Đại Kỷ Nguyên

10 phong thái của người quân tử trong khi nói chuyện, bạn học được bao nhiêu?

Người quân tử luôn cẩn thận với ngôn hành, từ lời nói cử chỉ nhỏ cũng nhất tâm lưu ý, không dám khinh suất. Đặc biệt khi nói chuyện họ sẽ giữ được 10 loại phong thái dưới đây:

1. Không nói lời không nên nói

Quân tử bất thất túc ư nhân, bất thất sắc sư nhân, bất thất khẩu ư nhân. (Lễ ký – Biểu ký)

Dịch nghĩa: Người quân tử không có cử chỉ không chuẩn mực với người khác, không có thái độ dung mạo không nghiêm trang với người khác, không có ngôn từ không cẩn thận đối với người khác.

Người quân tử cẩn thận với ngôn hành, không nói lời không nên nói, cũng không làm việc không nên làm. Thứ nhất, là để tránh không bị người ta bắt thóp, gây ra chuyện thị phi; thứ hai, chính là tu dưỡng cá nhân của người quân tử.

2. Việc công không bàn riêng

Công sự bất tư nghị. (Lễ ký – Khúc lễ hạ)

Việc công thì phải bàn luận công khai, làm công khai, theo đúng phép tắc chung, không được bàn luận riêng, xử lý theo tình riêng, nếu bàn riêng làm riêng ắt sẽ có hiềm nghi gian tà mưu lợi. Sự tình thành bại được mất, nhiều khi lại quyết định bởi người đó có nói ở trường hợp thích hợp hay không, nói ra lời có thích hợp hay không.

Ca dao Việt Nam có câu tương tự:

‘Thương em anh để trong lòng
Việc quan anh cứ phép công anh làm’.

Việc công thì phải bàn luận công khai, không được bàn riêng, xử lý theo tình riêng. (Ảnh: jianshu.com)

3. Bàn việc triều chính không được nói đến chuyện vui chơi

Triều ngôn bất cập khuyển mã. (Lễ ký – Khúc lễ thượng)

Dịch nghĩa: Bàn việc triều chính không được nói đến chuyện vui chơi giải trí như chuyện chó ngựa.

Triều là chỉ việc triều chính, là nơi bàn luận việc công. Khi làm việc công không nói những chuyện đùa cợt vui chơi giải trí. Khi làm việc cần phải có tinh thần kính trọng công việc, và phải tự giác kỷ luật.

4. Khi làm việc thì không nói chuyện về phụ nữ

Công đình bất ngôn phụ nữ. (Lễ ký – Khúc lễ hạ)

Nói chuyện cần đúng chuyện, đúng lúc đúng chỗ. Nơi làm việc không nói chuyện nữ sắc.

5. Ở quan nói chuyện quan, ở phủ nói chuyện phủ, ở khố nói chuyện khố, ở triều nói chuyện triều

Tại quan ngôn quan, tại phủ ngôn phủ, tại khố ngôn khố, tại triều ngôn triều. (Lễ ký – Khúc lễ hạ)

Quan, phủ, khố, triều là các đơn vị hành chính khác nhau thời xưa. Ở nơi làm việc nào thì chỉ nói, bàn về công việc của nơi đó. Khổng Tử cũng nói: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”, có nghĩa là: “Không ở vị trí ấy, thì không nói chuyện công việc của chức phận vị trí ấy”.

Một người không thể hoàn mỹ, nhưng cần phải viên dung, học cách cư xử thích hợp tùy theo thời điểm, tùy theo nơi chốn, biết nói chuyện để hài hòa mối quan hệ. Một người có tu dưỡng khi nói chuyện với những người khác nhau thì sẽ biết nói về chủ đề phù hợp với thân phận của người đối thoại, nói những chuyện hợp với đạo lý.

Một người không thể hoàn mỹ, nhưng cần phải viên dung, học cách cư xử thích hợp tùy theo thời điểm. (Ảnh: dkn)

6. Trong thời gian chịu tang thì không nói chuyện vui chơi, trong khi tế lễ thì không nói chuyện dữ, chuyện không may mắn

Cư tang bất ngôn lạc, tế tự bất ngôn hung. (Lễ ký – Khúc lễ hạ)

Nói chuyện ầm ỹ, cười đùa nô đùa đều là bất kính đối với người đã chết và gia quyến họ. Thế nên, cần hạ thấp giọng, cử chỉ nhẹ nhàng chậm rãi chắc chắn, thì mới thể hiện ra thành ý và phong độ.

7. Ở một vị trí chức trách nhất định thì cần phải có lời nói và việc làm phù hợp với chức trách đó

Cư kỳ vị, vô kỳ ngôn, quân tử sỉ chi. Hữu kỳ ngôn, vô kỳ hành, quân tử sỉ chi. (Lễ ký – Tạp ký hạ)

Dịch nghĩa: Ở vị trí chức vụ đó mà không nói ý kiến, kiến nghị cần có cho công việc vị trí đó, thì người quân tử sẽ cảm thấy xấu hổ. Có ý kiến, có kiến nghị cần có cho công việc vị trí đó, nhưng không có hành vi hành động thực thi công việc đó, thì người quân tử cảm thấy xấu hổ.

Ở một vị trí chức trách nhất định thì cần phải có lời nói và việc làm phù hợp với chức trách đó. Ở vị trí chức trách đó mà không đủ tư cách, ngôn hành tương xứng là không được. Lời nói hùng biện, lý lẽ đầy đủ, nhưng lại thiếu hành động, không có kết quả, như thế cũng không đạt. Vậy nên, người quân tử nói phù hợp, hành động phù hợp, để có kết quả xứng đáng.

8. Chuyện mà bậc trưởng giả, người bề trên không nói thì chớ sàm ngôn tự ý nói loạn

Trưởng giả bất cập, vô sàm ngôn. (Lễ ký – Khúc lễ thượng)

Chuyện mà bậc trưởng bối không nhắc đến thì đừng đề cập. Khi nói chuyện với bậc trưởng giả, người bề trên, cần để họ chủ động dẫn dắt câu chuyện, đưa ra các vấn đề.

Chuyện mà bậc trưởng bối không nhắc đến thì đừng đề cập. (Ảnh: huadunews.com)

9. Ngồi hầu chuyện với thầy, với bậc tiên sinh, nếu tiên sinh hỏi, thì chờ hỏi xong rồi trả lời

Thị tọa ư tiên sinh, tiêu sinh vấn yên, chung tắc đối. (Lễ ký – Khúc lễ thượng)

Không được cắt lời người bề trên, không được nói chen ngang. Khi giao lưu với người khác cũng vậy, xuất phát từ sự tôn trọng người khác, tốt nhất không chủ động cắt ngang lời người khác.

10. Ngồi hầu chuyện với người quân tử, nếu không xem xét người xung quanh đợi người khác nói trước, mà đã vội đáp lời, thì không hợp với lễ nghi.

Thị ư quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã. (Lễ ký – Khúc lễ hạ)

Lời nói phát xuất từ tâm, bậc trí giả cẩn thận nói năng, đáng nói thì mới nói, khi thích hợp thì mới nói. Khi nói chuyện với người quân tử, với người bề trên, nếu chưa đến lượt mình mà lại vội nói trước, đó là vội vàng hấp tấp. Không để ý đến nét mặt người ta, xem xét tâm ý người ta, mà cứ nói ý mình thì đó là khinh suất.

Nói chuyện cũng là một loại tu dưỡng. Vậy nên, muốn trở thành một người giỏi nói chuyện thì bản thân ắt cần phải tu dưỡng tâm tính, học cách lắng nghe và thấu hiểu người khác. Có như vậy mới học được sự khiêm nhường và tôn kính trong đối nhân xử thế. Người xưa dạy “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói cũng chính là ý như vậy.

Theo Apollo
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version