Đại Kỷ Nguyên

Thi thể 4000 năm tuổi gần Stonehenge: Bằng chứng về cuộc sống thời kỳ đồ Đồng?

Di chỉ tảng cự thạch Stonehenge ở Anh. (Ảnh: Darren Hendley/iStock/Thinkstock)

Các nhà khảo cổ đã khai quật được một thi thể 4.000 năm tuổi của một thiếu niên gần di chỉ cự thạch Stonehenge. Thi thể này được chôn trong tư thế bào thai, trên mình đeo một chiếc vòng bằng đá hổ phách. Các nhà khảo cổ hiện đang công tác tại di chỉ vòng tròn Marden Henge ở Wiltshire, Anh, sẽ đến khu vực này và nghiên cứu thi thể nhằm xác định giới tính, chế độ dinh dưỡng, và nguyên nhân tử vong của người thiếu niên.

Bằng cách phân tích các khoáng chất trong cấu trúc răng, họ cũng có thể biết được cậu bé/cô bé này đến từ khu vực nào của nước Anh. Các nhà khoa học hy vọng các nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin về những người từng cư trú gần đó, những người đã từng xây dựng nên di chỉ cự thạch Stonehenge ở thung lũng Pewsey.

Trong trao đổi với tờ Daily Mail, trưởng nhóm khảo cổ, tiến sĩ Jim Leary nói: “Bộ xương này là một phát hiện tuyệt vời có thể hé mở cho chúng ta về cuộc sống của những người cư trú dưới bóng của các tảng cự thạch Stonehenge trong một thời kỳ sôi động”.

Có thể người thiếu niên này đang dự định đến Stonehenge, tuy rằng nơi phát hiện thi thể nằm cách đó 24 km. Vòng tròn Marden Henge, nơi thi thể được phát hiện, được coi là một trong những khu vực cúng tế cổ đại quan trọng nhất và lớn nhất ở Anh.

“Vòng tròn Marden Henge nằm trên một đường thẳng kết nối di chỉ cự thạch Stonehenge và Avebury”, TS Leary nói hồi đầu tháng 8.

“Điều này đặt ra một số câu hỏi thú vị. Phải chăng ba di chỉ này đang cạnh tranh lẫn nhau? Hay chúng được cùng các cộng đồng dân cư sử dụng cho các sự kiện và lễ hội khác nhau? Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời trong tương lai”.


Một số tảng cự thạch còn sót lại ở di chỉ Avebury (Ảnh: Jim Champion/Wikimedia)

Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version