Đại Kỷ Nguyên

Tín hiệu phát vào vũ trụ cho các ‘sinh mệnh ngoài hành tinh’ 27 năm trước cuối cùng đã nhận được phản hồi? (P.1)

thông điệp arecibo trí thông minh ngoài hành tinh

Ảnh: ĐKN

Chúng ta có thể đã nhận được phản hồi cho tín hiệu phát vào vũ trụ cho các “sinh mệnh ngoài hành tinh” trên một cánh đồng gần đài quan sát Chilbolton ở Anh.

Năm 1974, một tín hiệu phát sóng vô tuyến (được gọi là thông điệp “Arecibo”) do nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan và các đồng nghiệp hợp tác soạn thảo đã được gửi vào không gian vũ trụ.  Là tín hiệu phát sóng mạnh mẽ nhất từng được phát ra ngoài không gian, thông điệp này mang thông tin cơ bản về nhân loại và trái đất, được nhắm tới một cụm sao cầu cách chúng ta khoảng 25.000 năm ánh sáng, với hy vọng kết nối với các sinh vật thông minh trong vũ trụ. Thông điệp này gồm một hình ảnh miêu tả các nguyên tố căn bản của sự sống trên Trái Đất, quy mô dân số thế giới, và vị trí của hành tinh chúng ta trong hệ mặt trời. Thông điệp cũng bao gồm các thông tin cơ bản về loài người, chẳng hạn như hình dáng bề ngoài và cấu trúc gen di truyền của chúng ta.

Nội dung “Thông điệp Arecibo” được gửi vào vũ trụ. Ảnh: wikipedia.org

Với cường độ mạnh gấp 1 triệu lần tín hiệu TV thông thường, thông điệp Arecibo được đảm bảo có thể vươn tới những nơi xa xôi ngoài không gian.

Sau 27 năm chờ đợi lâu dài, đến năm 2001, nhân loại dường như rốt cục đã nhận được câu trả lời đã trông ngóng bấy lâu. Sáng ngày 14/8/2001, một khuôn mặt người đi kèm một mô hình khá giống thông điệp Arecibo đã xuất hiện trên cánh đồng ngay cạnh Đài thiên văn Chilbolton, đài thiên văn lớn nhất nước Anh. Các mẫu hình này được tạo ra theo mô thức tương tự như các “vòng tròn cánh đồng” bí ẩn khác ở Anh.

Câu trả lời cho thông điệp Arecibo phát phóng vào không gian, sau 27 năm “bịt vô âm tín”. Ảnh: collective-evolution.com
Một góc chụp khác. Ảnh: ĐKN

Phụ lục: Vòng tròn cánh đồng là gì?

Vòng tròn cánh đồng, hay vòng tròn đồng ruộng (tiếng Anh: crop circle) là một khu vực trồng ngũ cốc hay cây trồng nói chung bị san phẳng một cách có hệ thống thành nhiều mẫu hình học khác nhau. Các vòng tròn này chỉ có thể được quan sát rõ nét từ trên không. Chúng có rất nhiều ở Anh và nhiều nơi khác trên thế giới. Tác giả đằng sau các tác phẩm quy mô, chính xác này hiện vẫn còn là một bí ẩn, dù rằng đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra.

Ảnh: ĐKN
Ảnh: ĐKN
Một số mẫu hình vòng tròn cánh đồng được ghi nhận. Ảnh: filhosdasestrelas.com.br

Hai hình vẽ bí ẩn trên cánh đồng: Xuất hiện đột ngột, có độ chính xác cực cao

Theo Darcy Ladd, Giám đốc Đài quan sát Chilbolton, mẫu hình Chilbolton “đột ngột xuất hiện vào sáng ngày 14/8/2001.” Theo ông Ladd, “không có hoạt động bất thường nào được ghi nhận vào buổi sáng hôm đó tại hiện trường, hay hoạt động của máy bay trên không, vv… ” Cũng theo ông, Đài quan sát Chilbolton có được trang bị hệ thống camera an ninh, nhưng chúng không thể quan sát rõ vào ban đêm. Các camera này không ghi nhận được “bất cứ điều gì bất thường”.

Colin Andrews là một kỹ sư điện ở Mỹ đã giành hơn 30 năm nghiên cứu các bí ẩn xoay quanh “vòng tròn cánh đồng”. Ông đã lặn lội đến tận nước Anh để được tận tay khảo sát mẫu hình Chilbolton này. Dựa trên kết quả khảo sát, ông nhận định:

“Tôi tin chắc rằng có một thế lực nào khác đã nhúng tay vào ba mẫu thiết kế [mẫu hình Chilbolton] này và NẾU tác giả là con người, thì họ chắc chắn đã tạo nên được một tác phẩm có độ chính xác cao mang phong cách quân sự, thậm chí được hỗ trợ bằng công nghệ kỹ thuật cao“.

Không chỉ vậy, toàn bộ công trình này dường như được hợp thành từ các “tế bào”, vốn có một sự tương đồng đáng kinh ngạc với các “dấu chấm” được dùng trong các bức ảnh trên các tờ báo, hay nói cách khác chính là các điểm ảnh (pixel) của một bức ảnh kỹ thuật số. Những “điểm ảnh” thuộc mẫu hình Chilbolton này được tạo thành từ một loạt các búi lúa mì rậm rạp tối màu, xen lẫn với các “điểm ảnh” sáng màu cấu thành từ các thân cây oằn xuống thấp hơn (hình dưới).

Một bức ảnh kỹ thuật số, với các điểm ảnh pixel là các hình vuông nhỏ. Ảnh: Template.net
Mẫu hình Chilbolton gợi tưởng đến một bức ảnh kỹ thuật số, với các điểm ảnh (pixel) là các búi lúa mạch xếp hàng rất đồng đều.

Liệu có phải trò bịp tinh ranh của một ai đó?

Vậy phải chăng đây là tín hiệu trả lời thật sự của sinh mệnh ngoài hành tinh cho thông điệp Arecibo? Rằng thật sự tồn tại trí thông minh ngoài hành tinh, đã tiếp thụ được thông điệp Arecibo dưới dạng mã nhị phân, đọc hiểu và phản hồi lại cho nhân loại?

Nghe đến giả thuyết này, có thể một câu hỏi sẽ ngay lập tức dấy lên trong tâm trí của mọi người: “Thật khó tin! Liệu những cái này có thể là ‘thật’, hay chỉ là một trò bịp tinh vi của một ai đó để thu hút dư luận?”

Thực tế là, câu hỏi loại này không chỉ được đưa ra cùng lúc với sự xuất hiện của mẫu hình “thông điệp phản hồi Arecibo” (gọi tắt là mẫu hình Chilbolton), mà đã được thảo luận ở Anh kể từ khi xuất hiện những vòng tròn cánh đồng đầu tiên vào đầu những thập niên 1970, tăng dần lên với sự gia tăng các vụ báo cáo tương tự qua các niên đại.

James Deardorff từng là nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ. Ông đã thử tính toán khả năng đây có thể là một trò bịp. Để ra được con số này, ông dựa trên các yếu tố như:

  1. Xác suất có ai đó đủ thông minh và sáng tạo để tạo ra một “mẫu hình phản hồi” dưới dạng mã nhị phân cho Thông điệp Arecibo nổi tiếng,
  2. Xác suất người đó có thể tập dượt việc tạo ra các mẫu hình như vậy ở nơi khác trước khi tiến hành chính thức tại Chilbolton mà không chẳng may bị phát hiện,
  3. Xác suất có thể hoàn thiện nó trong vòng vài giờ đồng hồ vào cái đêm ngày 13/4/2001 [mẫu hình này xuất hiện vào sáng ngày 14/4],

V.v…

Kết quả thu được là vô cùng nhỏ, cụ thể:

P = 7 x 10^(-11)

trong đó p là xác suất.

Nói cách khác, xác suất để người nào đó làm giả mẫu hình tại Chilbolton là ít hơn 2 phần 10 tỷ. Đây là một con số xác suất quá nhỏ, chứng minh một cách chắc chắn rằng đây không thể là một trò bịp được dàn dựng công phu bởi bất kỳ ai.

Khuôn mặt trên cánh đồng đã xuất hiện trước đó 25 năm về trước, trên … bề mặt Sao Hỏa?

Tháng 7/1976, trong sứ mệnh không gian đổ bộ đầu tiên lên Sao Hỏa, sứ mệnh Viking, bao gồm tàu Viking 1 và Viking 2, các phi hành gia đã ghi hình được một quả núi đỉnh bằng (còn gọi là núi đỉnh phẳng, hay núi mặt bàn) dài 2 km đặc biệt kỳ lạ tại một khu vực gọi là Cydonia. Nhìn từ trên cao, quả núi này có hình dáng một khuôn mặt người hoàn thiện. Chính vì nhẽ đó, về sau quả núi này được đặt biệt danh “Khuôn mặt trên Sao Hỏa (Face of Mars)”.

Ảnh: Wikimedia
Ảnh: Wikimedia

Hơn 20 năm sau, một loạt tàu vũ trụ khác đã ghé thăm Sao Hỏa và ghi nhận được các bức ảnh chụp cập nhập “Khuôn mặt Sao Hỏa”. Quan sát ảnh, ta vẫn có thể nhìn thấy hình dáng của một khuôn mặt, nhưng các đường nét chi tiết đã phai mờ dần theo thời gian, có thể do sự bào mòn của thời tiết (hình dưới).

Khuôn mặt Sao Hỏa sau hơn 20 năm. Ảnh: wikipedia.org

Vậy rốt cục câu chuyện về “Khuôn mặt Sao Hỏa” có liên hệ gì đến mẫu hình Chilbolton của chúng ta?

Mặc dù được phát hiện lần đầu bởi các nhân viên tại Đài quan sát vào ngay sáng ngày hôm sau, tức thứ ba ngày 14/8, nhưng khuôn mặt Chilbolton (một trong hai phần của mẫu hình Chilbolton) đã bị ỉm đi mà không được báo cáo mãi cho đến hôm Chủ Nhật (19/8).

Khuôn mặt Chilbolton.

Ngay khi được công bố rộng rãi ở Anh, mẫu hình này đã nhanh chóng làm dấy lên một cơn sốt trên cộng đồng mạng – một phần là do, đối với những người yêu thích và có chút vốn hiểu biết về thiên văn, mẫu hình này trông rất giống “khuôn mặt Sao Hỏa” nổi tiếng ngày trước ở rất nhiều điểm.

Thứ nhất, khuôn mặt Chilbolton dường như được thiết kế để tái lập cấu trúc các điểm sáng và mờ của khuôn mặt Sao Hỏa nguyên gốc – màu đen ở hai mắt, lỗ mũi và miệng, màu sáng trắng ở các phần còn lại của khuôn mặt (Quan sát hình dưới, bên phải). Thứ hai, nhờ kỹ thuật lọc điểm mờ Gaussian, khuôn mặt Chilbolton hiện lên (hình dưới, bên trái) có những nét tương đồng rất lớn với một khuôn mặt người, tương tự khuôn mặt trên Sao Hỏa.  

Ảnh: ĐKN

Thứ ba, tuy rằng khuôn mặt Chilbolton thiếu đường viền bao của Khuôn mặt Sao Hỏa (phần rìa phía chân núi), nhưng bù lại nó được đặt cẩn thận trong một cái khung hình chữ nhật (hình dưới).

Khuôn mặt Chilbolton được đặt trong một khung hình chữ nhật.

 

Hình phác họa khuôn mặt Chilbolton thông qua xử lý kỹ thuật.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do khác để nghiêm túc nhìn nhận sự tương đồng giữa hai mẫu hình khuôn mặt Chilbolton và Sao Hỏa. Lấy ví dụ, vào tháng 8/2000 vào, đúng một năm trước khi mẫu hình khuôn mặt Chilbolton xuất hiện, một mẫu hình khác cũng đã xuất hiện một cách kỳ bí tại chính khu vực này (hình dưới). Đó là một cấu trúc các hình tròn phức tạp được lồng ghép với nhau mà nếu quan sát từ trên cao, sẽ có độ chính xác gần như hoàn hảo. Nhà nghiên cứu Michael Lawrence Morton đã tìm thấy một sự kết nối “ma trận hình học” đáng kinh ngạc giữa mẫu hình Chilbolton năm 2000 và Khuôn mặt Sao Hỏa. Sau khi giải mã vị trí của mẫu hình Chilbolton năm 2000 (hình dưới), Morton đã xác định được một loạt các mối liên kết đáng kinh ngạc giữa mẫu hình Chilbolton và Khuôn mặt trên Sao Hỏa trên một mạng lưới dạng điểm ảnh pixel. Mối liên kết này được dựa trên các thông số phức tạp, tinh vi, chứ không đơn thuần dựa trên sự tương đồng về hình dáng bề mặt.

Mẫu hình Chilbolton năm 2000.
Vị trí tương ứng của các mẫu hình Chilbolton vào hai năm, 2000 và 2001. Ảnh: ĐKN

Không chỉ vậy, khuôn mặt Chilbolton được tạo trên cánh đồng có đi kèm một “đường phân cắt (tramline)”, cắt dọc từ trên xuống dưới, chia khuôn mặt ra làm hai nửa tương đồng (hình dưới). Đường phân cách “chia nửa” kỳ lạ này cũng thấy xuất hiện trên khuôn mặt Sao Hỏa (hình dưới).

Không biết có phải ngẫu nhiên hay không, mà hai mẫu hình này cũng có “góc chiếu sáng Mặt Trời” trùng hợp một cách kỳ lạ (hình trên). Ở bức Khuôn mặt Sao Hỏa, quả núi kỳ lạ tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời từ góc trên cùng bên trái, khoảng 300 độ, trong khi ở mẫu hình Chilbolton, đường phân cắt tramline cùng các búi lúa mì “điểm ảnh pixel” với độ cao thấp khác nhau đã tạo nên một hiệu ứng ảo ảnh thị giác, khiến khuôn mặt cũng có góc chiếu sáng từ góc trên cùng bên trái, khoảng 300 độ, dù được quay chụp ở bất kỳ hướng nào. Trên thực tế, bức ảnh mẫu hình Chilbolton của nhiếp ảnh gia Steve Alexander phía trên được chụp từ góc dưới cùng bên phải, nhưng vẫn tạo cảm giác như thể được chụp từ góc trên cùng bên trái, chính nhờ hiệu ứng ảo ảnh thị giác tinh vi này.

Điều này thể hiện vốn kiến thức quang học cực kỳ chuyên sâu của tác giả mẫu hình. Cần biết rằng, để tạo nên ảo ảnh thị giác như vậy, sẽ cần phải tinh chỉnh chiều cao của các búi lúa mì tại các khu vực khác nhau, mà với một cánh đồng lúa mì không ngừng nghiêng ngả theo gió và bất cố định như vậy, công việc này là cực kỳ khó. Đây quả là một kỳ công nếu xét riêng từ phương diện này.

Với tất cả những sự tương đồng như vậy, các nhà nghiên cứu không khỏi đặt câu hỏi:

Liệu có ngẫu nhiên khi hai tác phẩm khuôn mặt người có sự tương đồng kỳ lạ lại xuất hiện ở hai nơi xa xôi cách trở, một trên Sao Hỏa, một dưới Trái Đất? Phải chăng chúng có cùng chung một tác giả – một sinh mệnh có trí thông minh có thể du hành qua lại giữa các nơi xa xôi trong vũ trụ?

Trong phần tiếp, chúng ta sẽ tiến hành phân tích chi tiết mẫu hình thứ hai, cũng chính là câu trả lời cho thông điệp Arecibo năm nào. Nếu vào năm 1974, chúng ta gửi một thông điệp vào vũ trụ, tiết lộ các thông tin về nhân loại trên Trái Đất, thì thông điệp phản hồi năm 2001, dường như cũng ẩn chứa trong đó các thông tin tương ứng từ quần thể sinh mệnh thông minh ngoài vũ trụ, hé mở cho chúng ta biết về xã hội dường như rất văn minh của các vị khách ngoài vũ trụ.

(Ảnh trong bài được lấy từ nguồn enterprisemission.com)

(còn tiếp)

Theo enterprisemission.com

Quý Khải biên dịch

Exit mobile version