Đại Kỷ Nguyên

Những loại bom khủng khiếp nhất từng được chế tạo

Một thử nghiệm MOAB vào 11/3/2003 (Ảnh: Fastfission, Wikimedia)

Thế kỷ 21 vẫn còn nhiều quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, dường như nhân loại vẫn chưa trưởng thành và tìm cách hiểu nhau. Và trong thảm hoạ do con người gây ra ấy, bom có thể nói là vũ khí kinh khủng nhất, có sức phá hoại nặng nề nhất. Dưới đây là những loại bom nguy hiểm từng được chế tạo.

Bom chùm 

Bom chùm là các loại bom bi cỡ nhỏ được chứa trong các quả bom mẹ cỡ lớn. Khi nổ, bom mẹ không có tác dụng đối với mục tiêu, mà chỉ có tác dụng bắn bom thứ cấp ra một vùng rộng lớn. Khi rơi xuống mục tiêu, bom thứ cấp sẽ nổ gây sát thương cho người hay phá hủy các xe cơ giới.

Tên lửa Honest John của Mỹ chứa các quả bom M134 (Ảnh: U.S. Army, Wikimedia)

Khi văng ra, bom thứ cấp có thể chưa nổ luôn, vì vậy, nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng sau khi chiến tranh kết thúc. Bom thứ cấp thường rất nguy hiểm, khi bị chạm hay được di chuyển, chúng sẽ nổ ngay, gây chết người, hoặc làm tàn phế. Sau chiến tranh, Việt Nam vẫn còn một số loại bom thứ cấp chưa nổ, gây khó khăn cho công tác phát hiện, dò tìm và xử lý.

Bom Napalm

Napalm là tên gọi của các loại chất lỏng dễ bắt cháy được sử dụng trong chiến tranh, thường là xăng được làm đông đặc. Napalm được phát triển tại Mỹ trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai bởi một nhóm các nhà hóa học ở Đại học Havard, đứng đầu là Louis Fieser.

Một máy bay chiến đấu Kfir của Ecuador thả Napalm xuống mục tiêu (Ảnh: U.S. Air Force, Wikimedia)

Khi được dùng trong bom, Napalm nhanh chóng hút hết oxy trong không khí, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất mônôxít cacbon (CO) gây ngạt thở. Chất lỏng Napalm có thể dính vào da người, và gây bỏng nặng khi gặp lửa.

Bé Phan Thị Kim Phúc chạy xuống một con đường tại Trảng Bàng, Việt Nam, sau khi một quả bom Napalm được thả xuống Trảng Bàng (Ảnh: Huynh Cong Ut, Wikimedia)

Bom Napalm được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh tại Nhật Bản và Việt Nam.

Xem thêm:

Bom Phốtpho trắng

Phốtpho trắng là chất hóa học có khả năng gây cháy được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự, chủ yếu nó được nhồi vào các loại bom cháy, bom khói với mục đích tạo ra các màn khói hoặc gây sát thương, tiêu diệt sinh lực của đối phương.

Máy bay A-1E của Mỹ thả bom Phốt pho trắng xuống miền Nam Việt Nam năm 1966 (Ảnh: USAF, Wikimedia)

Phốt pho trắng cũng được coi là một loại vũ khí hóa học. Phốt pho trắng rất dễ cháy, khi ra ngoài không khí ở nhiệt độ bình thường nó cũng tự động bốc cháy. Lửa của phốt pho trắng rất nguy hiểm với con người, khi bị dính phốt pho trắng sẽ gây ra bỏng nặng do nó có khả năng ngấm sâu vào cơ thể người đến tận xương, vào các mô ở bên trong cơ thể và phá hủy chúng.

Tàu bị đánh bom phốt pho trắng trong cuộc thử nghiệm ném bom vào tháng 9 năm 1921 (Ảnh: Joshbaumgartner, Wikimedia)

Với những loại vũ khí như bom, đạn có chứa phốt pho trắng, ngay cả những lực lượng có kiến thức chuyên môn khi xử lý chúng cũng có khả năng bị tai nạn.

Bom LU-82B

LU-82B/C-130 là một loại bom phát quang có khối lượng gần 7 tấn, được thả từ máy bay MC-130. Đây từng là loại bom thường lớn nhất trong vài thập kỷ. Độ cao nhỏ nhất khi ném loại bom này để máy bay không bị ảnh hưởng bởi các mảnh văng từ vụ nổ là gần 2 km.

(Ảnh: Louis Waweru, Wikimedia)

Mẫu BLU-82 ban đầu để phát quang một vùng đất cho việc cất hạ cánh các máy bay trực thăng và để đặt các ụ pháo. Sau đó, các quả bom được thả với mục đích sát thương và gây ảnh hưởng về tâm lý do bán kính rất lớn, ánh sáng chói và âm thanh có thể nghe được từ khoảng cách xa.

MOAB – “Mẹ của các loại bom”

Bom GBU-43/B (MOAB) có tên lóng dịch ra tiếng Việt là “Mẹ của các loại bom” (Mother Of All Bombs). Đây là một loại bom thường cỡ rất lớn được thiết kế và trang bị cho quân đội Mỹ. Tại thời điểm đưa vào trang bị, nó là loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất trên thế giới. Bom được thiết kế để thả từ máy bay vận tải C-130.

Một thử nghiệm MOAB vào 11/3/2003 (Ảnh: Fastfission, Wikimedia)

Sau đó, Nga đã chế tạo và thử nghiệm quả bom có tên lóng “Cha của các loại bom” (Father of All Bombs) và công bố nó mạnh hơn gấp 4 lần MOAB.

“Cha của các loại bom”

“Cha của các loại bom” là tên hiệu của một loại vũ khí hàng không Nga, được tuyên bố mạnh gấp 4 lần loại bom GBU-43/B kể trên, đưa nó trở thành loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới (Ảnh: Kaplansa, Wikimedia)

Loại bom này đã thành công qua các lần thử nghiệm đêm 11/9/2007, khi nó được thả rơi từ chiếc máy bay ném bom hạng nặng Tupolev Tu-160 với một cái dù và phát nổ. Phía Nga cho rằng, loại vũ khí này có đương lượng nổ tương đương với 44 tấn TNT.

Mặc dù hiệu quả của nó được công bố tương đương với loại vũ khí hạt nhân, nhưng nó chỉ có thể so sánh được với loại vũ khí hạt nhân thấp nhất. “Cha của các bom” có năng lượng nổ chỉ bằng khoảng 0,3% năng lượng nổ của quả bom nguyên tử được sử dụng ở Hiroshima.

Bom Sa hoàng

Ảnh chụp vụ nổ thử nghiệm (Ảnh: El C, Wikimedia)

Tsar Bomba, hay “Bom Sa hoàng”, là tên hiệu của quả bom khinh khí AN602, là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ trong lịch sử nhân loại.

Đám mây hình nấm tạo ra sau khi bom nổ (Ảnh: Violetbonmua, Wikimedia)

Được phát triển tại Liên Xô, quả bom ban đầu được thiết kế để có đương lượng nổ khoảng 100 triệu tấn TNT; tuy nhiên, đương lượng nổ đã được giảm đi một nửa để giới hạn khối lượng phóng xạ sẽ phát tán. Chỉ một quả bom loại này được chế tạo và thử nghiệm ngày 30 tháng 10 năm 1961, tại quần đảo Novaya Zemlya.

Video sức công phá khủng khiếp của quả bom này:

Quang Minh

Xem thêm:

Exit mobile version