con và tha thứ tất cả. Con vào cấp 3 nên hàng ngày anh dậy sớm nấu bữa sáng cho con ăn để kịp đi học, buổi tối anh về sớm lo cơm tối, muốn dành thời gian tối đa cho con học hành.

Mặc dù lớn lên trong tình thương hết lòng của cha, nhưng thẳm sâu trong lòng Hoa vẫn tự thấy bất công. (Ảnh minh họa : giadinh.net.vn )

Nhưng người cha không hiểu cô bé nghĩ gì, có lúc cô ghét cha vì suốt ngày bắt học bài. Thậm chí Hoa không hiểu, còn nghĩ cha ít quan tâm đến mình, đưa tiền đi chợ hàng ngày quá ít, không cho cô tiền tiêu vặt, không hiểu cha để tiền để làm gì mà không đổi cái máy tính đã quá cũ kỹ, không mua cho cô cái xe đạp điện thay cái xe đạp cót két… Càng ngày Hoa càng cảm thấy tự ti với số phận nghèo, cô chán nghèo nàn, không chấp nhận nghèo hèn và muốn nhanh chóng được đổi đời.

Dịp nghỉ hè năm lớp 10 Hoa đã nung nấu ý định tự kiếm tiền, sau rất nhiều đêm trăn trở cô đã quyết định tự đi một mình. Trước đó Hoa đã mày mò tìm việc trên mạng, cô tìm được một việc rất thích hợp là đóng phim. Cô được giao một vai phụ, kiêm phục vụ bếp cho đoàn làm phim của hãng truyền hình tư nhân.

Hoa đến phỏng vấn thì được nhận ngay vì ngoại hình cao ráo xinh đẹp, khuôn mặt toát lên vẻ thanh tú hiền dịu, lại sử dụng thành thạo bếp củi, rất phù hợp với vai diễn đang cần. Các điều kiện khác trong hợp đồng cũng phù hợp với điều kiện của cô, ví dụ như làm bán thời gian, chỉ khi quay cảnh xa mới phải đi qua đêm, thu nhập cũng hấp dẫn, sẽ thanh toán ngay khi phim được nghiệm thu phát lên sóng tivi.

Đúng lúc đoàn làm phim đi quay cảnh thực tế ở một bản vùng sâu của Yên Bái, Hoa trốn cha bỏ nhà đi theo đoàn. Kế hoạch đi quay 5 ngày nhưng thời tiết thay đổi, trời đổ mưa như trút nhiều ngày liền, gây sạt lở đường, chia cắt giao thông, mất điện, gián đoạn thông tin liên lạc, nên đoàn phải ở lại bản nghèo, chịu khổ đói rét, không còn lương thực, cũng không còn tiền để mua thức ăn.

Mấy ngày đầu Hoa hào hứng lắm, thực hiện tốt vai diễn và vui vẻ phục vụ bếp cho cả đoàn. Thi thoảng mới thấy hình ảnh cha xuất hiện trong suy nghĩ của cô, thậm chí cô còn nghĩ rằng cần cho cha biết mình sẽ tự kiếm tiền ra sao, và cô còn nghĩ mình có thể tự lập mà không cần đến cha. Vì thế mặc dù biết cha đang rất lo lắng, nhưng cô vẫn không hề gọi cho cha một cuộc điện thoại nào.

Mấy ngày sau vừa đói vừa rét, vừa không có việc gì làm, hết chuyện để nói, ai cũng ngồi buồn so, chán nản, lo lắng nhìn trời mưa tầm tã. Mà cái mưa rừng thật là khủng khiếp, nó tạo ra lũ rừng, nó còn làm lòng người ủ rũ mềm oặt, buồn thê lương. Lúc ấy Hoa mới nhớ đến cha, thương cha và muốn gọi điện với cha, nhưng lại không có sóng để gọi. Trong cơn mưa suy nghĩ suốt năm ngày làm Hoa chợt bừng tỉnh, cô hiểu mình đã sai rồi, đã có lỗi với cha.

Hoa tìm được công việc là đóng phim mong muốn với ý định thoát nghèo.(Ảnh minh họa: nld.com.vn)

Chờ đường thông, sau đúng mười ngày cả đoàn mới về Hà Nội, như những binh lính thất trận, quần áo lấm lem, mặt mũi thất thần, đói khát. Hoa về mà không được trả đồng nào, các anh chị đã làm hơn bốn tháng rồi, vất vả xuôi ngược mà cũng chưa được thanh toán đồng nào, toàn phải bỏ tiền nhà ra đi làm, kỳ vọng khi xong phim, lên sóng sẽ được thanh toán. Vừa ra đến quốc lộ, Hoa liền gọi ngay cho cha nhưng lạ thay điện thoại của cha cô lại tắt, tại sao thế nhỉ? Hàng trăm câu hỏi, hàng trăm tình huống có thể xảy ra liên tiếp diễn ra như một thước phim trong đầu cô. Cô lo lắng cho cha, chỉ mong xe chạy thật nhanh về Hà Nội.

Nói về Trung, tối ấy không thấy con về làm anh rất lo lắng, gọi điện thì con tắt máy, gọi cho vài người bạn của Hoa thì đều không ai hay biết. Anh bỏ cơm ngồi chờ đợi, mỗi khi có tiếng động ngoài ngõ anh lại chạy ra cửa ngóng con, tiếng đồng hồ cứ tích tắc trôi. Đến 11 giờ đêm, hoảng quá anh đi đến những chỗ con thường lui tới, anh đi gõ cửa những nhà người quen, anh đi đến tất cả các công viên quanh nhà, nhìn ngó khắp nơi tìm kiếm cho đến sáng.

Sáng ra anh báo cửa hàng xin nghỉ vài ngày để tìm con. Anh gọi điện về quê, gọi cho cô giáo và bạn bè của Hoa, gọi đến tất cả những người quen mà Hoa có thể đến, đi đến tất cả các nơi có thể nhưng đều bặt vô âm tín. Anh đến hỏi công an nhờ kiểm tra các vụ tai nạn giao thông, các vụ cướp, bắt cóc người, buôn bán nội tạng… thì đều không có manh mối gì. Vài người bạn cùng quê ở đây cũng sốt sắng giúp anh tìm kiếm khắp nơi nhưng không kết quả.

Anh ngồi thất thần. Chờ đợi. Lo lắng. Bất an. Anh hình dung ra đủ các tình huống có thể xảy ra với con, mọi người cũng có thể hình dung thấy sự hoảng loạn khủng khiếp của người cha khi con gái 16 tuổi bỏ nhà đi mấy ngày mà không có tin tức gì. Anh không thiết ăn uống, lo lắng nghĩ ngợi miên man, chỉ qua năm ngày thì anh ốm thật.

Trung hay bị đau bụng, năm ngoái đi khám bác sĩ nói là bị polip đại tràng, bệnh khá nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh, nhưng anh không có tiền chữa trị. Bác sĩ nói căn bệnh này của anh có thể tự chữa bằng thiền định, có nhiều người đã làm được rồi. Bác sĩ hướng dẫn anh tập thiền định, hai chân bắt chéo nhau, ngồi tĩnh lặng một tiếng mỗi ngày, không suy nghĩ và thanh lọc tâm ý bằng thiền định, thân và tâm sẽ đạt lên đỉnh cao nhất thì sẽ dần tạo ra hệ thống miễn dịch mạnh thậm chí có thể chữa trị các bệnh nan y.

Anh chăm chỉ thiền định, quả là hiệu nghiệm linh ứng, không những hết đau mà tâm thân an hòa, trí tuệ minh mẫn, sáu tháng sau đi chụp lại thấy khối u đã nhỏ đi nhiều. Anh cảm ơn bác sĩ, cảm ơn Trời Phật đã cứu anh và mỗi tối anh thiền định đều đặn hơn.

Anh cảm ơn Trời Phật đã cứu anh và mỗi tối anh thiền định đều đặn hơn. (Ảnh: en.wikipedia.org)

Lại nói đã sáu ngày không có tin tức gì về con gái thì anh thực sự suy sụp. Anh cố ngồi thiền mà tâm không thể tĩnh lại được, không thể định được, đầu óc quay cuồng đảo lộn chỉ nghĩ đến sự an nguy của con. Tám ngày, chín ngày, hôm nay là ngày thứ mười rồi anh tưởng như đã hết hy vọng. Anh khóc lóc cầu xin vợ hãy trợ giúp đưa con về, anh cầu Trời khấn Phật xin giúp cho. Rồi anh bị một cơn đau bụng dữ dội hành hạ, rồi bị sốt, rồi dần đi vào hôn mê…

Bí mật cái hòm sắt của cha

Sẩm tối, xe vừa dừng bánh Hoa đã vội vàng chạy như bay về nhà. Đã mười ngày Hoa thấy rất sốt ruột, rất muốn trở về nhà xem cha thế nào, tại sao lại tắt điện thoại? Hoa mở khóa ào vào nhà, thấy chiếc xe cha để ngoài cửa cô đã mừng, nhưng gọi to mà không thấy cha trả lời, phải chăng cha đang giận? Cô lao vào phòng cha thì ngỡ ngàng, phòng bừa bộn, thấy cha nằm nghiêng co quắp ôm cái chăn nửa trên giường nửa dưới đất, trán cha nóng rực, sốt cao. Hoa lay lay mấy lần thì cha mở mắt. Hoa, có phải là con đấy không? Anh Trung dụi mắt không dám tin, nhìn con, anh nắm chặt tay con.

– Hoa về thật đấy ư con, tốt rồi, cha lo quá.

– Cha sốt cao quá, con đưa cha đi khám nhé.

– Không sao đâu, cha chỉ cần ngủ là khỏi thôi, mười ngày rồi cha chưa ngủ mà.

Nói rồi anh ngủ thiếp đi, những giọt nước mắt sung sướng tràn xuống khuôn mặt hốc hác.

Hoa rưng rưng nước mắt. Cô thương cha, đắp cái khăn ướt lên trán để cha hạ sốt, kéo lại cái chăn mỏng, yên lặng để cha ngủ, rồi nhẹ nhàng đi dọn dẹp phòng. Hàng chục thẻ điện thoại đã nạp tiền vương vãi khắp phòng, vụn bánh mì quanh giường, trong túi còn mấy cái bánh cứng quèo, chắc cha cô ăn bánh mì chay suốt mấy ngày qua. Cô nhìn vào ngăn kéo để tiền đi chợ hàng ngày thấy vừa đúng số tiền ăn chín ngày. Bếp nguội lạnh, chắc là suốt mười hôm rồi cha không động tới, cô đặt nồi cháo lên bếp để hai cha con cùng ăn. Thương cha quá, nhìn cha gầy rộc, râu ria lởm chởm, cô tự trách mình chỉ vì chút bồng bột nông nổi mà làm khổ cha.

Trong khi chờ cha ngủ, vô tình Hoa nhìn thấy cái chìa khóa hòm sắt màu xanh ngay trên đầu giường. Đây là cái hòm riêng chứa những đồ của cha, cô tò mò mở ra xem xem trong ấy có gì mà cha chưa bao giờ cho cô xem cả.

Cái hòm riêng chứa những đồ của cha, cô tò mò mở ra xem xem trong ấy có gì mà cha chưa bao giờ cho cô xem cả. (Ảnh minh họa : scribol.com)

Mở cái thùng sắt, cô thấy những bức ảnh của mẹ, bộ quần áo màu đỏ mẹ mua tặng cô nhân sinh nhật 3 tuổi, những bức vẽ của cô từ hồi nhỏ vẽ về gia đình ba người, vẽ về mẹ, về ngôi nhà quê, về ông mặt trời… một sổ bảo hiểm tiết kiệm tích lũy dành cho Hoa, hồ sơ bệnh án mang tên cha, và một tập các bức thư mang nét chữ của cha.

Hoa run run giở những bức thư ra xem. Thì ra đây là thư cha viết gửi mẹ trên Thiên đường, cha kể lại những bước thăng trầm của hai cha con Hoa suốt mười mấy năm qua. Bức thư mới nhất, mới viết cách đó không lâu:

Anh có lỗi vì không thực hiện được tâm nguyện của em là nuôi con khôn lớn thành người. Hoa của mình không cần đến cha mẹ nữa, nó đã từ bỏ tình thương của mình để ra đi thật rồi. Đã hết tám ngày, giờ bước sang ngày thứ chín rồi mà không có tin tức gì cả, không biết những điều gì đang đến với con mình đây. Em cũng biết anh lo đến cháy lòng, không còn thiết sống nữa, nhưng anh không được phép buông xuôi để còn chờ con về. Còn em chắc là biết nó ở đâu thì hãy gọi nó về ngay nhé, hết cách rồi chỉ có Em nhờ các vị Thần Phật cứu giúp con mình thôi!

…Anh đã làm việc hết sức để vừa nuôi con, vừa đóng bảo hiểm tiết kiệm hàng tháng, đến khi Hoa học xong phổ thông thì cũng đủ tiền cho con vào đại học. Môi trường ở đây không thích hợp, chỉ mong con đi học để sau này đỡ khổ.

Còn mấy lá thư nói với mẹ về việc Hoa bỏ đi chơi game cả đêm không về, kể về cha bị bệnh nặng, tự chữa bằng tọa thiền, mà cô không hề biết gì. Vừa đọc cô vừa rưng rưng khóc, cô nghĩ mình không xứng đáng, không xứng với những gì mà cha đã hy sinh tất cả dành cho mình, thật là xấu hổ với mẹ đã khuất. Cô đã đối xử với cha thật là bất công, đã cảm nhận được những thứ mà cha dành tất cả cho mình. Con yêu cha! tự đáy lòng cô thốt lên lời ấy.

Cha cao cả, đáng thương, cha nói không đói là vì muốn cô được ăn no, nói không lạnh là để nhường cô đắp cả hai cái chăn vào đêm đông giá rét, cha giấu bệnh nói khỏe là để cô yên tâm mà học hành. Cha làm việc không mệt mỏi vì để kiếm tiền cho cô đi học, thậm chí còn ước mơ cho con vào đại học vì chỉ muốn con được giáo dục tử tế, được hạnh phúc tương lai.

Bây giờ thì Hoa đang ở Úc, sau lần ấy cô đã thay đổi hẳn, chăm chỉ học tập, hết lòng chăm sóc cha. Học hết phổ thông Hoa được trao học bổng đi du học Úc, tốt nghiệp chuyên ngành quản lý khách sạn nhà hàng với tấm bằng loại giỏi, sau đó lại xin được việc làm ở trung tâm Sydney. Cô luôn nỗ lực chăm chỉ làm việc hết mình, hiệu quả công việc tốt được ông chủ đánh giá cao nên đã được chủ nhà hàng bảo lãnh định cư ở lại Úc theo diện visa 457. Chỉ sau hai năm cô đã có thẻ xanh định cư, không thể ngờ rằng có ngày cô có điều kiện để đền đáp ơn cha, cô đang làm thủ tục để đón cha sang ở cùng theo diện thân nhân.

(Hết)

Nắng Mới

Exit mobile version