Đại Kỷ Nguyên

3 kiểu ‘lười đúng chỗ’ mang đến cho bạn phúc khí

Lười không phải việc xấu. Làm người lười một chút: giảm tính toán một chút, giảm bàn tán một chút, giảm chỉ huy một chút thì đó đều là việc nên làm…

“Lười một chút” – thoạt nhìn 3 chữ này, có lẽ bạn sẽ liên tưởng đến những điều tiêu cực. Nhưng nếu lười mang những việc phiền toái vào trong tâm, lười tính toán so đo… thì những cái lười này lại khiến con người có tấm lòng rộng mở, sống vui vẻ tự tại. Cá tính không tranh không giành sẽ khiến họ mãi mãi tránh xa ồn ào phiền nhiễu.

Lười không có nghĩa là không động chân không động tay, không biết phân biệt sự vật… mà chính là thái độ sống phóng khoáng tự tại. Lười đúng chỗ cũng chính là một loại trí tuệ, một loại thanh đạm, một loại tu dưỡng.

Lười động miệng: Giảm bàn tán

Khi tĩnh tọa thì nghĩ về những lỗi lầm và khuyết điểm của mình, khi nhàn đàm thì chớ bàn luận chuyện thị phi của người khác.

Rất nhiều lúc, bàn tán chuyện gẫu có thể dẫn đến chuyện thị phi lớn. Nhiều mâu thuẫn xung đột cũng từ vài ba chuyện vặt vãnh mà ra.

Miệng nên lười, dùng mắt nhiều hơn và dụng miệng ít hơn. Bạn có thể quan sát kỹ lưỡng, trong tâm liệt kê ra từng chi tiết, nhưng cần giữ chặt cái miệng của mình, chớ để lời nào cũng tuôn hết ra ngoài.

Nói chuyện cần có nghệ thuật, lời nào nói với người nào, ngữ khí nào nói với người nào đều cần phải nắm rõ trong lòng. Những người ngồi lê đôi mách, bàn tán sôi nổi sau lưng, buôn hết chuyện của thiên hạ… thường là người không có kiến thức, cũng không có tu dưỡng gì.

Trong Luận Ngữ có câu: “Thân tự dày (đức dày) và ít trách người thì tránh xa oán hận”.

Nhàn đàm cần có giới hạn. Khi bàn tán về người khác thì nên nghĩ rằng người khác cũng sẽ bàn tán về bạn.

Giảm những lời thị phi sau lưng thì sẽ tránh xa oán hận, giảm thiểu kẻ thù. Kẻ đối địch trong cuộc sống ít đi thì bạn bè sẽ nhiều lên, gặp việc gì cũng có thể nhận được sự giúp đỡ, phúc khí do đó mà tự nhiên sẽ đến.

(Ảnh minh họa: sohu.com)

Lười động não: Giảm tính toán

‘Vạn sự theo gió mãi bay đi
Chẳng để lụy thân một thứ gì
Nhân gian vốn dĩ thường như mộng
Trắng tay, tay trắng đến rồi đi’

(Vô Danh cư sỹ).

Đời người có nhiều phiền não, không gì ngoài việc nghĩ quá nhiều. Mọi người thường nói: Phiền não 3 nghìn mối. Thực ra, 3 nghìn mối phiền não này cũng có thể “một kéo cắt ngàn sầu”.

Phiền não thường là tự mình tìm đến, giống như một cái cây ở hoang mạc, rất dễ thấy. Nếu đem cái cây đặt vào trong rừng rậm thì sẽ chẳng nhìn ra. Lòng dạ hẹp hòi thì phiền não tự nhiên sẽ lớn, tấm lòng rộng mở thì phiền não chẳng qua cũng là một chuyện cười mà thôi.

Lười động não không phải là không có mưu trí, mà là để tâm trí vào những việc chân chính, không nhọc sức dùng tâm trí vào những việc cỏn con vặt vãnh. Nếu việc gì cũng nghĩ ngợi linh tinh thì người đó quả thật sẽ thấy mệt nhoài.

Những lúc ấy nên lười động não một chút, không nên việc gì cũng để trong lòng, không nên để cho mỗi lần gặp sự việc đều như gặp kẻ địch, hãy buông lỏng thư giãn tâm thái của mình.

Làm người và làm việc thì cần căng chùng có mức độ. Cung giương lâu dễ hỏng, đàn căng quá đứt dây. Con người cũng như vậy, những việc có thể cho qua thì hãy cho qua, cuộc đời chẳng có mấy việc lớn, cần học cách giải tỏa áp lực cho chính mình.

Đại thi hào Tô Đông Pha xưa là người phóng khoáng, điều khiến hậu thế ca ngợi nhất ở ông chính là luôn có thái độ lạc quan với cuộc sống. Bất kể là gặp phải khổ nạn gió mưa bão táp cuộc đời như thế nào, ông đều tìm ra những điều thú vị trong đó, luôn thản nhiên như thể: ‘một chiếc áo tơi mặc đời gió mưa’.

(Ảnh minh họa: soumeiwang.com)

Lười động tay: Giảm chỉ huy

Có người nói trên thế giới chỉ có hai việc: Chuyện vặt liên quan đến bạn và chuyện vặt liên quan đến tôi. Ngẫm nghĩ kỹ sẽ thấy câu nói này cũng có đạo lý.

Làm người thì nên lười một chút, hãy quản tốt việc của mình, chớ hoa chân múa tay chỉ huy việc người khác.

Người chỉ tay năm ngón là bị người ta ghét nhất. Mỗi người đều có vai diễn của riêng mình, không phải việc của mình thì chớ quản. Chúng ta tham gia quá nhiều thì trái lại sẽ khiến người ta bận tâm hơn, hoặc ‘chữa lợn lành thành lợn què’.

Cuộc sống của mình thì tự mình trải nghiệm. Chúng ta không thể nào quyết định thay cho người khác được, cho dù đó là người thân hay bạn bè đi nữa. Nếu chỉ huy tốt thì có thể là công lao của bạn, nhưng nếu xuất hiện sai lệch, xảy ra sai lầm thì bạn sẽ là đối tượng bị chỉ trích đầu tiên.

Trong cuộc sống gia đình cũng chớ hoa chân múa tay chỉ huy vợ chồng con cái. Họ có thói quen và không gian sinh hoạt riêng, hãy để họ có chút không gian để tự do hít thở, thì cuộc sống gia đình mới càng thêm hòa hợp.

Khoảng cách sinh ra cái đẹp. Người với người đều là những cá thể lập thể, chỉ có cách nhau ra một chút thì mới không va chạm, mới không đau khổ.

Lười không phải việc xấu. Làm người lười một chút: giảm tính toán một chút, giảm bàn tán một chút, giảm chỉ huy một chút thì đó đều là việc nên làm.

Lười là một loại trí tuệ, là một loại thanh đạm, cũng là một loại tu dưỡng. ‘Lười’ đúng chỗ thì cuộc đời ngan ngát hương hoa, lười một chút thì phúc khí nhiều thêm một phần.

Nam Phương

Bạn đang đọc bài viết: “3 kiểu ‘lười đúng chỗ’ mang đến cho bạn phúc khí “ tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version