Thủy quái Kraken có lẽ là con quái vật lớn nhất trong truyền thuyết. Trong thần thoại Bắc Âu, con quái vật này được cho là thường cư ngụ tại vùng biển trải dài từ Na Uy cho đến Iceland, kéo một mạch cho đến tận Greenland.
Thủy quái Kraken có sở trường trong việc quấy nhiễu các tàu thuyền, và rất nhiều các báo cáo mang tính giả khoa học (bao gồm cả những báo cáo chính thức của các sĩ quan hải quân) kể lại rằng Kraken sẽ tấn công tàu bè với những xúc tu chắc khỏe của nó. Nếu không thể phá được tàu bè theo cách này, con thủy quái sẽ bắt đầu bơi thành vòng tròn xung quanh thân tàu, tạo ra một dòng xoáy nước mạnh mẽ hòng nhấn chìm con tàu.
Chỉ từ sau thế kỷ thứ 18, quái thú Kraken mới thường được gán với hình tượng của một con mực ống hoặc một con bạch tuộc với kích thước khổng lồ. Tuy nhiên, trên thực tế những ghi chép đầu tiên về loài thủy quái này không đề cập đến việc Kraken sở hữu những xúc tu; thay vào đó nó đã được miêu tả trong hình tượng của một con cua biển hoặc một con cá voi.
Một hình vẽ khá lạ lẫm minh họa thủy quái Kraken trong tác phẩm Carta Marina của Olaus Magnus, một tẩm bản đồ công phu của người Bắc Âu vào thế kỷ 16. (Ảnh: Thư viện James Ford Bell)
Dĩ nhiên, để xứng đáng với danh hiệu “quái vật” của mình, thủy quái Kraken cần phải có dính dáng với việc ăn thịt người. Truyền thuyết kể rằng con quái vật này có thể nuốt chửng ngay lập tức toàn bộ thủy thủ đoàn trên một con tàu. Nhưng bất chấp tiếng xấu của mình, con quái vật này cũng có thể mang lại những lợi ích cho ngư dân. Những người đi biển giàu kinh nghiệm đều biết rằng, Kraken bơi cùng những đàn cá lớn. Khi thủy quái Kraken trồi lên khỏi mặt nước, cả đàn cá lớn sẽ đổ xuống như thác nước dọc theo thân của nó. Các ngư dân dũng cảm do đó sẽ liều lĩnh tiến đến gần con thủy quái để ăn chắc một mẻ lưới to.
Một vài câu chuyện kể rằng những người đi biển sẽ có thể lầm tưởng con Kraken đang nổi trên mặt nước là một hòn đảo, nên sẽ cố gắng neo thuyền để đổ bộ lên đó (đây là một dị bản của truyền thuyết về hòn đảo cá voi). Tuy nhiên, chẳng mấy chốc hòn đảo này sẽ chìm xuống, kéo theo thủy thủ đoàn và con thuyền làm mồi cho con quái vật.
Lịch sử huyền thoại của Kraken bắt đầu với một ghi chép của nhà vua Na Uy Sverre vào năm 1180. Giống như rất nhiều các truyền thuyết khác, thủy quái Kraken đã được dựa trên việc quan sát một loài động vật trong thực tế: mực khổng lồ. Đối với những hoa tiêu thời cổ đại, biển cả đầy rẫy nguy hiểm và sự biến động; ẩn giấu trong nó những loài quái vật dưới đáy biển sâu vô tận. Bất kỳ cuộc chạm trán nào với một loài sinh vật chưa được biết đến đều có thể làm gia tăng tính chất huyền thoại trong những câu chuyện của các thủy thủ. Rốt cục, câu chuyện sẽ càng trở nên huyền bí hơn trong quá trình truyền miệng.
Kraken dưới góc nhìn khoa học
Truyền thuyết về quái thú Kraken có sức hút lớn đến nỗi con quái vật này vẫn có thể được phát hiện trong các cuộc khảo sát khoa học hiện đại về thế giới tự nhiên vào thế kỷ 18. Ngay cả Carl Linnaeus— cha đẻ của phương pháp phân loại sinh học hiện đại — cũng không thể kháng cự trước sức hút của truyền thuyết này nên đã đưa Kraken vào danh sách những loài động vật thân mềm, chân đầu trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách gây chấn động Systema Naturae (1735) của ông.
Xác con mực khổng lồ được phát hiện tại Ranheim, Na-uy, đang được đo đạc bởi Tiến sĩ Erling Sivertsen và Svein Hafton. (Ảnh: Bảo tàng Khảo cổ và Lịch sử Tự nhiên, chụp năm 1954)
Nhưng khi một con mực khổng lồ được phát hiện trôi dạt vào một bờ biển ở Đan Mạch vào năm 1853, nhà tự nhiên học người Na Uy Japetus Steenstrup đã tách lấy phần mỏ của con vật và sử dụng nó để miêu tả loài mực khổng lồ trên bình diện khoa học, với danh pháp là Architeuthis dux. Và kể từ đó truyền thuyết về thủy quái Kraken đã chính thức tiến nhập vào biên niên sử khoa học [chính thống], trả lại hình tượng của Kraken cho loài động vật đã khơi nguồn nên những truyền thuyết như vậy.
Chiếc mỏ mực ống khổng lồ theo miêu tả của nhà tự nhiên học Japetus Steenstrup (Ảnh: Johanne Jacobsen Halken)
Sau 150 năm nghiên cứu loài mực khổng lồ vốn sinh sống ở khắp các đại dương trên thế giới, hiện vẫn có nhiều tranh cãi về việc liệu loài động vật này chỉ đại biểu cho một chủng loài đơn nhất, hay lên đến tận 20 chủng loài. Con mực Architeuthis lớn nhất được ghi nhận có chiều dài lên đến 18 mét: Nó có một cặp xúc tua rất dài, tuy nhiên đại đa số các chủng loài khác có kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Trong thế giới động vật, cặp mắt của loài mực khổng lồ là lớn nhất và là một cơ quan thiết yếu cho môi trường biển sâu nơi nó trú ngụ, dưới độ sâu 1.100 mét và có thể lên đến tận 2.000 mét.
Bức ảnh chụp một con mực khổng lồ trưởng thành vẫn còn sống đầu tiên từng được ghi nhận. (Ảnh: Wikimedia)
Giống như một số loài mực khác, mực Architeuthis có các khoang túi lẫn trong các cơ thịt của mình, bên trong chứa một chất dịch amoni có nồng độ thấp hơn nước biển. Đặc điểm này cho phép con vật trôi nổi dưới nước, nghĩa là nó có thể giữ bản thân mình đứng yên mà không cần chủ động bơi. Sự hiện hữu của chất dịch amoni khó tiêu bên trong cơ thịt loài mực này cũng có thể là nguyên nhân tại sao chúng vẫn chưa bị săn bắt đến gần như tuyệt chủng.
Khắc tinh của thuỷ quái Kraken
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã tranh luận về việc liệu mực khổng lồ có phải là một gã thợ săn điêu luyện và mau lẹ giống như thủy quái huyền thoại Kraken, hay chỉ là một kẻ rình mồi bị động. Sau nhiều thập kỷ tranh luận, một câu trả lời đáng hoan ngênh đã được đưa ra vào năm 2005 nhờ một thước phim vô tiền khoán hậu của hai nhà nghiên cứu người Nhật Bản T. Kubodera và K. Mori. Họ đã trực tiếp ghi hình một con mực khổng lồ Architeuthis trong môi trường sống tự nhiên của nó, ở độ sâu 900 m dưới mực nước biển tại khu vực phía Bắc Thái Bình Dương, cho thấy loài mực này thực chất là một vận động viên bơi lội nhanh nhẹn và mạnh mẽ, sử dụng những xúc tu của mình để tóm chặt con mồi.
Mô hình tái lập trận chiến khốc liệt giữa mực khổng lồ và khắc tinh của nó: cá nhà táng. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ)
Tuy sở hữu một kích thước và tốc độ đáng nể, loài mực Architeuthis vẫn có một kẻ săn mồi trong tự nhiên: Cá nhà táng. Các vụ va chạm giữa những con quái vật này hẳn đã xảy ra khá thường xuyên, vì người ta thường phát hiện thấy những vết sẹo trên da cá nhà táng gây ra do những xúc tua của mực khổng lồ, vốn có những giác hút có gai bao quanh giống như cấu trúc của răng cưa. Nhưng xúc tua của mực khổng lồ không có các cơ thịt đủ mạnh để có thể siết chặt con mồi, và nó cũng chưa từng có thể chiến thắng cá nhà táng trong một trận đấu tay đôi. Lựa chọn duy nhất của mực khổng lồ là trốn chạy, và khi đó nó sẽ phun ra một lớp khói mực để che mắt quân địch như chúng ta vẫn thường thấy.
Một miếng da cá nhà táng, với những vết sẹo để lại do bị những xúc tua có gai của mực khổng lồ ghim vào, là vết tích của một trận chiến kinh hoàng giữa hai con quái vật biển. (Ảnh: Báo cáo Smithsonian năm 1916)
Tuy rằng hiện nay chúng ta đã biết rằng Kraken không chỉ là một truyền thuyết, nhưng mực khổng lồ dường như vẫn là loài động vật ẩn dật nhất trên thế giới, từ đó làm dày thêm lớp vỏ bọc bí ẩn bao xung quanh loài thủy quái này. Ngày nay, vẫn có nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết rằng mực khổng lồ thực sự tồn tại.
Rốt cuộc, ngay cả khi đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành, thủy quái Kraken vẫn chủ yếu tồn tại trong trí tưởng tượng của công chúng nhờ vào phim ảnh, sách báo và các trò chơi điện tử, ngay cả khi nó thỉnh thoảng xuất hiện “nhầm” trong những sự tích thần thoại khác, ví như trong phiên bản năm 1981 (và 2010) của bộ phim được chuyển thể dựa trên thần thoại Hy Lạp “Clash of the Titan (Cuộc chiến giữa các vị Thần)” (trong khi quái vật Kraken xuất hiện trong thần thoại Bắc Âu). Những hình ảnh này đã khắc sâu vào đầu óc công chúng hình tượng của Kraken là một con quái vật chuyên rình rập xung quanh những xác tàu đắm, nhăm nhe những tay thợ lặn liều lĩnh mà bất cẩn.
Các loài mực ống ngày nay – ngay cả những cá thể lớn nhất – cũng hiếm khi lớn hơn quá nhiều so với một người trưởng thành. Đây là một con Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương. (Ảnh: Alamy)
Thước phim ghi hình loài mực ống khổng lồ hiếm gặp ở Vịnh Toyama Bay, trung tâm Nhật Bản:
Tác giả: Rodrigo Brincalepe Salvador, The Conversation.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch