Đại Kỷ Nguyên

6 kiểu tính cách xấu khiến bạn cả đời chẳng thể thành công

Thành công của một người, đôi khi, không đến từ kỹ năng ưu việt mà từ hàm dưỡng nội tâm phong phú. Mối quan hệ giữa tài năng và đức hạnh, từ hàng ngàn năm trước đã được cổ nhân chỉ rõ. Chỉ khi tài đức vẹn toàn, một người mới có thể làm nên đại nghiệp. 

Nhiều người không thể thành công trong đời không phải vì thiếu may mắn hay thiếu tài. Đơn giản là họ vẫn mang trong mình rất nhiều tính xấu. Dưới đây chỉ là một vài trong số đó: 

1. Tính nghi ngờ

Nhiều người cho rằng căn bệnh đáng sợ nhất là ung thư. Nhưng đáng sợ hơn cả ung thư chính là bệnh nghi ngờ. Người ta gọi nó bằng thuật ngữ: “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. 

Nghi ngờ là một tâm bệnh rất nghiêm trọng. Người ta sẽ tỏ ra nghi ngờ tất cả mọi thứ xung quanh, dần trở nên bị cô lập trong chính thế giới của mình. Mà cảm xúc lại ảnh hưởng rất nhiều đến dung mạo và vận may của một người. Người có bệnh nghi ngờ, cảm xúc thường hay hoảng loạn, mơ hồ, thường nghĩ linh tinh, buồn bã, cáu kỉnh, nghiêm trọng hơn là hoang tưởng và thậm chí trầm cảm.

Sự tin tưởng là nền tảng cơ bản trong giao tiếp giữa người với người. Không có sự tin tưởng, dù đối tác có là ai đi nữa, bạn bè, đồng nghiệp, chồng hoặc vợ, thậm chí là bố mẹ hay con cái, thì các mối quan hệ sẽ sớm đi vào ngõ cụt.

2. Không có sự kiên trì

Lão Tử nói: “Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ việc nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều do từ việc dễ mà thành. Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên. Cho nên thánh nhân suốt đời không làm chuyện lớn, mà vẫn nên được chuyện lớn”. 

Mỗi tòa nhà cao tầng đều được xây từng những viên gạch nhỏ nhất, mỗi sự nghiệp vĩ đại đều được bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất, mỗi mục tiêu lớn đều phải khởi động từ những mục tiêu nhỏ.

Tăng Quốc Phiên, một nhà nho lỗi lạc thời nhà Thanh ở Trung Quốc từng nói: “Con đường học tập không hề dễ dàng, mà luôn phải có sự kiên trì”. Một người có thể đạt được thành tích lớn hay không, chủ yếu phải xem người đó kiên trì ra sao. 

Cũng như cách mà Tăng Quốc Phiên đọc sách mỗi ngày 20 trang. Đối với nhiều người mà nói đó là việc không khó. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, duy trì trong suốt cuộc đời thì lại là chuyện chẳng dễ dàng chi. Không có sự kiên trì và ý chí thì chẳng việc gì có thể thành.

Ảnh: Pixabay.

3. Không có tầm nhìn, lề lối

Tiền Mục, bậc thầy về nghiên cứu văn hóa Trung Quốc cổ, từng đến thăm một ngôi đền cổ, nhìn thấy tiểu tu sĩ đang trồng một cây trúc đào bên cạnh một cây tùng cổ thụ trăm năm.

Ông nói: “Trước đây, khi nhà sư trồng cây tùng, có lẽ đã nghĩ đến mấy trăm năm phát triển của nó. Hôm nay tiểu tu sĩ trồng hoa ở đây, có lẽ cậu bé chỉ nghĩ được đến năm sau”. 

Tăng Quốc Phiên nói: “Làm việc lớn đầu tiên phải trọng lề lối”. Những người có tầm nhìn nhỏ, thiển cận, hẹp hòi thì chỉ biết những lợi ích trước mắt.

Bất kể sự phát triển lâu dài, những người có tầm nhìn nhỏ hẹp thường không có kế hoạch, không có mục tiêu rõ ràng và thích lãng phí thời gian, năng lượng cho những vấn đề tầm thường. Và những người như thế này không thể làm nên việc lớn.

4. Không kiểm soát được cảm xúc của mình

Kiểm soát cảm xúc là một phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc. Mức độ cao thấp của trí tuệ cảm xúc thường quyết định mức độ cao thấp trong thành công của một người.

Có lúc cảm thấy không vừa lòng, có lúc không vui đều là do bản thân không thể khống chế được cảm xúc của mình. Đôi khi làm khó bạn không phải là người khác mà chính là bản thân mình.

Cảm xúc là một con dao hai lưỡi. Nếu biết cách kiểm soát, nó sẽ có ích cho bạn nhưng nếu không thể khống chế, nó sẽ phá hủy cuộc sống của bạn.

Tâm trạng của bạn như thế nào phụ thuộc vào việc bạn kiểm soát cảm xúc của mình ra sao. Mà tâm trạng của bạn, nói cho cùng lại chính là cách bạn quan sát thế giới và mọi người xung quanh. 

Người có thể kiểm soát cảm xúc tốt thì mới có một cuộc sống hạnh phúc.

Ảnh: Kapta.

5. Thích kiếm cớ

Vương Dương Minh, nhà tư tưởng học nổi tiếng đời Minh, quen một người bạn rất hay tức giận, cáu kỉnh và đổ lỗi cho người khác. Vương Dương Minh liền nói với anh ta: “Anh nên học cách tự vấn bản thân mình. Nếu chỉ đổ lỗi cho người khác, anh sẽ chỉ thấy cái sai của người khác mà vĩnh viễn không thấy được cái sai của mình. Nếu có thể tự nghiêm khắc hỏi mình thì mới biết bản thân không tốt ở đâu, khi nào mới có thể đổ lỗi cho người khác”. Người bạn này nghe xong liền cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Những người thường xuyên tự xem xét bản thân sẽ cảm nhận được rằng mỗi va chạm trong cuộc sống thường ngày giống như một liều thuốc bổ cho sự trau dồi đạo đức của họ. Còn những người thích đổ lỗi chỉ cần nhìn thấy sơ hở là liền chuyển sai lầm của mình sang người khác ngay. Họ vĩnh viễn sống trong cái tôi của mình.

Thường xuyên trốn tránh trách nhiệm luôn tìm cho mình một cái cớ, một lý do để biện minh cho sai lầm của mình, đó là lý do quan trọng giải thích vì sao người đó không thể thành công được.

Bởi vì khi không thể nhìn thấy những sai sót và điểm yếu của bản thân thì bạn không thể nào tự sửa chữa và đề cao, còn mong chi đạt được thành tựu lớn?

6. Khôn vặt

Những người khôn vặt thường không thích làm việc chăm chỉ để có được thành công. Họ thích dùng những thủ đoạn để đạt được thành công một cách dễ dàng hơn. Trên đời, thông minh thôi là chưa đủ, rất nhiều chuyện phải cần tới sự nhẫn nại, kiên trì. 

Người có tính khôn vặt thường thích lợi dụng người khác, thích chiếm đoạt những món lợi nhỏ, những thứ khá rẻ tiền. Họ nghĩ rằng mình đang được lợi nhưng thực chất là đang tiêu tốn vận may và phúc đức của mình vào những thứ rẻ tiền đó. 

Người có trí huệ và lòng bao dung mới có cả vương quốc lớn, cuộc đời lớn. Người khôn vặt thường tự cho mình là thông minh nhưng thực ra họ mới chính là người dại dột nhất. Họ tự đánh hạ giá trị của bản thân trong khi đang truy cầu những thứ nhỏ nhen, tầm thường. 

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

Exit mobile version