Đại Kỷ Nguyên

9 tiểu tiết nhìn người chuẩn xác, liếc mắt có thể hiểu được họ là ai

Đoán biết nội tâm người khác là điều không dễ dàng. Nhưng bạn vẫn có thể nhìn được phần nào phẩm chất của họ chỉ qua vài biểu hiện, cử chỉ bề ngoài. 

Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm“, tức là “Vẽ hổ vẽ da nhưng không vẽ được xương, nhìn người nhìn mặt nhưng không nhìn thấy tấm lòng“. Nội tâm, suy nghĩ thật sự của người khác là điều vô cùng khó đoán. Vậy làm sao để biết được ai tốt, ai xấu giữa cõi đời đen bạc này?

Đôi lúc, một số tiểu tiết trong giao tiếp có thể giúp bạn nhìn ra được tính cách của một người. Tất nhiên bạn cũng cần tinh tế, nhạy cảm một chút đủ để nhìn thấy sự khác biệt.

1. Sờ gáy

Một người có cảm giác không an toàn thường có thói quen sờ vào sau gáy của mình, nhất là nữ giới. Bởi vậy khi bạn nhìn thấy người phụ nữ bên cạnh đang sờ vào sau gáy thì hãy nên suy xét một chút. Liệu có phải môi trường xung quanh làm cô ấy cảm thấy căng thẳng hoặc lời nói, cử chỉ của bạn khiến cô nàng cảm thấy không thoải mái hay không?

Một người có cảm giác không an toàn thường có thói quen sờ vào sau gáy của mình, nhất là nữ giới. Ảnh dẫn theo kienthuc.net.vn

2. Lúc lắc mái tóc 

Một người vừa nói chuyện, vừa lúc lắc mái tóc của mình một cách không tự chủ thì thường là đang khoe khoang bản thân. Điểm này bạn có thể nhận ra rõ hơn nếu chú ý tới lời nói, khẩu khí, cao độ của họ trong những tình huống cụ thể. Với nữ giới, đây là dấu hiệu tương đối chính xác.

3. Mũi chân 

Muốn phán đoán người khác có hứng thú với câu chuyện của bạn hay không, tốt nhất là quan sát xem cơ thể họ có đối diện với bạn hay không. Nếu không thể quan sát phần thân thể rõ ràng, bạn có thể quan sát mũi chân họ. Nếu không có hứng thú khi nói chuyện với bạn, mũi chân họ sẽ mở ra và có xu hướng muốn rời xa nơi bạn đang đứng.

4. Ngữ khí nói chuyện

Muốn biết một người có nói dối hay không, ngoài việc nhìn những tiểu tiết biểu hiện ra bề ngoài, có một cách cũng rất hiệu quả là chú ý tới thay đổi trong ngữ khí nói chuyện của họ. Nếu đang nói chuyện với bạn, bỗng nhiên họ phát ngôn một từ nào đó, một câu nào đó bằng ngữ điệu khác biệt, đột nhiên nhấn mạnh hơn thì có thể khẳng định đó là lời thật lòng. Họ thực sự rất muốn bạn nghe được trọn vẹn lời nói ấy, vậy nên mới đặc biệt nhấn mạnh đến thế.

Chú ý đến ngữ khí nói chuyện. Ảnh dẫn theo blogradio.vn

5. Phản ứng khi ngạc nhiên

Khi sợ hãi, phản ứng của con người đều chỉ diễn ra trong nháy mắt, ngay tức thì khi sự việc ập đến. Bạn có thể thấy rằng, trong các bộ phim diễn viên thường cường điệu quá mức cảm xúc ngạc nhiên của mình. Họ thể hiện cảm xúc sửng sốt bằng cách há hốc miệng đến cả nửa phút.

Thực ra, ở ngoài đời không có ai làm như vậy cả. Phản ứng khi gặp chuyện kinh ngạc của mọi người thường chỉ kéo dài tối đa vài giây là kết thúc. Do đó nếu thấy một người cứ luôn làm ra vẻ ngạc nhiên, sửng sốt thì rất có thể là họ đang cố che giấu cảm xúc thật của mình, đang “đóng kịch” trước mặt bạn.

6. Từ ngữ tuyệt đối

Trong câu chuyện của một người thường xuất hiện những từ mang nghĩa khẳng định hoặc phủ định tuyệt đối như: “Tôi chắc chắn“, “Tôi cam đoan“, “Sự việc này nhất định là…”, “Tôi 100% không hề biết“… Bạn hãy thận trọng, xem xét lại mức độ đáng tin cậy trong những câu chuyện mà họ đang thao thao bất tuyệt trước mặt mình. Rất có thể họ đang nói quá, phóng đại lên. Bởi vì bạn biết đấy trên đời này không có chuyện gì là tuyệt đối cả.

7. Hành động khi tức giận 

Khi một người thực sự tức giận, họ không dễ kiềm chế được hành vi của mình. Hành động của họ cũng sẽ không còn tính logic, thứ tự nữa. Điều đó không giống như trong các bộ phim, diễn viên đóng cảnh tức giận trước tiên phải đập bàn một cái, sau đó là hét lớn, đứng dậy, cuối cùng mới bắt đầu đánh mắng.

Trong tình huống cụ thể, có lẽ quy trình, thứ tự các hành động này có thể bị đảo lộn. Người ta không còn tỉnh táo để suy nghĩ quá nhiều. Họ cũng không cần bất cứ bước đệm nào mà lập tức bộc lộ sự giận dữ, mắng chửi một cách bột phát. 

Do đó, nếu nhìn thấy một người dường như đang tức giận nhưng cử chỉ, lời nói vẫn có thứ tự thì rất có thể họ không hề thực sự tức giận, hoặc ít nhất không tức giận tới mức cực điểm. 

Tức giận thì không dễ kiềm chế được hành vi của mình. Ảnh dẫn theo yan.vn

8. Hành xử trong tình thế đường cùng 

Khi một người bị dồn vào bước đường cùng, tính cách bộc lộ ra sẽ là chân thực nhất. Nếu khi ấy họ vẫn giữ được bình tĩnh, lý trí thì nhất định sau này có thể làm nên việc lớn. Đó gọi là tâm “Đại Nhẫn” của một người. Hàn Tín là một ví dụ rất sinh động cho điều này.

Chuyện kể rằng, thuở hàn vi, Hàn Tín luyện võ, thường đeo kiếm đi ngoài đường. Một hôm, Hàn Tín đang đi qua cầu thì bị một kẻ lưu manh chặn lại làm khó dễ. Kẻ kia thách thức Hàn Tín lấy kiếm chém đầu mình, nếu không có gan giết người thì phải chui háng hắn ta mà đi qua cầu. Hàn Tín không rút kiếm ra tay, cũng không nói một lời nào, nhẫn nhục cúi mình chui qua háng hắn. Người xung quanh thấy vậy đều chê cười, cho là Tín không có khí phách.

Nhưng sau này, Hàn Tín lại trở thành Đại tướng quân, cầm quyền lớn, phò tá Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên cơ nghiệp 400 năm cho nhà Hán. Chính tâm “Đại Nhẫn” đã tôi luyện cho Hàn Tín một bản lĩnh phi thường, một tài năng siêu việt để làm nên những điều siêu việt.

9. Trực giác 

Nếu cảm thấy những điều trên nằm ngoài khả năng hay quá khó để thực hiện, có lẽ bạn nên dùng đến trực giác của mình. Ấn tượng đầu tiên rõ ràng rất quan trọng. Trong từng sự việc, khi va vấp lần đầu, ấn tượng tốt hay xấu sẽ ghi khắc lên vỏ não của chúng ta. Lần đầu gặp mặt một người mà trong tiềm ý thức của bạn đã không thích thì rất có thể từ đó về sau bạn cũng sẽ không muốn tiếp xúc, qua lại với họ nữa.

Đó chính là hiệu ứng mà người xưa gọi là: “Con chim sợ cành cây cong“. Ấn tượng ban đầu luôn rất khó phai bởi nó tiến nhập thẳng vào tư tưởng người ta, còn có thể dẫn dắt những suy nghĩ của họ từ đó cho đến những khoảng thời gian dài sau này.

Cho nên đôi khi bạn không cần mất quá nhiều thời gian để nhìn vào tiểu tiết mà vẫn có thể nhanh chóng xét đoán được một người là đáng tin, đáng gần gũi hay không. Đó là bởi bạn đang dùng trực giác của mình, dẫu nó có thể đúng cũng có thể sai.

***

Cuộc sống hàng ngày bao bề bộn, rất có thể bạn sẽ phải đối diện với những người không thân thiện, những sự việc gây khó chịu. Học cách nhìn thấu sự vật, con người không phải để bạn xét nét, soi mói và mất niềm tin vào cuộc sống mà để bạn nghĩ thoáng hơn, học cách bao dung người khác hơn.

Khi có thể thông cảm, lấy lòng thiện mà đối đãi với những người gây rắc rối với ta, đó là lúc bạn đã đạt được cảnh giới làm người nhất định, tiệm cận với những đức tính của một người quân tử thực sự. Không để lỡ người tốt với mình, cũng không oán trách người xử tệ với mình, bạn sẽ hoá giải được nhiều nghiệt duyên trong đời.

Bình Nhi 

Exit mobile version