Đại Kỷ Nguyên

Nhà hàng nổi tiếng trên Internet thực tế không hề tồn tại

Một nhà hàng trên Internet ở Luân Đôn, dựa vào bán “tâm tình”, sau 6 tháng mở cửa đã đứng đầu danh sách các nhà hàng nổi tiếng ở Luân Đôn. Điều kỳ dị là không ai biết nhà hàng này rốt cuộc địa chỉ ở đâu! Điều gì đằng sau “nhà hàng ma”? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay, tôi muốn giới thiệu với các bạn một nhà hàng kỳ lạ nổi tiếng trên mạng internet ở Luân Đôn, Anh. Tên nó ít được biết đến, nhưng chỉ sau khi khai nghiệp nửa năm, nó đã vượt lên vị trí đầu tiên trong danh sách các nhà hàng nổi tiếng ở Luân Đôn. Tốc độ tăng hạng quá nhanh khiến người ta thèm muốn. Thế nhưng điều khiến người ta không thể tin được là, nhà hàng tốt nhất toàn Luân Đôn đó kỳ thực căn bản không tồn tại. Là chuyện gì vậy?

Kỷ lục thăng hạng của The Shed at Dulwich

Chủ nhà hàng, Oobah Butler, là một nhà văn tự do, nhưng nghiêm khắc mà nói, anh là một tay viết trên mạng, chuyên viết các bài bình luận giả. Anh tự xưng công việc của mình là “xem thực đơn, chọn một món, sau đó bắt đầu nói dối”. Có lẽ vì văn chương không tồi, nên mỗi bài bình luận anh nhận được khoản thu nhập khoảng 10 bảng Anh, cũng không tệ.

Nhưng Butler không hài lòng với công việc. Vào tháng 4 năm 2017, anh đột phát nghĩ rằng, cảm thấy nếu bình luận giả có thị trường, vậy nếu chúng ta tạo ra một nhà hàng giả, thì chẳng phải cũng sẽ có thị trường sao?

Thật là một ý tưởng khiến người ta kích động. Vì vậy, Butler đã xắn tay áo lên, nói là làm, hợp tác với một tạp chí, và bắt đầu một cuộc thực nghiệm nhà hàng giả. Và anh đặt cho mình mục tiêu đầy tham vọng là làm tốt nhất có thể để biến nhà hàng giả này trở thành nhà hàng số một ở Luân Đôn. Điều này có khả thi không? Butler nói rằng trong thời đại internet tràn đầy mộng huyễn này, điều gì cũng có khả năng.

Trường thí nghiệm của Butler là TripAdvisor, trang web bình luận du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới. Theo yêu cầu của trang web, anh đặt tên nhà hàng của mình là The Shed at Dulwich, vì Dulwich là tên của khu phố nơi anh sống. Sau đó đăng ký thương hiệu, mở điện thoại, email và xây dựng trang web.

Để làm cho nó bí ẩn hơn một chút, và bởi vì nhà hàng trên thực tế căn bản không tồn tại, trên trang web giới thiệu rằng nhà hàng trước đây chỉ phục vụ các món ăn cho thực khách riêng tư, hiện tại nó đã quyết định mở cửa cho công chúng, nhưng nó chỉ nhận đặt chỗ trước, địa chỉ nhà hàng được bảo mật. Về phần thực đơn, thiết kế cũng rất đặc biệt. Butler tự xưng rằng mình bán “tâm tình”, không chỉ là đồ ăn, tổng cộng có sáu “tâm tình” để bạn lựa chọn, bao gồm “tình yêu”, “niềm vui”, “trầm tư” v.v… Món ăn đi kèm cũng được làm tốt nhất có thể, nên nó cũng là một bí ẩn. Ví dụ, món “cổ heo với atiso và rượu đỏ bột sắn” được dùng để thể hiện cảm giác “tình yêu”, còn trong món “dễ chịu”, thậm chí ngay cả bát đĩa cũng được thay thế bằng những chiếc bát làm bằng bông Ai Cập hảo hạng. Những người minh bạch thì biết đó là một sự giả mạo, còn những người không minh bạch sẽ cảm thấy nó phi thường sáng tạo.

Để biểu hiện chân thực hơn, Butler còn đặc biệt đăng tải những hình ảnh đẹp đẽ về bữa ăn. Nhưng những bức ảnh này được chụp bằng những đạo cụ mà bạn có thể không ngờ tới, ví như, kem tạo bọt để cạo râu, chất tẩy rửa của máy rửa chén. Trong một bức ảnh, anh thậm chí còn sử dụng gót chân của chính mình. Nhưng các bức ảnh nhìn tổng thể mà nói, hiệu quả rất tốt. Những loại thực phẩm giả này trông sang trọng và tinh tế, đầy chất “cao cấp”.

Nhà hàng của Butler nhanh chóng vượt qua đánh giá đăng ký của TripAdvisor và chính thức bước vào cuộc chiến xếp hạng. 

Nhưng không cần gấp gáp. Butler đã quá quen thuộc với con đường này, phát động bạn bè quanh mình viết bình luận giả. Mọi người thống nhất đường lối viết, cùng nhau khen ngợi những đặc sắc của nhà hàng: ăn uống ngoài trời, môi trường độc đáo, cảm giác ấm cúng. Điều quan trọng nhất là, ăn uống ở đây không chỉ là thưởng thức vị giác mà còn là giải phóng “cảm xúc”, cảm thụ thật lạ và tuyệt diệu không thể tả thành lời. Đương nhiên, thuận tiện, đánh giá xếp hạng năm sao.

Với sự hỗ trợ của các đánh giá năm sao các loại, thứ hạng của nhà hàng đã tăng vọt, lọt vào top 2.000 chỉ trong hai tháng. Lúc này, cuộc gọi đặt bữa đầu tiên đến. Butler đã mất cảnh giác, giật mình và tạm thời nói dối rằng nhà hàng đã được đặt kín chỗ trong sáu tuần tới.

Kể từ đó, đã có vô số cuộc gọi điện thoại và email để đặt đồ ăn, trên khắp thế giới. Butler từ chối tất cả với lý do đã mãn khách, thậm chí không nghe điện thoại và bắt đầu “tiếp thị đói”. Tuy nhiên, nhà hàng chưa bao giờ mở cửa cũng không nhận được phàn nàn từ thực khách vì không đặt được chỗ, cũng như bị TripAdvisor nghi ngờ, và thứ hạng của nó vẫn tăng vọt. Vào tháng 8, nó lọt vào top 200 và lọt vào top 30 vào đầu mùa đông. Ngày 1 tháng 11 năm 2017, một ngày đáng nhớ, sáu tháng sau khi ra đời, nhà hàng kỳ lạ này đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng nhà hàng ở Luân Đôn và đứng ở đó trong ba ngày, mặc dù cho đến nay, vẫn chưa có một thực khách nào được chiêu đãi.

Thật không thể tin được khi đã thực hiện thành công mục tiêu trong nửa năm. Bước tiếp theo là gì? Sau khi thực nghiệm kết thúc, hãy nói sự thật cho mọi người biết? Butler nói, Không,Không,Không, đừng lo lắng, trò chơi chỉ mới bắt đầu. Hãy mở rộng cửa để thu hút khách hàng và tiến hành tạo giả đến cùng.

Butler đã chiêu đãi khách như thế nào, và liệu anh có làm lộ không?

Khi lấy giả làm thật, thì thật cũng là giả

Vài ngày sau, Butler đón một vài khách đến đặt chỗ và gọi họ để mời họ dùng bữa tối miễn phí, nói rằng đó là cho một tiết mục cho truyền hình. Những vị khách biết rằng mình được chọn đều rất vui mừng. Một trong số họ đã rất ngạc nhiên và nói: “Nhà hàng của bạn có thực sự tồn tại không?”

Bước tiếp theo là lựa chọn địa điểm. Nếu bạn muốn có cảm giác như “ấm cúng”, thì nhà hàng có thể được mở ở sân sau của tự gia là được. Thu dọn một chút, lắp thêm đèn, thả hai con gà rông về cơ bản là đủ. Tuy nhiên, điều đau đầu là trước khi vào sân sau, bạn phải đi qua một con hẻm sau đầy đá vụn. Nó thực sự quá dễ bị lộ.

Làm thế nào đây? Butler quyết định để những người khách gặp nhau ở một góc phố, yêu cầu họ bịt mắt, nêu ra yêu cầu bảo mật của địa chỉ, sau đó do một thủ lĩnh nắm tay họ dẫn vào nhà hàng. Yêu cầu này tuy hơi cổ quái nhưng lại khá sáng tạo. Anh ước tính rằng khách sẽ thuận tòng. Để khiến mọi người ngoan ngoãn nghe lời, anh còn đặc biệt sắp xếp hai người bạn đóng giả làm khách, bịt mắt trước khi những người khác do dự. Sau đó những người khác sẽ làm theo. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh rằng Butler, một thiên tài tạo giả, tương đối chuẩn xác trong việc ước đoán nhân tâm, và những vị khách bước vào quả nhiên đều ngoan ngoãn chịu bịt mắt.

Thức ăn được chế biến như thế nào? Butler và bạn bè trở về từ siêu thị với hai túi lớn thực phẩm đông lạnh, mỗi túi có giá 1 bảng Anh. Bỏ lò vi sóng, hoặc làm nóng lò, thêm một số cánh hoa, rau thơm và các loại nước sốt khác nhau để trang trí, liền trở thành một món ăn cao cấp.

Cuối cùng, Butler cũng mời một DJ chơi nhạc huyên náo thường thấy ở các nhà hàng làm bối cảnh âm nhạc, và nhân tiện che đi âm thanh “ding ding” của lò vi sóng khi làm nóng thức ăn, để khách có ảo giác quán ăn đang bận rộn. 

Với mọi thứ đã sẵn sàng, thực khách đến để có một bữa ăn ngon “đầy cảm xúc”. Tuy nhiên, hương vị có vẻ hơi không đạt yêu cầu.

Lúc này, những thực khách xung quanh bắt đầu lớn tiếng đàm luận: “Ồ, ngon quá!”, “Hương vị tuyệt vời!”. Mọi người ngẩng đầu nhìn xung quanh, hóa ra những thực khách ở bàn bên cạnh đều đang vui vẻ tận hưởng. Quay đầu lại xem đĩa thức ăn trên tay mình, chớp mắt cái lại cảm thấy khả ái.

Tuy nhiên, điều họ không biết là những thực khách ở bàn bên cạnh thực sự đang giả vờ. Trên thực tế, gần một nửa số thực khách là thành viên của Butler.

Vậy thực khách phản hồi thế nào sau khi ăn xong? Những vị khách được phỏng vấn đều nói rằng họ ăn ngon miệng. Một số bày tỏ rõ ràng hy vọng sẽ đến lần sau, và một số hỏi liệu lần sau đặt hàng có dễ dàng hơn không. Không ai bày tỏ sự hoài nghi, và không ai tranh cãi về thứ hạng của nhà hàng.

Nhưng ngày hôm sau, Butler đã chủ động thú nhận mọi chuyện trên Twitter. Chỉ trong một đêm, anh đã chiếm lấy tiêu đề của hầu hết các tờ báo trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là không ai tố cáo Butler, dù sao thì anh cũng không lừa tiền của người khác, và các vị khách được ăn bữa tối miễn phí. Không chỉ vậy, anh ấy còn trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, với những lời mời phỏng vấn liên tục từ các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới, xuất bản sách và làm phim, vô cùng bận rộn.

Tại sao thực nghiệm của Butler lại thu hút nhiều sự chú ý như vậy? Có một lý do rất lớn, chính là sự thành công của thực nghiệm đã một lần nữa chân thực nghiệm chứng sự đáng sợ của “tâm lý phục tùng đám đông”. Nhưng “đám đông” thực ra không đáng sợ, điều đáng sợ là “sự phục tùng mù quáng”.

Tâm lý phục tùng đám đông – từ phương Đông sang phương Tây

Có câu thành ngữ “Tam nhân thành hổ” đã khắc họa vô cùng hình tượng sự nguy hại của “tâm lý phục tùng đám đông”. Câu chuyện xảy ra vào thời kỳ Chiến Quốc. Hôm đó, Ngụy quốc đại thần Bàng Thông đã hỏi Ngụy Vương rằng, nếu có người chạy đến nói, ở giữa thành thị huyên náo xuất hiện một lão hổ, ngài có tin không? Ngụy Vương trả lời: “Sẽ không tin.” Nếu người thứ hai chạy đến nói vậy thì sao? Ngụy Vương đáp: “Nửa tin nửa ngờ.” Người thứ ba chạy đến nói vậy thì sao? Ngụy Vương nói: “Không tin không được.” Ngụy Vương không điều tra, không phân tích, chỉ nghe lời ba người nói liền tin tưởng một lời đồn. Mặc dù Bàng Thông lấy ví dụ này để khuyến giới vua, nhưng Ngụy Vương sau này vẫn tin nghe lời đồn mà xa cách ông, và câu chuyện “Tam nhân thành hổ” này đã được truyền thừa ngàn năm, lưu truyền đến ngày nay.

Ở phương Tây, “tâm lý phục tùng đám đông” cũng là một trong những chủ đề mà các chuyên gia tâm lý học rất thích nghiên cứu. Một trong những thực nghiệm kinh điển nhất là “thực nghiệm phục tùng đám đông Asch” (Asch conformity experiments).

Đối tượng của cuộc thực nghiệm là một nhóm nam sinh viên đại học. Mỗi nhóm 7 người ngồi thành hình bán nguyệt. Tuy nhiên, trong số bảy người, có sáu vị là trợ lý thực nghiệm, cũng chính là “diễn viên” (ở bên cạnh lừa đối tượng chính), và chỉ có một vị là đối tượng nghiên cứu thực sự, nhưng anh ta không biết gì về điều đó.

Nhân viên thực nghiệm sẽ đưa cho mọi người xem hai thẻ: Thẻ A có một đoạn thẳng và thẻ B có ba đoạn thẳng A, B và C có độ dài khác nhau. Một trong số chúng có cùng độ dài với đoạn thẳng trên thẻ A. Đó là đoạn thẳng nào? Chúng ta hãy nhìn vào thẻ, nó rất rõ ràng, không nghi ngờ rằng đó là đoạn thẳng C, phải không?

Tuy nhiên, những “diễn viên” đều trả lời A. Sau năm người liên tiếp trả lời A, đối tượng đứng thứ sáu bắt đầu băn khoăn. Những biểu hiện thống khổ khác nhau xuất hiện trên khuôn mặt anh. Kết lại, khoảng 37% số người cũng sẽ chọn A, bảo trì sự nhất trí với tất cả mọi người.

Còn những người đã chọn chính xác đáp án C thì sao? Sáu người còn lại sẽ đồng loạt nhìn anh ta, như muốn nói, rõ ràng như vậy, cậu làm sao có thể sai? Sau đó thực nghiệm tiến hành vòng tiếp theo.

Hai thẻ giống nhau, cùng một câu hỏi. Lần này sẽ có bao nhiêu người sẽ kiên trì vào bản thân mình? Kết quả thực nghiệm cho thấy 37% thí sinh khác chọn A. Những người kiên trì chọn đáp án chính xác là C, tốc độ trả lời chậm hơn đáng kể.

Thực nghiệm kết thúc sau hai vòng. Tổng cộng, khoảng 3/4 số người đã đưa ra đáp án sai. Trong một tổ thực nghiệm đối chiếu khác, khi không có sự cố ý nhiễu loạn của các “diễn viên”, tỷ lệ sai sót chỉ là 1%.

Nếu thực nghiệm tiến vào vòng 3, bạn cảm thấy có bao nhiêu người vẫn có thể kiên trì chọn C?

Vâng, đó là câu chuyện hôm nay. Thuận theo đại lưu có thể không nhất thiết là không tốt, nhưng “Tam nhân thành hổ” là một lời cảnh báo, “Thực nghiệm phục tùng đám đông Asch” cũng là một cảnh báo, và nhà hàng nổi tiếng trên Internet của Butler cũng là một cảnh báo nữa rằng, chúng ta có thể đang sống trong sự lừa dối mà chúng ta hoàn toàn không tự ý thức được. Đôi khi việc nói ra sự thật không khó, nhưng cái khó nằm ở chỗ, nếu mọi người xung quanh bạn đều nói dối, liệu chúng ta có còn đủ dũng khí để nói ra sự thật, hay tiếp thu sự thật hay không?

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version