Đại Kỷ Nguyên

Toàn bộ người dân Thụy Sĩ sẽ an toàn nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, và đây là lý do

Một hệ thống hầm ngầm hiện đại và kiên cố được xây dựng trên khắp Thụy Sĩ cho phép toàn bộ chính phủ và người dân nước này an toàn gần như tuyệt đối nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. 

Có một thực tế ít người biết đến rằng dưới tầng ngầm của bất cứ công sở, trường học, bệnh viện, hay nhà riêng nào tại Thụy Sĩ đều thiết kế hầm trú ẩn tránh bom hạt nhân. Có cả thảy tới 27 vạn cơ sở ẩn náu kiên cố như vậy, trong tổng số 7 triệu dân của cái đất nước vốn theo đuổi tôn chỉ trung lập vĩnh viễn này. Một tỉ lệ cao tuyệt đối so với tất cả các quốc gia còn lại trên hành tinh.

“Vua của các hầm trú ẩn” phải kể đến khu công sự đồ sộ dành riêng cho giới viên chức liên bang cao cấp, được biết đến qua mật danh Công trình K-20. Trong trường hợp có đòn tấn công hạt nhân, toàn bộ ban lãnh đạo đất nước bao gồm cả các thành viên Quốc hội, cũng như đội quân cố vấn – trợ lý thiết yếu tháp tùng sẽ được di tản cấp tốc tới đây.

Một boongke ngầm tại Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)

K-20 tọa lạc bên ngoài thủ đô Bern theo hướng xa lộ đi Kandersteg, trên độ cao 1.200m so với mực nước biển với bốn bề xung quanh là các triền núi cao quanh năm tuyết phủ. Khối núi đồ sộ có đỉnh cao nhất tới 3.500m này có thể dễ dàng mục kích từ trung tâm thị trấn Sumiswald, lẩn khuất đâu đó bên dưới là một công trình quân sự trị giá hơn 200 triệu USD.

Công trình K-20 có diện tích ngang một tòa chung cư rộng lớn với sức chứa hàng trăm người, được tích trữ lượng nhu yếu phẩm thiết yếu đủ cho 6 tháng – thời gian tối thiểu đảm bảo sự tồn vong sau các hệ quả từ chiến tranh nguyên tử, hóa học, hay sinh học quy mô toàn cầu. 

Lối vào khu vực bao quanh K-20 tọa lạc gần cửa hầm phía bắc của tuyến đường bộ xuyên núi Liucheberg dài 14km. Khu nhà nghỉ Alp Stubli xây cất bằng gỗ sồi nổi tiếng là chốn cuối cùng du khách có thể lai vãng trước khoảng thung lũng kề khu vực cấm. Cổng chính của công trình tuyệt mật nằm không xa thác nước I d’Schleife, đổ xuống từ đỉnh Iegertose cao 2.154m.

Không hoàn toàn xám xịt nặng nề như người ta vẫn mường tượng về các căn cứ ẩn náu kín đáo, thiết kế kính màu xen lẫn bêtông trắng án ngữ lối vào công trình K-20 trông giống mặt tiền của một đường hầm chuyên dụng nào đó. Được khởi công vào thập niên 80 thế kỷ trước giữa cao trào Chiến tranh lạnh, cùng trọng tâm có thể trụ nổi trước các hỏa tiễn gắn đầu đạn hạt nhân của đối phương.

“Giới chức quân sự Thụy Sĩ khi ấy tỏ ra rất lo ngại trước thảm cảnh mùa đông hạt nhân tại châu Âu, điều tất yếu ắt xảy đến sau khi có đối đầu hạt nhân giữa Liên minh Bắc Đại Tây Dương và Khối Warsaw quy tụ các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây”, ông Pol Giwter, cựu Cố vấn cao cấp Chính phủ Liên bang nhớ lại.

Tới đầu thập niên 90, Quốc hội Thụy Sĩ biểu quyết trong một phiên họp kín nhất trí biến K-20 thành dạng boong-ke cấp nhà nước. “Ngay sau cổng chính là bãi đậu xe rộng mênh mông dành cho cả nhân viên dân sự lẫn quân sự – Đại tá dự bị Woneder Soldt, người từng tham gia diễn tập nhiều lần ở hầm trú ẩn đặc biệt cho biết – Tất cả các phương tiện điện tử kỹ thuật số cá nhân như điện thoại di động, camera và laptop đều phải gửi lại nơi tập kết. Việc chụp ảnh cả bên trong cũng như bên ngoài công trình bị cấm tuyệt đối.

Những lo ngại về chiến tranh hạt nhân thời chiến tranh lạnh đã thôi thúc chính phủ xây dựng hệ thống hầm trú ẩn trên khắp Thụy Sĩ (Ảnh minh họa)

Hệ thống máy quét nhân dạng sinh học sẽ kiểm soát mọi ngả ra vào nhằm bảo đảm không cho kẻ lạ đột nhập. Giọng nói và mống mắt là các dữ liệu ưu tiên cho việc kiểm tra một cách nhanh gọn và chính xác, hơn là xác định qua hình chụp và dấu vân tay cố hữu. Ngoài ra, bất cứ ai cũng phải thuộc nằm lòng mã số nhận dạng cá nhân (số PIN) được cấp từ Cơ quan An ninh Liên bang. Sau đó mọi người có thể di chuyển 5 phút theo tuyến đường sắt ngầm để tới khu vực trọng yếu nhất thuộc K-20. 

Ngoài cửa chính ra, “vua của các hầm trú ẩn” còn có 2 cửa dự phòng khác. Một cửa thông với tuyến đường sắt trên cao, cửa còn lại dẫn ra thung lũng Gasterntal.

Để Chính phủ Liên bang có thể tiếp tục điều hành đất nước trong điều kiện thảm họa hạch tâm, các tầng bên dưới công trình K-20 được thiết kế chuyên biệt cho mục đích duy trì thông tin liên lạc, phát thanh và truyền hình, bao gồm cả phòng họp với các tỉnh trưởng bằng cầu truyền hình qua kênh mật mã.

Được biết ngoài K-20, trên lãnh thổ liên bang còn có 19 công trình tương tự, nôm na là mỗi địa hạt một hầm trú ẩn đồ sộ trị giá 80 triệu franc. Hơn 30 năm trước Hội đồng Liên bang, cơ quan quyền lực cao nhất ở Thụy Sĩ đã ra một đạo luật, buộc chính quyền các địa phương phải xây cất cơ sở ẩn náu phòng chống bom nguyên tử cho người dân. Chi phí để duy trì các hầm trú ẩn cấp tỉnh cũng ngốn mất cả triệu franc mỗi năm, nhưng với người Thụy Sĩ, điều đó là cần thiết và họ đủ ngân sách để làm việc này.

Một boongke ngầm với phần nổi được ngụy trang như một ngôi nhà ở Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)

Thoạt đầu Chính phủ Thụy Sĩ không muốn cho bên ngoài biết về công trình K-20 nên nó được liệt vào dạng siêu mật, như nguyên văn lời người phát ngôn Kristof Bruner: “Nếu K-20 bị khám phá sẽ ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo đất nước, tới hoạt động an ninh, tới nhiệm vụ chiến lược của quân đội, cũng như quan hệ đối ngoại của Chính phủ Liên bang”. Tuy nhiên, hiện tại, sự tồn tại của công trình này đã không còn trong bí mật nữa.

“Xét về mặt địa lý học thuần túy, chẳng khó khăn gì khi cần phát hiện công trình tối mật qua các công cụ tìm kiếm nhan nhản trên mạng Internet. Thiết bị định vị qua vệ tinh cho biết K-20 nằm chính xác ở 46 độ 28 phút 33 giây vĩ bắc và 7 độ 39 phút 54 giây kinh đông. Còn phần mềm phân giải ảnh của Google chỉ rõ K-20 ẩn sau đỉnh núi Blumlisalp có vài cây số”, Nghị sĩ I.Lang kết luận.

Hoài Anh

Exit mobile version