Đại Kỷ Nguyên

Tại sao sầu riêng lại có mùi khó ngửi khiến nhiều người ghét?

Sầu riêng là loại trái cây khá đặc biệt của vùng nhiệt đới. Có lẽ không có loại trái cây nào lại gây ra nhiều cảm xúc trái chiều như sầu riêng bởi vì mùi sầu riêng rất lạ, người thích thì bảo thơm, không quen cho là nồng nặc.

Đối với người Việt, sầu riêng là thứ quả quá quen thuộc bởi mùi hương đặc trưng khó ngửi của nó. Về mặt bằng chung mà nói, nhiều người ở Đông Nam Á coi quả sầu riêng là “vua của các loại trái cây”, nó có đặc điểm là kích thước lớn, mùi mạnh và nhiều gai nhọn bao quanh vỏ.

Điểm đặc trưng làm nên sự nổi tiếng của sầu riêng không chỉ ở Đông Nam Á mà lan sang nhiều nước phương Tây khác là  một mùi đặc trưng, nặng và nồng của phần thịt quả; ngay cả khi vỏ quả còn nguyên. Một số người thấy sầu riêng có một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu nhưng một số khác lại không chịu nổi và khó chịu với cái mùi này. Mùi hương của sầu riêng tạo nên những phản ứng từ mê mẫn cho đến kinh tởm mãnh liệt và được mô tả như mùi hành tây thối, nhựa thông hoặc nước cống.

Mùi hương nồng nặc và khó ngửi của sầu riêng khiến nhiều người không thích loại quả này. (Ảnh: The Daily Meal)

Do mùi của sầu riêng ám rất lâu cho nên nó bị cấm mang vào một số khách sạn và phương tiện giao thông công cộng ở Đông Nam Á, mà nổi bật là ở Singapore và Malaysia. 

Vậy thứ gì đã làm cho loại trái cây này có mùi độc đáo này?

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu hóa học thực phẩm Đức tiến hành kiểm tra hợp chất bay hơi từ phần thịt quả sầu riêng bằng phương pháp phân tích hương thơm dịch chiết pha loãng và phương pháp phân tích sắc ký khí (phân tích các chất màu và đo độ mùi). 

Kết quả là, mùi hương khó ngửi của sầu riêng là sự kết hợp của rất nhiều hợp chất tạo mùi. Tiến sĩ Martin Steinhaus thuộc Trung tâm nghiên cứu hóa học thực phẩm tại Đức cho biết có tới 19 hợp chất tạo mùi được xác định trong mùi hương của sầu riêng.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, những hợp chất mạnh nhất trong trái sầu riêng tạo ra mùi giống như mùi của trái cây (acetaldehyde), hành tây thối ( ethanethiol ) và hành rang <1-(ethylsulfanyl) ethanethiol>. Những hợp chất có mùi yếu hơn thì giống bắp cải và lưu huỳnh. Ethyl (2S) – 2 – methylbutanoate và 1 – (ethylsulfanyl) ethane – 1- thiol có mùi giống sầu riêng nhất trong tất cả các mùi đã phân tích được. Khi kết hợp với nhau, hai hợp chất này có mùi gần giống hệt với sầu riêng.

Nghiên cứu chất hoá học tạo nên mùi khó chịu của sầu riêng. (Ảnh: Room Decor)

Tuy có mùi khá nặng và khó ngửi nhưng chúng ta không thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng mà quả sầu riêng mang lại. Với 100g đã cung cấp 144Kcal năng lượng cùng với đó vitamin A, nhóm vitamin B dồi dào; Ca, Ka, P…. có lợi cho sức khỏe. 

Có lẽ chính vì sự kết hợp của quá nhiều hợp chất  cả ngọt lịm và tạo mùi nên sầu riêng mới sở hữu một hương thơm đặc biệt mà nhiều người yêu thích, có người lại bịt mũi chạy xa. Nhưng nhìn chung, chỉ có mì sầu riêng là nồng nặc vậy thôi chứ ai đã ăn một lần rồi thì thấy hương vị của nó đâu đến nỗi nào, cũng khá ngon đấy chứ!

Video:

Sơn Tùng

Exit mobile version