Từ lâu Tiến sĩ Jim Kwako đã tỏ ra hứng thú với những giấc mơ “mà không phải giấc mơ theo cách hiểu thông thường”, ông nói. Ví như, có người lúc nằm mộng đã gặp mặt và trò chuyện với người thân đã mất, hoặc thấy trước một vài sự kiện trong cuộc đời, hoặc có những trải nghiệm tác động sâu sắc đến tâm trí và tình cảm của họ. Một số người ông quen biết thậm chí còn vận dụng chúng để giải các bài toán khó hay các vấn đề thiết thực hoặc tâm linh.
Jim Kwako là một bác sĩ gia đình hành nghề ở Santa Barbara, California. Ông nguyên là giám đốc y tế của Trung tâm Phục hồi Thương tổn Shealy thuộc Bệnh viện Cottage, và là người chủ trì hội nghị thường niên của Hiệp hội Y tế toàn trị Hoa Kỳ. Bản thân ông cũng từng có một “trải nghiệm về đêm” của riêng mình.
BS Kwako có một người em gái tên là Rose. Một đêm khi đang ngủ ông choàng tỉnh dậy với cụm từ “hãy giúp Rose (help Rose)” trong tâm trí. Sau này ông phát hiện ra rằng chính đêm hôm đó, cô em gái Rose của ông đã có một trải nghiệm kinh hoàng.
Một lần khác ông mơ thấy mình tham gia một nhóm cầu nguyện. Một người trong bọn nói: “Nguyện cầu ánh sáng từ trung tâm của tất cả những điều tốt đẹp rọi sáng thân tâm chúng ta”.
“Trải nghiệm đó thật tuyệt, nó có ích đối với tôi”, BS Kwako nói. Ông cho biết trải nghiệm đó rất thật, và khẳng định chắc nịch rằng nó không phải do tiềm thức hay thứ gì đó tạo ra trong đầu ông. Ông chia sẻ về một vài lợi ích từ những trải nghiệm này tại Hội Thảo năm 2014 của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử (International Association for Near-Death Studies-IANDS) tại bãi biển Newport, California, vào ngày 29/8/2014.
1. Giải toán qua giấc mơ?
BS Kwako có một người bạn tốt, một nhà vật lý từng làm cho một nhà thầu quân sự. Hiện ông đã qua đời. Ông có tài giải những bài toán cực kỳ phức tạp. Đôi lúc gặp phải những bài toán quá hóc búa, ông sẽ đi ngủ và sau khi tỉnh giấc thì “Ái chà, lời giải là như thế”, BS Kwako kể lại.
“Vậy ông ấy đã làm gì khi ngủ?” BS Kwako đặt câu hỏi, miệng phì cười, “Phải chăng tâm trí ông ấy đã liên kết với tiềm thức và tất cả những gì đã đọc, hay ông đã nhận được câu trả lời từ ai đó trong mộng?”.
2. Cân bằng sổ sách kế toán
Dì của BS Kwako làm việc cho một công ty bảo hiểm khi còn trẻ. Bà phải cân bằng sổ sách kế toán trước khi hết ca, nếu không mọi người sẽ phải ở lại hỗ trợ bà làm xong việc (công việc của bà liên hệ chặt chẽ với người khác). Bà thường cảm thấy bối rối, vì không thể cân bằng sổ sách đúng hạn, khiến mọi người phải ở lại trễ.
Sau đó, bà bắt đầu có những trải nghiệm về đêm. Trong giấc mơ bà đến văn phòng làm việc, nhìn vào những ghi chép và thấy những chỗ được đánh dấu. Sáng hôm sau, bà sẽ đến kiểm tra những chỗ được đánh dấu kia, và thật bất ngờ khi đó chính là những chỗ cần sửa.
Dần dần đến mức độ, “5 giờ đã điểm mà bà vẫn chưa cân bằng sổ sách xong, thì ông sếp của bà sẽ nói: ‘Chúng ta về thôi — để Tress ngủ là xong việc’”.
3. Hàn gắn các mối quan hệ
BS Kwako kể về một phụ nữ có mâu thuẫn với cha, khi cho rằng ông là một kẻ độc đoán. Trong giấc mơ, cô trò chuyện với cha và cảm nhận được mặt ân cần và ôn hòa trong ông. Điều này giúp cô nhận ra những phẩm chất này của ông ngoài đời thực, từ đó thay đổi cách nhìn về người cha. Nhờ đó, mối quan hệ của họ được hàn gắn trở lại.
4. Sự cảnh báo và liên lạc trong mơ
Giống với giấc mơ “hãy giúp Rose”, rất nhiều giấc mơ đóng vai trò lời cảnh báo, BS Kwako nói. Chúng thường xuất hiện dưới hình thức trò chuyện với người thân đã mất. Nhiều người nhận thấy những giấc mơ này có thể xoa dịu nỗi buồn của họ theo nhiều cách.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc tại đây.
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: