Đại Kỷ Nguyên

Quang tử sinh học: Cơ thể người phát ra, tương tác và được tạo thành từ ánh sáng

quang tử sinh học

Cơ thể con người phát xạ các quang tử sinh học, còn được gọi là những sự phát xạ quang tử cực yếu (ultraweak photon emissions - UPE). (Ảnh: agsandrew/iStock)

Khoa học đang ngày càng hòa hợp với tính thi vị của các trải nghiệm chủ quan của con người: Chúng ta không chỉ có một cơ thể được cấu tạo đơn thuần bởi các nguyên tử và phân tử, mà còn được hợp thành từ ánh sáng. Các quang tử sinh học có thể được phát xuất ra từ cơ thể con người thông qua ý niệm hay ý định, với khả năng điều tiết các chức năng cơ bản trong tương tác giữa các tế bào và ADN.

Chúng ta đang sống, và không có điều gì đáng kinh ngạc hơn cái hiện thực vốn quá bất khả ấy. Chúng ta thường bỏ qua hiện thực này, vì quên mất rằng vũ trụ này hoàn toàn có thể trở nên trống rỗng. Tại sao lại có một vũ trụ (với khả năng cảm nhận sâu sắc về tự thân nó thông qua chúng ta), chứ không phải là một khoảng chân không vốn hoàn toàn không nhận thức được sự tồn tại của bản thân mình?

Từ ánh sáng, không khí, nước, các khoáng chất cơ bản trong lớp vỏ Trái Đất, và các thông tin cổ xưa với niên đại lên đến ít nhất 3 tỷ năm tuổi chứa bên trong hạt nhân của một tế bào hợp tử lưỡng bội, cơ thể con người đã được tạo thành, và bên trong cơ thể đó có tồn tại một linh hồn ít nhất có khả năng cố gắng thấu hiểu được cái nguồn gốc tâm linh và thân thể của chính mình.

Sự tồn tại của chúng ta được hình thành, một phần từ ánh sáng Mặt Trời, và do đó đòi hỏi sự hấp thụ liên tục ánh sáng Mặt Trời cô đặc như một loại đồ ăn.

Trước sự điên rồ của điều kiện sinh tồn của chúng ta, cùng với hiện thân của thể xác như một tổng thể, và sự tồn tại của chúng ta được hình thành, một phần từ ánh sáng Mặt Trời, và do đó đòi hỏi sự hấp thụ liên tục ánh sáng Mặt Trời cô đặc dưới dạng thức đồ ăn, dường như sẽ không quá cường điệu khi nói rằng cơ thể chúng ta phát xuất ra ánh sáng.

Chúng ta không chỉ có một cơ thể được cấu tạo từ những nguyên tử và phân tử đơn thuần, mà chúng ta còn là các sinh mệnh phát ra, tương tác và được tạo thành từ ánh sáng. (Ảnh: pashyksv/iStock)

Thật vậy, cơ thể con người phát xạ các quang tử sinh học, hay còn được gọi là sự phát xạ quang tử cực yếu (ultraweak photon emissions – UPE), thấp hơn 1.000 lần so với khả năng quan sát của con mắt thịt chúng ta. Tuy vô hình trước mắt người, nhưng các hạt ánh sáng này (hay các sóng này, phụ thuộc vào phương pháp đo lường) là một phần trong quang phổ nhìn thấy được (380-780 nm) và có thể được phát hiện thông qua các thiết bị đo lường hiện đại.

Con mắt vật lý và con mắt “tinh thần” phát xuất ánh sáng

Bản thân con mắt, vốn không ngừng tiếp xúc với những quang tử mạnh mẽ từ môi trường – đi xuyên qua các mô thị giác khác nhau, sẽ phát xuất các quang tử cực yếu tự phát và được kích hoạt bởi ánh sáng có thể nhìn thấy được. Thậm chí có giả thuyết cho rằng, ánh sáng khả kiến (trong quang phổ khả kiến) sẽ làm trì hoãn quá trình phát quang sinh học bên trong mô mắt bị phơi sáng, cung cấp một cách giải thích tiềm năng cho nguồn gốc của hiện tượng dư ảnh âm bản.

Bản thân con mắt sẽ phát xuất các quang tử cực yếu tự phát và được kích hoạt bởi ánh sáng khả kiến. (Ảnh: vitor costa/iStock)

Những sự phát quang này cũng có liên hệ với sự chuyển hoá năng lượng trong não bộ và những căng thẳng do quá trình ôxy hoá diễn ra bên trong não bộ của những loài động vật có vú. Tuy vậy, sự phát xạ quang tử không nhất thiết là một loại hiện tượng phụ (epiphenomenal).

Giả thuyết của GS. Bokkon cho rằng các quang tử được giải phóng trong các quá trình hoá học bên trong não bộ sẽ tạo ra các hình ảnh lý sinh trong quá trình tưởng tượng (visual imagery, hay mental image), và một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi các đối tượng nghiên cứu chủ động tưởng tượng ra ánh sáng trong một môi trường cực tối, ý định của họ đã làm gia tăng đáng kể hoạt động phát xạ quang tử cực yếu. Điều này nhất quán với một quan điểm mới phổ biến rằng các quang tử sinh học không phải chỉ là những sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất trong tế bào. Thay vào đó, do cường độ quang tử sinh học có thể sẽ cao hơn đáng kể ở bên trong so với bên ngoài tế bào, nên tâm trí sẽ có khả năng tiếp cận sự biến chuyển năng lượng này để tạo ra các hình ảnh lý-sinh nội tại trong quá trình tưởng tượng và phân tích thông tin thị giác (imagery and visual perception).

Các tế bào và ADN của chúng ta sử dụng quang tử sinh học để lưu trữ và trao đổi thông tin

Hiển nhiên các quang tử sinh học được những tế bào của nhiều sinh vật sống sử dụng để giao tiếp, từ đó hỗ trợ quá trình truyền dẫn năng lượng/thông tin với tốc độ nhanh hơn vài phần so với quá trình khuếch tán hoá học thông thường. Theo kết quả một nghiên cứu vào năm 2010, “Sự giao tiếp giữa tế bào với tế bào nhờ các quang tử sinh học đã được minh chứng trên các loài thực vật, vi khuẩn, các tế bào thận và bạch cầu trung tính của động vật”.

Các nhà nghiên cứu đã có thể chứng minh rằng “… việc kích thích bằng các ánh sáng có quang phổ khác nhau (hồng ngoại, đỏ, vàng, xanh dương, lục và trắng) tại một đầu của đường dẫn truyền cảm giác hoặc đường dẫn truyền vận động của tủy sống, sẽ có thể dẫn đến gia tăng đáng kể các hoạt động quang tử sinh học tại đầu bên kia”. Các nhà nghiên cứu đã diễn giải phát hiện của họ như sau: “… việc kích thích bằng ánh sáng có thể sản sinh ra các quang tử sinh học hoạt động dọc theo các dây thần kinh, có lẽ đóng vai trò như các tín hiệu liên lạc thần kinh.”

Ngay cả khi chúng ta xem xét bộ gien của chúng ta sâu hơn ở cấp độ phân tử, ADN cũng có thể được xác định là một nguồn phát xạ quang tử sinh học. Một tác giả đề xuất rằng ADN phụ thuộc nhiều vào quang tử sinh học đến mức nó có các đặc tính giống tia laser excimer (loại laser làm nền tảng cho phẫu thuật khúc xạ mắt), cho phép nó tồn tại trong một trạng thái ổn định khác xa với trạng thái cân bằng nhiệt tại ngưỡng nhiệt độ.

Về mặt kỹ thuật, quang tử sinh học là một hạt cơ bản hay một lượng tử ánh sáng có nguồn gốc phi nhiệt trong quang phổ khả kiến và quang phổ tia cực tím được một hệ sinh học phát xuất ra. Chúng thường được cho là sản phẩm của quá trình chuyển hoá năng lượng bên trong các tế bào của chúng ta, hay nói một cách chính quy hơn là một “… phó phẩm của các phản ứng hoá sinh: các phân tử hoạt năng sản sinh từ các quá trình năng lượng sinh học bao gồm các chất có tính oxy hóa mạnh”,

Quang phổ nhìn thấy được và quang phổ tia cực tím (ultraviolet). (Ảnh: infomasif.com)

Hiệu suất phát xạ quang tử sinh học theo chu kỳ 24 giờ của cơ thể người

Vì quá trình trao đổi chất trong cơ thể thay đổi theo chu kỳ 24 giờ, nên hoạt động phát xạ quang tử sinh học cũng thay đổi theo trục thời gian ban ngày. Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các vị trí giải phẫu chuyên biệt trong cơ thể, nơi hoạt động phát xạ quang tử sinh học được ghi nhận mạnh mẽ hơn và yếu hơn, phụ thuộc vào các mốc thời gian trong ngày:

Nhìn chung, sự dao động số lượng các quang tử phát xạ trên cơ thể thường thấp hơn vào buổi sáng so với vào buổi chiều. Khu vực ngực-bụng phát xạ với cường độ thấp nhất và liên tục nhất. Hai bàn tay và vùng đầu phát xạ nhiều nhất và tăng dần trong ngày. Kết quả phân tích quang phổ đối với các mức phát xạ thấp, trung bình và cao ở các vùng phía trên trước mặt của chân phải, trán và hai lòng bàn tay trong dải độ nhạy của bộ nhân quang đã cho thấy hoạt động phát xạ tự phát chủ yếu tại dải sóng 470-570 nm. Hoạt động phát xạ quang tử ở vùng chính giữa lòng bàn tay đã đóng góp phần lớn vào dải sóng 420-470 nm trong dải quang phổ của hoạt động phát xạ tự phát từ cánh tay vào mùa thu/đông. Quang phổ của hoạt động phát xạ quang tử sinh học bị trì hoãn từ bàn tay đã cho thấy hoạt động phát xạ chủ yếu trong cùng dải với hoạt động phát xạ tự phát.

Cơ thể người phát xuất ra các quang tử sinh học, cũng được gọi là hoạt động phát xạ quang tử cực yếu (UPE).

Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng “Theo các số liệu quang phổ, các phép đo đạc có thể cũng cung cấp các số liệu định lượng về mô thức riêng biệt của các quá trình quá trình peroxy hóa (peroxidative) và chống ôxy hoá diễn ra trong cơ thể sống”. (peroxy hóa là một phản ứng trong quá trình ôi khét (oxy hóa chất béo), từ đó tạo ra các gốc tự do)

Thiền định có thể tác động đến hoạt động của các gốc tự do. (Ảnh: brickrena/iStock)

Thiền định và các thảo dược tác động đến hiệu suất phát xạ quang tử sinh học

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự thuyên giảm tình trạng mất cân bằng oxy hoá (hay stress oxy hóa) nhờ hoạt động phát xạ quang tử sinh học giữa những người tập thiền và không tập thiền. Những người tập thiền thường xuyên có thiên hướng phát xạ các quang tử cực yếu (sự phát xạ quang tử sinh học – UPE) ở mức thấp hơn, được cho là vì các phản ứng gốc tự do xuất hiện ở mức độ thấp hơn trong cơ thể họ. Trong một nghiên cứu lâm sàng đối với những người tập môn thiền siêu việt (transcendental meditation – TM), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng:

Các mức cường độ UPE thấp nhất đã được quan sát ghi nhận ở hai đối tượng nghiên cứu thường xuyên tập thiền. Kết quả phân tích quang phổ UPE ở người đã cho thấy hoạt động phát xạ cực yếu có lẽ, ít nhất một phần, là sự phản ánh của các phản ứng gốc tự do trong một cơ thể sống. Người ta đã ghi nhận được nhiều sự biến đổi khác nhau về mặt sinh hoá và sinh lý theo sau một quá trình tập thiền lâu năm và điều này ám chỉ rằng tập thiền có thể tác động đến hoạt động của các gốc tự do [trong cơ thể].

Điều thú vị là, một thảo mộc nổi tiếng với công dụng làm giảm căng thẳng (bao gồm việc kích hoạt suy giảm đáng kể hóc-môn cortisol), và tình trạng mất cân bằng ôxy hoá tăng cường có liên quan, đã được thử nghiệm lâm sàng để kiểm định khả năng giảm thiểu mức độ phát quang sinh học trên người. Được biết đến với tên gọi rhodiola, một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 trên tạp chí Nghiên cứu Liệu pháp Thực vật (Phytotherapeutic Research) đã cho thấy những người dùng thảo dược này trong một tuần có thể giảm thiểu đáng kể tình trạng phát xạ quang tử so với nhóm dùng giả dược (placebo).

Da người có thể hấp thu năng lượng và thông tin từ ánh sáng Mặt Trời

Có lẽ điều kỳ diệu nhất là, lớp da bề mặt con người có chứa những tế bào có khả năng thu hút năng lượng và thông tin một cách hiệu quả từ bức xạ tia cực tím. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quang hoá và Quang sinh (Journal of Photochemistry and Photobiology) vào năm 1993, với tiêu đề “Bức xạ ánh nắng nhân tạo kích thích phát xạ quang tử cực yếu trong các nguyên bào sợi của da người (Artificial sunlight irradiation induces ultraweak photon emission in human skin fibroblasts)”, khi ánh sáng từ một nguồn ánh nắng nhân tạo được chiếu vào các nguyên bào sợi của các đối tượng nghiên cứu bình thường hay các đối tượng có triệu chứng khô da sắc tố (xeroderma pigmentosum), một chứng bệnh đặc trưng bởi tình trạng khiếm khuyết các cơ chế sửa chữa ADN, nó đã kích hoạt hoạt động phát xạ quang tử cực yếu cao hơn gấp nhiều lần (10-20 lần) trong nhóm đối tượng mắc chứng khô da sắc tố.

Từ kết quả thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng “Các số liệu này cho thấy các tế bào khô da sắc tố có thiên hướng đánh mất khả năng lưu giữ hiệu quả các quang tử cực yếu, cho thấy có tồn tại của một hệ thống lưu giữ quang tử nội bào hiệu quả bên trong các tế bào của con người”. Các nghiên cứu gần đây hơn cũng đã nhận diện được sự khác biệt tương đối trong hoạt động phát xạ quang tử sinh học giữa các tế bào thường và các tế bào ác tính.

(Ảnh: NexTser/iStock)

Trong một bài viết trước đây với tiêu đề “Liệu sắc tố da có đóng vai trò như một tấm pin năng lượng Mặt Trời tự nhiên“, chúng ta đã khám phá vai trò của hắc tố melanin trong việc chuyển đổi ánh sáng tia cực tím thành năng lượng chuyển hoá:

Hắc tố melanin có khả năng chuyển đổi năng lượng ánh sáng tia cực tím thành nhiệt lượng trong một quá trình gọi là “chuyển đổi nội bộ siêu tốc”; hơn 99,9% bức xạ tia cực tím được hấp thụ sẽ được chuyển đổi từ ánh sáng tia cực tím có nguy cơ lỗi gien (tổn thương ADN) thành nhiệt lượng vô hại.

Nếu hắc tố melanin có thể chuyển đổi ánh sáng thành nhiệt lượng, thì tại sao nó không thể chuyển đổi bức xạ tia cực tím thành các dạng thức năng lượng hữu ích khác trên phương diện sinh học và trao đổi chất? Ý tưởng này dường như không quá xa vời khi xét đến việc thậm chí bức xạ tia gamma, vốn có độc tính cao đối với hầu hết các dạng thức sống, lại là một nguồn cung dinh dưỡng ổn định cho một số chủng loại vi khuẩn và nấm mốc.     

Gerald Pollack, tác giả bài viết Pha thứ tư của nước, đã xác định được các phân tử nước, vốn cấu thành nên 99% số lượng các phân tử trong cơ thể chúng ta, với khả năng lưu giữ năng lượng Mặt Trời tương tự các cục pin và điều khiển phần lớn các chức năng trong cơ thể như một nguồn năng lượng cơ bản, không phụ thuộc vào các phân tử mang năng lượng ATP (adenosine triphosphate).

Hiệu suất phát xạ quang tử sinh học trong cơ thể được chi phối bởi lực hấp dẫn từ Mặt Trăng và Mặt Trời

Dường như khoa học hiện đại hiện mới chỉ công nhận khả năng của cơ thể người trong việc tiếp nhận và phát phóng năng lượng và thông tin trực tiếp từ ánh sáng Mặt Trời.

Một quan điểm đang dần được công nhận nhiều hơn là: Mặt Trời và Mặt Trăng tác động đến hoạt động phát xạ quang tử sinh học thông qua các tương tác hấp dẫn. Gần đây, hoạt động phát xạ quang tử sinh học của các cây lúa mỳ ở Đức và Brazil được phát hiện có sự đồng điệu xuyên lục địa dựa theo các nhịp độ có liên hệ đến thủy triều gây nên do Mặt Trăng và Mặt Trời.

Trên thực tế, lực tạo triều của Mặt Trăng và Mặt Trời, trong đó Mặt Trời và Mặt Trăng lần lượt đóng góp 30% và 60% vào gia tốc trọng trường kết hợp, được phát hiện có khả năng điều tiết một số đặc tính sinh trưởng của thực vật trên Trái Đất.

Quang tử sinh học – bí mật của trường năng lượng xung quanh cơ thể người:

Ý định là một loại năng lượng sống trong sinh lý học

Ngay cả bản thân ý định của con người, cái được gọi là “hồn ma trong cỗ máy” trong thuyết linh hồn – cơ thể của René Descartes, có thể có một nền tảng thực nghiệm dựa trên các quang tử sinh học.

Một bài bình luận mới đây trên tạp chí Điều tra lâm sàng (Investigacion clinica) với tiêu đề “Bằng chứng về sức mạnh của ý định” (Evidence about the power of intention) đã đề cập đến mối liên hệ này như sau:

Ý định được định nghĩa là một ý nghĩ chỉ đạo để thực hiện một hành động xác định. Các ý nghĩ có mục đích có thể tác động đến những vật thể vô tri vô giác và, trên thực tế, đến tất cả các sinh vật sống, từ các sinh vật đơn bào cho đến con người. Sự phát xạ các hạt phần tử ánh sáng (các hạt quang tử sinh học) dường như là cơ chế giúp cho ý định tạo ra sự ảnh hưởng. Tất cả các sinh vật sống đều phát xuất một dòng quang tử trường kỳ như một phương tiện dẫn đường cho các tín hiệu lan toả tức thời từ một bộ phận của cơ thể đến một bộ phận khác và hướng ra thế giới bên ngoài.

Các quang tử sinh học được lưu giữ trong ADN nội bào. Khi sinh vật phát bệnh, những sự thay đổi sẽ xuất hiện trong hoạt động phát xạ quang tử sinh học. Ý định trực tiếp hiện diện dưới dạng thức một loại năng lượng điện từ sản sinh ra một dòng quang tử có trật tự. Các ý định của chúng ta dường như hoạt động dưới dạng thức các tần số có tính nhất quán cao, có khả năng thay đổi cấu trúc phân tử của vật chất. Để ý định khởi tác dụng, cần lựa chọn một thời điểm phù hợp. Trên thực tế, các sinh vật sống đang đồng bộ hóa lẫn nhau, cũng như với Trái Đất và với các sự thay đổi năng lượng từ tính liên tục.

Người ta đã chứng minh được rằng năng lượng của ý định còn có thể thay đổi môi trường xung quanh. Hiện tượng thôi miên, Dấu Thánh và hiệu ứng giả dược (placebo) có thể được xem là các dạng thức của ý định, như các chỉ lệnh cho bộ não trong một trạng thái ý thức chuyên biệt.

Các trường hợp hồi phục tự phát hay trị bệnh từ xa đối với những bệnh nhân ốm nặng là những ví dụ điển hình về việc sử dụng một ý định mạnh phi thường để kiểm soát các bệnh tật đang đe doạ đến cuộc sống chúng ta. Ý định trị bệnh cũng như niềm tin của người bệnh vào việc trị liệu sẽ thúc đẩy phương pháp điều trị này. Tóm lại, các nghiên cứu về ý định và ý thức đang nổi lên như những khía cạnh căn bản chứ không chỉ đơn thuần là những hiện tượng phụ, và điều này đang nhanh chóng dẫn tới một sự thay đổi lớn trong các mô hình sinh học và y học.

Như vậy bạn đã hiểu được điều này. Khoa học đang ngày càng đồng điệu với các trải nghiệm tự thân (trực tiếp/chủ quan) của con người: Chúng ta không chỉ có một cơ thể được cấu tạo từ những nguyên tử và phân tử đơn thuần, mà chúng ta còn là các sinh mệnh phát ra, tương tác và được tạo thành từ ánh sáng.

Tác giả: Sayer Ji
Đăng tải với sự cho phép. Xem bài gốc ở đây
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version