Đại Kỷ Nguyên

Tìm hiểu về hiện tượng linh hồn ly thể dưới góc độ khoa học

Một số người cho biết, linh hồn của họ có thể rời khỏi cơ thể theo ý muốn. (Ảnh: Internet)

Hiện tượng linh hồn ly thể thường được định nghĩa là một trải nghiệm trong đó người tham gia có một cảm giác như đang tạm thời tách rời ra khỏi cơ thể vật lý. Nhưng các hoàn cảnh xoay quanh những trải nghiệm và các cảm giác đi kèm là khác nhau.

Tiến sĩ David Wilde, một giảng viên tại trường khoa học xã hội của Đại học Nottingham Trent ở Anh, đã phát biểu như sau trong một thông cáo báo chí của trường: “Các đặc điểm đặc trưng của trải nghiệm rời cơ thể khá đa dạng và phong phú, nhưng chúng thường hay bị phớt lờ trong nghiên cứu hiện đại để ưu tiên một bộ các đặc điểm ‘cốt lõi’ rút gọn hơn”.

Theo đó, một nghiên cứu mới đang được tiến hành tại Đại học Nottingham Trent,  Anh để tìm hiểu rõ hơn về các trải nghiệm rời cơ thể. Nghiên cứu này đặc biệt hướng tới việc tìm ra một nhận định tốt hơn về các dạng thức khác nhau của trải nghiệm rời cơ thể, cũng như ý nghĩa của chúng đối với những người từng có loại trải nghiệm này.

Dưới đây là hai nghiên cứu thú vị về trải nghiệm rời cơ thể và chúng khác rất nhiều với những nghiên cứu trước đây:

Chụp quét não bộ

Tại trường đại học Ottawa, Canada, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ của một người phụ nữ khi người này đang trong một “trải nghiệm siêu cơ thể (extra-corporeal experience)”. Các nhà nghiên cứu cho biết, họ tránh dùng thuật ngữ “trải nghiệm rời cơ thể (out-of-body experience)”, bởi vì họ cảm thấy rằng thuật ngữ này bao hàm trong đó một trạng thái lo âu cảm tính và một số các đặc điểm khác không được bao hàm trong trải nghiệm của cô.

Theo đó, người phụ nữ này 24 tuổi và là một sinh viên cao học ngành tâm lý học. Người phụ nữ này cho biết, cô đã có thể rời cơ thể và tương tác với thế giới bên ngoài trong một dạng thức “siêu cơ thể” từ khi còn bé. Có thể tiến nhập vào một trạng thái như vậy nếu muốn và cô đã làm như vậy khi trải qua một cuộc chụp cộng hưởng từ MRI. Hai nhà nghiên cứu, PGS Andra M. Smith và GS Claude Messier, đã đo lường hoạt động não bộ của cô trong quá trình này.

PGS Andra M. Smith và GS Claude Messier cho biết, họ đã nhận thấy một sự kích hoạt ở vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (Temporo-parietal junction – viết tắt là TPJ). Đây là vùng não đóng vai trò quan trọng trong năng lực nhận thức, định hướng, xác định vị trí của chính mình trong không gian. Vùng não này giúp con người cảm thấy phần hồn và phần xác được liên kết, nhờ đó ta có thể di chuyển và tương tác với các sự vật xung quanh mình.

Ảnh một bộ não thông qua máy chụp cộng hưởng từ MRI. (Ảnh: Shutterstock)

Theo GS Claude Messier, khi một người tưởng tượng mình đang vận động thì sẽ gây ra một kích thích lên một vùng não bộ ở bên trái, theo đó, cái cảm giác đi lại được tưởng tượng đó được gọi là sự tưởng tượng vận động và họ đã nhận thấy một sự kích thích nhất định lên vùng này trong khi đang tiến hành cuộc thí nghiệm.

“Trải nghiệm siêu cơ thể trong nghiên cứu này đã kích hoạt phía bên trái của một vài khu vực não bộ có liên hệ với sự tưởng tượng vận động và chức năng tạm ngừng vùng vỏ não thị giác (vỏ não rãnh cựa, thùy chẩm, vùng 17). Điều này cho thấy trải nghiệm của người phụ nữ này thật sự là một trải nghiệm mới, với một nhân tố vận động mạnh. Đây là một người phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, và không có các khuyết tật não bộ, từ đó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn vào não bộ trong các trải nghiệm siêu cơ thể tự kích hoạt, không bệnh lý”, PGS Smith và GS Messier viết.

Họ cũng lưu ý rằng đây là nghiên cứu đầu tiên về một người có thể xuất hiện trải nghiệm như vậy tùy theo ý thích và không có bất kỳ khuyết tật nào về não bộ.

PGS Smith cũng cho biết thêm, có một sự khác biệt đáng kể trong hoạt động não bộ của người phụ nữ khi cô tưởng tượng mình đang vận động so với khi cô ở trong trạng thái siêu cơ thể.

Cụ thể, họ đã yêu cầu cô tưởng tượng bản thân đang thực hiện động tác nhảy dang 2 tay 2 chân. Tiếp đến, họ so sánh hoạt động não bộ của cô trong quá trình vận động tưởng tượng với hoạt động não bộ khi cô di chuyển trong trải nghiệm siêu cơ thể của mình.

Kết quả thu được cho thấy, những kích thích lên não bộ khi cô tưởng tượng mình đang vận động so với khi cô đang ở trong trạng thái siêu cơ thể là kém mạnh mẽ hơn. Theo đó, trong trạng thái siêu cơ thể, hoạt động não bộ được ghi nhận chủ yếu ở phần bên não trái, trong khi với vận động tưởng tượng, hoạt động não bộ lại được ghi nhận ở cả hai bên não bộ.

Có lẽ chúng ta cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để tăng cường các số liệu thống kê có liên quan đến những trải nghiệm này. Tuy nhiên, PGS Andra M. Smith và GS Claude Messier cũng lưu ý trong các kết luận ở phần cuối nghiên cứu của mình rằng: “Khả năng này có thể hiện hữu trong giai đoạn phôi thai nhưng … sẽ biến mất nếu không thực hiện thường xuyên”. Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Frontiers vào tháng 2/2014.

Người phụ nữ rời cơ thể, nhìn thấy con số được đặt trên đầu giường rồi báo cáo lại một cách chính xác

Các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp cho trải nghiệm rời cơ thể. (Ảnh: Foter)

Tiến sĩ Charles Tart, nguyên giáo sư tâm lý học tại trường Đại học California-Davis, đã tiến hành một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất về các trải nghiệm rời cơ thể. Theo đó, ông đã tiến hành thí nghiệm với một người phụ nữ – người mà trong nghiên cứu ông gọi là cô Z, bằng cách đặt một con số trên giá sách, ngay phía trên chiếc gường ngủ của cô. Ông quan sát cô khi ngủ để đảm bảo rằng cô sẽ không thể đứng dậy để nhìn con số đó.

Trong thí nghiệm của Tiến sĩ Charles,  một dãy số gồm 5 chữ số đã được lựa chọn ngẫu nhiên sau khi cô đi ngủ, và được đặt trong một phong bì mờ đục. Sau khi tỉnh dậy, người phụ nữ đã nói chính xác con số trên mảnh giấy và cho biết, cô để trôi nổi ngay phía trên cơ thể của mình để quan sát con số đó.

TS Tart và các cộng sự của mình đã thử tìm một số cách mà khiến cô Z có thể nhìn được con số mà không cần dùng đến các phương thức siêu thường. Tuy nhiên, phương pháp tốt nhất mà họ có thể nghĩ tới lại không quá khả thi đến vậy.

Theo đó, họ nghĩ rằng cô Z có thể để nhìn thấy con số thông qua bề mặt của một chiếc đồng hồ, thứ duy nhất có khả năng phản chiếu trong phòng.  TS Tart và TS Arthur Hastings đã thử nằm trên giường trong điều kiện ánh sáng lờ mờ tương tự như trong thí nghiệm trước đó. Tuy nhiên cả 2 đều không thể nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào của những con số đó trên mặt đồng hồ. Chỉ đến khi trực tiếp rọi sáng bề mặt đồng hồ bằng một đèn pin và tăng độ sáng lên khoảng từ vài trăm đến vài nghìn lần, thì họ mới có thể “thoáng nhìn được con số đó”.

Cô Z đã được chọn làm người tham gia cuộc thí nghiệm này bởi vì cô đã báo cáo về việc thức giấc nhiều lần về đêm và phát hiện thấy bản thân đang trôi nổi gần trần nhà, và đang nhìn xuống cơ thể của mình.

Nghiên cứu của ông đã được đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa Kỳ (Journal of the American Society for Psychical Research) vào năm 1968.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version