Đại Kỷ Nguyên

3 đức tính của một người chồng lý tưởng, các cô nàng hãy luôn nhớ kĩ

Quả không sai khi người ta nói, đàn bà hơn nhau ở tấm chồng. Lấy chồng với hầu hết các chị em phụ nữ đúng như một canh bạc. Chỉ tới khi kết hôn rồi, thậm chí bên nhau nhiều chục năm, người phụ nữ mới biết mình có may mắn hay không.

Bởi vì hạnh phúc của người phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào người chồng tốt hay xấu, có đủ bản lĩnh để làm trụ cột gia đình hay không hay lại là một phường ăn bám chẳng có chút tư cách trượng phu. Nếu may mắn lấy được người chồng tốt, có chí tiến thủ, yêu thương và trân trọng vợ con thì còn quý giá hơn cả một gia tài. Còn ngược lại thì quả là thảm họa khi vớ phải những người ích kỉ chỉ biết làm khổ vợ con như ăn chơi, rượu chè, cờ bạc… 

Vậy làm sao để biết được đức ông chồng mà mình sắp lấy, đã lấy có đúng là một người chồng lý tưởng hay không, ta hãy cùng nhau xem lại lời dạy của Thánh hiền ngày xưa về tiêu chuẩn của một người chồng tốt là như thế nào.

Một người chồng chân chính cũng chính là chủ gia đình, là một người quân tử và nam tử đại trượng phu nên Mạnh Tử trong chương Đằng Văn Công Hạ có viết:

“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu.”

Tạm dịch:

“Giàu có không ham hưởng lạc, nghèo khó cũng không làm thay đổi được (chí hướng), uy vũ không thể khuất phục được, như vậy gọi là đại trượng phu”. 

(Ảnh: Eva)

Phú quý bất năng dâm – Giàu có không ham hưởng lạc

Giàu sang thật ra không phải để chúng ta chấp vào nó để hưởng thụ hay kiêu ngạo trên đời này. Nó ngoài việc là phúc báo nhân gian của phúc đức tự thân tích từ đời trước, thì nó còn là thứ mà ông trời tạo ra để thử thách đạo đức và tâm tính của người ta. Không phải việc bạn giàu hơn người là vì bạn giỏi hơn người khác, nó chỉ là thể hiện phúc báo của bạn nhiều hơn người khác ngay thời điểm đó mà thôi.

Người nào trong lúc đang ở tột đỉnh phú quý mà vẫn giữ vững đạo đức thì sau này sẽ có phúc hậu trọn vẹn cả đời thậm chí lưu lại cho con cháu. Người nào mà không câu thúc bản thân thì sẽ tiêu hết phúc báo gây ra nghiệp quả rồi lại hứng chịu báo ứng của bản thân.

Ví dụ như nhà Lý của Đại Việt, Lý Thái Tổ xuất thân cửa Phật nên ông sống rất nhân đức. Dù thân là Thiên Tử nhưng không sống xa hoa hưởng lạc mà rất gương mẫu tiết kiệm để có thể xá thuế cho nhân dân. Thời đại của ông là thời mà dân được miễn thuế nhiều nhất.

Lý Thái Tổ xuất thân cửa Phật nên ông sống rất nhân đức. Dù thân là Thiên Tử nhưng không sống xa hoa hưởng lạc mà rất gương mẫu tiết kiệm để có thể xá thuế cho nhân dân. (Ảnh: youtube.com)

Ngoài ra ông còn tuyên dương Phật Pháp, dùng bản thân làm gương sống giữ giới luật và khuyến khích dân chúng tín phụng Phật Pháp. Vì thế mà thời đại của ông quốc gia giàu mạnh, dân chúng yên vui. Phúc đức mà ông tích đức trải cho đời Lý tận 200 năm, cho đến khi hết vận mà con cháu của ông vẫn có thể phát dương quang đại nơi xứ Cao Ly và sống giàu có thành đạt đến tận thế kỷ 21 này.

Trong các loại đức tính, thì việc “giới Dâm” là quan trọng nhất trong việc tích đức và xử thế. Tất cả tôn giáo, thần Phật, thánh hiền xưa nay đều coi việc này rất nghiêm khắc. Ai không giữ giới Dâm thì hậu quả rất thê thảm.

Ví dụ như Lê Ngọa Triều nối ngôi sau khi quốc gia thống nhất và đang thời giàu mạnh, quốc khố sung túc. Nhưng ông ta lại ham chơi hưởng lạc đến nỗi lâm bệnh phải nằm khi thiết triều và sau này mất ngôi về tay nhà Lý, vốn có nhiều đức hơn để cai trị nhân dân.

Hay thành phố PomPeii của La Mã cổ đại từng là một nơi phồn thịnh, nhưng lại quá trụy lạc dâm dật nên đã bị Thiên Thượng hủy diệt trong một đêm với một trận núi lửa. Không có một ai có thể trốn thoát, hậu quả vẫn còn lưu chứng tích cho đến ngày nay.

Lời bàn:

“Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo

Nghèo tiền nghèo bạc chả cho là nghèo”

Người xưa không coi trọng sự giàu có như người nay. Bởi nay vốn là 1 xã hội điên đảo vì tiền bạc nên sự thành công và hạnh phúc của hôn nhân đôi khi cũng được đo đếm bằng tiền.

Đối với chị em phụ nữ thì lấy được chồng giàu quả là một sự may mắn tuyệt vời, mà hầu như ai cũng cảm thấy là rất tốt vì đây là một tấm vé đổi đời nhanh chóng. Nhưng giàu sang phú quý quyền lực lại là con dao hai lưỡi nguy hiểm nhất của một người đàn ông, vì đó là lúc khó giữ mình nhất khi chung quanh quá nhiều cám dỗ mà bản thân lại rất có điều kiện.

Vì chữ “Dâm” ngoài nghĩa là đam mê chuyện nam nữ chăn gối cũng có thể hiểu rộng ra là thú vui ăn chơi hưởng lạc, xa hoa, phung phí. Nên nếu như người đàn ông của bạn khi có tiền thì rất ham thích ăn chơi, tiệc tùng, rượu chè và phụ nữ đẹp thì nhiều khả năng anh ta sẽ tự làm sụp đổ cơ nghiệp của mình một ngày không xa, thậm chí bản thân mình còn không biết có giữ được hay không. Và người này dĩ nhiên sẽ không là một người cha tốt vì không có đủ đức độ để dạy con.Trong khi tương lai con trẻ chính là hạnh phúc hậu vận của bạn.

Hãy chọn một người nào mà lúc giàu có hay lúc hàn vi đều chân chất giản dị và luôn đối xử tốt với mọi người. Dẫu rằng anh ta đôi khi sẽ không hấp dẫn lắm, không hào nhoáng như những chàng công tử con nhà giàu khác, nhưng tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Đó là dấu hiệu của một người có đức độ có thể nuôi dạy con bạn thành người tốt và có thể cùng bạn đi hết cuộc đời này dẫu qua bao phong ba bão táp.

Hãy chọn một người nào mà lúc giàu có hay lúc hàn vi đều chân chất giản dị và luôn đối xử tốt với vợ con của mình. (Ảnh: Dân Việt)

Bần tiện bất năng di – Nghèo vẫn không thay đổi (khí tiết của mình)

Sự nghèo khổ cũng không phải là thứ để cho người ta than vãn hay oán trách cuộc đời này. Bên cạnh sự giàu sang, nó chính là cực đối lập mà ông Trời tạo ra để cho con người đề cao tâm tính và nhân cách của mình. Vì thế có giàu tức sẽ có nghèo, cũng như có ngày phải có đêm, nên không phải cứ giàu là tốt mà nghèo là xấu.

Bởi vậy người nào sống tốt thì có phúc phận có thể thay đổi hoàn cảnh thậm chí làm nên nghiệp lớn. Còn như không lo sống cho tốt chỉ ngồi đó bi quan và than vãn thì sẽ đẩy bản thân đến sự hủy diệt.

Một người có gia cảnh nghèo không phải vì người đó dở hay phúc phận kém, mà có thể là vì thời điểm đó phúc báo của người ấy chưa đến. Thiên thượng phải chờ đợi để xem người đó tâm tính và đạo đức đủ tốt hay không, qua một thời gian rồi mới cấp cho vinh quang.

Nên lúc còn hàn vi, thì chính thái độ đối với cuộc sống sẽ nói lên khí chất và tiềm năng của một người cũng như tương lai của người đó, vì lẽ vàng thật thì đâu có sợ lửa.

Nguyễn Công Trứ là một vị quan và tướng quân nổi tiếng nhất thời Nguyễn. Ông mãi đến năm 42 tuổi mới thi đỗ và trước đó phải sống 1 cuộc sống vô cùng nghèo túng. Nhưng ông chưa bao giờ nhụt chí phấn đấu và thay đổi nhân cách vì cái nghèo. Ta hãy xem ông làm thơ Vịnh Cảnh Nghèo như thế nào:

“Chẳng phải rằng ngây, chẳng phải đần

Bởi vì nhà khó hóa bần thần

Mấy đời thầy kiện mà thua mẹo

Nghĩ phận thằng cùng phải biết thân

Số khá, bĩ rồi thời lại thái

Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân

Giời đâu riêng khó cho ta mãi

Vinh nhục dù ai cũng một lần”

Lời bàn:

“ Bốn mùa ví những xuân đi cả

 Góc núi ai hay sức lão tùng”

Nguyễn Công Trứ

Không phải ai cũng có may mắn lấy chồng làm nên sự nghiệp hay giàu có. Nếu như bạn không may lấy phải một người đàn ông có cuộc sống nghèo khó hay từng thất bại thì xin chớ vội bi quan. Vì mỗi loại hoàn cảnh chính là được tạo ra cho con người trong quá trình sống mà hoàn trả bớt nợ nghiệp, đề cao nhân cách của mình, ngày càng sống tốt đẹp hơn và có ích hơn.

Nếu không có phúc phận cùng nhau hưởng vinh hoa phú quý, thì yêu thương hết mực cùng nắm tay nhau mà vượt qua cảnh nghèo trong suốt cuộc đời âu cũng là một điều hạnh phúc lớn lao vậy. Hãy học cách suy nghĩ của vợ một người quân tử ngày xưa:

“Hoàng Bá (黄霸, 130 – 51 tr.CN) và Lệnh Hồ Tử Bá (令狐子伯) là bạn thân cùng quê, khi Lệnh Hồ Tử Bá làm Thừa tướng nước Sở thì Hoàng Bá chỉ giữ một chức quan địa phương nhỏ. Một hôm Lệnh Hồ Tử Bá sai con mình đi chuyển cho Hoàng Bá một phong thư. Sau khi những quan khách đã ra về hết nhưng Hoàng Bá vẫn ngồi lại ghế không chịu đứng lên. Vợ của ông thấy lạ liền hỏi: “Ông đang có chuyện gì thế?” Hoàng Bá đáp: “Tôi vừa thấy người con của Lệnh Hồ Tử Bá phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ phóng khoáng, còn bản thân tôi thì nhếch nhác, khô héo. Thấy người ta tiền đồ huy hoàng mà mình thì không có gì, nghĩ đến việc không thể mang lại cho con cái chúng ta cuộc sống vẻ vang làm lòng tôi vô cùng áy náy!”

Vợ của Hoàng Bá sau khi nghe thế thì vô cùng tức giận, liền to tiếng: “Xem trọng thanh liêm tiết tháo, xem nhẹ công danh lợi lộc là con người của ông xưa nay. Bây giờ xem bề ngoài của Lệnh Hồ Tử Bá vinh hiển cũng chẳng qua chỉ là sự khác biệt trong lựa chọn đường đời của cá nhân. Có gì phải lấy ra so sánh? Ông không nên vì chuyện này mà quên mất chí hướng vốn có của mình, không cần phải cảm thấy hổ thẹn vì chuyện con cái.”

Vì người xưa vốn không coi trọng giàu có hay nghèo hèn, có địa vị cao quý hay thân phận nhỏ bé. (Ảnh: gushixuexi.com)

Ôi nghe những lời ấy thì ai dám nói phụ nữ ngày xưa là thiển cận, là nhu nhược. Vì người xưa vốn không coi trọng giàu có hay nghèo hèn, có địa vị cao quý hay thân phận nhỏ bé. Phụ nữ xưa chính là đường hoàng thản nhiên mà chấp nhận địa vị nhỏ bé của mình giúp chồng gầy dựng gia đình bền vững. Vì lẽ phải mà Thánh hiền ngày xưa xem trọng chính là cách mà con người ta sống như thế nào để gìn giữ đạo đức, và giữ cho tinh thần cao thượng dù có ở trong hoàn cảnh nào đi nữa. Hãy nhìn xem bao nhiêu người giàu còn tên trên sử sách, các Thánh Nhân và danh nhân vĩ đại danh lưu nghìn năm từ Khổng Tử đến Mạnh Tử, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo có ai lưu lại danh tiếng như một người giàu có đâu. Cái họ lưu lại chính là lối sống nhân nghĩa đạo đức làm gương cho thiên hạ.

Uy vũ bất năng khuất – Trước cường quyền vẫn ngay thẳng không khuất phục

Để giữ vững tiết tháo và đạo đức của mình, cũng như lèo lái và làm trụ cột cho gia đình. Nho giáo ngày xưa đòi hỏi người đàn ông trượng phu còn phải có dũng khí. Nhưng cái dũng khí của Nho gia yêu cầu lại không phải là cái dũng của ba quân trên chiến trường, của những tướng quân tranh hùng nơi trận mạc. Đó chỉ là cái Dũng của kẻ thất phu.

Cái Dũng chân chính mà Nho gia nói đến là cái nhân cách hoàn thiện mà một người đàn ông chân chính phải hướng đến. Cái Dũng để bảo vệ nhân cách, khí tiết, lý tưởng của mình trong nghịch cảnh, khi đối diện cường quyền vẫn không khuất phục. Dũng để bao dung, tha thứ và chấp nhận thiệt thòi xứng đáng để bảo vệ gia đình và tổ quốc. Nó chính là cái Dũng của Thánh Nhân,

Các vua quan nhà Trần, vốn đa phần đều là tín đồ Phật môn thuần thành, là những tấm gương Đại Nhẫn tuyệt vời. Suốt khoảng thời gian đế quốc Nguyên Mông hống hách đe dọa từ biên giới cho đến ngoại giao mà toàn thể triều đình từ vua đến quan vẫn nhẫn nhịn điều đình, cương quyết từng điều khoản sao cho vừa bảo vệ thể diện quốc gia vừa không phải động binh làm khổ cho dân chúng. Chính cái triều đình nhẫn nhịn đó đã đập tan 3 cuộc xâm lăng ghê gớm nhất ngay vào lúc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thành một chiến công như thần tích của thế giới. Chuyện ngoại giao Nhẫn nhịn xuất sắc của nhà Trần còn ghi lại những mẩu chuyện như sau:

“Sài Thung và Hưng Đạo Vương

Sài Thung cỡi ngựa đi thẳng vào đại điện bị quân Thiên Trường chặn ở cửa Dương Minh, hắn dùng roi ngựa quất vào đầu quân canh đến chảy máu. Thái độ của Sài Thung vô cùng ngang ngược dù cho triều đình Đại Việt hết mực nhường nhịn.

Vua Trần đặt tiệc ở hành lang tiếp đãi, hắn không đến dự, phải đặt tiệc ở điện Tập Hiền mời hắn mới chịu đến. Thái úy Trần Quang Khải đến sứ quán để tiếp sứ, Sài Thung nằm dài không tiếp. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phải gọt tóc cải trang thành một Lạt Ma đến ( vì người Mông Cổ rất tôn trọng Lạt ma giáo), Sài Thung tưởng là Lạt Ma thật nên ngồi dậy tiếp đón.

Với bộ tịch một vị Lạt Ma đầu thì trọc, quần áo nâu sồng, ngài vào trong phòng nơi sứ quán, Sài Thung trở dậy, vái chào ngài, rồi mời ngồi. Pha trà, ngài cùng Thung uống. Trong khi ấy, kẻ hầu của Thung nghi ngờ nên lén cầm chiếc tên, đứng sau Ngài, dùi vào đầu Ngài làm máu chảy… Nhưng lạ thay Ngài vẫn giữ được khí sắc như thường, không biến đổi, cứ như chuyện kia không tồn tại. Bởi vì Lạt Ma Tây Tạng thực sự đều có định lực rất cao thâm với nội công thâm hậu nên khi chứng kiến chuyện đó, Sài Thung không dám nghi ngờ thân phận Lạt Ma kia của ngài là giả. Kịp lúc ngài lui về, Thung lại thân hành tiễn ra đến tận cửa.”

“Ô Mã Nhi và Trần Khắc Chung

Trong cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ hai (năm 1285), Trần Khắc Chung khi đó là Chi hậu cục thủ, khi Trần Thánh Tông hỏi ai có thể sang trại Nguyên làm sứ giả, ông bèn xin đi, sang thương thuyết với Ô Mã Nhi.

Ô Mã Nhi hỏi:”Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”.

Khắc Chung đáp:”Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem.

Ô Mã Nhi nói:”Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?”.

Khắc Chung nói:”Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người”.

Ô Mã Nhi nói:”Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát”.

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”, giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”. Ô Mã Nhi bèn sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp”. 

(Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Lời bàn: 

Trong trại giặc mạnh, lúc nước nhà nguy nan mà vẫn bình thản đối đáp giữ thể diện quốc gia mà không kích động giặc chẳng phải là tâm Nhẫn mạnh hơn thiên quân vạn mã? Ngồi yên cho người ta đâm vào đầu mà thản nhiên như không chẳng phải nội tâm đã vượt ngoài sức mạnh của thần chết hay sao? Người mà có thể làm chùn bước cả thần chết, nội tâm mạnh mẽ hơn vạn quân thì có việc gì trên đời có thể làm khó nữa. Một gia đình có thể không cần người ấy làm chủ chăng, một quốc gia có thể không cần một người lãnh đạo như thế chăng. Nên nếu muốn đảm đương việc lớn hay thành công trên đời chính là phải rèn luyện nội tâm để đạt đến cái Dũng của Thánh nhân kia vậy. 

“Sông có khúc, người có lúc”, cuộc sống chẳng biết sẽ đem phong ba bão táp đến với bản thân và gia đình ta khi nào. Nên cái sáng suốt nhất của một người phụ nữ là hãy lựa chọn cho mình một bậc phu quân trượng phu, có khí chất nhẫn nhịn bao dung và dũng khí của Thánh nhân để làm nơi nương tựa, chứ không nên nhìn vào phú quý hiện tại và hình dáng bên ngoài. 

Tĩnh Thủy

Exit mobile version