Đại Kỷ Nguyên

Những kiến trúc sư đại tài trong thế giới động vật khiến con người nể phục (Phần 1)

Những sinh vật với thân hình nhỏ bé và trông không có điểm gì nổi bật nhưng chúng có thể tạo nên những công trình hay kiến trúc phi thường mà con người không thể ngờ tới. 

Con người thường tự hào rằng mình có thể xây dựng nên những công trình kiến trúc vĩ đại nhờ vào trí tuệ cũng như khoa học – kỹ thuật tiên tiến nhưng tất cả quy cho cùng cũng là máy móc giúp con người làm nên tất cả những công trình đó, sức lực tự bản thân chúng ta đâu có thể làm ra được. 

Nhưng đối với một số loài động vật trong tự nhiên lại có khả năng vượt trội hơn con người ở khoản này. Không cần đến máy móc hay trí tuệ siêu phàm, chúng vẫn tạo nên những công trình cho riêng bản thân mình chỉ bằng sự chăm chỉ và sức lực tự thân khiến con người chúng ta nể phục. 

Dưới đây là những loài động vật được mệnh danh “kiến trúc sư đại tài” trong thế giới động vật:

1. Hải ly – Những thợ xây lành nghề

Hải ly là những kỹ sư xây dựng rất tinh thông và siêng năng. Chúng thường xây những con đập trên sông hoặc suối để tạo ra những cái ao nước làm chỗ sinh sống. Với những chiếc răng dài và khỏe, hải ly có thể đốn hạ những những cây có kích thước lớn rồi tiếp tục gặm cây thành nhiều mảnh nhỏ để dễ mang về chỗ cần xây tổ. Những khúc cây này với liễu xanh, bạch dương được hải ly trộn chung với bùn và đá để làm cho đập được chắc chắn.

Hải ly có khả năng xây những chiếc tổ rất lớn nhờ hàm răng vô cùng khỏe và sự chăm chỉ. (Ảnh; Perfumista)

Chưa dừng lại ở đó, chúng cần phải đào thêm 1 cái hang làm chỗ trú và dự trữ thức ăn cho mùa đông dài. Quả thực công việc vô cùng tỷ mỷ và tính kiên nhẫn vô cùng lớn.

Hải ly được biết là có xây những đập rất lớn. Đập lớn nhất được khám phá tại Bắc Alberta qua ảnh vệ tinh năm 2007 có chiều dài khoảng 850 m, vượt qua kỷ lục trước đây được tìm thấy gần Three Forks, Montana dài 2.140 ft 650 m, cao 4,3 m và dày 7,0 m.

2. Chim Bowerbird – Nhà thiết kế nội thất tinh tế

Những con chim đực Bowerbird thực sự là những nhà trang trí nội thất đầy tài hoa, khi chỉ là xây tổ thông thường, chúng còn biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt để thu hút chim cái.

Khi thiết kế tổ, chúng sẽ sắp xếp những viên sỏi, những vỏ sò, những bông hay cánh hoa sặc sỡ hoặc những thứ linh tinh khác mà chúng kiếm được để trang hoàng cho cái tổ thật bắt mắt. Không những chỉ là thiết kế bình thường mà những con chim đực Bowerbird thiết kế và trang hoàng của chúng còn làm cho cái tổ và cả anh chàng đa tài trông lớn hơn so với kích thước thật.

Nếu có một bông hoa nào trên tổ bị héo tàn, chim Bowerbird lập tức tìm kiếm một bông khác thay thế. Đôi khi chúng đi tranh giành hay đánh cắp nguyên liệu từ đồng loại để trang trí cho chiếc tổ của mình thêm bắt mắt nhằm gây thiện cảm và chú ý từ các con cái. 

Sau khi xây tổ xong, chúng còn sắp xếp thêm trái cây, bọ hung, cành nhỏ và nhiều thứ khác trước tổ để thể hiện mình là người tốt nhất. 

3. Cá nóc Nhật Bản – “Nghệ sỹ” trong lòng đại dương

Ban đầu, nhiều người tưởng những vòng tròn bí ẩn dưới đáy biển Thái Bình Dương là tác phẩm của con người hay người ngoài hành tinh hoặc con người nhưng thực ra không phải vậy. Đây là những công trình của loài cá nóc Nhật Bản.

Những con cá đực dành 7 ngày, mỗi ngày 24 tiếng để xây dựng công trình phức tạp và hoàn hảo dưới đáy biển nhằm gây ấn tượng với con cái. Cá đực dùng vây gạt mạnh xung quanh để tạo nên hàng chục đường rãnh tỏa ra từ tâm vòng tròn cát. Khi nó di chuyển cơ thể, bụi cát bốc lên, đồng thời những đường rãnh kích thước khác nhau dần xuất hiện. 

(Ảnh: Google Plus)
(Ảnh: Dailymotion)

Chúng làm như vậy liên tục không ngừng nghỉ cho đến khi hoàn thành vì nếu dừng giữa chừng dòng hải lưu sẽ cuốn trôi tất cả. Trong mùa sinh sản, những con cá đực sẽ bỏ ra 6 tuần liền để làm nên những công trình to lớn gấp 20 lần cơ thể nó như thế này, rồi sau đó nó sẽ thu hút một nàng cá cái đến kết giao với chúng.

Quả là vi diệu phải không mọi người!

4. Nhện sập cửa – Xây tổ chứ không chăng mạng

Loài nhện này sập cửa đúng như tên gọi của chúng nhưng nếu bắt gặp chúng lần đầu bạn có thể không nhìn thấy cánh cửa ở đâu. Nhện sập cửa là sinh vật sống về đêm dưới mặt đất và khác với nhiều loài khác, chúng không chăng mạng mà thay vào đó chúng xây cửa sập, được ngụy trang bằng cây cỏ và đất đá. 

Nhện sập cửa nhả tơ và sử dụng tơ làm chốt cửa cho lối ra vào hang bí mật của chúng. Bình thường chiếc cửa này được đóng kín nhưng khi nghe thấy tiếng động của con mồi như các loài côn trùng, động vật không xương sống nhỏ,… đi qua cửa hang, chúng sẽ bật ra theo bản năng bật cửa ra để tóm gọn con mồi.

Xây tổ dưới đất và bắt mồi theo cách ngồi rình là điểm độc đâó của nhện sập cửa. (Ảnh: mashable.com)

Khi bị con người trêu chọc, bị làm phiền, nhện độc ngay lập tức lao ra khỏi hang để tấn công, chúng lao rất nhanh ra khỏi tổ và dùng chân trước để tấn công. Vết cắn của chúng có thể khiến nạn nhân nôn mửa, hôn mê và khó thở. 

5. Mối – Kiến trúc sư tài ba

Nhắc tới mối là nhắc tới sự phá hủy nhưng trong tự nhiên, loài vật nhỏ bé này lại đóng vai trò quan trọng. Tương tự như kiến, mối cũng sống theo đàn và có tổ chức xã hội chặt chẽ.

Tuy là mối nguy hại cho người nhưng trong tự nhiên, chúng giúp phân rã những thân cây mục làm đất tơi xốp màu mỡ và lấy chỗ trống cho những cây non mọc lên. Không những vậy, mối còn là những kỹ sư tài ba với nhiều “công trình vĩ đại”.

Những tổ mối trong tự nhiên có kích thước rất lớn. (Ảnh: UkrLife.net)

Mối có khả năng xây tổ với kích thước không tưởng, tổ có thể cao tới 9 m, điều gây kinh ngạc với một sinh vật sống dưới lòng đất. Đây không phải những căn hộ dành cho côn trùng, các ụ đất có tác dụng bảo vệ và thông khí. Mối tạo dựng những đường hầm sâu từ đỉnh tháp cho đến tổ của chúng dưới lòng đất để duy trì nhiệt độ dễ chịu. Đồng thời các ụ đất cũng rất vững chắc, che mưa chắn gió cho tổ mối bên dưới.

6. Chim thợ dệt – “Anh công nhân” hiền lành, tốt bụng

Bạn có thích 1 căn phòng lớn với tầm nhìn đẹp chứ? Chim thợ dệt có thể là động vật làm bạn thích thú với điều đó.

Chúng là loài xây chiếc tổ lớn nhất trong họ nhà chim với khối lượng có thể lên đến 1 tấn và xây không ngừng nghỉ. Những công trình trường tồn này đủ cho vài thế hệ chim thợ dệt sinh sống cùng lúc. Tổ của chúng được làm từ cành cây và cỏ, rất bền; không gian bên trong có nhiệt độ cao hơn vào buổi đêm giúp chim thợ dệt có thể giữ ấm.

Đây là chim thợ dệt bé nhỏ. (Ảnh: vi.wikipedia.org)
Và chiếc tổ to bự của chúng. (Ảnh: parysgazette.co.za)

Nhưng đó không phải lý do duy nhất khiến chim thợ dệt được gọi là loài chim bầy đàn. Chim thợ dệt còn chia se tổ của chúng với nhiều loài chim khác như chim sẻ, vẹt xanh hay thậm chí là chim cú.

Sơn Tùng

Exit mobile version