Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện ngôi làng cổ đại 8.000 năm tuổi được cho cái nôi của nghề sản xuất rượu vang

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một ngôi làng ở phía nam thủ đô Tbilisi (Gruzia) và tìm thấy nhiều bằng chứng quan trọng khẳng định đây là nơi sản xuất rượu vang lâu đời nhất trên thế giới, cách đây 8000 năm.

Ngôi làng Gadachrilli Gora là nơi sinh sống của con người trong thời kỳ đồ đá cách đây 8.000 năm. Người dân ở Gadachrilli Gora yêu thích nho, đồ gốm. Đặc biệt các vật dụng bằng gốm thô sơ ở đây được trang trí bằng các loại nho và hoa quả. Có khoảng hơn 500 giống nho khác nhau đã được các nhà khoa học tìm thấy ở đây.

Địa điểm được cho là nơi sản xuất rượu vang lâu đời nhất tại Gruzia. Nguồn: TripAdvisor

Trong một công bố mới đây trên tạp chí PNAS, các nhà khảo cổ quốc tế tìm được nhiều bằng chứng xác thực cho thấy người dân Gadachrilli Gora là những người sản xuất rượu vang đầu tiên trên thế giới trên quy mô rộng vào khoảng 8.000 năm trước công nguyên. Nên nhớ khi đó người tiền sử vẫn sử dụng các công cụ bằng đá và xương rất thô sơ.

Người dân Gadachrilli Gora là những người sản xuất rượu vang đầu tiên trên thế giới. Nguồn: Internet

Khai quật các ngôi nhà ở đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một lượng lớn đồ gốm bị hỏng bao gồm các thùng chứa hình tròn. Khi phân tích các mẫu đồ gốm này, nhà khảo cổ Patrick McGovern thuộc Đại học Pennsylvania đã tìm thấy một lượng lớn các chất axít tartaric. Đây là phát hiện về hóa học quan trọng cho thấy rượu vang đã tồn tại trong các mảnh gốm sứ từ rất lâu đời.

Bình gốm được cho là dùng để chế biến rượu nho của người dân Gadachrilli Gora. Nguồn: Cetusnews

Kết hợp với các dấu hiệu bên ngoài bình gốm được trang trí bằng nho với dấu vết của axit tartaric, các nhà khảo cổ đã thống nhất kết luận rằng Gadachrilli Gora chính là nơi sản xuất rượu vang lâu đời nhất thế giới. Trước đây, Jiahu- một địa điểm ở Trung Quốc được xem là nơi sản xuất các chất đồ uống lên men từ hỗn hợp ngũ cốc và trái cây dại lâu đời nhất. Tuy nhiên Jiahu có niên đại chỉ khoảng 1.000 năm trước.

Những chiếc bình gốm lớn được tìm thấy tại đây. Nguồn: National Geographic

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học lại không tìm thấy nhiều hạt nho xung quanh đây mặc dù ngôi làng trồng rất nhiều nho. Theo giả thuyết của Stephen Batiuk, nhà khảo cổ đến từ Đại học Toronto thì người dân đã ép nho trong môi trường mát mẻ, chờ lên men và sau đó đổ sang các bình nhỏ hơn để vận chuyển đến khắp nơi trong làng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pinterest

Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu là nhà khảo cổ Patrick Hunt đến từ Đại học Stanford cho biết thêm: “ Kết quả vừa được công bố thật sự gây bất ngờ đối với chúng tôi về cuộc sống của con người trong thời kỳ đồ đá. Đây là một cuộc sống của những người giàu có và có địa vị trong xã hội. Con người khi đó cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm như chúng ta ngày nay”. 

Mặc dù đã xác định được có rất nhiều loại nho khác nhau đã được trồng ở đây nhưng các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cụ thể đặc điểm từng loại nho khác nhau. Họ hy vọng rằng có thể trồng thử nghiệm lại các giống nho này để tìm hiểu thêm về cách thức chế tạo rượu vang nổi tiếng tại Gadachrilli Gora.

Sơn Tùng

Exit mobile version