Đại Kỷ Nguyên

7 đại nguyên lão của ĐCSTQ bị đả đảo như thế nào?

Sau khi ĐCSTQ cướp chính quyền vào năm 1949, nó đã phát động hơn 70 cuộc vận động chính trị đẫm máu và tàn bạo. Nội bộ đấu đá tàn khốc, ngay cả những nguyên lão đã giúp ĐCSTQ nhuộm đỏ giang sơn cũng không thể trốn thoát, hãy xem Mao Trạch Đông đã đánh bại 7 vị đại nguyên lão của đảng như thế nào.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, sau khi ĐCSTQ lật đổ Trung Hoa Dân Quốc trên đại lục, nó đã phát động hơn 70 cuộc vận động chính trị đẫm máu và tàn bạo. Bất cứ khi nào ĐCSTQ muốn lật đổ ai đó vì mục đích chính trị, nó sẽ chế tạo ra đủ loại hoang ngôn, dùng mọi ô ngôn uế ngữ để chụp mũ, đánh đập, bắt bớ, bức hại người ta. 

Thủ đoạn này của ĐCSTQ không chỉ xảy ra với những người dân vô tội và các quan viên phổ thông, mà ngay cả những nguyên lão đã giúp ĐCSTQ nhuộm đỏ giang sơn, cho đến những nhân vật cao tầng theo sát Trung ương đảng chỉnh nhân, cũng không thể trốn thoát.

Hôm nay, dựa trên các tài liệu do chính Trung ương ĐCSTQ ban hành, chúng ta sẽ nói về bảy lời dối trá lớn mà ĐCSTQ đã bịa đặt khi đánh đập dã man người của mình.

Lưu Bá Thừa tiến hành chủ nghĩa giáo điều?

Vào tháng 10 năm 1957, Khrushchev, bí thư thứ nhất Trung ương ĐCS Liên Xô, chủ trì một phiên họp toàn thể của Trung ương, miễn nhiệm nguyên soái Zhukov, người đã lập nhiều chiến công hiển hách, khỏi tất cả các chức vụ của mình. Lý do là: Khrushchev lo rằng Zhukov “công cao chấn chủ”.

Tin tức lan truyền đến Trung Quốc, thu hút sự chú ý của Mao Trạch Đông. Trong số các nguyên soái của ĐCSTQ, cũng có một người có danh tiếng tương tự Zhukov, người này là Lưu Bá Thừa. Làm thế nào để loại bỏ “mối nguy” này?

Vào ngày 21 tháng 1 năm 1958, Mao Trạch Đông đề nghị quân đội nên dành vài ngày để thảo luận về “những sai lầm nghiêm trọng” của Zhukov và rút ra bài học từ Liên Xô. Vào tháng 5, Mao Trạch Đông phát động chiến dịch chống chủ nghĩa giáo điều trong quân đội, Lưu Bá Thừa bị coi là đại diện cho chủ nghĩa giáo điều trong quân đội, và bị chỉ trích nặng nề.

Vào ngày 10 tháng 7 năm 1958, tại cuộc họp mở rộng của Quân ủy tổ chức tại Hội trường Hoài Nhân của Trung Nam Hải, Lưu Bá Thừa, 66 tuổi, hai mắt gần như mù lòa, thân thể có bệnh, được thư ký trưởng Quân ủy Trung ương Hoàng Khắc Thành dìu đỡ, khập khiễng bước lên bục chủ tịch, đọc một bản kiểm điểm dài.

Từ ngày 1 tháng 8 đến ngày 14 tháng 10 cùng năm, Học viện quân sự Nam Kinh liên tiếp tổ chức hội nghị đảng ủy mở rộng và đại hội đảng lần thứ ba để cực lực phê phán chủ nghĩa giáo điều của Lưu Bá Thừa và những người khác. Trong số đó, hội nghị mở rộng của đảng ủy được tổ chức trong hai tháng, với hơn 2.000 cán bộ tham gia, những người tham gia đã viết hơn 10.000 áp phích lớn nhỏ, in và phát 387 phát ngôn và phát biểu bằng văn bản tại đại hội.

Lưu Bá Thừa bị chỉ trích vì “kiên trì đường lối quân sự giai cấp tư sản đối kháng với đường lối quân sự của đảng”, bị cách chức viện trưởng và chính ủy Học viện quân sự cấp cao.

Ngày 7 tháng 10 năm 1986, Lưu Bá Thừa qua đời tại Bắc Kinh. Tại lễ tưởng niệm, Tổng bí thư ĐCSTQ khi đó là Hồ Diệu Bang đã thừa nhận: “Chống chủ nghĩa giáo điều năm 1958 là sai lầm”.

Bành Đức Hoài là kẻ âm mưu phản đảng?

Việc Mao Trạch Đông chấn chỉnh Lưu Bá Thừa được thực hiện với sự giúp đỡ của nguyên soái ĐCSTQ Bành Đức Hoài, người lúc đó là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, chủ trì công việc của Quân ủy. Sau khi Lưu Bá Thành bị trừng phạt thì đến lượt Bành Đức Hoài, Mao Trạch Đông lo rằng Bành cũng sẽ tiếm quyền từ tay mình.

Tại Hội nghị Lộc Sơn mùa hè năm 1959, Mao Trạch Đông đột nhiên phát động đại phê phán đối với Bành Đức Hoài. Hội nghị đã thông qua “Nghị quyết về những sai lầm của tập đoàn phản đảng do Bành Đức Hoài cầm đầu”.

Nghị quyết nêu rõ: “Những sai lầm của Bành Đức Hoài không phải mang tính chất cá biệt, mà là những sai lầm đường lối chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh có tính chất phản đảng, phản nhân dân, phản chủ nghĩa xã hội”; gọi Bành Đức Hoài là một “ngụy quân tử, kẻ có dã tâm, kẻ có âm mưu”, “Ác độc công kích và vu khống lãnh tụ của đảng Mao Trạch Đông”.

Ngày 29 tháng 11 năm 1974, Bành Đức Hoài bị bức hại đến chết.

Vào ngày 27 tháng 6 năm 1981, phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Trung ương lần thứ mười một của ĐCSTQ đã thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề liên quan đến lịch sử đảng kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, nói rằng nghị quyết về Bành Đức Hoài thông qua tại Hội nghị Lộc Sơn năm 1959 là “hoàn toàn sai lầm”.

Tập Trọng Huân muốn đoạt đảng đoạt nước?

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ mười của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ tám năm 1962, Mao Trạch Đông đã phát động một cuộc vận động đại chỉ trích Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, khi đó là phó thủ tướng kiêm bí thư trưởng Quốc vụ viện.

Mao Trạch Đông nói: “Phàm là muốn lật đổ chính quyền, trước tiên phải tạo thành dư luận, trước tiên phải làm công tác về phương diện hình thái ý thức, giai cấp cách mạng là như thế, giai cấp phản cách mạng cũng là như thế”. Tập Trọng Huân và những người khác đã “lợi dụng tiểu thuyết phản đảng”, “Tội ác thực sự quá lớn rồi”.

Làm thế nào để lợi dụng tiểu thuyết chống đảng? Chúng tôi đã ghi lại chi tiết giai đoạn lịch sử này trong tập trước đây “Tập Trọng Huân bị chỉnh ba lần”, những bạn quan tâm có thể xem lại.

Sau đó, Tập Trọng Huân bị coi là thủ lĩnh của một tập đoàn phản đảng, bị phê phán là “phần tử phản cách mạng”, kẻ mưu đồ “đoạt đảng đoạt nước”. Một số người thậm chí còn phê phán ông là “xanh hồng bang”, “ca lão hội” và “lưu manh”.

Nhưng vào ngày 25 tháng 2 năm 1980, Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Thông tri bình phản Tập Trọng Huân”, nói rằng: Sau khi phúc tra, tập đoàn phản đảng của Tập Trọng Huân hoàn toàn không tồn tại, năm đó việc đại phê phán Tập Trọng Huân là hoàn toàn không đúng.

Trên thực tế, khi Mao Trạch Đông năm đó chỉnh Tập Trọng Huân là vì muốn san phẳng “những ngọn núi Tây Bắc” trong nội bộ đảng. Cao Cương, người bị Mao lật đổ năm 1955, từng là bí thư Cục Tây Bắc của Trung ương ĐCSTQ; Bành Đức Hoài, người bị Mao lật đổ năm 1959, cũng là bí thư Cục Tây Bắc. Sau khi Mao lật đổ Tập Trọng Huân, ông ta đã hạ gục một nhóm quan cao ở Tây Bắc, loại trừ một nỗi lo khác trong lòng.

La Thụy Khanh chống lại Mao Trạch Đông?

Bắt đầu từ tháng 12 năm 1965, Mao Trạch Đông phát động đại phê đấu đối với La Thụy Khanh, khi đó là tổng tham mưu trưởng kiêm bí thư trưởng Quân ủy Trung ương.

Từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 8 tháng 4 năm 1966, dưới sự chủ trì của nguyên soái Diệp Kiếm Anh, quân đội đã tổ chức một cuộc họp tại khách sạn Kinh Tây ở Bắc Kinh để tiếp tục vạch trần, phê phán La Thụy Khanh. 95 người, 35 ngày, 85 lần phát ngôn, toàn hội trường đầy mùi thuốc súng.

Quyền tổng tham mưu trưởng Dương Thành Võ và những người khác nói: “Cuộc đấu tranh giữa chúng tôi và ông ấy (ám chỉ La Thụy Khanh) là một cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trong nội bộ đảng, nội bộ quân đội, cuộc đấu tranh giữa hai con đường, cuộc đấu tranh giữa cách mạng và không cách mạng, là một cuộc đấu tranh giữa đúng và sai”.

Nửa đêm ngày 8 tháng 3 năm 1966, La Thụy Khanh trong tuyệt vọng đã để lại một lá thư tuyệt mệnh và nhảy khỏi tầng 3 của căn hộ nơi ông ở, cố gắng tự tử nhưng bất thành, bị gãy chân. Cuộc kháng nghị của ông ấy có hữu ích không? Không hề. Sau đó, Diệp Kiếm Anh truyền đạt ba chỉ thị của Mao Trạch Đông: “Điều thứ nhất, Diêm Vương làm việc là có nguyên tắc; Điều thứ hai, La Thụy Khanh tự sát thì ông ta phải tự mình chịu trách nhiệm; Điều thứ ba, hội nghị phê đấu vẫn tiếp tục”.

Vào ngày 16 tháng 5 năm 1966, Trung ương ĐCSTQ đã phê duyệt và chuyển tiếp “Báo cáo về những sai lầm của La Thụy Khanh” của tiểu tổ Công tác Trung ương. Theo báo cáo, La là một “kẻ dã tâm” “chiếm quân phản đảng”, “dùng đường lối quân sự giai cấp tư sản để chống lại đường lối quân sự giai cấp vô sản”, “dùng chủ nghĩa xét lại để chống lại chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông”, “phản đối Trung ương đảng, phản đối Mao Chủ tịch”.

Vào ngày 20 tháng 5 năm 1980, ĐCSTQ thay đổi giọng điệu, đưa ra “Thông báo bình phản cho La Thụy Khanh”, nói rằng những lời phê phán La Thụy Khanh trong “Cách mạng Văn hóa” đều là những lời vu hãm sai trái.

Lý do thực sự khiến Mao Trạch Đông đả đảo La Thụy Khanh là: La giữ chức bộ trưởng Bộ Công an trong 10 năm, và giữ chức tham mưu trưởng kiêm bí thư trưởng Quân ủy Trung ương thêm 6 năm. Những người “cầm súng”, “cầm đao” đều là người của ông ấy, không thể không đề phòng.

Dương Thượng Côn đánh cắp bí mật?

Ngày 10 tháng 11 năm 1965, Dương Thượng Côn bị cách chức vụ chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp Trung ương.

Vào tháng 5 năm 1966, Dương Thượng Côn được coi là thành viên của “tập đoàn phản đảng Bành La Lục Dương”. ĐCSTQ đã xác định các vấn đề của Dương Thượng Côn chủ yếu như sau: (1) Ăn cắp bí mật của đảng; Sau lưng chính quyền trung ương, bí mật gài bẫy, ghi âm riêng các bài phát biểu của Mao Trạch Đông và Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ; (2) Làm rò rỉ nghiêm trọng các bí mật cốt lõi của đảng; Cung cấp một số lượng lớn các tài liệu và hồ sơ bí mật cho người khác để sao chép mà không được phép; (3) Mối quan hệ với La Thụy Khanh và những người khác là cực kỳ bất thường, tích cực tham gia vào các hoạt động chống đảng, v.v.

Ngày 22 tháng 7 năm 1966, báo cáo của Văn phòng Tổng hợp Trung ương gửi Trung ương ĐCSTQ nêu rõ: “Văn phòng Tổng hợp Trung ương do Dương Thượng Côn thống trị trong 20 năm. Ông ta đã luôn tham gia trong các hoạt động tội ác chống lại Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng”.

Dương Thượng Côn bị cầm tù gần chín năm. Vào ngày 23 tháng 10 năm 1980, Văn phòng Tổng hợp Trung ương đưa ra một thông báo, tất cả các tội danh đối với Dương Thượng Côn trong “Cách mạng Văn hóa” đều được xác định là “lời nói không đúng”.

Lý do thực sự khiến Dương Thượng Côn bị đả đảo không phải do đánh cắp hay bất cứ thứ gì tương tự, mà vì ông ta thân cận hơn với đối thủ chính trị của Mao là Lưu Thiếu Kỳ và những người khác.

Lưu Thiếu Kỳ là phản đồ, nội gián, công tặc?

Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa”, đả đảo nhân vật số 2 lúc bấy giờ trong ĐCSTQ – chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Lưu bị chỉ trích là “nhân vật phái đương quyền số một trong đảng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”.

Ngày 31 tháng 10 năm 1968, Hội nghị toàn thể lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa VIII đã thông qua báo cáo “Về việc xét xử Lưu Thiếu Kỳ”, khẳng định Lưu Thiếu Kỳ “là một tên phản quốc, nội gián, công tặc, là cặn bã của chủ nghĩa đế quốc, là một tên chủ nghĩa xét lại hiện đại và tay sai của bọn phản động Quốc dân đảng”; quyết định “khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng, cách chức mọi chức vụ trong và ngoài đảng, tiếp tục thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ và đồng bọn vì tội ác phản đảng, phản quốc của chúng”.

Ngày 12 tháng 11 năm 1969, Lưu Thiếu Kỳ bị bức hại đến chết.

Ngày 24 tháng 2 năm 1980, Hội nghị toàn thể lần thứ năm của Trung ương ĐCSTQ khóa XI đã thông qua “Nghị quyết bình phản cho Lưu Thiếu Kỳ”, khẳng định Lưu không phải là “kẻ phản quốc, nội gián, công tặc”, không phải là “tay sai” của “các thế lực thù địch trong và ngoài nước”, không phạm tội phản đảng phản quốc, mọi cáo buộc đối với Lưu Thiếu Kỳ khi đó toàn bộ đều không được xác lập.

Lý do thực sự khiến Mao Trạch Đông chỉnh trị Lưu Thiếu Kỳ là ông ta lo lắng rằng Lưu sẽ uy hiếp quyền lực tối cao của mình và thay thế ông ta.

Đặng Tiểu Bình là kẻ lót đường tư bản lớn nhất?

Không lâu sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra vào năm 1966, Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ bị đả thành “Bộ tư lệnh giai cấp tư sản Lưu, Đặng”, bị phái đến Giang Tây. Sau cái chết của Lâm Bưu, Đặng trở lại vào năm 1973, một lần nữa giữ chức phó thủ tướng Quốc vụ viện, trên danh nghĩa giúp Chu Ân Lai chủ trì công việc của Quốc vụ viện. Tuy nhiên, Cao Văn Khiêm, một chuyên gia về Chu Ân Lai, cho biết trong cuốn sách “Chu Ân Lai cuối đời” rằng sau sự kiện Lâm Bưu, quyền lực của Chu tăng lên, ông ta nắm được quyền lực thực sự trong khi sức khỏe của Mao suy yếu. Vì vậy, Mao yêu cầu Đặng trở lại như một cách để kiềm chế Chu.

Năm 1976, Mao Trạch Đông phát động “Vận động phản kích lật án hữu khuynh” nhằm đả đảo Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình bị phê phán thành “kẻ theo đường lối tư bản lớn nhất trong đảng không chịu hối cải”, “đại biểu cho giai cấp tư sản mại bản”, “đại Hán gian”, “tay sai của giới tư bản quốc tế” và là “tổng hậu trường phong trào lật ngược án hữu khuynh”.

Trong tiết Thanh Minh năm 1976, cuộc “Vận động Ngũ Tứ” đã xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn để truy niệm Chu Ân Lai và ủng hộ Đặng Tiểu Bình. Điều này được Mao Trạch Đông định tính là “sự kiện phản cách mạng”, quần chúng tham gia “Vận động Ngũ Tứ” được định tính là “một nhóm phần tử phản cộng sản, phản nhân dân và phản chủ nghĩa xã hội”. Đặng Tiểu Bình được định tính là “đại diện chung của phần tử phản cách mạng”, triệt tiêu mọi chức vụ trong và ngoài đảng.

Ngày 9 tháng 9 năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời; Vào tháng 10, vợ của Mao là Giang Thanh và “Bè lũ bốn tên” khác bị bắt. Tháng 7 năm sau, Đặng Tiểu Bình trở lại làm việc, tiếp tục giữ chức vụ ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, phó chủ tịch Trung ương ĐCSTQ, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, phó thủ tướng Quốc vụ viện, tổng tham mưu trưởng Quân đội.

Ngày 25 tháng 11 năm 1978, Hoa Quốc Phong, chủ tịch Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, tuyên bố: “Sự kiện Thiên An Môn ngày 5 tháng 4” không phải là một sự kiện phản cách mạng, mà là một phong trào quần chúng cách mạng; phản kích lật án hữu khuynh là sai lầm, và tất cả các văn kiện liên quan đến ‘phản kích bọn lật ngược bản án cánh hữu’ đã bị thu hồi.

Mao Trạch Đông chỉnh Đặng Tiểu Bình mấy lần vì lo lắng Đặng Tiểu Bình sẽ phủ nhận “Cách mạng Văn hóa” do ông ta phát động, rồi phủ nhận chính ông ta.

ĐCSTQ sẽ tự mình sửa sai?

Sau “Cách mạng Văn hóa”, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, tiến hành “bình phản”, cho rằng “có sai ắt sửa”. Một số người, bao gồm cả những vị mà chúng tôi vừa đề cập, đều bị oan sai. Phải chăng ĐCSTQ có ý thức tự sửa chữa sai lầm? Không hề. Vì nó không hẳn là “có sai ắt sửa”, mà là “bình phản” có tính chọn lọc, và đối tượng chủ yếu là những nhân vật có thế lực trong đảng. Bạn đã thấy bao nhiêu thường dân bách tính được “bình phản” bởi ĐCSTQ chưa? Hãy nhìn vào “thôn khiếu kiện” ở Bắc Kinh, bao nhiêu dân oan, bấy nhiêu nỗi khổ! Và trong những năm qua, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hữu oan vô xử, không ai đoái hoài những nỗi oan của họ.

Vì vậy, tại sao ĐCSTQ sửa chữa sai lầm có tính tuyển chọn? Cốt lõi vẫn là để bảo vệ đảng: Một mặt là để mê hoặc dân chúng, cho người ta chút ảo tưởng, cho rằng đảng đang thay đổi; Mặt khác, nếu đảng thực sự sửa chữa sai lầm của nó, thì người ta sẽ phát hiện đảng điều gì cũng sai, còn cần cái đảng này làm gì? Vì có những sai lầm, nó rốt cuộc chỉ có thể cứ mãi tiếp nối sai lầm.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version