Đại Kỷ Nguyên

Tiến sĩ ĐH Cambridge: Khoa học phải chăng chỉ là 1 hệ thống niềm tin?

(Ảnh: getty images)

Tiến sĩ Rupert Sheldrake đã bị gắn mác là một nhà khoa học dị đoan. Ông có đầy đủ phẩm chất và năng lực trong cộng đồng khoa học, với tấm bằng Tiến sĩ ngành hóa sinh từ Đại học Cambridge và đã từng nghiên cứu triết học và lịch sử khoa học tại Đại học Harvard. Nhưng theo ông, đa số các nhà khoa học không nhận ra rằng họ đang tuân theo những nền tảng dựa trên niềm tin, và điều này đang hạn chế sự phát triển.

Lấy ví dụ, 99,9% ngành khoa học thần kinh dựa trên các nền tảng truyền thống vẫn giả định rằng ký ức tồn tại dưới dạng các vết hằn vật lý trên não bộ con người, Tiến sĩ Sheldrake trao đổi trong một cuộc phỏng vấn với Mark Vernon từ tờ The Guardian. Tuy nhiên, từ lần này sang lần khác, chức năng của các vết hằn này vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng.

Tiến sĩ Sheldrake gợi ý rằng các ký ức có thể đến với chúng ta như một dạng cộng hưởng với quá khứ. “Chúng ta đang hòa nhịp với quá khứ”, ông nói.

“Não bộ chúng ta giống như một đầu thu TV hơn là một đầu máy video”.

– Tiến sĩ Sheldrake

Trong cuốn sách của mình với tiêu đề “Khoa học mới của cuộc sống”, ông trích dẫn các thí nghiệm được tiến hành trên loài chuột trong hơn 50 năm, dường như đã chứng minh sự tồn tại của một dạng thức cộng hưởng. Khi những con chuột từ trong một khu vực được dạy điều gì đó, thì những con chuột từ các vùng khác dường như cũng học được điều đó nhanh chóng hơn. “Các con chuột cho thấy khả năng học tập được gia tăng lên hơn 10 lần. Đây là một ảnh hưởng lớn, không phải chỉ là kết quả thống kê cận biên có ý nghĩa”, Tiến sĩ Sheldrake viết.

Theo ông, bất kể cách hiểu về ý thức nào là chính xác, thì khoa học—cũng như các chính sách phân bổ nguồn tài trợ trong cộng đồng khoa học—nên có thái độ cởi mở với cả hai khả năng. Nếu các nhà khoa học nhận ra cách giải thích thứ nhất là võ đoán chứ không phải thực tế, thì lĩnh vực này sẽ được mở rộng theo hướng thứ hai.

“Chúng ta ngăn chặn tất cả các đề xuất khác bởi chúng ta cho rằng cách hành xử duy nhất đem lại hiệu quả là một thái độ độc tài độc quyền. Điều này cũng giống như việc nhà nước nên sở hữu tất cả các ngành công nghiệp, và không nên có sự cạnh tranh … nhưng đây không phải là cách để vận hành nền kinh tế hay thúc đẩy sự sáng tạo”, Tiến sĩ Sheldrake nói.

Tiến sĩ Rupert Sheldrake (Ảnh: aetherforce.com)

Ông sử dụng một ví dụ so sánh khác để minh họa cho quan điểm của mình. Có nhiều người cho rằng sự hiểu biết truyền thống của khoa học nên được coi trọng hơn nữa bởi lẽ khoa học hiện thời đã đạt được nhiều thành tựu. Tiến sĩ Sheldrake nói rằng ngành khoa học này khá thành công trong việc chế tạo máy móc, nhưng nó chưa thể giải thích nhiều hiện tượng và các khía cạnh quan trọng của cuộc sống nhân loại, bao gồm tâm trí con người. Điều này cũng giống như nói Liên Xô đã đạt được thành công về mọi mặt bởi nó khá giỏi trong việc sản xuất tên lửa và đầu đạn hạt nhân.

Trong tất cả những lý luận từ những người gọi ông là kẻ dị đoan, luận điểm phổ biến nhất là khoa học—trong cái khuôn khổ hiện tại và dựa trên lối tư duy truyền thống—cuối cùng sẽ có thể giải thích tất cả, cho dù hiện nay nó chưa thể. Tiến sĩ Sheldrake sử dụng một thuật ngữ được đặt ra bởi triết gia quá cố – Ngài Karl Popper, đó là “chủ nghĩa duy vật hứa hẹn”.

Ông đưa ra ví dụ về một cuộc tranh luận giữa ông và nhà sinh học duy vật Lewis Wolpert về tương lai của Dự án Bản đồ Gen người [1]. Năm 2009, ông Wolpert đã nói rằng chúng ta sẽ sớm có khả năng dự đoán từng chi tiết về loài người, bao gồm các tính chất dị thường, thông qua dự án trên. Khi bị gặng hỏi về thời gian cho đến lúc đó, ông đã đưa ra con số 100 năm.

“Cũng giống như việc những người nói rằng thế giới này sẽ kết thúc trong 100 năm. Giả thuyết này không thể kiểm chứng, đây không phải khoa học, mà chỉ là một niềm tin thuần túy”, Tiến sĩ Sheldrake nói.

Các nhà khoa học trong lịch sử có quan điểm tương đồng nói gì?

  1. “Một ý tưởng kỳ lạ đối với tâm trí thì cũng khó chịu giống như một protein ngoại lai đối với cơ thể, và sức kháng cự trước nhân tố kỳ lạ trong cả hai trường hợp là tương đương. Sẽ không quá huyễn hoặc nếu nói rằng một ý tưởng mới là kháng nguyên hoạt động nhanh chóng nhất được biết đến trong khoa học. Nếu chúng ta quan sát bản thân một cách trung thực, chúng ta sẽ thấy bản thân bắt đầu phủ nhận một ý tưởng mới ngay cả trước khi nó được đưa ra trọn vẹn. Tôi chắc rằng câu khẳng định vừa rồi đã vấp phải sự phản kháng trong tâm trí chúng ta—từ đó cho thấy cơ chế phòng thủ của con người hoạt động nhanh chóng đến mức độ nào”.

— Wilfred Trotter, trong ‘Tuyển tập các tư liệu của của Wilfred Trotter F.R.S.’, xuất bản năm 1941. Wilfred Trotter (1872–1939) là một bác sĩ phẫu thuật và nhà tâm lý học xã hội.

  1. “Bước đầu tiên là đo lường bất kể thứ gì có thể đo lường được một cách dễ dàng. Việc này vẫn ổn trong một chừng mực nào đó. Bước thứ hai là bỏ qua những gì không thể đo lường một cách dễ dàng, hoặc gán cho nó một giá trị định lượng ngẫu nhiên. Đây là một hành động giả tạo và dễ dẫn đến sai lệch. Bước thứ ba là giả định rằng những thứ không thể được đo lường dễ dàng là không quá quan trọng. Đây là sự mù quáng. Bước thứ tư là nói rằng cái gì không thể được đo lường thật sự không tồn tại. Đây là tự sát”.

– Charles Handy, Nhà kinh tế và hành vi tổ chức học, trong cuốn sách ‘Áo mưa rỗng: Diễn giải tương lai’

  1. “Chúng ta không cần đợi khoa học cho phép thực hiện những điều khác thường hay tiến ra bên ngoài cái khung khả thi mà chúng ta vẫn biết. Nếu làm vậy, chúng ta đã biến khoa học thành một dạng thức khác của tôn giáo. Chúng ta nên trở thành những cá nhân độc lập; chúng ta nên thử làm những điều siêu thường”.

— Joe Dispenza, trong cuốn sách ‘Tiến hóa não bộ: Khoa học thay đổi tâm trí của bạn’

Sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa tế bào não (Trái) và vũ trụ (phải).
  1. “Tôi cho rằng bí ẩn của loài người đã bị hạ thấp rất nhiêu do chủ nghĩa giản lược trong khoa học, khi sử dụng các luận điệu trong ‘chủ nghĩa duy vật hứa hẹn’ để giải thích cho hầu như tất cả khía cạnh của thế giới tâm linh dưới các mô thức hoạt động thần kinh. Niềm tin này phải được xếp vào phân loại mê tín. […] Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là những sinh mệnh tâm linh có linh hồn tồn tại trong một thế giới tâm linh, đồng thời cũng là một sinh mệnh vật chất với cơ thể và não bộ tồn tại trong một thế giới vật chất”.

— Ngài John C. Eccles, trong cuốn sách ‘Sự tiến hóa của não bộ: Sự tạo thành của cái tôi’. Ngài John Carew Eccles, một nhà sinh lý học thần kinh, đã đoạt giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 1963 cùng Alan Lloyd Hodgkin và Andrew Fielding Huxley với công trình của ông trong lĩnh vực dẫn truyền xinap hóa học.

Chú thích của người dịch:

[1] Dự án Bản đồ gen Người (tiếng Anh: Human Genome Project – HGP) là một dự án nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế. Mục đích chính của dự án là xác định trình tự của các cặp cơ sở (base pairs) tạo thành phân tử DNA và xác định khoảng 25.000 gen trong bộ gen của con người.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: 

Exit mobile version