Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn thân thế và tư tưởng của Lão Tử, nghìn năm sau người đời còn chưa giải được

Trong nghiên cứu văn hóa nước Sở hiện nay, người ta thường đưa Lão Tử vào một trong các nhân vật kiệt xuất của văn hóa Sở. Những sự việc về ông, ngày sinh ngày mất, quê quán ở đâu, tên họ thế nào, trước tác thật hay giả, mãi vẫn chưa có kết luận mỗi người nói một cách, vẫn là một bí ẩn thiên cổ.

Xuất thân bí ẩn

“Sử ký – Lão Tử Hàn Phi liệt truyện” viết: “Lão Tử là người thôn Khúc Nhân, xã Lệ, huyện Khổ, nước Sở. Ông họ Lý, tên Nhĩ, tự Đam, là thủ thư trông coi tàng thất nhà Chu”. Do đó có thể đoán Lão Tử là người nước Sở. Nhưng hiện nay nói về thôn cũ của Lão Tử lại có rất nhiều dị bản khác nhau, có thuyết nói là Lộc Ấp – Hà Nam, có thuyết là Oa Dương – An Huy, có thuyết là Tùy Châu – Hồ Bắc, có thuyết là Kinh Môn – Hồ Bắc, v.v…

Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên ghi chép 2 thuyết. Một là: “Có người nói, Lão Lai Tử cũng là người nước Sở, viết sách 15 thiên, nói là để Đạo gia sử dụng, sống cùng thời với Khổng Tử”. Thuyết thứ hai là: “Sau khi Khổng Tử mất 129 năm, mà sử ký Chu Thái sử Đam gặp Tần Hiến Công nói: “Ban đầu Tần và Chu hợp, hợp 500 năm thì ly tán, ly tán 70 năm thì xuất hiện bá vương”. Có người nói Đam tức là Lão Tử, cũng có người nói không phải.

Ngoài ra, Tư Mã Thiên trong “Sử ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện” có nói: “Người mà Khổng Tử tôn kính: ở Chu là Lão Tử… Ở Sở là Lão Lai Tử”. Ghi chép này đã gây ra vô số tranh luận từ xưa đến nay. Người đầu tiên đưa ra nghi vấn “Lão Tử” là trước tác của Lão Đam là Thôi Hạo thời Bắc Ngụy. Sau đó đến tận thời Thanh, không ngừng có người cho rằng “Lão Tử” không phải là trước tác của Lão Đam. Cũng có người cho rằng Lão Đam, Lý Nhĩ, Lão Lai Tử, Thái Sử Đam không phải là một người.

Về ngày sinh mất của Lão Tử cũng không có ghi chép xác định. “Sử Ký” có ghi: “Có lẽ Lão Tử trên 160 tuổi, có người nói trên 200 tuổi, do ông tu Đạo mà trường thọ vậy”. Lão Tử tu đạo đức, học thức của ông là ẩn mình, vô danh làm gốc. Sống lâu trong thời Chu, thấy Chu suy vong, liền đi. Đến quan ải, lệnh Doãn quan ải mừng nói: “Thầy đi ở ẩn vậy, xin làm sách cho con”. Thế là Lão Tử viết sách thượng hạ thiên, nói ý nghĩa của Đạo Đức, hơn 5 nghìn chữ rồi đi, không biết ông sau này ra sao”.

Giới học thuật ngày nay căn cứ “Sử Ký”: “Khổng Tử đến nước Chu, hỏi Lão Đam về lễ” suy đoán, Lão Tử hơn Khổng Tử 20 tuổi, năm sinh của ông ước là năm 711 trước Công Nguyên. Nhưng “Liệt Tiên truyện” có chép, Lão Tử sinh thời Ân. Các điển tịch Đạo giáo như “Đạo Đức chân kinh quảng Thánh nghĩa” của Đỗ Quang Đình cuối đời Đường, “Do long truyện” của Giả Thiện Tường đời Bắc Tống đều nói, Lão Tử sinh năm Vương Vũ Đinh thứ 9, triều Ân thứ 22, sinh vào giờ Mão ngày 15 tháng 2 năm Canh Thìn.

Do vậy, theo khảo chứng của những người có công năng: Lão Tử ở thời Thượng Tam Hoàng là Pháp sư Huyền Trung, thời Hạ Tam Hoàng là Kim Khuyết Đế Quân, thời Phục Hy là Úc Hoa Tử, thời Thần Nông là Cửu Linh Lão Tử, thời Chúc Dung là Quảng Thọ Tử, thời Hoàng Đế là Quảng Thành Tử, thời Chuyên Hiệt là Xích Tinh Tử, thời Đế Khốc là Lộc Đồ Tử, thời Nghiêu là Vụ Thành Tử, thời Thuấn là Doãn Thọ Tử, thời Hạ Vũ là Chân Thành Tử, thời Ân Thương là Tích Tắc Tử, thời Chu Văn Vương là Thủ Tàng Sử.

Ở nước Việt là Phạm Lãi, ở nước Tề là Si Di Tử, ở nước Ngô là Đào Chu Công… cũng là nói, Lão Tử ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, ở các nơi khác nhau đã chuyển sinh qua. Do đó ngay cả nhà sử học tiếng tăm lẫy lừng Tư Mã Thiên cũng không rõ Lão Đam, Lý Nhĩ, Lão Lai Tử, Thái Sử Đam rốt cuộc có phải là cùng một người hay không.

Qua các thời kỳ khác nhau mà lai lịch của Lão Tử đã trở nên một ẩn số. (Ảnh: Cnn.com)

Bóp méo và diễn giải sai trái

Chính quyền Trung Quốc nghiên cứu về Lão Tử và “Đạo Đức Kinh” có thể chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ 1950 đến 1966. Thời kỳ thứ hai từ năm 1967 đến 1975; thời kỳ thứ ba từ năm 1976 – sau Cách mạng văn hóa đến nay.

Thời kỳ thứ nhất từ 1950 đến 1966: Giai đoạn này không biết có phải nguyên nhân Mao Trạch Đông thích tìm hiểu về Lão Tử hay không, nhưng đã có khoảng 100 bài viết của giới triết học Trung Quốc nghiên cứu tư tưởng Lão Tử, chủ yếu tìm hiểu tư tưởng Lão Tử là duy vật hay duy tâm, “Lão Tử” đại diện cho lợi ích giai cấp nào, “Đạo” của Lão Tử là cái gì…

Một trong những nhân vật tiêu biểu nghiên cứu Lão Tử đương đại của Trung Quốc là Phùng Hữu Lan, từng là giáo sư khoa Triết học Đại học Bắc Kinh. Nghiên cứu của Phùng Hữu Lan về Lão Tử qua các giai đoạn có thể thấy rõ sự bóp méo và phê phán Lão Tử như thế nào.

Trước năm 1949, Phùng Hữu Lan chưa dùng phương pháp phân tích giai cấp để nghiên cứu Lão Tử. Khi đó, Phùng cho rằng Lão Đam và Lão Tử không phải là cùng một người, Lão Tử là người xuất hiện sau thời Khổng Mặc, người trước tác “Lão Tử” là Lý Nhĩ.

Về Lão Đam và Lão Tử có phải là cùng một người hay không, giới học thuật có những ý kiến khác nhau, tuy nhiên lý giải của Phùng Hữu Lan đối với tư tưởng Lão Tử rất nông cạn, nhưng chí ít nghiên cứu khi đó còn giới hạn trong giới học thuật, chưa chịu ảnh hưởng của các quan điểm chính trị.

Những năm 1960, trong “Lịch sử Triết học Trung Quốc”, Phùng Hữu Lan biên soạn (1960-1964) đã nhìn Lão Tử qua một lăng kính khác, đó là chú trọng nhấn mạnh nguồn gốc đấu tranh giai cấp và từ đó phân tích tư tưởng của Lão Tử. Đây cũng là phương pháp phân tích phổ biến của các học giả Trung Quốc đương thời nghiên cứu Lão Tử.

Cao trào của thời kỳ đại cách mạng văn hóa diễn ra tại Trung Quốc, đình chùa bị phá hủy , tư tưởng nho gia, Lão Tử trở thành thứ bị coi là ngớ ngẩn. (Ảnh: Youtube)

Phùng Hữu Lan cho rằng, “Lão Tử” là hình thái triết học quá độ từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến, Lão Tử là đại diện cho quý tộc chủ nô. “Đạo” của Lão Tử thì được ông ta diễn giải là “chủ nghĩa duy vật đơn giản chất phác”. Tư tưởng chính trị của Lão Tử là trị quốc an dân, quốc gia lý tưởng là một quốc gia được Thánh nhân cai trị thì được ông ta cho là biểu hiện tư tưởng của quý tộc suy thoái.

Lão Tử phê phán người ham mê danh lợi, coi trọng hưởng thụ và bản thân mình, thuyết rằng “đáng quý nhất là khi người ta biết đem thân ra phụng sự thiên hạ”. Nhưng Phùng Hữu Lan dựa vào đó lại phân tích ngôn luận Lão Tử “chứa đầy phê phán của giai cấp quý tộc suy thoái đối với giai cấp địa chủ mới nổi đang thống trị đương thời”.

Quốc gia lý tưởng trong nhãn quan của Lão Tử là một quốc gia nhỏ mà trong đó nhân dân sống thuận hòa với thiên nhiên, không tư dục, không ganh đua, mà chỉ sống theo đạo vô vi. Con người không tranh giành quyền lợi thì thiên hạ không có chiến tranh cho nên quốc gia dẫu có xe cộ, thuyền bè, binh giáp cũng không dùng đến. Khi người dân có đời sống thái hòa gần gũi với thiên nhiên thì người đứng đầu quốc gia ấy có thể “giũ áo, chắp tay, không làm (vô vi)” mà thiên hạ cũng được thái bình.

Nhưng Phùng Hữu Lan lại cho rằng quan điểm “nước nhỏ dân ít” ấy là quan điểm của chủ nghĩa phục cổ thụt lùi, phản động”… Cuối cùng ông ta phê phán “Đạo” của Lão Tử. Rõ ràng, Phùng Hữu Lan đã phủ định thành quả nghiên cứu trước năm 1949 của chính mình.

Còn có một số học giả khác, hoặc là cho rằng Lão Tử đại diện cho tư tưởng công nông suy thoái, hoặc là phản ánh yêu cầu của tiểu chủ nô đương thời, còn “Đạo” của Lão Tử là chỉ thực thể vật chất…

Nhưng bất kể quan điểm của Phùng Hữu Lan hay các học giả khác thế nào, họ đều không thoát ly phương pháp phân tích giai cấp mà xa rời tư tưởng Lão Tử, chối bỏ nội hàm mật thiết và thâm sâu giữa “Đạo” và “Đức” của Lão Tử, thế tục hóa Lão Tử, khiến dân chúng không còn tín phụng vào Thần Phật, không còn tôn kính và thờ phụng Lão Tử nữa. Những phân tích sai lệch của giới học thuật đã làm cho tư tưởng của Lão Tử bị bóp méo nghiêm trọng.

Theo zhengjian.org
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version