Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình lớn lên khỏe mạnh và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên đừng để những thói quen của bạn vô tình làm hại con trẻ.
Mỗi cha mẹ có một phương pháp giáo dục riêng dành cho con của mình. Điều đó phần lớn được quyết định bởi quan điểm và những giá trị trong cuộc sống mà cha mẹ theo đuổi.
Vì vậy, trong dạy bảo con cái, có người dùng nhu, có người dùng cương, có người dùng cách trò chuyện tâm giao lại có người nhờ cậy đến roi vọt hay quát mắng.
Thực tế cho thấy sự giáo dục của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của một đứa trẻ, bởi gia đình chính là trường học đầu tiên của chúng. Việc cha mẹ có những thói quen không tốt sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài trong cuộc đời của con.
Bảy thói quen dưới đây của cha mẹ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ tác động xấu đến việc phát triển trí tuệ mà còn tạo ra những vết sẹo trong tâm hồn của con trẻ.
1. Cha mẹ cố tình khiến trẻ cảm thấy chúng vô giá trị và không ai coi trọng chúng cả, ví như chỉ trích kịch liệt nếu chúng làm không tốt. Điều này có thể dẫn đến sự tức giận và phẫn uất trong trẻ, và cảm giác rằng chúng không được cha mẹ tôn trọng.
2. Mãi so sánh con với những đứa trẻ khác với ý định ép buộc chúng phải tiến bộ. Điều này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới con rằng chúng kém cỏi hơn người khác. Việc này sẽ hủy hoại lòng tự trọng và làm tan biến sự tự tin của trẻ.
3. Cha mẹ thường nhắc lại với con những hy sinh của họ và coi mình như những nạn nhân, khiến con cảm thấy có lỗi. Một đứa trẻ với gánh nặng tội lỗi thường từ bỏ những ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống.
4. Luôn nói chuyện với con bằng giọng độc đoán và kiểu cách. Cha mẹ luôn cho rằng mình ở trên con và không bao giờ đặt mình vào vị trí của con để lý giải và hiểu chúng.
Cha mẹ dùng giọng độc đoán khi giao tiếp với con, kèm theo đó là những nhận xét mỉa mai. Điều này khiến con cảm thấy xấu hổ, bẽ mặt và trở nên nhút nhát trong giao tiếp với những người khác.
5. Cha mẹ quyết định mọi thứ cho con bởi vì họ cho rằng con không thể hiểu biết hơn họ và sẽ luôn đựa ra lựa chọn sai lầm. Kiểu cha mẹ này luôn theo dõi con sát sao và đảm bảo rằng tất cả các quyết định phải được họ chấp thuận. Việc này chắc chắn sẽ khiến trẻ trở nên ngại rủi ro và sẽ không thể hoàn toàn sống tự lập.
6. Cha mẹ quát mắng con khi họ vừa có một ngày tồi tệ, hay trút sự thất vọng của mình lên con. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực lên lòng tự trọng của trẻ và gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển tâm lý và hành vi của trẻ về sau.
7. Cha mẹ làm con bẽ mặt chốn đông người hay trước mặt bạn bè. Mắng nhiếc công khai trước mặt những người lạ, bạn bè, và hàng xóm sẽ làm tổn thương một đứa trẻ một cách sâu sắc. Điều này có thể khiến trẻ trở nên rụt rè nhút nhát trong các giao lưu xã hội và cảm thấy xấu hổ về chính mình.
Mỗi bậc cha mẹ đều muốn con cái của mình được khỏe mạnh và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng và giáo dục con cái có hiệu quả, cha mẹ cần thấu hiểu và tìm ra những phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp.
Không giống như phương pháp giáo dục của nhiều gia đình hiện đại ngày nay, chỉ chú trọng đến kỹ thuật và các biện pháp hình thức, người xưa luôn đặt việc tu dưỡng tâm tính, giáo dục nhân cách là ưu tiên hàng đầu.
Người xưa cho rằng con người muốn thành tài trước hết phải có cái tâm trong sáng, lương thiện, phải biết phân biệt thiện – ác, đúng – sai, phải dám bảo vệ cho lẽ phải trên đời. Tu tâm dưỡng tính, cốt cách thanh tao thì trí huệ sẽ được khai sáng, có thể làm ít mà đắc được nhiều.
Không chỉ vậy, giáo dục cần dựa trên sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Đối với con trẻ, tình thương, sự khích lệ, động viên và sự tôn trọng của cha mẹ chính là biện pháp tốt nhất thúc đẩy trẻ học tập và tự học.
Vì vậy, cha mẹ hãy dành thời gian ở bên con, làm một người bạn tâm giao trò chuyện để đồng cảm và thấu hiểu với những tâm tình, suy tư của con. Khi có thể bước vào thế giới của con một cách tự nhiên và chân thành, cha mẹ sẽ nhận ra việc dạy con thật vô cùng đơn giản và dễ dàng.
Thanh Ngọc