Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện chiếc máy tính thời cổ đại có niên đại hơn 2.000 năm tuổi

Năm 1900, một vật thể bằng đồng gây sửng sốt được tìm thấy trong tình trạng bị đóng cặn tại một hòn đảo nhỏ của Antikythera, 25 dặm về phía Tây Bắc của đảo Crete.  Một trong những nhà khoa học tò mò đã quyết định làm sạch vật thể và phát hiện rằng đây là một thiết bị phức tạp với hệ thống các bánh răng ăn khớp nhau.

Các vòng tròn đều đặn tinh tế và chữ nổi bằng tiếng Hy Lạp được khắc trên thiết bị dường như liên quan đến chức năng và vận hành của nó. Dựa vào các hàng hóa trên con tàu La Mã bị đắm nơi mà thiết bị này được tìm thấy, người ta ước tính rằng nó có niên đại khoảng thế kỷ 1 TCN.

Các mảnh vỡ còn lại của chiếc máy Antikythera. Ảnh: messagetoeagle.com

Derek J. de Solla Price (1922 – 1983) – nhà vật lý người Anh, được ghi nhận là cha đẻ của Trắc lượng khoa học đã tình cờ nhìn thấy cổ vật này và miệt mài nghiên cứu nó. Ông từng nói: “Việc tìm thấy món đồ như thế này giống như tìm thấy một chiếc máy bay phản lực trong lăng mộ của Vua Tutankhamun.

Ông đã xác minh rằng đồ tạo tác này là một chiếc máy tính có khả năng tính toán và đưa ra các chuyển động của Mặt trời cũng như Mặt trăng và có thể còn cả các hành tinh nữa.

Các nhà nghiên cứu đã làm một mô hình chiếc máy tính này theo kiểu dáng của nó hàng nghìn năm về trước.Thiết bị này có hai mặt. Một mặt có đĩa số bao gồm 365 ngày dương lịch của người Ai Cập kèm theo 12 cung hoàng đạo.

Bằng cách xoay quay tay ở bên mặt, người sử dụng có thể di chuyển đĩa số đến một ngày nhất định và xem vị trí chính xác của Mặt trăng và Mặt trời cũng như giai đoạn của Mặt trăng vào ngày đó.

Một đĩa số ở phía sau cho thấy chu kỳ meton của Mặt trăng, một giai đoạn kéo dài khoảng 19 năm, và một đĩa khác chỉ Nhât thực và Nguyệt thực. Nó cũng được cho là có thể dõi theo  quỹ đạo của một số hành tinh.

Mục đích của cơ cấu kỳ lạ này là gì, nó được tạo ra bởi ai và ở đâu – từ lâu đã trở thành chủ đề của cuộc tranh luận học thuật giữa các nhà nghiên cứu.

Ảnh kĩ thuật số chụp các chữ khắc nổi trên mặt của cơ cấu Antikythera. Ảnh: messagetoeagle.com

Ngày nay, một phân tích mới về chiếc mặt đồng hồ được sử dụng để dự đoán Nhật thực, đặt ở mặt sau của cơ cấu, đã cung cấp một đầu mối khác cho một trong những câu đố hấp dẫn nhất trong lịch sử ”, theo một bài báo trên tờ New York Times.

Christián C. Carman, nhà Sử học khoa học tại ĐH Quốc gia Quilmes, Argentina, và James Evans, nhà vật lý tại ĐH Puget Sound, Washington, cho rằng lịch của thiết bị bí ẩn bắt đầu từ năm 205 TCN, tức là chỉ bảy năm sau khi Archimedes qua đời.

Cơ cấu này rất có thể được đặt trong một hộp gỗ và được vận hành bằng một tay quay. Trên chính thiết bị cũng được khắc chữ ở mặt trước và mặt sau. Vào những năm 1970, người ta ước tính các bản khắc có niên đại từ năm 87 TCN.

Biểu đồ các bánh răng bên trong chiếc máy tính Antikythera. (Wikimedia Commons)

Nhưng gần đây hơn, kiểm tra mẫu các chữ cái Hy Lạp trong các bản khắc của các nhà khoa học đã xác định cơ chế có niên đại từ năm 150 đến 100 TCN.”

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã suy đoán rằng vật thể này có thể liên quan đến Archimedes, một trong những nhà Toán học và nhà phát minh nổi tiếng nhất trong lịch sử. Nhưng Archimedes đã bị một người lính La Mã sát hại vào năm 212 TCN, trong khi chiếc tàu chở ngũ cốc thương mại mang theo chiếc máy này được cho là đã bị chìm trong khoảng thời gian từ năm 85 đến 60 TCN.

Thiết kế tái hiện chiếc máy tính cổ Antikythera (Ảnh: The National Space Centre)

Một ghi chép trên một mặt đồng hồ nhỏ được sử dụng để xác định ngày diễn ra Thế vận hội Olympic, đề cập đến một cuộc thi đấu thể thao được tổ chức tại Rhodes, theo nghiên cứu của Paul Iversen, một học giả Hy Lạp tại ĐH Case Western Reserve.

Mathias Buttet, giám đốc nghiên cứu và phát triển của hãng đồng hồ Hublot, đã tái tạo di vật cổ đại này dưới hình thức hiện đại, tích hợp nó vào một chiếc đồng hồ đeo tay. Ông nói rằng, “Chiếc máy tính Antikythera này có các đặc điểm độc đáo mà đồng hồ hiện đại không có”.

TS Evans cho biết ông vẫn thận trọng trong việc cố gắng xác định tác giả của thiết bị: “Chúng ta biết quá ít về thiên văn học Hy Lạp cổ đại” và cho đến nay thiết bị này vẫn còn là khá bí ẩn với nhiều người.

Ngự Yên

Exit mobile version