Đại Kỷ Nguyên

Vì sao thời tiết thường oi bức, ngột ngạt trước cơn mưa rào hay bão về?

Mỗi lần bão xuất hiện hay trước khi một cơn mưa rào chuẩn bị xảy ra, chúng ta đều nhận thấy bầu trời rất thoáng đoãng, có nắng và không khí vô cùng khó chịu, ngột ngạt. Vì sao lại như vậy?

Một buổi sáng đẹp trời, Mặt Trời vừa mới mọc mà bạn đã cảm nhận được không khí vô cùng nóng nực và khó chịu, quạt có chạy hết cỡ mà mồ hôi bạn vẫn không ngừng chảy, cứ như thể hiện tượng gió Lào (hay còn gọi là gió phơn hoặc gió Tây khô nóng). Trời không chỉ nóng mà còn rất ngột ngạt khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi.

Có những lúc bạn cảm thấy thời tiết vô cùng bức bách và ngột ngạt, ngay cả khi lúc đó không phải là giữa trưa trưa hè oi ả. (Ảnh: KizlarSoruyor)

Những biểu hiện trên là dấu hiệu báo trước một cơn mưa rào sắp xảy ra hay lớn hơn nữa là một cơn bão đang di chuyển trên biển và sắp tiến vào đất liền. Vậy nguyên nhân gì gây ra hiện tượng này?

Có hai nhân tố để tạo nên một trận mưa rào là nhiệt độ và độ ẩm. Chính 2 yếu tố này cũng làm cho chúng ta cảm thấy oi bức: càng nóng và ẩm thì tiết trời càng oi bức!

Cụ thể, khi Mặt Trời toả nhiệt xuống Trái Đất, lớp khí quyển sẽ nóng lên. Sau một thời gian, chúng khô dần và nhẹ hẳn nên sẽ bay cao, tạo cảm giác nóng bức. Đồng thời, chu trình tuần hoàn nước diễn ra: “Nước bốc thành hơi liên tục rồi ngưng tụ tạo mây, làm cho mật độ phân tử nước dạng khí trong không khí tăng lên đột ngột, độ ẩm tăng cao và tạo nên sự oi ả. Lớp khí đã nóng lại mang độ ẩm khiến cho nước ở bề mặt Trái Đất không thể bốc hơi nhiều hơn được, nên làm cho mồ hôi trên cơ thể người cũng khó khô đi. Khi ấy sự oi bức, ngột ngạt, khó chịu sẽ tăng lên kéo dài.”

Những biểu hiện đó là báo hiệu cho một cơn mưa rào sắp xảy ra hoặc lớn hơn là 1 cơn bão đang tiến vào đất liền. (Ảnh: Sitapati)

Cảm giác đó tương tự như khi ta ở trong buồng tắm kín mùa hè với độ ẩm lớn đồng thời nhiệt độ cao. Sau đó thôi, mưa sẽ rơi xuống đúng theo quy luật tự nhiên. Cho nên, thường thì trước những cơn mưa, đặc biệt là mưa rào hay giông bão là trời lại rất oi bức.

Nhưng có lúc hiện tượng không khí oi bức xảy ra mà vẫn không hề có mưa đó bạn. Là vì những cơn mưa này có phạm vi đều khác nhau, tương đối hẹp hay nhiều yếu tố khác thất thường như sự ô nhiễm môi trường, … nên đằng kia thì mưa như trút nước nhưng bên này thì ngột ngạt chẳng có hạt nào!

Còn trước khi bão về, thời tiết cũng gần giống trước khi mưa rào là nắng, trời trong xanh và khá khó chịu. Điều này là do sự hình thành cơn bão gây nên:

Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống bề mặt đại dương, nước biển bay hơi và tạo thành 1 lớp không khí ẩm trên bề mặt biển. Ở những nơi áp suất thấp, nước biển liên tục bốc hơi và bay cao hơn tạo thành một cột khí ẩm. Cột khí ẩm này se lạnh dần đi và đến một lúc nào đó ngưng tụ thành nước và làm nóng không khí xung quanh do quá trình ngưng tự hơi nước thành nước sinh nhiệt. Không khí càng nóng, hơi nước càng bay cao hơn và lượng hơi ẩm được hút vào càng nhiều.

Những cơn bão sẽ hút hết hơi ẩm từ biển khiến thời tiết trong đất liền lại nóng nực và khó chịu như vậy. (Ảnh: FlaglerLive)

Khi không khí càng nóng thì hơi nước lại càng bay cao hơn, tạo ra dưới chân cột khí một khoảng trống. Vì thế, cột khí muốn duy trì được, không khí ẩm từ mặt biển cần phải liên tục được hút vào chân cột khí và bay lên cao và quá trình cứ thế tiếp tục. Cho nên lượng hơi ẩm từ biển vào đất liền giảm dần và mất hết dẫn đến việc thời tiết trong đất liền quang đãng và rất khó chịu do nhiệt độ cao gây oi nóng.

Sơn Tùng

Exit mobile version