Đại Kỷ Nguyên

Binh pháp Tôn Tử: 5 tính cách có thể hủy hoại một nhà lãnh đạo

Nhà lãnh đạo giỏi đòi hỏi tố chất, nhưng cũng có thể nhờ học hỏi, có ý thức dưỡng luyện mà thành. Tránh xa những đặc điểm sau đây, ít nhất người lãnh đạo sẽ không tự hủy hoại bản thân và những người mình cần chịu trách nhiệm.

Cho dù là một công ty hay một quốc gia, lãnh đạo giỏi là một trong những yếu tố quan trọng để đạt được thành công. Nhưng nếu nhân vật quan trọng đó có một vài điểm yếu chí mạng thì hậu quả sẽ khôn lường. Với những quyết sách sai lầm, họ sẽ không chỉ gây ra thất bại nhất thời, mà còn có thể hủy hoại toàn bộ sự nghiệp.

Vậy những điểm yếu chí mạng nào mà các lãnh đạo thường dễ bị mắc phải? Thiên “Cửu biến” trong “Binh pháp Tôn Tử” đã ghi rõ, năm điểm yếu nguy hiểm của một tướng lĩnh là: liều mạng, ham sống, nóng giận, sĩ diện, và để tình cảm lấn át. Ông còn khẳng định: “Tướng lĩnh bại trận đều do 5 nhược điểm này mà ra”.

Liều mạng

Một người lãnh đạo quyết tâm liều mạng, với bầu nhiệt huyết hừng hực trong khi thiếu suy xét kỹ càng sẽ chỉ càng thể hiện đó là một tướng lĩnh hữu dũng vô mưu, không làm nên việc lớn. Quân địch sẽ dễ dàng nắm được điểm yếu này và chúng chỉ cần bày binh bố trận, chờ thời cơ tới là có thể diệt cả đội quân. 

Đã là người lãnh đạo, nắm trong tay mình cả đạo quân, phải gánh trên vai trách nhiệm rất lớn với vận mệnh của những người khác. Nếu chỉ liều cái mạng mình vì sự vô minh, vô trí thì cũng đã là đáng tiếc. Còn như hành động liều mạng, gây hại cho bao người khác nữa thì đó là tội lớn, không thể thoái thác. Người lãnh đạo sẵn sàng liều cả mạng của người ở dưới thì sẽ không thu phục được lòng người, sớm muộn cũng chẳng còn ai tâm phúc ở bên. 

Ham sống sợ chết

Trong trận chiến, đôi khi không phải quân mạnh mà thắng, không phải cứ thấy địch hùng hậu mà sớm từ bỏ niềm tin và rút lui là bảo toàn được lực lượng. Với người tướng lĩnh nhát gan, không dám mạo hiểm, lại ham sống sợ chết thì sẽ làm cho đội quân càng nhanh bị diệt vong. Quân địch với lực lượng hùng hậu hơn, chỉ trong chớp mắt đã có thể giành thế thắng.

Người làm được lãnh đạo, không phải chỉ bởi anh ta có tài trí hơn người, mà cũng còn phải có khả năng truyền cảm hứng và tập trung được sức mạnh, niềm tin lớn lao của những người bên dưới. Lịch sử đã có biết bao bài học thực tế về những đội quân ít ỏi đã chiến thắng kẻ địch có tiềm lực quân sự gấp mấy lần mình. Tất cả đều có chung một đặc điểm: được lãnh đạo bởi thủ lĩnh dũng cảm và tài năng. Mà thật ra, dù tài năng đến mấy mà trong tình huống nguy cấp không thể bình tĩnh, dũng cảm đương đầu, thì cũng chẳng thể phát huy hết được tài năng đó. Thế nên, dũng cảm mới có thể tập trung phát huy được năng lực của mình và của người khác.

Nóng giận

Nóng giận sẽ dễ bị mắc mưu địch. Người xưa đã từng nói: “Khi nóng giận không nên đưa ra quyết định”. Chúng ta đều biết, khi tức giận, ta thường xử lý vấn đề theo cảm tính. Những lời nói, hành động lúc này thường không chính xác, dễ làm ta phải hối tiếc sau này.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Vì thế, nếu lãnh đạo là người nóng tính, dễ bực tức, thì anh ta sẽ không chịu được sự khiêu khích hoặc sỉ nhục của đối phương. Chỉ cần đối thủ có chút khiêu khích, anh ta sẽ mất lý trí và hành động một cách bồng bột.

Thành Cát Tư Hãn, người lập ra đế quốc Mông Cổ từng nói: “Hành động trong lúc tức giận chắc chắn sẽ thất bại”. Các quyết sách lãnh đạo đưa ra trong lúc bực tức liệu có đáng tin? Hay đó chỉ là cái làm cho cấp dưới một phen khiếp sợ?

Sĩ diện

Người sĩ diện cao sẽ không chịu được nhục nhã. Biết trọng cái thể diện của mình, ở một mức độ nào đó, là một đức tính tốt. Nhưng nếu cực đoan quá thì sẽ dẫn đến việc quá coi trọng thanh danh của mình. Những người này sẽ không bao giờ để danh dự của mình bị xúc phạm, không chịu được sự ấm ức trong lòng, lòng tự trọng của họ thường rất cao. Vì thế khi xảy ra chuyện xúc phạm tới danh dự của họ, họ sẽ không thể tha thứ, không thể buông xuống được. 

Vậy nên, với người lãnh đạo ưa sĩ diện, anh ta sẽ không chịu được sự xúc phạm của người khác, anh ta sẽ không bao giờ hạ mình nhận sai. Nếu đối thủ biết được tính cách này của anh ta, chắc chắn họ sẽ nghĩ cách để xúc phạm, để anh ta mất đi lý trí, rồi từ từ đưa anh ta vào tròng. 

Để tình cảm lấn át lý trí

Thông thường, ai cũng muốn có người lãnh đạo tốt, quan tâm tới mọi người. Nhưng người lãnh đạo quá trọng tình cảm sẽ làm mất đi tính kỷ luật, khiến cho thưởng phạt không phân minh, mọi việc không có giới hạn rõ ràng. Cuối cùng, việc gì anh ta cũng phải can thiệp vào giải quyết, bản thân anh ta cũng thấy mệt mỏi và có thể sẽ dần mất đi nhiệt huyết vốn có.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trên đây là 5 điểm yếu gây thất bại mà các lãnh đạo dễ mắc phải. Cho dù là tướng lĩnh nơi trận mạc hay lãnh đạo nơi thương trường, khi đã mắc phải những điểm yếu này, thì sai lầm có khi dẫn tới đại họa. Là một người lãnh đạo không thể không cẩn thận để tránh và sửa những điểm yếu này.

Và điều quan trọng nhất với một người lãnh đạo là phải biết đặt lợi ích của người khác, của tập thể lên trên lợi ích của mình. Bởi ở cương vị cao nhất, anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm với đời sống hoặc sinh mạng của biết bao nhiêu người. Hành động bột phát thiếu lý trí vì không thể kiểm soát được những nhân tâm của bản thân như 5 điều đã nói ở trên, đều là vì chưa thể nghĩ được đến người khác mà ước thúc mình mà thôi.

Quỳnh Chi
Theo Aboluowang

Exit mobile version