Đại Kỷ Nguyên

Bành Đức Hoài, nguyên soái của ĐCSTQ, bị ‘chỉnh đốn’ thê thảm

Tại Hội nghị Lư Sơn năm 1959, Bành Đức Hoài đã nói lời thật về những vấn đề xuất hiện trong vận động “Đại nhảy vọt”, vì vậy mà bị đả thành đầu sỏ “đoạt đảng đoạt nước”. Ông bị phê phán trong 15 năm, bị bỏ tù 8 năm, bị phê đấu hơn 100 lần và bị thẩm vấn hơn 200 lần. 

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Năm 1955, ĐCSTQ phong cho mười người bao gồm Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn và Diệp Kiếm Anh quân hàm nguyên soái. Trong số mười đại nguyên soái này, ngoại trừ La Vĩnh Hoàn chết sớm, chín người còn lại đều bị ĐCSTQ chỉnh đốn. Trong số đó, Bành Đức Hoài là người bị chỉnh thê thảm nhất.

Hôm nay, dựa trên những tư liệu như “Bành Đức Hoài sau năm 1965” do Thẩm Quốc Phàm viết, chúng tôi sẽ kể với quý vị về quá khứ của Bành Đức Hoài khi bị tra tấn đến chết.

Mao Trạch Đông lo quân nhân tạo phản

Trước khi ĐCSTQ đoạt chính quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông cần một người như Bành Đức Hoài giúp ông ta lãnh đạo quân đội chiến đấu, vào sinh ra tử, do đó không ngần ngại khen ngợi Bành. Tháng 10 năm 1935, Mao từng viết một bài thơ: “Núi cao đường xa vũng sâu, đại quân tung hoành rong ruổi. Ai dám chĩa đao dựng ngựa? Duy có ta, Bành đại tướng quân!”

Tuy nhiên, năm 1949, khi Mao vào Trung Nam Hải làm ông chủ sau những tiếng hô “vạn tuế”, ông ta biến trở nên mẫn cảm hơn. Đặc biệt là sau khi Khrushchev, bí thư thứ nhất Trung ương ĐCS Liên Xô đưa ra một báo cáo bí mật chống lại Stalin vào năm 1956, Mao luôn lo lắng rằng ĐCSTQ cũng sẽ tạo ra một ‘Khrushchev’ để nổi dậy chống lại ông ta.

Tháng 6 năm 1957, Khrushchev đánh bại các đối thủ chính trị của mình với sự hỗ trợ của nguyên soái Zhukov của ĐCS Liên Xô. Nhưng ngay sau đó, Khrushchev lo ngại Zhukov sẽ nổi dậy chống lại mình nên tìm cớ cách chức bộ trưởng quốc phòng của Zhukov, buộc Zhukov phải về hưu. Việc Khrushchev chỉnh đốn Zhukov đã có ảnh hưởng lớn đến Mao Trạch Đông.

Ngay sau đó, Mao Trạch Đông bắt đầu lên kế hoạch chỉnh đốn quân đội. Ban đầu Mao không động đến Bành Đức Hoài. Sau khi Bành Đức Hoài trở về từ chiến trường Triều Tiên, ông trở thành phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, phó thủ tướng Quốc vụ viện, bộ trưởng Quốc phòng. Mao đã lợi dụng Bành Đức Hoài để chỉnh nguyên soái ĐCSTQ Lưu Bá Thừa, đại tướng ĐCSTQ Túc Dụ, thượng tướng ĐCSTQ Tiêu Khắc, Lý Đạt, v.v. với danh nghĩa “chống chủ nghĩa giáo điều” vào năm 1958. Kể từ đó, một nhóm “lão tướng quân” lâm vào cảnh uất ức bất đắc chí hàng chục năm.

Năm 1959, đến lượt Bành Đức Hoài trở thành mục tiêu chỉnh đốn của Mao.

Bị đả thành đầu sỏ một “tập đoàn phản đảng”

Ngày 14 tháng 7 năm 1959, tại Hội nghị Lư Sơn của ĐCSTQ, Bành Đức Hoài đã viết một bức thư cho Mao Trạch Đông, nói lên sự thật về những vấn đề xuất hiện trong vận động “Đại nhảy vọt” năm 1958. Bức thư này đã khơi dậy cơn thịnh nộ sấm sét của Mao. Ông ta ra lệnh in bức thư này phân phát cho toàn thể đại biểu tham dự cuộc họp để thảo luận, đồng thời châm ngòi một cuộc chỉ trích dữ dội đối với Bành Đức Hoài.

Theo cuốn sách “Chiến tướng khai quốc”, vào ngày 23 tháng 7, Mao đã có một bài phát biểu dài tại hội nghị, chỉ trích gay gắt bức thư của Bành là “cương lĩnh chủ nghĩa cơ hội cánh hữu”, là một “cuộc tấn công vào đảng”, đồng thời kích động nói: “Người không phạm ta, ta không phạm người, người mà phạm ta, ta tất phạm người”; “Trong trường hợp tệ nhất, thì tôi sẽ về nông thôn, lãnh đạo nông dân lật đổ chính phủ. Nếu giải phóng quân của ông không đi cùng tôi, tôi sẽ đi tìm hồng quân. Tôi nghĩ giải phóng quân cũng sẽ theo tôi đi!”

Bành Đức Hoài đã viết trong bút ký của mình: “Vào ngày 23 tháng 7, Mao Chủ tịch đã cho tôi một gậy vào mặt. Cây gậy này được gọi là ‘đánh đường lối chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh’, tất cả các món nợ cũ trong lịch sử đều bị lôi ra, lại đánh 40 đòn lớn khác, tính cả 40 đòn của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh thì tổng cộng là 80 đòn, đánh đến toàn thân thương tích, hai đùi không còn thịt”.

Vào ngày 27 tháng 7, Mao Trạch Đông tiếp tục công kích và nói: “Tôi hiểu rằng anh Bành Đức Hoài đã bất phục kể từ cuộc chỉnh phong ở Diên An. Kìm nén quá lâu, lần này liền gửi đến Lư Sơn. Anh bạn tốt, đơn giản muốn đẩy bật đỉnh Hán Dương xuống! Anh và tôi cộng sự 30 năm, anh ba phần hợp tác bảy phần bất hợp tác. Có ý kiến vì sao không đề xuất tại hội nghị Trịnh Châu? Không mang nó ra tại hội nghị Thành Đô? Hội nghị Lư Sơn sắp kết thúc, sợ không còn cơ hội nữa phải không? Do đó liền hạ chiến thư. Anh đã mắng tôi 20 ngày, chỉ danh nêu tên, thao thao không ngừng, còn muốn sao nữa?”

Cuối cùng, dưới sự thúc đẩy cường liệt của Mao, hội nghị đã thông qua “Nghị quyết về những sai lầm của tập đoàn phản đảng do Bành Đức Hoài cầm đầu”. Kể từ đó, một chiến dịch “chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” cuồng phong bạo vũ đã được triển khai trên toàn quốc. Hơn 3 triệu quan chức ĐCSTQ đã bị đả thành “phần tử cơ hội hữu khuynh”. Toàn quốc phát sinh nạn đói khiến hàng chục triệu người dân chết đói.

Bị hồng vệ binh bắt đem về Bắc Kinh

Vào tháng 1 năm 1962, ĐCSTQ tổ chức một đại hội gồm 7.000 người, bắt đầu cải chính những sai lầm đã mắc phải kể từ vận động “Đại nhảy vọt”, một số người bị đả đảo cùng với Bành Đức Hoài đã lần lượt được bình phản. Vào ngày 16 tháng 6 cùng năm, Bành Đức Hoài đã viết một lá thư khiếu nại dài 80.000 từ gửi tới Trung ương ĐCSTQ, tuyên bố rằng ông chưa bao giờ tổ chức bất kỳ “tập đoàn phản đảng” nào, yêu cầu thẩm tra lại toàn diện lịch sử của mình.

Vào tháng 7, tại Hội nghị công tác trung ương được tổ chức ở Bắc Đới Hà, Mao Trạch Đông chỉ trích Bành Đức Hoài lật ngược bản án, đề xuất cần phê phán “phong trào lật ngược bản án”. Vào tháng 9, tại Phiên họp toàn thể lần thứ mười của Trung ương ĐCSTQ khóa VIII tổ chức tại Bắc Kinh, Mao đã nói rõ: Bành Đức Hoài không thể được bình phản. Phiên họp toàn thể đã quyết định thành lập “Ủy ban chuyên án thẩm tra Bành Đức Hoài” để tiến hành thẩm tra đối với Bành.

Từ năm 1962, Mao Trạch Đông đã lên kế hoạch lật đổ “Khrushchev của Trung Quốc”, người được chỉ định kế nhiệm Mao và là chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Cho đến năm 1965, Mao đã bí mật xúc tiến quá trình này. Trước khi đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, mặc dù Bành Đức Hoài đã bị đả đảo, nhưng Mao vẫn không thể buông tâm, quyết định “điệu hổ ly sơn”.

Tháng 9 năm 1965, Mao mời Bành đến Trung Nam Hải nói chuyện, ăn uống, đi cùng với hai người mà Mao định đả đảo là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Mao đã nói rất nhiều lời tốt đẹp, chẳng hạn như “chân lý có thể đứng về phía bạn”, v.v., sau đó đề nghị Bành đến Tứ Xuyên làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Mặt trận thứ ba. Bành Đức Hoài không biết dụng ý chân thực của Mao nên khá vui mừng, đến Thành Đô vào ngày 30 tháng 11 năm 1965.

Ngày 16 tháng 5 năm 1966, “Cách mạng Văn hóa” nổ ra. Tháng 10 cùng năm, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình được xác định là đại biểu của “đường lối phản động giai cấp tư sản”. Vào tháng 12, vợ của Mao, Giang Thanh, tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, đã công khai tuyên bố: “Lưu Thiếu Kỳ là Khrushchev của đảng”. Ngay sau đó, Giang Thanh ra lệnh cho hồng vệ binh đến Thành Đô bắt cóc Bành Đức Hoài, đưa ông về Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 12 năm 1966.

Đánh gãy xương sườn

Ngày 19 tháng 7 năm 1967, theo lệnh của Giang Thanh, Bành Đức Hoài bị hồng vệ binh kéo đến Học viện Hàng không Bắc Kinh để “hội phê đấu”. Lúc mới bắt đầu, nó chỉ là “văn đấu”, nhưng sau một phen đấu khẩu, nó biến thành “võ đấu”.

Một trong năm lãnh tụ của hồng vệ binh, Hàn Ái Tinh, người đã được Mao tiếp kiến nhiều lần, đã chỉ vào mũi Bành Đức Hoài và hét lên giận dữ: “Mày có hay không phản đối Mao Chủ tịch?” Bành nói: “Tôi không phản đối Mao Chủ tịch”. Hàn Ái Tinh đấm vào mặt Bành, Bành lùi lại vài bước và ngã xuống đất. Một đám người bao vây, kéo, đánh, đấm và đá. Ai đó đấm mạnh vào ngực Bành, đầu Bành đập xuống bàn, khi ngã xuống lại đập xuống sàn bê tông, phát ra một âm thanh rất lớn.

Bành Đức Hoài bị kéo lên rồi lại xô xuống, lại kéo lên rồi lại xô xuống, bảy lần liên tiếp! Một người đàn ông to lớn đi ủng da bay lên đá vào ngực phải của Bành đang nằm trên mặt đất, Bành rên lên một tiếng rồi ngất đi. Ngày hôm sau, Bành Đức Hoài bị thương đến mức không thể ra khỏi giường nên được hộ tống đến Bệnh viện số 267 để kiểm tra. Theo hồ sơ bệnh án: “Kết quả chụp X-quang nhìn từ phía trước ngực: (1) Gãy phần giữa xương sườn thứ năm bên phải; (2) Nghi ngờ gãy phần cuối của xương sườn thứ mười bên phải”.

Hàng trăm cuộc phê đấu

Vào ngày 26 tháng 7 năm 1967, một cuộc họp gồm 10 vạn người để phê đấu Bành Đức Hoài và những người khác đã được tổ chức tại sân chơi phía nam của Học viện Hàng không Bắc Kinh. Treo quanh cổ của Bành và những người khác là những tấm bảng lớn và nặng, trên đó những cái tên được viết bằng các ký tự in đậm đều được đánh dấu bằng “×”. Họ cúi thấp đầu, mặc cho những kẻ phê đấu “dũng mãnh vạch trần, phê phán” nhưng không thể bào chữa cho mình một câu.

Sau khi hội phê đấu kết thúc, Bành và những người khác buộc phải đi bộ qua con hẻm hẹp được hình thành bởi hai hàng người giơ tay đối diện nhau. Một số người đấm đá họ, một số khạc nhổ vào họ, khiến họ nổi đầy những nốt sưng xanh, cục u tím và nước dãi.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, Hàn Ái Tinh và những người khác đã tóm lấy Bành Đức Hoài từ tay những người lính trong đồn nhờ số lượng người quá đông, kéo ông lên xe tải, chở ông đến Thiên An Môn để phê đấu tiếp. Có rất nhiều giấy thối và nước cà chua trên người Bành. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, Bành không còn có thể đi lại hay ăn uống được nữa, chỉ có thể nằm bất động trên giường.

Bắt đầu từ ngày 26 tháng 7 năm 1967, trong vòng chưa đầy hai tháng, Bành Đức Hoài, người đã bị thương nặng, bị bắt đi phê đấu bởi Viện Hàng không Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Học viện Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, Tổng bộ quân giải phóng, Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc phòng, các cơ quan trực thuộc lực lượng vũ trang và các tổ chức của họ ở Bắc Kinh, và hàng chục đơn vị nhân dân, bao gồm Tin tức hàng ngày, Đại học Sư phạm Bắc Kinh và các đơn vị văn hóa và thể thao khác nhau. Tất cả họ đã tiến hành hơn 100 “cuộc phê đấu” liên tiếp, trong đó có 12 cuộc đại phê đấu có trên một vạn lượt người tham gia. Các tội danh mà ông bị buộc tội bao gồm: chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống Tư tưởng Mao Trạch Đông, đoạt quân, đoạt đảng, đoạt nước, và thông đồng với nước ngoài, v.v.

Bành Đức Hoài đau đớn không muốn sống

Sau hàng trăm hội phê đấu, tình trạng thể chất của Bành Đức Hoài nhanh chóng ác hóa. Ngày 12 tháng 4 năm 1973, ông được hộ tống đến Bệnh viện số 301 Bắc Kinh, nơi ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng. Ngày 26/4, khi mổ cho ông, bác sĩ phát hiện khối ung thư đã di căn, lập tức cắt bỏ khối u và tạo hậu môn nhân tạo ở vùng bụng dưới bên trái.

Sau cuộc phẫu thuật, tình trạng của Bành ngày càng xấu đi, dẫn đến liệt nửa người, các tế bào ung thư lan đến vai, phổi và não của ông. Ông đau đến mức không thể kìm được, dùng răng gặm chăn, la hét và chửi bới, tay phải và chân phải chưa bị liệt, ông xé, giật và đá bừa bãi.

Tháng 2 năm 1974, cơn đau dữ dội khiến Bành Đức Hoài đổ mồ hôi đầm đìa, quằn quại trên giường. Ông từ chối truyền dịch, rút ​​kim tiêm và hét lên: “Tôi không cần thuốc của Mao Trạch Đông!” Khi được cho ăn, ông ngã xuống đất và hét lên: “Tôi không muốn ăn thức ăn của Mao Trạch Đông!”

Theo Biên niên sử của Bành Đức Hoài, trong những năm cuối đời, ông bị đau tay, đau vết rạch, đau lưng, mất ngủ cả đêm, chi dưới sưng tấy, tiểu tiện không tự chủ, da bị lở loét khi chạm vào, thậm chí nhiều lần đau phát khóc. Ví dụ, vào ngày 21 tháng 7 năm 1974, Bành từng nói với lính canh: “Đau tới mức tôi không thể làm gì. Tôi thực sự không thể chịu đựng được nữa. Các người có thể bắn tôi một phát”. Ngày 2/9, khi tổ chuyên án đến gặp Bành, Bành đã mất bình tĩnh, khóc bốn năm lần. Ngày 15/9, ông “đau vai phải, nhiều lần kêu gào thảm thiết. Đến 12h10 trưa thì tắt thở”.

Cái chết của Bành Đức Hoài

Vào 3:35 chiều ngày 29 tháng 11 năm 1974, trong gió lạnh buốt, Bành Đức Hoài, 76 tuổi, người đã bị phê phán trong 15 năm, bị bỏ tù 8 năm, bị phê đấu hơn 100 lần, bị thẩm vấn hơn 200 lần, đã tắt thở. Khi đó, không có người thân nào bên ông.

Sau khi thi thể của Bành được hỏa táng trong bí mật, tro cốt được lặng lẽ vận chuyển đến Trung tâm quản lý tang lễ ở ngoại ô phía đông Thành Đô, Tứ Xuyên, trên đó có ghi dòng chữ “Vương Xuyên, nam, 32 tuổi”. Chỉ có Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Đoàn Quân Nghị, Lý Đại Chương và rất ít người khác biết rằng đó là tro cốt của Bành Đức Hoài.

Bành Đức Hoài, người từng chỉ huy đội quân trăm vạn, vì ĐCSTQ “đả giang sơn” lập công lao hàn mã, chỉ vì nói ra một vài câu chân thật, liền bị ĐCSTQ chỉnh đốn hết lần này đến lần khác, cuối cùng chết trong thống khổ. Sau Hội nghị Lư Sơn năm 1959, rất ít người trong ĐCSTQ dám nói ra lời thật. Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn đả kích bất cứ ai dám nói ra lời thật.

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version