Đại Kỷ Nguyên

Bí quyết kinh doanh kỳ lạ của thương nhân nổi tiếng lịch sử: ‘Ai cũng có ngày mưa không mang dù, hãy cho họ đi nhờ’

Nhiều người nói “Thương trường là chiến trường”. Thực ra không hẳn như vậy. Thương trường tuy khắc nghiệt, có cạnh tranh nhưng vẫn có “đạo” của mình, vẫn tôn trọng người có đức, biểu dương lòng nghĩa hiệp. Những câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh cho bạn điều đó.

Hồ Tuyết Nham (1823 – 1885) là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỷ 19. Sự nghiệp làm ăn của ông là cả một huyền thoại. Ông xuất thân là dân nghèo ở tỉnh An Huy, đến Hàng Châu giúp việc cho một ngân hiệu. Sau này ông có ngân hiệu riêng và mở rộng kinh doanh đến nhiều lĩnh vực khác. Trong lịch sử đời nhà Thanh, Hồ Tuyết Nham là một cái tên rất nổi tiếng trong giới thương nhân.

Sở dĩ ông có thể kết giao rộng rãi, có được nhiều bằng hữu tâm giao sinh tử có nhau, tất cả là đều nhờ vào một nguyên nhân. Trong tất cả mọi việc, Hồ Tuyết Nham luôn biết nghĩ cho người khác trước tiên, sau đó mới lo cho bản thân mình. Nói theo cách của Hồ Tuyết Nham thì chính là “Nửa đêm trước nghĩ bản thân, nửa đêm sau nghĩ cho người khác”. 

Nguyên tắc làm ăn trên đời là không được làm tổn thương đối tác

Một người quen của Hồ Tuyết Nham là Vương Hữu Linh mua được chức quan, dựa vào quan hệ tốt mà được phụ trách quản lý cục hải quân Chiết Giang. Khi niềm vui chưa kịp tận hưởng bao lâu thì ông đã phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề như ngàn cân treo sợi tóc.

Cục hải quân phải chịu trách nhiệm vận chuyển lương thực của triều đình về Bắc Kinh. Muốn vận chuyển dễ dàng thì thuận tiện nhất là đi đường thuỷ. Nhưng đường thuỷ đã lâu năm không tu sửa, hạn hán kéo dài lại khiến tàu thuyền không thể đi lại được. Lương thực lâu ngày không thể vận chuyển về Bắc Kinh, triều đình không ngừng hối thúc. Cũng vì việc này mà quan tiền nhiệm trước đây phải tự sát. Nếu Vương Hữu Linh cũng không hoàn thành nhiệm vụ lần này, không cần nghĩ cũng đã biết được kết cục ra sao. 

Hồ Tuyết Nham nghĩ ra một cách có thể giải được mối nguy: Đến Thượng Hải mua lương thực sau đó vận chuyển về Bắc Kinh. Vương Hữu Linh nghe xong vô cùng sung sướng, giống như chết đuối vớ được cọc, liền nhờ Hồ Tuyết Nham ra mặt xử lý việc này.

Hồ Tuyết Nham dựa vào chỗ quen biết mượn được 20 vạn lượng bạc, sau đó cùng với Vương Hữu Linh, Trương Bàn Tử cùng nhau đến Thượng Hải. Họ thăm dò được hãng bang Tùng Giang chuyên buôn bán, vận chuyển lương thực đang có đủ số lương thực mình cần trong kho. Thế là Hồ Tuyết Nham cùng với Trương Bàn Tử quyết định đến tổng cục bang Tùng Giang một chuyến. 

Nguyên tắc làm ăn trên đời là không được làm tổn thương đối tác. Ảnh dẫn theo thongtindulichmoinhat.com

Hồ Tuyết Nham khéo léo đả thông mối quan hệ với Nguỵ Lão Gia Tử, sư phụ của Vưu Ngũ, người phụ trách bang Tùng Giang. Ông ngỏ ý muốn mượn số lượng thực này thế vào kho hải quân, đến lúc xong việc sẽ trả lại. Hồ Tuyết Nham tính toán hiện nay giá lương thực đang tăng, nếu đi mua thì rất bất lợi. 

Lúc cùng ăn cơm, vì có Nguỵ Lão Gia Tử nói đỡ lời cho nên trong bữa ăn tuy miệng thì nói “Được, được” nhưng trong lòng Vưu Ngũ vẫn còn chần chừ không biết phải làm sao. Bản thân Vưu Ngũ cũng có nhiều chỗ khó xử: Lương thực trong kho ngay một lúc bị thâm hụt hết đi, lấy gì để bù vào? Bang Tùng Giang sẽ đi vào chỗ khó khăn, không có lương thực buôn bán, anh em huynh đệ lấy gì sinh nhai? Muốn làm ăn việc gì cũng đều cần bỏ tiền mua mối làm ăn, tất cả đều phải nhờ vào việc buôn bán số lương thực này để ứng phó. Tuy cho hải quân mượn số lương thực này có được một chút lợi nhuận nhưng sau này thu hồi về vẫn là lương thực cũ, so với việc buôn bán bây giờ thì không hợp lý bằng. 

Hồ Tuyết Nham quan sát lời nói và sắc mặt của Vưu Ngũ cũng đoán được ông này có chỗ phân vân, tính toán, liền thành thực nói: “Ngũ huynh, chúng ta đã là người một nhà, có gì cứ nói. Nếu như huynh có chỗ nào khó xử chúng ta cùng nhau thương lượng. Cái khó của huynh cũng là cái khó của chúng ta. Ta không thể chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không nghĩ cho người khác”. 

Vưu Ngũ trong bụng nghĩ: “Chả trách Lão Gia Tử xem trọng người này như vậy”, rồi cảm kích mà nói rằng: “Nhạc thúc, ngài đúng là người nhận hậu độ lượng, Lão Gia Tử đã có lời căn dặn rồi, ngài không cần phải lo lắng. Chúng ta lần đầu gặp mặt cứ thong thả dùng bữa. Ngày mai công việc cứ tiến hành như thường thôi”. 

“Ngũ huynh Không thể nói vậy được! Như vậy sẽ khiến trong lòng ta bất an”, Hồ Tuyết Nham tiếp lời: “Nếu việc này huynh có thể giúp được thì hãy làm, nếu miễn cưỡng thì chúng tôi thà rằng đi tìm cách khác. Làm ăn trên đời không thể tổn hại bạn hữu được, lợi mình hại người là việc trước nay tôi không bao giờ làm”.  

Nghe xong, Vưu Ngũ trầm lặng một hồi rồi nói ra những chỗ khó khăn của mình. Sau đó, Hồ Tuyết Nham thương lượng với Trương Bàn Tử, đưa một số bạc cho Vưu Ngũ xử lý khó khăn trước mắt, đợi sau này khi bán được hết lương thực thì trả lại. Trương Bàn Tử thấy vậy rất lấy làm bội phục, đem 10 nghìn lượng bạc đưa cho Vưu Ngũ. Vưu Ngũ nhận số bạc cảm kích vô cùng.

Lời nói của Hồ Tuyết Nham khi vừa xuất ra đã thể hiện là bậc quân tử có phẩm chất hơn người, thấu tình đạt lý, biết suy nghĩ chu đáo cho người khác. Điều đó khiến ông nhận được sự kính trọng và tin tưởng của Vưu Ngũ, giúp bản thân sau này có được một chỗ tin cậy để làm ăn. 

Ai cũng có lúc ngày mưa không mang dù

Một hôm, có người thương nhân đến bái kiến Hồ Tuyết Nham với vẻ mặt vô cùng lo lắng. Ông đang cần gấp một lượng tiền lớn để đầu tư, muốn đem cầm cố toàn bộ sản nghiệp để vay tiền Hồ Tuyết Nham. Các chủ chi nhánh cửa hàng của Hồ Tuyết Nham đã rất phấn khích, cho đó là một cơ hội tốt để ông có thể cho vay lãi suất cao. Riêng Hồ Tuyết Nham vẫn giữ vẻ bình tĩnh, mau chóng cử người đến điều tra, dò la câu chuyện thực hư.

Sau khi xác nhận câu chuyện vị thương nhân nói là hoàn toàn chính xác, Hồ Tuyết Nham lập tức thông báo cho ngân hàng chuẩn bị ngân lượng. Nhưng vì số tiền cần cho vay là rất lớn nên các ngân hàng tư nhân lúc đó không chuẩn bị đủ. Hồ Tuyết Nham phải huy động thêm phần còn lại từ lượng tiền mặt trong các cửa hàng, chi nhánh của mình.

Ngày thứ hai, Hồ Tuyết Nham mời vị thương nhân kia tới, không chỉ đáp ứng lời thỉnh cầu của ông ta, Hồ Tuyết Nham đã cho ông này cầm cố theo giá thị trường của tài sản (thông thường giá trị cầm cố của tài sản thường rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản đó trên thị trường). Trong giới kinh doanh, hành động của Hồ Tuyết Nham thực sự rất cao thượng.

Người thương nhân kia rất lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao Hồ Tuyết Nham lại có thể bỏ qua một cơ hội kiếm tiền như thế. Hồ Tuyết Nham vỗ vai người thương nhân trấn an và nói: “Ta chỉ là tạm thời giúp ông bảo quản những tài sản đem cầm cố, đợi đến ngày ông vượt qua được khó khăn này thì có thể chuộc lại, chỉ cần giá chuộc của ông nhiều hơn giá gốc hôm nay một ít là được rồi”.

“Nếu bạn có thể cho người khác dùng chung dù, thì người khác cũng tự nguyện cho các bạn đi nhờ dù”. Ảnh dẫn theo vtimes.com.au

Người thương nhân rất lấy làm cảm kích Hồ Tuyết Nham, không biết nói gì. Sau khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản, người thương nhân cúi thấp đầu chào Hồ Tuyết Nham và xúc động rời khỏi Hồ gia.

Người đó vừa rời đi, người nhà Hồ Tuyết Nham cứ còn thắc mắc mãi vì sao không lợi dụng ông ta, kiếm một khoản lợi lớn. Hồ Tuyết Nham nhâm nhi ly trà nóng và kể lại câu chuyện của ông lúc còn trẻ:

“Ta lúc còn trẻ phải đi làm thuê, ông chủ thường để ta làm sổ sách kế toán và đi đòi nợ. Có một lần, lúc đang đi trên đường dưới trời mưa to, ta gặp một người lạ đang trú mưa. Hôm đó ta có mang theo dù che mưa, liền cho người kia dùng chung dù. Từ đó, vào những hôm trời mưa ta vẫn thường cho những người lạ như thế dùng chung dù. Một thời gian sau, trên đoạn đường đó có rất nhiều người biết ta và những lúc trời mưa mà quên không mang dù ta cũng không phải lo sợ gì, bởi vì có rất nhiều người giúp ta, cho ta đi nhờ dù”.

Hồ Tuyết Nham mỉm cười nói: “Các ông nếu có thể cho người khác dùng chung dù, thì người khác cũng tự nguyện cho các ông đi nhờ dù”.

“Với người thương nhân kia, tất cả sản nghiệp có thể là do tổ tiên truyền lại. Nếu ta ép ông ta cầm cố với giá thấp đương nhiên là có lãi lớn. Nhưng như vậy sẽ khiến ta thấy áy náy cả đời không yên. Ở đây không phải là chuyện kinh doanh nữa mà là đạo đức. Ai cũng có lúc này lúc khác, có thể giúp người qua cơn khó khăn thì ta cứ giúp là được rồi”.

Mọi người sau khi nghe Hồ Tuyết Nham nói xong thì im lặng hồi lâu. Giúp đỡ người khác thì không nên cầu báo đáp, hậu tạ. Người thương nhân về sau khi chuộc lại đồ cầm cố của mình đã được Hồ Tuyết Nham xem như một người bạn và cùng hợp tác làm ăn.

***

Một người muốn làm ăn thắng lợi trên thương trường, khi xử thế cần phải biết đứng từ góc độ của người khác mà suy nghĩ mọi việc. Đối với bất kỳ vấn đề gì đều cần phải suy xét thiệt hơn, nghĩ đến chỗ khó khăn của người khác trước tiên rồi mới quyết định, tránh những tổn thất. Làm được điều đó chính bạn sẽ nhận được sự kính trọng của người khác, được mọi người vui vẻ hợp tác.

Trong đời không phải lúc nào bạn cũng đi qua mọi chuyện một cách thuận buồm xuôi gió. Muốn thành công, bạn không thể chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân của mình. Giúp đỡ, tương trợ nhau vốn luôn là chuyện đáng làm vậy. Khi người khác gặp cảnh mưa gió khốn cùng, tuyệt đối đừng keo kiệt, bỏ mặc mà hãy mở rộng lòng, khoan dung, chia sẻ chiếc dù của bạn với họ.

Năm tháng lấy đi sự yêu kiều nhưng cho ta trí tuệ

Exit mobile version