Đại Kỷ Nguyên

Những công dụng kì lạ thời xưa của xác ướp Ai Cập

Ảnh một xác ướp Ai Cập. (Shutterstock*)

Xác ướp Ai Cập là một hình tượng quen thuộc với nền văn hóa hiện đại phương Tây. Đôi lúc chúng lặng lẽ yên nghỉ trong các tủ kính ở viện bảo tàng, lúc khác lại lê bước trên đôi chân bị nguyền rủa, quấn băng và gầm gừ trong các bộ phim Hollywood.

Khác với các di thể khác của người, hiện nay xác ướp được coi là những cổ vật đặc biệt hấp dẫn. Tuy nhiên, không lâu trước đây, các xác ướp từng được sử dụng theo những cách thức vô cùng quái đản – để làm thuốc, đồ giải trí, và có lẽ ngay cả để làm nhiên liệu.

Mặc dù xuất hiện trên tất cả các lục địa trên thế giới, nhưng khi nhắc đến xác ướp, chúng ta thường hình dung đến Ai Cập cổ đại. Nguồn cung cấp xác ướp của người và động vật, lúc ban đầu là từ những tên trộm mộ, những kẻ đào trộm các lăng mộ và nơi chôn cất để tìm kiếm vàng, đồ trang sức, và các đồ có giá trị. Đôi lúc các thi thể này được buôn bán vì tính chất huyền bí và giá trị của chúng.

Hồi đầu thế kỷ 19, ngành khoa học khảo cổ chỉ mới đang chập chững những bước đầu, nhưng các cuộc thảm hiểm đã trở nên rất phổ biến theo sau chiến dịch của Napoleon vào Ai Cập và Syria. Những cuộc khai quật ở Ai Cập đa phần là có chủ đích, nhưng không phải đều do các học giả và chuyên gia dẫn đầu, và thường mang tính chất chộp giật khi được tiến hành bởi những tay nghiệp dư lắm tiền và hiếu kỳ. Vấn đề này dẫn đến tình trạng di chỉ, hiện vật, và kiến thức bị tổn hại hoặc phá hủy. Các cuộc giải phẫu xác ướp thường mang tính chất giải trí hơn là khám nghiệm.


Cuộc tham hiểm Ai Cập dưới sự chỉ huy của Napoleon Bonaparte. Léon Cogniet, đầu thế kỷ 19. (Public Domain)

Không được nhìn nhận là di thể những người thân yêu, các xác ướp được đối xử như một loại hàng hóa, một vật hiếm, một di vật của thời kỳ cổ đại, với sự huyền ẩn và quyền lực. Các xác ướp không chỉ góp mặt trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, và văn hóa của Châu Âu, Châu Mỹ, và những nơi khác trên khắp địa cầu, mà chúng còn có rất nhiều công dụng đáng ngạc nhiên (và kì khôi) trong lịch sử:

Sơn vẽ làm từ xác ướp

Các xác ướp Ai Cập cổ đại đã được nghiền vụn và làm thành một loại sơn dầu màu nâu vào thế kỷ 16 và 17. Được gọi là Màu Nâu xứ Caledonia, Màu nâu Ai Cập, hay chỉ đơn giản là Màu nâu Xác Ướp, chất màu đậm đà này được làm từ phần sót lại của thi thể người và mèo. Dù dễ vỡ vụn nhưng đây là màu sắc rất thông dụng, cho tới khi các họa sĩ cuối cùng cũng biết được thành phần cấu tạo của nó. Nghe nói họa sĩ người Anh Edward Burne-Jones đã dành riêng cho tuýp màu của ông một buổi mai táng theo đúng nghi thức ở sau vườn, sau khi ông biết được nguồn gốc của nó.


Bức tranh “Nội cảnh một căn bếp” của Martin Drolling, 1814 sử dụng sơn dầu màu nâu xác ướp. (Public Domain)

Người ta tuyên bố rằng chỉ cần một xác ướp cũng đủ cung cấp lượng sơn cho một vài họa sĩ trong suốt 20 năm. Rốt cuộc việc cung cấp xác ướp để làm sơn vẽ tranh đã giảm dần (cũng như số lượng họa sĩ muốn có thành phần của tử thi trong sơn của họ), và sơn dầu màu nâu xác ướp hiện nay được làm bằng đá hematile.

Thuốc làm từ xác ướp

Theo thông tin trên trang Smithsonian.com, trong các tập tục và tín ngưỡng ở Châu Âu (và của những nền văn hóa trên khắp thế giới) trong thế kỷ 16 và 17, có xuất hiện việc trị bệnh bằng cách ăn và uống di thể của người, như xương xay nhỏ, máu, và chất béo. Chúng được dùng để chữa trị cho tất cả mọi thứ, từ đau đầu cho đến tâm thần và các bệnh nan y. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta sử dụng các xác ướp “huyền bí và quyền lực” cho mục đích này.

Quốc vương Anh Charles II bôi bụi xác ướp lên da để hấp thụ sự “vĩ đại.”


Quốc vương Charles II (Wikimedia)

Một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y học Hoàng gia đã cho thấy các xác ướp được sử dụng rộng rãi làm thuốc hoặc dược phẩm trong hàng trăm năm qua ở Châu Âu. Ngay từ thời Trung Cổ, các xác ướp cổ đại đã được nhập về từ Ai Cập và nghiền thành bột. Rồi người ta sẽ nuốt hoặc bôi chất bột này lên người. Người ta kể rằng Quốc vương Anh Charles II bôi bụi xác ướp lên da để hấp thụ sự “vĩ đại.” Loại “thuốc xác ướp” này rốt cuộc đã lụi tàn khi khoa học và y học hiện đại phát triển, nhưng các ví dụ về việc sử dụng xác ướp để bào chế thuốc vẫn xuất hiện trong các tạp san sản phẩm ở Châu Âu cho đến tận thế kỷ 20.

Giấy xác ướp

Người ta cho rằng vải lanh và các sợi giấy cói cuốn quanh các xác ướp đã được làm thành giấy in ở Mỹ. Câu chuyện này mang tính chất truyền thuyết hiện đại [1] hơn là sự thực. Vào những năm 1850, Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong ngành sản xuất giấy. Với số lượng báo in vượt trội so với các quốc gia khác, Mỹ cần nguyên liệu giấy thô để bắt kịp với yêu cầu đầu ra của mình. Tuyên bố cho rằng các xác ướp và vải bọc quanh chúng đã được sử dụng để đáp ứng nhu cầu này hiện vẫn chưa được xác minh, nhưng đó từng là một ý tưởng được thảo luận rộng rãi, và được đề cập trong một ấn phẩm của tờ Scientific American năm 1847.

Năm 1855, tiến sĩ, nhà khảo cổ học Isaiah Deck đã đề cập đến nguồn cung cấp là các di chỉ chôn xác ướp sẵn có , “Có rất nhiều xác ướp trong một số khu vực hẻo lánh, và sau các cơn bão định kỳ lớp cát trên toàn bộ khu vực sẽ bị quét sạch, để lộ thiên rất nhiều những mảnh vụn và tứ chi, đủ dạng, đủ kiểu.”

Nhiên liệu xác ướp

Cũng giống như câu chuyện làm giấy từ xác ướp, câu chuyện làm nhiên liệu từ xác ướp có lẽ cũng chỉ là một truyền thuyết hiện đại, nhưng nó đến từ các tác phẩm của tác giả người Mỹ – Mark Twain (tác giả cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”).

Nhà văn khôi hài này đã phổ biến ý tưởng trên khi nói về tuyến đường sắt đầu tiên xuyên qua Ai Cập trong cuốn “The Innocents Abroad”. Ông tuyên bố rằng vì tình trạng thiếu vắng cây cối trong sa mạc, nên các xác ướp đã được sử dụng thay thế nhiên liệu xe lửa. Ông viết như sau, “Nhiên liệu sử dụng cho đầu máy xe lửa được tạo thành từ các xác ướp 3000 năm tuổi, mua về cả tấn hoặc cả nghĩa trang để phục vụ cho mục đích đó.” Ông (dường như có ý trêu đùa) kết luận rằng có lẽ chúng cháy rất mạnh, vì được tẩm bằng nhựa thông và nhựa đường, và có thể được chất đống như bó củi.

Xem thêm: Sống tích cực hơn qua 12 câu nói bất hủ của nhà văn Mark Twain

Các bữa tiệc xác ướp

Vào những năm 1800, xác ướp và văn hóa Ai Cập, cũng như tất cả mọi thứ liên quan (được gọi là phong trào cuồng Ai Cập) là một mốt rất thịnh hành, và người ta nói rằng các bữa tiệc tháo băng xác ướp là các sự kiện xã hội trong giới thượng lưu và quý tộc ở Châu Âu. Như tên gọi của nó, các xác ướp được thu thập và tháo băng trước con mắt thích thú của khán giả. Tuy nhiên, việc tháo băng xác ướp không chỉ xảy ra trong các bữa tiệc, mà còn phục vụ cho mục đích hàn lâm (trong trường học), mặc dù tiến hành một cách công khai.

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Peabody thuộc trường đại học Yale đã nhắc đến người ủng hộ việc tháo băng xác ướp nổi tiếng nhất là Thomas Pettigrew – bác sĩ phẫu thuật trong thời nữ hoàng Victoria. Ông thường tổ chức các buổi khám nghiệm tử thi hoặc các “tiệc tháo băng,” nơi tề tựu những thành phần thượng lưu của Anh. Những sự tò mò quái đản này đã thu hút công chúng và nó chủ yếu mang tính chất biểu diễn. Dẫu vậy, chính những cuộc nghiên cứu giải phẫu thực nghiệm này cũng đã giúp thu thập hiểu biết chi tiết về các kỹ thuật ướp xác cổ đại.

Ngày nay

Ngày nay xác ướp vẫn còn là chủ đề rất hấp dẫn với các nhà nghiên cứu hiện đại và đông đảo quần chúng, và chúng ta vẫn tiếp tục tiến hành “các bữa tiệc tháo băng” xác ướp bằng kỹ thuật quét công nghệ cao, các kỹ thuật khám nghiệm và khảo sát tiên tiến, cũng như việc triển lãm xác ướp ở bảo tàng. Nhìn qua một lăng kính hiện đại, trò hề của những người cuồng xác ướp và các cách sử dụng di thể người trong quá khứ quả thật là đáng kinh ngạc và vô đạo đức, nhưng vào thời đó những việc này là hoàn toàn có lý và thực tiễn.

Mong rằng những thế hệ tương lai sẽ không xem cách chúng ta trân trọng và xử lý các di vật cổ đại là một việc ghê tởm và thiển cận, như cách chúng ta đang nhìn nhận những kẻ cuồng Ai Cập khi xưa!

*Ảnh xác ướp từ Shutterstock

[1] Truyền thuyết thành thị (còn gọi là truyền thuyết hiện đại; tiếng Anh: urban legend, urban myth, urban tale, contemporary legend, urban folklore) là một hình thức văn hóa dân gian thời hiện đại, bao gồm những truyện kể mà người kể chúng có thể tin hoặc không tin là có thật.[1] Cũng giống như các truyện dân gian và truyện thần thoại khác, mô tả về những truyền thuyết thành thị không nói lên điều gì về tính xác thực của những câu chuyện đó mà chỉ đơn thuần nói lên rằng những truyện kể ấy lưu hành trong xã hội, tam sao thất bản qua thời gian và chứa đựng trong mình những ý nghĩa đã thúc đẩy cộng đồng bảo tồn và truyền bá nó.

Liz Leafloor
Biên dịch: Phastacook

Xem thêm: 

Exit mobile version