Đại Kỷ Nguyên

Thư viện Anh kêu gọi giải mã thông điệp bí ẩn trên thanh kiếm thời Trung cổ

Thanh kiếm Trung cổ có một dòng chữ khắc bí ẩn. (Ảnh: Bảo tàng Anh)

Năm 1825, một thanh kiếm hai lưỡi chứa một mật mã bí ẩn đã được phát hiện tại con sông Witham gần thành phố Lincoln, Anh. Thanh kiếm vào thế kỷ 13 này chứa một thông điệp 18 chữ chạy dọc theo trung tâm lưỡi kiếm, nhưng cho đến hiện nay các nhà mật mã học và ngôn ngữ học vẫn chưa thể giải mã. Thư viện Anh hiện đang kêu gọi sự giúp đỡ từ công chúng để giải mã bí ẩn 800 năm tuổi này.


Sông Witham, Lincoln, Anh. (Ảnh: Shutterstock)

Thanh kiếm, hiện đang được trưng bày tại Thư viện Anh trong cuộc triển lãm Magna Carta, có một lưỡi kiếm thép được mài dũa bén nhọn, và người ta cho rằng có thể nó được sản xuất tại Đức. Chuôi kiếm hình chữ thập có liên hệ với Thiên Chúa giáo. Thanh kiếm này có thể đã được một hiệp sĩ sử dụng để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ Giáo hội của mình.

“Đây là loại kiếm điển hình thời Trung cổ mà các Hiệp sĩ và Nam tước sử dụng vào thời vua John, vào giai đoạn Đại hiến chương nước Anh được ban hành“, người phụ trách Julian Harrison trao đổi với tờ Daily Mail.

“Lưỡi kiếm trông khá bất thường vì nó có hai rãnh, chạy song song theo chiều dài mỗi cạnh“, Bảo tàng Anh cho hay. “Dựa trên đặc điểm đường rãnh, núm chuôi kiếm và dạng chữ khắc, người ta cho rằng thanh kiếm có nguồn gốc Viking (Bắc Âu). Tuy nhiên, rõ ràng núm chuôi kiếm, chữ khắc và hình dạng lưỡi kiếm có nét đặc trưng của những thanh kiếm thời Trung cổ ở châu Âu hơn là có nguồn gốc Viking“.


Thanh kiếm Trung cổ có một dòng chữ khắc bí ẩn. (Ảnh: Bảo tàng Anh)

Dòng chữ được khắc chính giữa dọc theo lưỡi kiếm và được dát dây kim loại vàng ròng. 18 chữ khắc là: NDXOXCHWDRGHDXORVI.

Ngôn ngữ dùng để viết thông điệp này hiện vẫn chưa được xác định, từ đó tăng độ khó cho việc giải mật mã bí ẩn này.

Tờ Daily Mail cho biết các phỏng đoán hiện tại về nội dung dòng chữ bao gồm “một cụm từ thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu của người xứ Wales thời Trung cổ, các chữ cái đầu tiên của một bài thơ, hay thậm chí những thứ hoàn toàn vô nghĩa do một nghệ nhân mù chữ làm ra“.

Một số người đã viết thư gửi Thư viện Anh, trong đó chỉ ra ý nghĩa trong cách kết hợp các ký tự tiếng La-tinh vào thời đại của thanh kiếm. Ví dụ, ‘ND’ có thể là viết tắt của cụm từ ‘nostrum dominus’ nghĩa là ‘Vua của tôi’, trong khi chữ ‘X’ có thể ám chỉ Chúa Giê-su.

“Trong quá khứ có người đã cho rằng đây là một dòng chữ khắc tôn giáo và thanh kiếm có thể đã được thả xuống đáy sông một cách có mục đích [vì lý do tôn giáo nào đó] và đây không phải một việc khác thường’, Harrison trao đổi với tờ Daily Mail. Tuy nhiên, Harrison nghĩ rằng ý tưởng hợp lý nhất là chữ khắc trên thanh kiếm được viết bằng tiếng Wales thời Trung cổ, và có thể được tạm dịch như sau: “Không gì có thể bao phủ lên tôi“, ý nói rằng chủ nhân thanh kiếm chắc hẳn đã sẵn sàng cho chiến trận vào mọi thời khắc.

Thư viện Anh hoan nghênh tất cả các ý kiến từ công chúng có thể giúp giải mã bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ này.

Thanh kiếm đang được trưng bày tại triển lãm Đại hiến chương: Luật pháp, Tự do, Di sản (Magna Carta: Law, Liberty, Legacy) và được trưng bày cùng với bản thảo Grandes chroniques de France (Tư liệu tuyển tập của hoàng gia về lịch sử nước Pháp) vào thế kỷ 14. Văn bản cổ này được mở ra vào đúng cái trang miêu tả cuộc xâm lược Normandy của người Pháp vào năm 1203. Trong bức ảnh, những người lính cầm các thanh kiếm trông khá giống với thanh kiếm có dòng chữ khắc chưa được giải mã này.


Các trang bản thảo từ thế kỷ 14 được trưng bày cùng với thanh kiếm thời Trung cổ trong triển lãm Thư viện Anh. (Ảnh: Bảo tàng Anh)

Còn bạn, dòng chữ NDXOXCHWDRGHDXORVI có gợi lên ý tưởng gì trong bạn không?

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Sử dụng bản dịch của Tinh Hoa

Xem thêm:

Exit mobile version