Đại Kỷ Nguyên

Sử dụng máy sấy khô sau khi rửa tay? Kết quả thí nghiệm này có thể khiến bạn nghĩ lại

máy sấy khô tay vi khuẩn

(Ảnh: NTD India)

Có nhiều cách thức cúm có thể lây truyền sang cơ thể chúng ta. Và một nhà khoa học người Mỹ đã phát hiện ra một cách thức lây cúm rất kỳ lạ mà rất có thể bạn không biết.

Bệnh nhân mắc cúm. (Ảnh: kienthucphaidep.com)

Hàng năm chúng ta thường phải đối mặt với một mùa dịch cúm dữ dội, bắt đầu từ tháng 10 đến khoảng tầm tháng 3. Trong thời gian này, số lượng người mắc cúm tăng đáng kể. Thói quen và điều kiện sống không lành mạnh đóng một vai trò quan trọng nhưng đôi lúc chúng ta không thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh cúm. Thậm chí những người giữ mình gọn gàng cũng đối mặt với vấn đề này. Có nhiều cách thức cúm có thể lây truyền sang cơ thể chúng ta. Và một nhà khoa học người Mỹ đã phát hiện ra một cách thức lây cúm rất kỳ lạ mà rất có thể bạn không biết.

Một phương pháp phổ biến để giữ mình an toàn trước bệnh cúm là thường xuyên rửa tay. Điều này không có gì là sai, nhưng vấn đề nằm ở cách chúng ta làm khô tay sau đó. Bạn sẽ dùng máy sấy khô tay?

Máy sấy tay là vật khá phổ biến trên khắp thế giới. (Ảnh: crowdicity.com)

Mới đây, một thí nghiệm nhỏ của nhà khoa học tên Nichole Ward đến từ Carlsbad, California (Mỹ) lại khiến mọi người rùng mình về chiếc máy sấy khô tay mà họ đã và đang sử dụng thường xuyên.

Nhà nghiên cứu khoa học này đã đưa một chiếc đĩa Petri (loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ có nắp đậy mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào hay những cây rêu nhỏ) vô trùng vào máy sấy tay trong vòng 3 phút rồi ủ trong vòng 48 giờ. Kết quả thu được khiến không chỉ Nichole Ward mà những người khác cũng cảm thấy kinh ngạc.

Hình ảnh cho thấy chiếc đĩa Petri đã bị phủ kín bởi đám vi khuẩn và nấm mốc, nhiều đến khó tin. Chỉ sau 3 phút để dưới máy sấy tay mà lượng vi khuẩn đã sinh sôi lên đáng kể sau 48 tiếng.

Hình ảnh cho thấy vi khuẩn và nấm gây bệnh phát triển trên chiếc đĩa Petri. (Ảnh: Facebook của Nichole)

Nichole giải thích rằng: “Máy sấy tay có thể có một số chủng nấm gây bệnh và vi khuẩn có hại. Chúng sẽ thổi nó vào tay của bạn và lây lan”.

Cô cũng chia sẻ: “Tôi đã đặt chiếc đĩa này trong một máy sấy tay của một phòng tắm công cộng trong vòng 3 phút. Vâng đúng là chỉ 3 phút thôi đó. Đừng bao giờ sấy khô tay của bạn với máy sấy nữa”.

Nichole cũng cho biết thêm: “Tôi cũng từng sử dụng máy sấy tay rất nhiều lần rồi nhưng giờ tôi biết tôi phải làm gì rồi. Từ giờ tôi sẽ không dùng chúng nữa. Bạn chỉ cần rửa tay bằng nước và xà phòng và để tay khô tự nhiên. Hoặc bạn cũng có thể làm tay nhanh khô hơn bằng khăn giấy”.

Bài viết và hình ảnh của Nichole đã nhận được hàng trăm ngàn lượt chia sẻ. Ban đầu cô có đề cập đến tên thương hiệu chiếc máy sấy tay mà cô làm thí nghiệm nhưng sau đó cô đã gỡ bỏ tên của hãng này. Tuy nhiên, sức lan tỏa nhanh chóng của bức ảnh đã khiến hãng này gặp chút rắc rối.

Đại diện hãng nói với ABC News: “Tất cả máy sấy của chúng tôi đều có bộ lọc HEPA thu nhỏ để tiêu diệt các vi khuẩn trong không khí ở trong máy trước khi đẩy không khí ra bên ngoài. Máy sấy tay của chúng tôi được chứng minh là hợp vệ sinh theo nghiên cứu của trường đại học và được các bệnh viện, nhà sản xuất thực phẩm và các doanh nghiệp trên toàn thế giới tin dùng”.

Dẫu vậy, hình ảnh mà Nichole chia sẻ vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người khẳng định sẽ không dùng máy sấy tay nữa. “Thật kinh khủng! Tôi sẽ không bao giờ sử dụng cái máy ấy nữa”, một phụ nữ bình luận. “Tôi thường rửa tay xong là lau luôn vào quần áo, giờ thì tôi đã biết mình hành động đúng”, người khác nói.

Quý Khải

Exit mobile version