Đại Kỷ Nguyên

Giả thuyết: Nếu nhân loại biến mất, các thành phố sẽ suy tàn nhanh chóng đến mức nào?

tàn tích văn minh cổ đại

Ảnh: urbanghostsmedia.com

Hoang vắng, xập xệ và lạnh lẽo, có lẽ thành phố Pripyat ở Ukraine là nơi thích hợp nhất trên thế giới để chúng ta có thể nhìn vào và hình dung được tương lai của một đô thị bị bỏ hoang.

Nằm ngay cạnh di chỉ xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, ‘thành phố ma’ này có những trường học trống trải với bàn ghế vẫn được kê hướng vào bảng và các tòa nhà lớn đã bị bỏ hoang trong nhiều năm trời. Từng là một điểm đến hạng nhất ở Châu Âu, Prypiat hiện đã bị bao phủ trong cỏ dại và thiên nhiên hoang dã.

Giống như Pripyat, cũng có các thành phố khác trên thế giới từng trải qua tình trạng bỏ hoang toàn bộ như vậy. Theo Alan Weisman, một giáo sư tại trường Đại học Arizona (Mỹ), những di chỉ này sẽ cung cấp manh mối về những biến đổi có thể xảy ra đối với tàn dư của nền văn minh hiện đại khi sự kiện thảm họa khủng khiếp xảy ra khiến toàn bộ xã hội nhân loại biến mất…

Thành phố hoang vắng Pripyat. (Ảnh: Wikipedia)

Alan Weisman là một nhà báo khoa học từng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Các bài báo của ông đã xuất hiện trên các ấn phẩm tạp chí nổi tiếng như “Harper’s”, “The New York Times”“The Atlantic Monthly“. Theo quan điểm của Alan, nếu nhân loại đột nhiên biến mất sau một đêm thì những yếu tố cơ bản của một nền văn minh sẽ thoái hóa rất nhanh và mạnh, thậm chí vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người. Theo đó,  các thành phố sẽ nhanh chóng bị bao phủ bởi rừng rậm và chỉ trong không hơn một thiên niên kỷ, sẽ chẳng có bao nhiêu thành phố còn sót lại. Những gì còn lại khi đó sẽ cung cấp một chút manh mối cho các thế hệ tương lai, giúp họ phán đoán xem liệu tổ tiên của họ đã từng lái xe máy và xây nhà chọc trời hay chỉ đơn thuần là những thợ săn du mục khoác trên mình độc một chiếc khố.

Trong cuốn sách nổi tiếng “The World without Us” (Thế giới không có chúng ta) phát hành năm 2007 của mình, GS Weisman đã tham vấn các nhà khoa học khí quyển, nhà bảo tồn, nhà động vật học, nhà lọc hóa dầu, nhà sinh học hải dương, nhà vật lý thiên thể, nhà khảo cổ sinh vật học để minh họa tình trạng xâm thực nhanh chóng đến mức báo động mà các thành phố hiện đại của chúng ta sẽ phải hứng chịu trong nhiều ngày, nhiều năm và nhiều thập kỷ sau khi con người biến mất.

Chỉ trong vòng hai ngày không được bơm nước, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York sẽ bị nhấn chìm trong lụt lội. (Ảnh: YouTube)

Cụ thể, “trong vòng hai ngày không được bơm nước, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York sẽ bị nhấn chìm trong lụt lội. Trong vòng 20 năm, các cột sắt vốn chống đỡ con phố bên trên các con tàu 4-5-6 ở đường East Side sẽ bị mòn dần và oằn cong dưới tác động của nước.

Khi Đại lộ Lexington sụp đổ, nó sẽ biến thành một dòng sông. Trong một vài năm đầu tiên không có nhiệt độ, các ống nước sẽ vỡ trên khắp thành phố, vòng tuần hoàn đóng băng-tan chảy liên tục di chuyển vào bên trong các tòa nhà khiến mọi thứ dần trở nên hư hại đến mức nghiêm trọng.

Các đường cống ngầm bị bịt kín, các đường hầm và các con phố bị ngập nước sẽ biến trở lại thành các con sông và nhăm nhe đánh chìm các nền móng và làm lung lay các tải trọng khổng lồ của chúng, từ đó đánh sập các công trình. Dần dần cánh rừng nhựa đường sẽ nhường chỗ cho một cánh rừng thực thụ”, GS Weisman bình luận về quyển sách của mình trên trang web, khi được hỏi điều gì sẽ xảy đến với New York nếu nhân loại đột nhiên biến mất.

Trên thực tế, chỉ cần khoảng một thế kỷ là các thành phố như Buenos Aires (Argentina), New York hay Madrid (Tây Ban Nha) sẽ lụi tàn dần và vào dĩ vãng.

Theo những nhà khoa học này, từ ngày đầu tiên nhân loại không còn chăm sóc nền văn minh của mình, sức mạnh của tự nhiên sẽ ngay lập tức tiếp quản. Vì được xây dựng bằng kính, sắt và bê tông nên nền văn minh của chúng ta trên thực tế sẽ được lưu lại ít hơn rất nhiều so với tàn tích của người Maya vốn được làm bằng đá – một nguyên liệu trường tồn hơn theo thời gian.

Sự suy tàn nhanh chóng

Cây cối mọc khắp nơi ở trong thành phố Pripyat. (Ảnh: Ric Wright)

Theo minh họa của GS Weisman, ngay cả các công trình làm bằng bê tông, chất liệu cứng chắc nhất – biểu tượng của quá trình đô thị hóa hiện đại – cũng sẽ nhanh chóng trở về với cát bụi. Tất nhiên, một số vật liệu nhất định như công trình nhựa, đồng và các công trình nhân tạo sẽ trường tồn rất lâu về sau.

Tuy nhiên, khi bằng chứng còn sót lại sau này được khai quật, trong tình trạng hư hại, phong hóa và thiếu mất bối cảnh cơ sở hạ tầng khổng lồ như của chúng ta hiện nay, liệu các thế hệ tương lai có thể suy luận ra được điều gì? Thêm vào đó là khả năng xảy ra lũ lụt, động đất, sự vận động kiến tạo của Trái Đất và các quá trình tự nhiên khác nên chỉ trong vòng hai thiên niên kỷ sau đó các nền văn minh trong tương lai sẽ không có cách nào biết được trình độ phát triển kỹ thuật của thời đại chúng ta.

Một công nhân đứng cạnh một dải quặng uranium đã cạn kiệt, tại Oklo, Gabon. (Ảnh: NASA)

Nhiều người cho rằng sự suy diễn của GS Weisman là thừa thãi. Tuy nhiên sự xuất hiện của hàng trăm cổ vật, công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật vô cùng tinh xảo được xác định niên đại từ một thời kỳ vô cùng xa xôi cho thấy, Trái Đất đã chứng kiến sự thịnh vượng rồi suy tàn của nhân loại trong không chỉ một lần.

Các bức bích họa khắc đá bên trong một đền thờ Ai Cập cổ đại ở Abydos. (Ảnh: Ancient Origins)

Một trong những ví dụ tiêu biểu có thể kể đến lò phản ứng hạt nhân Oklo ở Cộng hòa Gabon, Châu Phi được các nhà khoa học xác định rằng, phản ứng phân rã hạt nhân trong lò đã xảy ra từ hơn 1,5 tỷ năm trước. Hay như các bức bích họa khắc đá miêu tả các phi thuyền hiện đại như máy bay trực thăng và một phương tiện trông giống chiếc xe landspeeder trong bộ phim “Star Wars” (Chiến tranh giữa các vì sao) được phát hiện bên trong một đền thờ Ai Cập cổ đại ở Abydos; gần hơn nữa có thể kể đến các bức họa tinh xảo có niên đại 30.000 năm tuổi trong hang Chauvet của Pháp. Tương tự như vậy, phải chăng các món đồ đóng vai trò như con nhộng thời gian (time capsule) mà chúng ta có thể vô tình lưu lại cho các thế hệ tương lai trong vài nghìn năm tới sẽ chỉ cung cấp một ô cửa sổ nhỏ, bí ẩn vốn không thể hé mở được nhiều về thế giới ngày nay của chúng ta?

Bức bích họa miêu tả tê giác lông dày rất tinh mỹ trong hang động Chauvet, Pháp (Ảnh: Wikipedia)

Nếu trình độ công nghệ và nền văn minh có thể dễ dàng biến mất sau khi nhân loại rời đi, điều đó nói lên gì về vốn hiểu biết chúng ta đang có về những tổ tiên thời cổ đại? Người Maya, người Aztec, người Hopi và những nền văn hóa khác đã chia sẻ các câu chuyện tương đồng về bốn chủng người riêng biệt trước thời kỳ văn minh nhân loại hiện nay. Các câu chuyện khác gợi ý rằng di sản của nhân loại thậm chí đã trải dài về thời kỳ còn xa xưa hơn. Nếu thật sự có những nền văn minh nhân loại tiên tiến như vậy tồn tại cách đây rất xa xưa, điều gì đã xảy ra với họ? Họ đã lụi tàn như thế nào? Và liệu điều đó có thể tái diễn một lần nữa trong tương lai?

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Quý Khải biên dịch

Exit mobile version