Đại Kỷ Nguyên

‘Bách bộ xuyên dương’: Thực hư câu chuyện đứng xa trăm bước bắn xuyên lá dương?

Để chứng kiến tài nghệ của Dưỡng Do Cơ, mọi người kéo nhau đến phía cây dương đông nghịt. Có kẻ nhanh tay lấy mực đánh dấu vào một chiếc lá dương mảnh nhất còn đang đong đưa trước gió…

Tích truyện này tương truyền có từ đời Xuân Thu (khoảng 551 – 479 trước Công nguyên), kể rằng:

Tướng Dưỡng Do Cơ và Phan Đảng đều là người nước Sở, cả hai có tài thiện xạ bách phát bách trúng, áp đảo vạn cung. Một hôm, hai người bèn hẹn nhau phân tài cao thấp:

Phan Đảng bước lên bắn trước, bắn luôn ba phát đều trúng hồng tâm.

Dưỡng Do Cơ thấy thế cả cười nói:

– Các hạ bắn trúng hồng tâm như thế cũng chưa lấy gì làm lạ. Tại hạ có thể đứng cách xa trăm bước mà bắn trúng lá dương.

Mọi người nghe vậy thì đều xôn xao bàn tán lấy làm hiếu kỳ, bởi lẽ cây dương ấy vốn thuộc họ lá kim, mỗi nhánh lá chỉ mảnh như cây kim sợi chỉ, đứng xa bách bộ (trăm bước), nhìn còn không được rõ huống chi là có cơ bắn trúng! Nhưng Dưỡng quả quyết nói:

– Đánh dấu vào một lá dương, ta đứng xa trăm bước, bắn một phát trúng giữa lá ấy. Cung pháp này gọi là: “Bách bộ xuyên dương”.

Để chứng kiến tài nghệ của Dưỡng Do Cơ, mọi người kéo nhau đến phía cây dương đông nghịt. Có kẻ nhanh tay lấy mực đánh dấu vào một chiếc lá dương mảnh nhất còn đang đong đưa trước gió.

Do Cơ đứng xa trăm bước, giương cung lắp tên, bắn ra một phát… Không thấy tên rơi xuống đất, mọi người đổ đến cây xem. Thì ra mũi tên ấy đang cắm phập trên cành cây dương trước khi kịp bay xuyên qua chiếc lá, cắt đúng vào điểm đã bôi mực!

Do Cơ đứng xa trăm bước, giương cung bắn. (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Phan Đảng xem chừng vẫn chưa phục, nói:

– May mà trúng được đấy thôi! Bây giờ, tại hạ cứ theo thứ tự mà đánh dấu vào ba chiếc lá, lại mời các hạ cứ theo thứ tự mà bắn. Nếu trúng được cả ba thì mới là tay quái kiệt trong làng cung thủ.

Phan Đảng miệng nói tay làm, liền đánh dấu liên tiếp vào ba chiếc lá. Mỗi chiếc lá nằm trên một nhánh cây khác nhau: chiếc đề chữ “Nhất”; chiếc đề chữ “Nhị”; chiếc đề chữ “Tam”.

Dưỡng Do Cơ chẳng nói chẳng rằng, lướt nhìn qua một lượt, đoạn lui ra hẳn ngoài trăm bước, lại theo thứ tự của mỗi chiếc lá: một, hai, ba mà bắn luôn ba phát. Thảy đều trúng cả.

Mọi người chứng kiến chuyện ấy thảy đều reo hò bội phục. Có kẻ cũng là cung thủ thiện xạ chắp tay xá Do Cơ ba lượt, nói:

– Quả thật là thần nhân!

Phan Đảng trong lòng thốt nhiên cũng phải khen thầm, nhưng cũng muốn khoe tài của mình, bảo:

– Các hạ bắn như thế cũng là giỏi, nhưng đường tên mũi đạn ngoài độ chính xác ra thì cần phải có lực độ mới được. Ta đây có thể bắn xuyên thấu được qua mấy lần áo giáp.

Nói xong họ Phan liền hô quân sĩ xếp bảy lần áo giáp liền nhau, dày gần một thước. Lại sai đem bảy lần áo giáp ấy treo lên đích bia. Mọi người đều cho là kế bất khả thi: Bảy lượt áo giáp mà đứng cách xa như thế thì khó lòng mà bắn xuyên qua được.

Phan Đảng lúc này đứng xa trăm bước, cố sức thẳng cánh giương cung bắn một phát. Chỉ nghe tiếng tên xé gió bay vút đi mà không thấy tên rơi xuống đất, mọi người đổ lại xem, reo ầm lên:

– Thật tài! Thật tài!

Phan Đảng cũng trổ tài bắn tên qua áo giáp. (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Nguyên là Phan Đảng bắn mạnh quá, tên ấy xuyên thấu bảy lần áo giáp bén như đinh đóng cột. Phan có vẻ tự đắc, truyền cho quân sĩ đem mấy lần áo giáp ấy xuống, định đưa cho tất cả trại lính cùng xem. Nhưng Dưỡng Do Cơ bảo:

– Khoan đã, đừng hạ xuống vội. Để ta thử bắn một phát nữa xem sao.

Đám đông vui vẻ đồng ý.

Dưỡng Do Cơ giương cung toan bắn lại thôi. Mọi người lấy làm lạ hỏi, Dưỡng nói:

– Nếu cứ theo lối cũ mà bắn như vậy thì không lấy gì là hay. Ta sẽ có một cách bắn khác hơn.

Nói xong liền bắn ngay một phát.

Mũi tên đi không cao, không thấp, không lệch về tả, không thiên sang hữu mà lại cắm thẳng ngay cái đốc tên của Phan Đảng và đẩy mũi tên của họ Phan rơi lọt qua bên kia. Còn mũi tên của Dưỡng Do Cơ thì cắm thay vào chỗ lỗ thủng ấy.

Mọi người xem thấy đều lắc đầu le lưỡi, hết lời ca tụng Dưỡng Do Cơ.

Bấy giờ Phan Đảng cũng chắp tay vô cùng bội phục. Thành ngữ ‘Bách bộ xuyên dương’ âu cũng được truyền tụng từ độ ấy.

Đường Trung nguyên
(Tài liệu tham khảo: Điển hay tích lạ)

Exit mobile version