Đại Kỷ Nguyên

Ai cũng có một người bố xứng đáng đạt điểm 10

Bố hay xấu hổ, nên chẳng bao giờ bố bày tỏ tình cảm hay nói những lời ngọt ngào với anh em Giang. Nhưng Giang vẫn có thể cảm nhận được tình cha ấm áp ấy qua những hành động không lời nhỏ bé…

Giang cầm tấm thiệp sinh nhật xinh xắn trên bàn mở ra đọc: “Con gái yêu của bố, chúc con yêu tròn 18 tuổi”. “Ui chao, bố em ướt át phết nhỉ?”, Giang nhìn Trang thoáng chút ngưỡng mộ. “Vâng, trước em ở nhà với bố, nắng chiếu vào tận cửa sổ bố em mới gọi: ‘Thiên kim tiểu thư của bố ơi! Mặt trời đứng bóng rồi đấy, dậy đi thôi!’”. Mắt Trang long lanh, toét miệng cười chẳng thể khép nổi khi tự hào nhắc đến tình yêu bố dành cho mình. Thi thoảng đọc trên facebook, Giang cũng thấy những ông bố tự hào khoe con gái là “kho báu” của đời mình như một cư dân mạng tên Việt Hoàng, hay tâm lý và đáng yêu như ông bố trong bài văn chê bố mình “không bằng bố người ta” của cô bé lớp 5.

Bố Giang lại hay xấu hổ, nên chẳng bao giờ bố bày tỏ tình cảm hay nói những lời ngọt ngào với anh em Giang. Nhưng Giang vẫn có thể cảm nhận được tình cha ấm áp ấy qua những hành động không lời nhỏ bé.

Bố Giang chẳng mấy khi mở miệng nói nhưng Giang sợ bố một phép

Hồi ấy chưa có đường bê tông như bây giờ, chỉ toàn là đường đất đổ xỉ than. Hầu như nhà nào cũng có một vườn cây và một cái ao rộng. Nhà cũng chẳng có cổng, chỉ ngăn cách với nhau bằng những rặng ruối hay hàng cây, không kín cổng cao tường như bây giờ. Ngay lối vào cổng nhà Giang một đoạn đã có tới hai cái bụi tre rậm rạp, cao vút, vươn mình ngân nga theo gió. Mỗi trưa hè tụi trẻ con trong xóm đều tụ tập dưới búi tre xanh mát, chơi gảy chun vòng, chơi bắn bi, nhảy dây… Tụi con gái còn thích tước lá của khóm dứa dại um tùm gần đó làm nhẫn, làm đồng hồ, làm bàn xoay hay ngồi vắt vẻo trên cành tre hóng mát.

Những kỷ niệm của tuổi thơ trong sáng một thời mà ai lớn rồi cũng mong được trở lại 1 lần. (Ảnh: youtube.com)

Nhà bác Thành hàng xóm có cái ao rộng mênh mông, nước trong leo lẻo. Thi thoảng những gợn sóng trên mặt ao khiến tấm thảm bèo tấm li ti xanh mướt sóng sánh, khẽ lay động. Tụi trẻ con mỗi đứa một cái cần câu mảnh khảnh, đào đào bới bới đám đất lấy vài chú giun làm mồi câu cá. Giang và tụi trẻ con đi luồn qua cái gốc cây bông to đến 3 người ôm là sang nhà hàng xóm, rồi rúc vào bụi cây cạnh bờ ao, chơi mải miết.

Giữa trưa hè trời nắng chang chang như đổ lửa, hai anh em Giang đợi bố ngủ say liền lẻn ra cầu ao chơi. Chị em Linh cũng đợi sẵn ở đó với hai chiếc chậu con. 4, 5 đứa trẻ con cả trai cả gái nhảy nhót hớn hở. Cu Long đẩy cái chậu nổi trên mặt nước và quẫy ùm ùm. Bọt nước tung lên trắng xóa như những hạt pha lê trong suốt. Linh kiếm được cây chuối nổi lềnh bềnh cũng hào hứng sải tay bơi ra bên ngoài. Chỉ còn mỗi Giang nhút nhát cứ bấu chặt lấy cái cầu ao chẳng chịu buông. Dẫu chỉ có thể thả hai chân nổi lềnh phềnh trên mặt nước, Giang cũng thích thú ra mặt.

Bất chợt Giang nghe tiếng quát từ phía sau: “Giang, về ngay!”. “Thôi chết, bị bố bắt gặp rồi. Thể nào cũng ăn một trận no đòn”. Chẳng ngoài dự đoán, Giang vừa lấm lét bước thấp bước cao về đến cửa nhà đã thấy bố cầm chiếc vọt giang đợi sẵn. Bố bặm môi, trừng mắt nhìn Giang lớn tiếng: “Ai cho con ra ao nghịch nước? Lỡ chết đuối ở đó thì sao?!”. “Con xin lỗi bố, con biết lỗi rồi ạ”, Giang mếu máo, nước mắt ngắn nước mắt dài vòng tay nhận lỗi. Bố đập chiếc vọt giang đánh đét một cái xuống đất khiến Giang giật nảy cả mình rồi hầm hầm bỏ đi, không nói thêm lời nào.

Bố Giang chẳng mấy khi mở miệng nói nhưng Giang sợ bố một phép. Vậy nên mẹ sai làm này làm nọ anh em Giang còn giao kèo, mè nheo. Nhưng bố chỉ nói một lời là hai anh em làm răm rắp, “luôn và ngay lập tức”. 

Bố chẳng bao giờ nói những lời ngọt ngào với Giang nhưng những việc làm bé nhỏ lại thay bố nói lên tất cả

Có khi ở nhà cả ngày bố chẳng nói lấy một câu, cứ lầm lũi làm nọ làm kia. Bố chẳng bao giờ gọi Giang là “con gái rượu”, cũng chẳng khi nào mở lời khen ngợi Giang. Nhưng Giang có bao nhiêu chiếc giấy khen học sinh giỏi là bố dán chi chít lên cánh tủ! Bố biết Giang không ăn được thịt mỡ, nên mỗi khi có món thịt luộc bố lại dứt phần mỡ ra cho vào bát mình, còn phần nạc gắp vào bát Giang. Giang ăn mỳ tôm cũng chẳng khi nào chan nước. Nên hễ sáng pha tô mỳ là bố lại gạn nước, chỉ gắp những sợi mỳ dài ngoằng vào bát Giang. Ngày rằm, ngày tết mẹ mới mua hoa quả về cúng cụ. Thắp hương xong, mẹ hạ xuống bổ ra đĩa bảo Giang mang qua mời bố, nhưng chẳng bao giờ bố ăn cả. Giang cứ hồn nhiên nghĩ rằng bố là đàn ông con trai nên không thích ăn trái cây. Mãi sau này lớn lên Giang mới biết bố đang phải “nuốt nước miếng” để nhường cho anh em Giang được ăn thỏa thích.

Thi thoảng tối tối đến nhà ông bạn thân chơi, bố lại rủ Giang đi và chở con gái trên cái xe đạp cọc cạch. Có khi chẳng biết nhặt được ở đâu chiếc nhẫn mỹ ký bị sứt hột đá, bố phủi thật sạch và dúi vào tay Giang khiến cô bé thích thú mãi không thôi.

Mùa hè năm ấy trên truyền hình chiếu lại “Tây Du Ký”, bộ phim tủ của Giang. Giang mê tít, cứ xem từ năm này qua năm khác cũng không biết chán. Hồi ấy cả xóm Giang chỉ có nhà bác Nam hàng xóm tậu được chiếc ti vi màu. Cứ 5 giờ chiều là tụi trẻ con trong xóm lại tụ tập đông đủ trước màn hình ti vi háo hức đón xem Tôn Ngộ Không 72 phép biến hóa thần thông. Nhưng lúc ấy lại là giờ Giang phải nấu cơm và đun nước đổ vào phích. Bố dường như hiểu được tâm nguyện của cô con gái nhỏ, nên suốt mùa hè năm ấy dù lưng bị đau, đi phải chống gậy, bố vẫn tình nguyện nấu cơm và đun nước thay cho Giang. Cứ đến giờ là Giang tung bay như con én nhỏ lượn sang nhà hàng xóm, tụ tập với tụi trẻ con và dán sát mắt vào màn hình ti vi cười thích thú.

Tụ tập với tụi trẻ con và dán sát mắt vào màn hình ti vi cười thích thú. (Ảnh minh họa: Werner Schulze)

Thi thoảng đi ăn cỗ ở đâu đó, cơm no rượu say về, bố lại loạng choạng đi vào trong nhà. Có hôm đến đêm bố mới về, bố lè nhè gọi tên Giang không dứt và lẩm bẩm chuyện gì đó. Nghe thấy tiếng bố Giang đang ngủ cũng phải tỉnh giấc, nhưng sợ bố biết nên nằm im thin thít, không dám ngo ngoe gì. Bố dụi dụi cái miệng đầy râu xồm xoàm cứng ngắc chưa kịp cạo vào sát mặt Giang. Hơi rượu bốc lên nồng nặc. Có lẽ đây là những giây phút hiếm hoi bố cởi bỏ khuôn mặt lạnh lùng của mình để bày tỏ tình yêu với con gái. Cứ thế Giang lớn lên từng ngày bên bố nhưng bố vẫn chẳng trò chuyện với Giang được vài câu.

Nhưng kỳ lạ là với bọn chó mèo và trẻ con nhà hàng xóm bố lại hớn hở và nịnh chúng ra mặt. Miu con chẳng biết đi chơi đâu về, nhảy đánh “độp” một cái từ trên trần nhà xuống đất, vươn cổ kêu “Meo! Meo!” như đang cất tiếng gọi bố. Bố ngồi trong nhà gọi vọng ra: “Bố đây! Bố đây! Miu đi chơi về nhà rồi à. Miu đi đâu đấy con?”. Miu con chạy ngay vào chỗ bố ngồi, vừa kêu nũng nịu vừa trườn trườn cái mình mềm mại quanh chân bố đòi vuốt ve. Mỗi lần nghĩ tới cảnh chiều chiều bố cắp cái quần đùi đi trước, Ky và Lu lẽo đẽo theo sau đòi “đi tắm”, Giang lại phì cười. Hễ mâm cơm có gì ngon bố cũng gọi miu con cùng Ky và Lu tới bên cạnh trực “lấy phần”. Đôi khi Giang cũng thấy ghen tị với chúng.

Giây phút ấy nước mắt của Giang hòa cùng những giọt nước mắt của bố, đột nhiên Giang xót xa nhận ra bố đã già thật rồi!

Năm ấy Giang không còn là cô bé nơm nớp sợ bố như ngày nào, cô đã ra dáng một nàng thiếu nữ chững chạc lắm rồi. Một thời trai trẻ dáng dong dỏng cao, ăn chơi “áo hoa, quần loe”, đầu tóc bóng mượt của bố đã chẳng còn. Dáng bố đã thấp đi vài phân vì chiếc lưng còng xuống và gầy sọp đi vì chẳng chịu ăn uống gì.

Một hôm trời đã về khuya, chỉ còn mình bố nằm dưới bàn thờ bà mới mất với nén hương tỏa khói nghi ngút. Đột nhiên từ phòng bên cạnh Giang nghe thấy tiếng khóc thút thít. Không tin vào tai mình, Giang hé mở cánh cửa thì tiếng khóc ngày một to hơn. Bố quấn chặt cái chăn nằm như con kén giữa nhà. Mẹ kể: “Cả tuần nay bố đều vậy, cứ đêm về là bố khóc vì nhớ bà”. Ngày bà còn sống mỗi bữa cơm bố lại xé đầy bát thịt cho bà, khiến bà nhiều phen cũng phát sợ mà phải ngồi ra chỗ khác.

Lúc này đây Giang lại cảm thấy bố giống như một cậu bé bơ vơ giữa dòng đời. Đột nhiên Giang thấy sống mũi cay cay, những giọt nước mắt rơi lã chã. Giang cúi xuống vòng tay ôm lấy vai bố thì thầm: “Bà đi rồi nhưng bố còn có con mà! Chúng con vẫn yêu bố nhiều lắm!”. Giây phút ấy nước mắt của Giang hòa cùng những giọt nước mắt của bố. Đột nhiên Giang xót xa nhận ra bố đã già thật rồi. Ước gì bố cứ mãi mạnh mẽ như ngày xưa!

(Ảnh minh họa: fanfiction.net)

Vốn đã ít nói, sau khi bà nội mất bố lại càng trở nên trầm lặng hơn. Mỗi lần về thăm nhà, Giang chỉ thấy bố dán mắt vào chiếc ti vi hay ngủ quên trên chiếc ghế sô pha tự lúc nào. Giang rón rén lại gần, lần giở chiếc chăn đơn đắp lên người bố. Bố chợt tỉnh giấc nhìn Giang và lại khép vội đôi mi.

Rồi anh trai lấy vợ và một cậu bé mũm mĩm, đáng yêu ra đời. Vốn yêu trẻ con, nên từ ngày ấy mọi người thấy bố vui hơn hẳn. Bố cười nhiều hơn, nói nhiều hơn. Ngày ngày hàng xóm lại bắt gặp cảnh bố cõng cu Tý ra bờ ao đầu làng xem cá bơi bơi, hay đứng ngắm xe cộ đi lại như mắc cửi ngoài đường cái. Cu Tý cứ ê a, ông nội cũng ê a. Hai ông cháu nói chuyện với nhau mà chẳng ai hiểu gì, chỉ thấy ông cười tít mắt và cháu cũng cười tít mắt. Cả làng đều khen ông khéo dỗ cháu.

Ngày Tết ông đẩy cu Tý trên chiếc xe nôi ra tận chợ hoa đầu làng, ngắm cành đào, rồi lại đi một vòng lên con đê xanh rờn, gió mát lồng lộng. Bố nhìn về phía mặt nước xa xăm sóng sánh những tia nắng vàng nhạt cuối ngày, chỉ cho cu Tý xem những cánh cò đang bay lượn giữa từng không. Cu Tý cứ ê a, ông nội cũng ê a…

Minh Nguyệt

Exit mobile version