“Tuổi trẻ mà không đi du lịch, không mạo hiểm, không nỗ lực học tập, cả ngày chỉ lướt face book, chơi game, làm những việc mà bà lão 80 tuổi như tôi cũng làm được… thì cần thanh xuân để làm gì?”.
Lời nhận xét trên quả là đáng suy ngẫm. Nếu thời trẻ chỉ truy cầu cuộc sống an nhàn, thoải mái dễ chịu, sợ thử thách, không dám đột phá giới hạn của bản thân… thì đến khi tuổi tác cao niên, chúng ta sẽ lấy gì để hưởng thụ cuộc sống?
Thế nên, nỗ lực là cần phải tương xứng với tuổi tác.
Thành công không phải vì ưu tú, mà là vì kiên trì
Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 12. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua lớp cô đạt thành tích xuất sắc, 100% học sinh đỗ vào các trường đại học chính quy, trong đó rất nhiều em đậu vào các trường danh tiếng. Vì vậy cô đã được nhà trường biểu dương, được khen thưởng và thăng chức.
Rất nhiều người đến chúc mừng, khen cô có tài, có năng lực. Nhưng cô chỉ nhỏ nhẹ nói rằng bản thân không có bí quyết gì đặc biệt ngoài việc kiên trì, dù khó khăn thế nào cũng không bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc.
Cô bắt đầu chủ nhiệm từ lớp 10. Đó là lớp học cá biệt, tập trung tất cả những học sinh nghịch ngợm và khó bảo nhất trong trường. Do đó ngoài việc lo lắng về kết quả học tập của trò, cô còn phải lo nghĩ về kỷ luật. Ngoài giờ dạy trên lớp cô còn phải tham gia đào tạo và viết luận văn nghiên cứu khoa học. Một ngày làm việc của cô là từ sáng sớm đến tối muộn, cuối tuần mới có được vài giờ thư giãn hiếm hoi. Nhất là khi các em bước vào năm cuối cấp, áp lực và nỗi lo chồng chất khiến cô giảm mất 3, 4 ký.
Ở nhà, mẹ chồng thường tỏ ra cau có, oán trách rằng con dâu chỉ nghĩ đến công việc mà quên mất gia đình. Trên lớp, có vị phụ huynh thậm chí còn tỏ ý không muốn phối hợp với giáo viên trong việc kèm cặp con trẻ, khiến cô rất đau đầu.
Nhưng trên đời có công việc nào là việc nhẹ nhàng? Cô tự nhủ rằng mình đang ở tuổi sung sức nhất, có thể nỗ lực nhiều nhất mà lại không nỗ lực, không dám bỏ công sức thì sau này sẽ chẳng còn gì ngoài nuối tiếc. Như vậy là không chỉ có lỗi với học sinh, mà còn là có lỗi với chính mình.
Đối diện với những áp lực vô hình mà không ai hiểu, không ai cảm thông, cô vẫn một mình lặng lẽ chịu đựng, vẫn một mực kiên trì đến ngày nay.
Người thành công không nhất định là người ưu tú nhất, nhưng nhất định phải là người kiên trì bước đi xa nhất. Đời người rất nhiều lúc không thể dùng đạo lý suông để nói, mà chỉ có thể vững vàng tự bước đi.
Dám thất bại để thành công
Trong cuộc đời, việc không như ý có đến 8, 9 phần. Nếu chúng ta luôn đối đãi bằng thái độ lạc quan và bao dung, thì nghịch cảnh cũng sẽ trở thành cơ hội.
Một nhân viên kinh doanh kể về trải nghiệm của mình: Năm ấy vào dịp giáp Tết, anh không may để mất một đơn hàng lớn. Anh đã theo khách hàng này cả nửa năm, vậy mà cuối cùng vẫn bị đối thủ cạnh tranh giành giật mất.
Vợ anh không một lời chê bai, trái lại còn an ủi:
– Việc dẫu lớn thế nào thì cũng chẳng thể nhiều hơn ‘sau này mỗi người một bát phở’.
Anh lấy lại lòng tin và nói:
– Dịp Tết này anh vẫn sẽ đến thăm khách hàng tìm cơ hội. Vợ chồng mình gắng tiết kiệm giảm ăn giảm tiêu, vay mượn bạn bè để xoay xở trả tiền nhà mấy tháng. Qua cái Tết đen đủi nhất này coi như là đã qua thời kỳ mùa đông khắc nghiệt.
Sau khi khai xuân, anh lại tiếp tục chỉnh đốn công việc, chủ động xin được công tác tại một thành phố khác để mở thị trường. Nỗ lực của anh quả đã không uổng phí, nghiệp vụ mới phát triển tưng bừng, không những mang đến cho anh nhiều mối quan hệ khách hàng, mà còn tích lũy được những nguồn tài nguyên quý giá, giúp anh sớm lập nghiệp mở công ty riêng.
Việc kinh doanh của anh tiến triển rất tốt, nhưng anh vẫn làm việc chăm chỉ không ngừng. Anh thường lấy những trải nghiệm bản thân để khuyên bảo nhân viên: “Cuộc đời chính là phải kiên trì. Gặp trở ngại mà ta cứ ngỡ là không thể vượt qua thì hãy cứ kiên trì tiếp tục, nhất định sẽ thấy phong cảnh khác”.
Đắng cay có trải mới hay ngọt bùi
Không cuộc đời nào là thuận buồm xuôi gió, cũng không ai sinh ra là đã được ông Trời sủng ái, có thể mãi mãi sống cảnh an nhàn, không làm mà hưởng.
Có lúc chúng ta cách thành công chỉ ở một bước chân. Nhưng rất nhiều người lại lựa chọn từ bỏ trước khi kiên trì bước thêm một bước.
Trên con đường tới đích, điều khổ tâm nhất là phải chịu được cô độc, chịu được cô đơn, bởi luôn có một đoạn đường mà bạn phải đi một mình. Có thể quá trình đó kéo dài rất lâu, nhưng nếu bạn vượt qua được thì cuối cùng đích đến sẽ ở ngay trước mặt.
Đời người khó tránh được thất bại, nhưng người mạnh mẽ sẽ không bị thất bại làm cho lùi bước. Trái lại, càng khó khăn lại càng nên dũng cảm, biến những tháng năm gian khổ thành hoa trái ngọt ngào.
Trên thế giới này luôn luôn có một số thứ của bạn mà người khác không thể lấy đi: những quyển sách bạn đã đọc, những phong cảnh bạn đã xem, thậm chí là những giấc mơ mà vì nó bạn đã từng bị ai đó chê cười.
Chỉ cần bạn luôn dốc sức và nỗ lực hết mình thì nỗ lực ấy sẽ hòa tan vào huyết mạch và thân thể bạn, biến thành sức mạnh đưa bạn đến chân trời tươi sáng.
Thanh Bình
Bạn đang đọc bài viết: “Ai ơi giữ chí cho bền, dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai…” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |