Đại Kỷ Nguyên

Tam giác Bermuda: Bí ẩn chưa có lời giải

(Ảnh: Internet)

Cũng được biết đến là “Tam giác quỷ”, Tam giác Bermuda bao phủ một khu vực phía Tây biển Bắc Đại Tây Dương, và được xác định bởi 3 tọa độ điểm ở Bermuda, Florida và Puerto Rico. Khu vực này trải dài chưa đến 1.500 km ở cạnh tam giác bất kỳ. Vùng tam giác này không tồn tại trên thực tế đối với Hải quân Hoa Kỳ và cái tên này cũng không được công nhận bởi Ủy ban Quốc gia Mỹ về tên các địa danh (US Board on Geographic Names).

Vùng nước bí ẩn này tràn ngập các câu chuyện và lời đồn thổi siêu thường, huyền bí. Liệu có khả năng tam giác tưởng tượng này là bằng chứng cho hoạt động của người ngoài hành tinh trên Trái Đất? Chỉ có một điều chắc chắn là, trong thế kỷ vừa qua, tam giác quỷ Bermuda đã “nuốt chửng” nhiều tàu thuyền và các máy bay bị mất tích, nên đã bị quy là nguyên nhân gây thiệt mạng cho hàng trăm người.

Khu vực này không có gì là lạ đối với các vụ chứng kiến UFO, các luồng ánh sáng kỳ lạ và các hiện tượng huyền hoặc.

Nhưng điều gì đã khiến các máy bay và tàu thuyền biến mất không vết tích? Tại sao các thiết bị hàng không và điều hướng lại ngừng hoạt động? Điều gì có thể khiến một chiếc la bàn xoay liên tục và đưa ra các thông số sai lệch? Điều gì khiến radio tắt tiếng và không thể liên lạc? Cho đến ngày nay vẫn không có lời giải thích thật sự logic nào được đưa ra dành cho các hiện tượng bí ẩn ở khu vực khét tiếng này – Tam giác Bermuda.

Các hiện tượng kì lạ ở Tam giác Bermuda bắt đầu khi nào?

Trái ngược với quan điểm thông thường, việc tàu bè biến mất trong khu vực này không phải là điều gì mới. Hồ sơ tàu bè qua lại trong lịch sử đã cho thấy rằng những bí ẩn xoay quanh Tam giác Bermuda có niên đại cổ hơn rất nhiều so với rất nhiều người tưởng. Kể từ những ngày đầu tiên của công cuộc thám hiểm đại dương, các thủy thủ đã chứng kiến những ánh sáng kỳ lạ và các cảnh tượng bí ẩn.

tam giác Bermuda

Trục vớt xác máy bay và tàu bè bị đắm ở khu vực Tam giác Bermuda là một điểm đặc biệt khó khăn bởi vì đây là khu vực Puerto Rico Trench, vốn có độ sâu lên đến 9.200 m và là khu vực sâu nhất của Đại Tây Dương. (Ảnh: Tim Battista và NickPrzyuski/Trung tâm Giám sát và Đo lường Bờ biển trực thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ)

Christopher Columbus là một trong số những người đầu tiên tận mắt chứng kiến những bí ẩn của tam giác Bermuda. Là một nhà hàng hải bí truyền và một tay thủy thủ đáng kính, chuyến thám hiểm của ông đến Tân Thế Giới là rất chính xác và tỉ mỉ.

Điều thú vị là khi Columbus tiến vào khu vực được gọi là Tam giác Bermuda, ông nhận thấy la bàn của mình đã ngừng hoạt động, và sau đó nhìn thấy một quả cầu lửa lao xuống đại dương. Ông đã chứng kiến những tia sáng kỳ lạ và các hiện tượng thời tiết bất thường khi đi qua khu vực này, nên chúng ta có thể biết rằng câu chuyện về Tam giác Bermuda không phải chỉ là một số truyền thuyết hiện đại, mà đã có từ niên đại rất xa xưa kể từ khi con người được ghi nhận tiến vào khu vực đó.

Bức ảnh này cho thấy một hạm đội máy bay TBF Grumman Avenger của Hải quân Hoa Kỳ, tương tự như hạm đội máy bay Flight 19.

Một trong số các sự kiện gần đây có liên hệ với Tam giác Bermuda đã xảy ra vào ngày 5/12/1945, khi hạm đội flight 19, một hạm đội gồm 5 máy bay ném bom ngư lôi của Hải quân Hoa Kỳ, đã biến mất không dấu tích vào không trung trong một buổi huấn luyện định kỳ. Các máy bay này được trang bị đầy đủ các trang thiết bị và đã được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi khởi hành từ Căn cứ Không quân Fort Lauderdale ở bang Florida (Mỹ). Theo kế hoạch tập huấn, hạm đội sẽ bay về phía đông 141 dặm (227 km) từ trạm Lauderdale, về phía bắc 73 dặm (117 km), sau đó quay trở lại thông qua một hành trình dài 140 dặm (225 km) và kết thúc buổi tập huấn. Hạm đội chưa từng quay trở lại căn cứ.

Hai giờ sau khi cất cánh, người trưởng hạm đội, vốn đã từng bay trong khu vực này trong hơn 6 tháng, đã báo cáo lại rằng la bàn và la bàn dự phòng của anh đều đã ngừng hoạt động, nên không rõ vị trí hiện tại của anh ở đâu. Các máy bay khác trong hạm đội cũng gặp phải tình trạng hỏng hóc thiết bị tương tự.

Các trạm kiểm soát radio trên mặt đất đã được liên hệ để nhờ tìm giúp địa điểm của hạm đội bị mất tích, nhưng không thành công. Sau thêm hai giờ đồng hồ nhận được các thông điệp lẫn lộn từ các phi công, một tín hiệu radio nhiễu loạn từ người trưởng hạm đội đã được tiếp nhận vào khoảng 7 giờ tối, trong đó anh ta đang bảo những người đồng đội của mình chuẩn bị rời bỏ máy bay cùng lúc do hết nhiên liệu, và đó là tín hiệu liên lạc cuối cùng với trạm kiểm soát radio.

Cho tới lúc này, một số trạm radio trên mặt đất cuối cùng đã xác định được vị trí của Hạm đội bay Flight 19 ở đâu đó phía bắc Bahamas và phía đông bờ biển Florida.


Lịch trình huấn luyện định hướng của hạm đội bay Flight 19 vào ngày 5/12/1945:

1. Rời căn cứ không quân NAS Fort Lauderdale vào lúc 14:10 theo hướng 091°, thả bom tại bãi cát ngầm Hen and Chickens (B) cho đến khoảng 15:00, sau đó tiếp tục bay theo hướng 091° trong khoảng 140 km.

2. Rẽ trái theo hướng 346° và tiếp tục di chuyển 73 hải lý (140 km).

3. Rẽ trái theo hướng 241° trong khoảng 220 km để trở về căn cứ không quân NAS Fort Lauderdale, kết thúc bài huấn luyện.

4. Phép đạc tam giác radio vào lúc 17:50 giúp xác định vị trí hạm đội trong vòng bán kính 50 hải lý (93 km) từ tọa độ 29° Bắc 79° Tây và hành trình cuối cùng được báo cáo của họ, theo hướng 270°.

5. Máy bay ném bom tuần tra PBM Mariner rời Căn cứ không quân Banana River Naval Air Station (hiện là Căn cứ không quân Patrick Air Force Base) vào lúc 19:27.

6. Vào lúc 19:50, máy bay PBM Mariner phát nổ gần tọa độ 28° Bắc 80° Tây.

Trước khi mất tín hiệu radio ở ngoài khơi khu vực phía nam Florida, hạm đội trưởng của Flight 19 đã được báo cáo nói rằng:

“Tất cả mọi thứ trông thật kỳ lạ, bao gồm cả mặt biển”, và “Chúng tôi đang tiến vào vùng nước trắng, mọi thứ đều trông có vẻ bất thường”.

Lúc 7:27 tối, hai chiếc máy bay Martin Mariner đã được điều động đến khu vực để tìm kiếm hạm đội Flight-19; ban đầu chúng được lên kế hoạch tiến hành các chuyến bay tập huấn của riêng mình nhưng đã phải thay đổi mục tiêu để tiến hành tìm kiếm hạm đội Flight 19 theo dạng thức hình vuông tại khu vực phía tây 29° Bắc 79° Tây. Máy bay PBM-5 BuNo 59225 đã được điều động từ Căn cứ không quân Banana River Naval Air Station (hiện là Căn cứ không quân Patrick Air Force Base) vào lúc 19:27. Người ta đã thu nhận được tín hiệu radio định kỳ từ chiếc máy bay này vào lúc 19:30, nhưng kể từ khi đó người ta không còn nghe thấy bất kỳ tín hiệu nào khác nữa. Trong quá trình điều tra, Ủy ban Hải quân Hoa Kỳ (Navy board) báo cáo đã thường xuyên quan sát thấy các đốm sáng màu xanh lục ở ngoài khơi bờ biển Florida. Liệu những “đốm sáng màu xanh lục” này có thể là nguyên nhân đã khiến những chiếc máy bay bị mất tích? Điều tồi tệ gì có thể đã xảy ra ở đây?

Chiếc máy bay PBM-5 Mariner VP-50 Blue Dragons (BuNo 59256) chụp vào tháng 4/1956, tương tự như chiếc BuNo 59225. (Lưu ý: “BuNo” là viết tắt của Bureau Number, tức Số Cục)

Năm 1986, một mảnh vỡ đã được phát hiện ngoài khơi Florida khi cuộc tìm kiếm con tàu vũ trụ Challenger (tàu vũ trụ khi trở lại Trái Đất sẽ hạ cánh xuống biển) được tiến hành ở đây. Mảnh vỡ này đã được nhà khảo cổ học hàng không Jon Myhre trục vớt vào năm 1990. Ông cho rằng đây chính là một bộ phận của hạm đội máy bay Flight 19, nhưng không thể đưa ra một bằng chứng xác thực. Năm 1991 một con tàu cứu hộ đã tìm thấy các mảnh vỡ của 5 chiếc máy bay Avenger (loại máy bay Flight 19) khoảng 180 m bên dưới mặt nước tại đáy biển ở khu vực ngoài khơi Florida. Nhưng sau khi kiểm tra người ta đã xác định được rằng đây không phải là các máy bay Flight 19, từ đó mở ra một bí ẩn chưa có lời giải khác về Tam giác Bermuda.

Vào lúc 21:15, tàu chở dầu SS Gaines Mills báo cáo đã quan sát thấy nhiều đốm lửa cao 30 m bắt nguồn từ một vụ nổ và cháy trong vòng 10 phút, tại vị trí 28.59° Bắc 80.25° Tây. Thuyền trưởng Shonna Stanley đã báo cáo tìm kiếm những người sống sót không thành công trong một bể dầu tràn. Tàu sân bay hộ tống USS Solomons cũng đã báo cáo mất tín hiệu radar với một chiếc máy bay tại địa điểm và thời gian tương tự.

Danh sách các phi công trong hạm đội Flight 19 đã bị thất lạc trong vùng Tam giác Bermuda. (Ảnh: Bảo tàng NAS Fort Lauderdale)

Rất ít người còn sống sót để kể về bất kỳ hiện tượng dị thường nào từng xảy đến với họ tại Tam giác Bermuda. Tuy nhiên, phi công người Mỹ Bruce Gernon là một ngoại lệ, khi đã sống sót để kể lại câu chuyện của mình. Năm 1970, trong khi ông Gernon, cha ông và một đối tác làm ăn đang bay từ Bahamas đến đến Florida, ông đã báo cáo nhìn thấy một đám mây kỳ lạ ngay đằng trước máy bay. Sau đó, khi máy bay áp sát, ông Gernon tuyên bố rằng đám mây này đã hình thành một cái hố hình bánh donut, hay một cơn gió xoáy.

“Đường hầm [gió xoáy] khá lớn lúc ban đầu, nhưng sau đó bắt đầu trở nên nhỏ hơn một cách nhanh chóng khi chúng tôi tiến vào, và một điều kinh khủng đã xảy ra. Các đường kẻ kỳ lạ đã hình thành và nó trông giống như nhìn vào bên trong một nòng súng trường (súng có nòng xẻ rãnh xoắn), bởi vì các đường kẻ này đang xoáy chầm chậm ngược chiều kim đồng hồ. Tôi đã bắt gặp một vài luồng điện cực mạnh, chúng giống như các tia chớp lóe lên rồi vụt tắt và tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là đám sương mù kỳ lạ màu vàng xám này, mà tôi gọi là “đám sương mù điện tích”. Tôi để ý thấy các thiết bị của tôi đã ngừng hoạt động, và cùng lúc, tôi có một cái cảm giác thật khó tả”. – Bruce Gernon.

Ông Gernon nói rằng cuối cùng ông đã bay ra khỏi đường hầm, và ông liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Miami, nhưng họ không thể tìm thấy máy bay của ông trên màn hình radar. Sau một vài phút, đài kiểm soát không lưu đã liên lạc lại với ông Gernon để cho ông biết rằng họ đã xác nhận được vị trí của ông: trên bầu trời thành phố Miami. Gernon cảm thấy điều này thật khó tin bởi vì ông mới chỉ bay được 33 phút, và với vị trí hiện tại của ông trên bầu trời thành phố Miami, ông hẳn đã phải cần đến khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Phải chăng ông Gernon đã trải nghiệm việc tiến nhập vào một chiều thời gian, không gian khác khi tiến vào đường hầm gió xoáy?

Ông Gernon kể về trải nghiệm của mình:

Bức ảnh này chụp U.S.S. Cyclops (AC-4), một con tàu chở than khổng lồ đã bị thất lạc trên biển vào năm 1918. Sau khi rời Barbados đến Baltimore, bang Maryland, vào ngày 4/3, con tàu này đã biến mất không dấu tích, cùng với 306 hành khách và thủy thủ đoàn. Nó đã trở thành sự kiện gây thiệt mạng đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ mà không phải là kết quả của chiến tranh. (Ảnh: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ/Bộ Tư lệnh Lịch sử và Di sản Hải quân Hoa Kỳ)

U.S. Navy The USS Proteus (AC-9) là một con tàu chở than của Hải quân Hoa Kỳ từng được chuyển đổi mục đích sử dụng thành một con tàu thương mại. Không ai còn nghe được tin tức gì về nó sau ngày 23/11/1941, khi con tàu này rời bến cảng ở St. Thomas trên quần đảo Virgin, trong hành trình đến một bến cảng ở Bờ Đông nước Mỹ. Con tàu dài khoảng 165 m này đã chở 58 người và một kho hàng quặng bô xít (bauxite) để luyện nhôm. Hai trong số ba con tàu thay thế tương tự của tàu Proteus, là tàu Cyclops và Nereus, cũng đã biến mất không dấu tích ở vùng Tam giác Bermuda.

Con tàu USS Nereus (AC-10) là một trong bốn con tàu chở than hạng Proteus được xây dựng cho Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến I. Con tàu này đã được đặt tên theo vị thần biển Nereus trong thần thoại Hy Lạp, vị thần bảo hộ cho các thủy thủ. Con tàu USS Nereus đã bị thất lạc trên biển vào khoảng thời gian nào đó sau ngày 10/12/1941, khi đang trên đường đến Portland, Maine, từ St. Thomas trên quần đảo Virgin. Con tàu đã biến mất cùng 61 người trên cùng hành trình tương tự như con tàu thay thế của nó, tàu USS Proteus, vào ngay tháng trước.

Tam giác Bermuda được cho là tác nhân chịu trách nhiệm cho sự biến mất bí ẩn của hơn 50 con tàu và 20 máy bay trong vòng thế kỷ qua, theo Hải quân Hoa Kỳ. G-AGRE Star Ariel, một máy bay chở khách thuộc quyền sở hữu của hãng hàng không British South American Airways, đã mất tích vào ngày 17/1/1949. Chiếc máy bay này đã bay qua vùng Tam giác Bermuda khi khởi hành từ sân bay Kindley Field ở Bermuda đến Kingston, Jamaica. Tình hình thời tiết vào lúc máy bay mất tích khá đẹp và lặng gió, và không có mảnh vỡ nào từng được tìm thấy. Tất cả bảy phi hành đoàn và 13 hành khách đã mất tích.

Ngày 28/12/1948, một chiếc máy bay Douglas DC-3, đã biến mất trong hành trình từ San Juan, Puerto Rico, đến Miami. Không có dấu tích nào của máy bay hay 32 người trên tàu từng được phát hiện. Dựa trên các tư liệu thu thập được trong cuộc điều tra của Ủy ban Hàng không Dân dụng, có một chìa khóa tiềm năng có thể giải thích cho sự biến mất của chiếc máy bay này, nhưng hầu như không được những người điều tra đề cập đến: Cục pin trên máy bay đã được kiểm tra, và phát hiện thấy dung lượng còn lại khá thấp, nhưng vẫn được yêu cầu gắn trở lại máy bay dù chưa được phi công sạc thêm khi còn ở San Juan. Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn tới sự cố cúp điện động cơ máy bay không, chúng ta sẽ khó có thể biết được. Tuy nhiên, vì máy bay lắp đặt động cơ pít tông sử dụng các máy phát điện bằng nam châm (magneto) để phát điện cho các xi-lanh thay vì một hệ thống phát điện dạng xoắn chạy bằng pin, nên giả thuyết này không thật sự thuyết phục.

Ngày 30/10/1954, máy bay Flight 441 khởi hành từ Căn cứ Không quân Patuxent River Naval Air Station đến Lajes ở Azores, Bồ Đào Nha. Có tất cả 42 hành khách. Tín hiệu cuối cùng đã được ghi nhận vào khoảng 11:30 sáng, và đây là một tín hiệu thông thường nhằm thông báo vị trí hiện tại của máy bay. Vào thời điểm đó chiếc máy bay này nằm cách bờ biển khoảng 600 km. Sau đó, máy bay Flight 441 chỉ đơn giản biến mất. Sự biến mất của máy bay Flight 441 đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của Tam giác Bermuda. Trong hình là mẫu máy bay tương tự như máy bay Flight 441 đã bị mất tích.

Chúng ta có thể liệt kê một danh sách dài các máy bay và tàu thuyền bị mất tích, và không ai từng nghe được thêm thông tin gì từ chúng. Chúng đã biến mất không một lời giải thích trong vùng Tam giác Bermuda.

Nguyên nhân thật sự đằng sau những hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra tại vùng Tam giác Bermuda này là gì? Liệu có khả năng khu vực này đã chịu ảnh hưởng của một chủng sinh vật ngoài hành tinh? Liệu có khả năng khu vực này đã đã được những vị khách ngoài không gian sử dụng để đến và đi khỏi Trái Đất?

Liệu Tam giác Bermuda có một lời giải thích “logic” hơn, một lời giải thích không đả động gì đến các vị khách ngoài hành tinh? Liệu Tam giác Bermuda có phải là một cánh cổng nối liền các chiều không gian-thời gian khác nhau? Và nếu tất cả những câu hỏi này nghe có vẻ phi lý, thì tại sao không có một lời giải thích chính thức nào dành cho [những bí ẩn xoay quanh] Tam giác Bermuda này? Tại sao các máy bay và tàu thuyền bị mất tích vẫn còn là một bí ẩn? Một điều chắc chắn là, cho tới ngày nay vẫn chưa có một lý thuyết đơn lẻ nào có thể giải thích cho tất cả các sự kiện mất tích bí ẩn tại vùng Tam giác Bermuda.

Tác giả: Ivan Petricevic, Ancient Code.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version