Đại Kỷ Nguyên

Phàm nhân tu tiên thế nào? Những câu chuyện tu tiên kinh điển

Chào mừng quý vị đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Nghe nói hai năm trở lại đây, học sinh tiểu học Trung Quốc lưu hành ngồi song bàn, thanh niên lưu hành tu tiên, đam mê đến thiền viện tham quan, tu thiền, những thanh niên sinh sau năm 1990 lên núi Chung Nam ẩn cư càng ngày càng nhiều. Hôm nay, chúng ta sẽ kể về những câu chuyện phàm nhân tu tiên. Những câu chuyện này đến từ cuốn sách “Thần tiên truyện”, được coi là bảo bối tu tiên kinh điển.

Những câu chuyện thần tiên trong “Thần tiên truyện” được Cát Hồng, một nhà âm dương thời Đông Tấn thu thập chỉnh lý, là cuốn sách tham khảo hiếm hoi trong “Đạo Tạng”, một tài liệu giảng dạy chuyên dụng về tu luyện của Đạo gia, những thần tiên được ghi nhận trong đó có tới 84 vị. Những tiên nhân này thoắt ẩn thoắt hiện, đủ loại thần thông, những gì gọi là cưỡi mây ngự sương, biến hóa tàng hình, khởi tử hoàn sinh, biết trước cát hung v.v. đều chỉ là chuyện nhỏ. Không chỉ vậy, cuốn “Thần tiên truyện” còn có ảnh hưởng thâm viễn đến văn hóa Trung Quốc. Không ít thành ngữ quen thuộc như huyền hồ tế thế, thương hải tang điền, kê khuyển thăng thiên v.v., đều bắt nguồn từ những câu chuyện trong cuốn sách này.

Thần tiên sống trong hồ lô

Xin giới thiệu vị thần tiên đầu tiên là Hồ Công ngụ tại hồ lô.

Hồ Công đến vô hình, đi vô tung, một ngày nọ, ông đột nhiên xuất hiện tại khu chợ ở Nhữ Nam. Chỉ thấy ông lấy sào tre treo một hồ lô lớn lên cao, mọi người tụ tập xung quanh để xem. “Ông đang bán gì vậy?”, người dân hỏi.  Hồ Công nói, tôi bán dược hoàn tử. Trong hồ lô của tôi có đủ loại linh đan diệu dược, chữa được bách bệnh, giá cả đã định, không tin đừng mua.

Quả nhiên có người tin tưởng, bỏ tiền ra mua dược hoàn của ông. Sau khi thu tiền, Hồ Công thầm thì dặn dò người mua, cậu nuốt dược hoàn xong, ban đầu sẽ thấy buồn nôn, nhưng cậu đừng sợ, nôn ra hết thì bệnh của cậu sẽ khỏi. Người mua về nhà uống thử, quả nhiên linh nghiệm, nan y tạp chứng các loại đều khỏi. Thế là một truyền mười, mười truyền trăm, người dân toàn thành đều biết, mọi người đổ xô đi mua dược hoàn của ông. Hồ Công kiếm được rất nhiều tiền, nhưng tiền của ông đều là vào tay phải, ra tay trái, mang hết đi tiếp tế những người nghèo làm việc thiện.

Về sau, câu chuyện dùng hồ lô bán thuốc đã diễn biến thành thành ngữ “huyền hồ tế thế”, tức là treo hồ lô cứu tế thế nhân.

Tuy nhiên, câu chuyện về Hồ Công mới chỉ là khởi đầu, còn những điều thú vị hơn nữa vẫn chưa đến.

Đợi khi màn đêm buông xuống, phiên chợ tan, người mua kẻ bán đều đã đi xa. Hồ Công nhìn xung quanh không còn ai, liền nhảy vào hồ lô và biến mất.

Nhưng có một người đã nhìn thấy, đó là Phí Trường Phòng, viên quản lý chợ đang ngồi ở trên lầu văn phòng. Trường Phòng cảm thấy vị Hồ Công ngày rất khác thường, nên mỗi ngày đều chiêu đãi ông cơm ngon rượu ngọt. Hồ Công cũng không khách khí, cho gì đều nhận hết, nhưng một lời cảm ơn cũng không nói. Trường Phòng cũng không bận tâm, luôn chăm sóc Hồ Công chu đáo mà không đòi hỏi đền đáp bất cứ điều gì.

Một thời gian sau, có một ngày, Hồ Công đột nhiên nói với Trường Phòng: “Tối nay hãy đến gặp tôi.” Trường Phòng đến thăm như đã hứa. Hồ Công hỏi ông: “Cậu có muốn vào trong hồ lô xem không? Nếu cậu thấy tôi nhảy vào, hãy nhảy theo tôi là được, đảm bảo cậu có thể tiến vào được.” Nói xong, Hồ Công liền nhảy vào.

Phí Trường Phòng không chút đắn đo, cũng nhảy vào theo, quả nhiên thực sự tiến vào bên trong hồ lô. Sau khi bước vào, phát hiện không gian bên trong rất rộng lớn, đình đài lâu các tầng tầng lớp lớp. Hồ Công ngồi trong đại điện, xung quanh có hàng chục người phục vụ.

Lúc này, Hồ Công mới lộ ra thân phận, nói: “Ta vốn là tiên quan trên thiên thượng, bởi vì bản tính lười biếng, lơ là công vụ, nên bị giáng xuống nhân gian. Con là người có tài có thể dạy được, nên ta mới mang theo con đến động thiên trong hồ lô của ta.” Phí Trường Phương vội vàng quỳ xuống bái lạy, nói với Hồ Công muốn học tu tiên. Hồ Công nói, khả dĩ, con phẩm chất không tồi,  nhưng đừng nói cho ai biết.

Trường Phòng vô cùng hoan hỉ trở về. Không lâu sau, Hồ Công đến mời chàng uống rượu, nói, hai ngày nữa ta sẽ rời khỏi đây, con có bằng lòng đi cùng ta không? Trường Phòng nói, tất nhiên là con nguyện ý, nhưng với người nhà, con sẽ giải thích thế nào? Thầy chẳng phải đã nói không được phép nói cho người ngoài sao?

Hồ Công nói, việc này đơn giản thôi, rồi ông lấy ra một cọc tre xanh, nói, con mang cọc tre này về, bảo bản thân bị bệnh. Hai ngày nữa hãy để cọc tre trên giường, rồi tự mình đến tìm ta là được. Trường Phương rất nghe lời, làm theo lời dặn. Sau khi chàng rời đi, cây cọc tre biến thành hình tượng của chàng, nằm trên giường, một hồi sau tắt thở. Gia đình tưởng chàng đã chết nên đem cọc tre đi chôn trong nước mắt.

Kỳ thực, đây là một loại pháp thuật thường được Đạo gia sử dụng, gọi là “thi giải”, sử dụng “chướng nhãn pháp”. Sau khi chôn cất, cọc tre sẽ xuất hiện nguyên hình.

Bằng cách này, Phí Trường Phòng chính thức xuất gia, theo Hồ Công rời đi. Đang lúc hốt hoảng không biết mình đang ở đâu, thì một đàn hổ lớn hiện ra, từng cái miệng há to, nhe hàm răng sắc nhọn muốn ăn thịt chàng, nhưng Trường Phòng không hề sợ hãi. Ngày hôm sau, chàng lại bị Hồ Công nhốt vào nhà đá, trên đầu treo một tảng đá lớn chỉ bằng một sợi dây cỏ tranh, có mấy con rắn đang cắn sợi dây muốn đứt, nhưng Trường Phương cũng không sợ hãi.

Lúc này, Hồ Công xuất hiện, tán thành nói: “Nhụ tử khả giáo dã”, tức là cậu tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Sau đó, ông lấy ra mấy con côn trùng rồi nói: “Nuốt cái này đi.” Mùi tanh hôi của côn trùng thật kinh tởm, Trường Phòng thực sự nuốt không nổi. Hồ Công thở dài nói, con thế này không tu thành thần tiên được.

Thì ra hổ, đá, côn trùng đều là Hồ Công huyễn hóa ra, để khảo nghiệm thất tình lục dục của đồ đệ có thể hay không xả bỏ được, hơn nữa khảo nghiệm tín niệm của đồ đệ đối với sư phụ có đầy đủ không. 

Đạo gia có một câu chuyện nổi tiếng về thử thách tín niệm của đồ đệ. Thiên sư Trương Đạo Lăng vì để khảo nghiệm đồ đệ của mình, nói rằng ông đi hái đào tiên, đã nhảy xuống vách đá trước mặt mọi người. Khi các đệ tử nhìn thấy mây mù dày đặc phía dưới vách núi, chẳng thấy đáy bao sâu, cảm thấy sư phụ ta hung đa cát thiểu, đều nằm xuống vách đá mà khóc. Lúc này, chỉ có Triệu Thăng và Vương Trường lo lắng cho an nguy của sư phụ, nên nhảy xuống theo. Cuối cùng cả ba người đều được an toàn. Trương Đạo Lăng ngay dưới vách đá truyền thụ cho họ bí quyết tu Đạo. Sau đó, hai đồ đệ đều tu thành tiên, cùng với Trương Đạo Lăng ba thầy trò bạch nhật phi thăng.

Có vẻ như Phí Trường Phòng không có đủ tín niệm vào Hồ Công nên không chịu nuốt côn trùng. Nếu không vượt qua được khảo nghiệm, còn đường tu tiên cũng đứt đoạn. Nhưng dù thế nào đi nữa, không thể để người ta trắng tay, vì vậy Hồ Công đã dạy cho Trường Phòng một số bản lĩnh trừ yêu hàng quỷ, rồi để chàng quay về. Khi người nhà nhìn thấy Trường Phòng, họ vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng mình nhìn thấy quỷ hồn. Sau đó, quan tài được đào lên, nguyên lai trong chỉ có một cọc tre.

Sau khi Trường Phòng trở về, ông đã vận dụng bản lĩnh mà Hồ Công dạy cho để làm không ít việc thiện cho trăm họ. Câu chuyện ông tu tiên cũng được đưa vào sử sách “Hậu Hán thư” (“Hậu Hán thư·Liệt truyền·Phương thuật liệt truyền·Phí Trường Phòng”). Mặc dù ông tu tiên không thành, nhưng tên ông vẫn được lưu danh thanh sử. Từ một góc độ khác mà nói, đó cũng tính là đắc được trường sinh.

Hoài Nam Vương một người đắc đạo, gà chó lên trời

Câu chuyện dưới đây cũng là nguồn gốc của thành ngữ “Một người đắc đạo, gà chó lên trời”. Nhân vật chính của câu chuyện là Hoài Nam Vương Lưu An thời kỳ Hán Vũ Đế.

Lưu An thích cầu tiên vấn đạo, nên có nhiều phương sĩ tìm đến ông. Đương thời vương phủ của Lưu An có hàng ngàn thực khách. Lưu An và những thực khách này cùng viết một cuốn sách nổi tiếng tên là “Hoài Nam Tử”. Chủ đề của “Hoài Nam Tử” là dựa trên tư tưởng “Thiên nhân cảm ứng” của Đạo gia, để bàn luận thế nào là “Đạo”, nội dung cực kỳ rộng, thần thoại thượng cổ, triều chính đương thời, giai thoại cổ đại, thiên văn địa lý, không gì không có. Mọi người thường nghe thấy câu “tái ông thất mã”, chính là đến từ cuốn sách này.

Sau khi cuốn sách được hoàn thành, Lưu An dâng tặng nó cho Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế rất thích, bí mật cất giữ cuốn sách này trong cung.

Trong số rất nhiều quan khách của Lưu An, tám vị hiền sĩ mà ông coi trọng nhất được gọi là Bát Công. Khi Bát Công lần đầu tiên đến nương náu ông, tất cả bọn họ đều dung nhan già nua, hình hài hốc hác. Nhân viên tiếp tân ở cửa nói, mọi người đều biết đại vương của chúng tôi rất giỏi đạo thần thiên. Những vị thần tiên đều là trường sinh bất lão, thoạt nhìn đã thấy khác hẳn người thường. Còn các cụ đã già thế này rồi, chẳng có chút thần tiên nào, đại vương sẽ không tiếp kiến các cụ đâu.

Bát Công cầu kiến bốn lần, bốn lần đều bị từ chối. Sau khi bị từ chối lần thứ tư, Bát Công đứng dậy, chỉnh lý y phục và nói, không phải là chúng ta già, muốn giống thanh niên nào có khó gì. Vừa nói xong, họ đều biến thành như thanh thiếu niên. Nhân viên tiếp đãi mắt trừng mồm ngây, Á, Thần tiên hiển linh! Vội vội vàng vàng đi vào báo cáo.

Lưu An nghe vậy, giày chưa kịp mang đã chạy ra ngoài nhìn họ, nhìn thấy họ liền bái lạy, tự xưng là đệ tử, nói, đại thần tiên đến, có thể dạy cho tôi điều gì không? Bát Công đáp, vài người chúng ta có thể điều khiển gió mưa sấm sét, cũng có lực lượng điều động quỷ thần; có thể xuất nhập giữa nước và lửa, cũng có thể cải biến năng lượng của sơn xuyên hà lưu, rất có bản sự. Lưu An cung cung kính kính mời Bát Công ở lại, cùng họ học tập đạo tu tiên. Bát Công cũng vì cuốn sách “Hoài Nam Tử” của Lưu An mà phó xuất không ít sức lực.

Sau đó, một trong những quan đại thần thủ hạ của Lưu An đã vu cáo ông mưu phản, Hán Vũ Đế liền phái đại thần đến điều tra. Thời xưa mưu phản là chuyện lớn, bất kể có xảy ra hay không, chỉ cần bị điều tra, dù không chết cũng bị lột da. Bát Công khuyên Lưu An rằng, vụ vu cáo này có thể là cơ hội được Thiên thượng ban tặng, đã đến lúc ngài phải rời nhân gian. Bằng không, ngài bị hãm vào phú quý nhân gian, lúc nào mới có thể sẵn sàng đi? Lưu An suy nghĩ một chút rồi đồng ý.

Bát Công dùng một cái vạc lớn đun một bát thuốc lớn cho Lưu An uống. Lưu An uống xong, mọi người trong gia đình ông cũng uống theo. Cả nhà có gần 300 người, già trẻ lớn bé đều cùng ông thăng thiên. Gà và chó ở nhà chạy tới liếm chỗ thuốc còn sót lại, kết quả gà chó cũng thăng thiên. Cứ như vậy, đại gia đình Lưu An biến mất tập thể trước khi sứ thần đến.

Mặc dù “Sử ký” nói rằng, trước khi sứ thần đến, Lưu An đã tự vẫn, gia đình cũng diệt tộc. Nhưng trong dân gian, mọi người đều muốn tin vào phiên bản “Gà chó lên trời” trong “Thần tiên truyện”, tin rằng gia đình Hoài Nam Vương đã thăng thiên nhờ trợ lực của tiên dược.

Ngày nay mọi người thường lý giải “Một người đắc đạo, gà chó lên trời” thành “một người làm quan, cả họ được nhờ”, kỳ thực là lý giải sai nguyên ý của thành ngữ này. Cổ đại quan niệm rằng, một người nếu tu thành đắc đạo, thì cha mẹ người nhà đều được thơm lây, hoặc là đắc phúc báo, hoặc là sẽ vãng sanh đến thế giới của người đó mà hưởng phúc. Do đó cổ nhân đối với người tu luyện đều rất kính trọng, ủng hộ. Đó mới là hàm nghĩa chân chính của thành ngữ “Một người đắc đạo, gà chó lên trời”. 

Đại diện của trường thọ: Bành Tổ và Ma Cô

Vị thứ ba xin giới thiệu với quý vị là Bành Tổ, thọ 800 tuổi.

 Bành Tổ sinh ra vào thời đại Tam Hoàng Ngũ Đế. Đến cuối thời nhà Thương, ông đã 760 tuổi, vẫn chưa suy lão. Bí quyết trường thọ của ông là gì? Theo lời ông, chính là coi nhẹ danh lợi, biết đủ vô cầu, khắc chế tình tự, tiết chế ăn uống, đồng thời đả tọa luyện công, tu tập thuật thở sâu của Đạo gia.

Vào thời nhà Thương, vua Thương từng bài ông làm đại phu. Ông thường cáo bệnh ở nhà, không tham dự triều chính. Nhà vua ban cho ông nhiều ngọc ngà châu báu, ông đều dùng chúng để tiếp tế người nghèo. Trong nhà có xe ngựa, nhưng khi ra ngoài ông vẫn thích đi bộ, hiếm khi ngồi xe. Đôi khi ông đang đi đang đi thì đột nhiên biến mất, hàng chục ngày sau đó mới quay lại, quay lại cũng không nói mình đã đi đâu.

Vào cuối thời nhà Thương, vua Trụ vô đạo, muốn hãm hại Bành Tổ. Bành Tổ bỏ trốn. 70 năm sau, có người nhìn thấy ông trên sa mạc. Tính ra, lúc đó ông đã hơn 800 tuổi.  Bành Tổ cuối cùng sống được bao lâu, đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Cũng trường thọ giống như Bành Tổ, Ma Cô là vị khách thường xuyên đến dự tiệc vườn đào của Vương Mẫu Nương Nương.

Ma Cô xuất hiện trong “Thần tiên truyện” giống như một thiếu nữ xinh đẹp chỉ mới 18, 19 tuổi, những ngón tay dài và mảnh, giữa đầu có một búi tóc lớn, tóc dài xõa ngang eo, thân mặc gấm hoa, lộng lẫy ngoạn mục, không phải là thứ ở nhân gian.

Ma Cô ngụ ở Bồng Lai Tiên Sơn, khi trò chuyện với tiên nhân Vương Phương Bình, Ma Cô nói rằng bản thân đã ba lần nhìn thấy biển Đông Hải biến thành ruộng dâu. Hiện tại thấy nước ở Bồng Lai lại biến cạn, chỉ cao gần bằng một nửa so với trước. Biển Đông Hải lẽ nào biến thành lục địa? Vương Phương Bình thở dài nói: “Một khi biến thành lục địa, đi qua biển Đông Hải, sẽ lại đầy cát bụi bay.” Đoạn đối thoại này sau đó diễn biến thành thành ngữ “thương hải tang điền”, tức biển xanh biến ruộng dâu.

Các nhà khoa học tin rằng, tác dụng của địa chất dẫn đến các tầng đá trên vỏ Trái đất biến hình và tự dịch chuyển. Khi lớp vỏ di chuyển theo phương thẳng đứng, đáy biển ban đầu sẽ trở thành sườn đồi, lục địa sẽ trở thành đại dương. Ví dụ, dãy Himalaya từng chìm trong đại dương, trong khi đáy biển Ấn Độ Dương bên cạnh từng là đầm lầy trên đất liền. Vì vậy, lời nói của Ma Cô về biển xanh biến ruộng dâu là có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, mỗi biến động như vậy ở vỏ trái đất phải mất thời gian hàng chục triệu năm. Vậy thì, mỹ nữ băng giá Ma Cô đến nay đã bao nhiêu tuổi?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version