Đại Kỷ Nguyên

Người Trung Quốc cổ đại từng giao lưu với người da đỏ châu Mỹ? (P1)

Hình vẽ minh họa người Trung Quốc (phải) và người Mỹ bản địa từ thế kỷ 18 hoặc 19. Hình nền là tấm bản đồ thế giới của Pháp từ năm 1792, trên đó có nhắc đến “Phù Tang”(扶桑) - “Fousang des Chinois” ở khu vực là British Columbia ngày nay (Ảnh: Wikimedia Commons, Thời báo Đại Kỷ Nguyên biên tập hình ảnh)

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định! 

Chúng ta vẫn thường tin rằng người Mỹ bản địa (người da đỏ) con cháu những người từng di cư qua eo biển Bering (nằm giữa Siberia và Alaska) khoảng 10.000 năm về trước. Vào lúc đó, mực nước khá thấp, làm nổi lên một cây cầu đất liền nối hai lục địa.

Từ thời điểm di cư này đến khoảng 1000 năm SCN khi người Viking đặt chân lên Bắc Mỹ, chúng ta vẫn cho rằng đã không có bất cứ chuyến thám hiểm nào khác đến Tân Thế giới.


Theo lý thuyết truyền thống, những người Anh-điêng cổ đã đến Châu Mỹ bằng cầu lục địa Beringia (nằm giữa Đông Siberi và Alaska ngày nay) vào khoảng từ 40.000 – 17.000 năm trước. Đó là khi mực nước biển giảm xuống do ảnh hưởng của kỷ băng hà Đệ tứ. Tấm bản đồ trên được công bố vào 9/2007. Nguồn: Tamm E, Kivisild T, Reidla M, Metspalu M, Smith DG, et al. (2007) Beringian Standstill and Spread of Native American Founders. (Ảnh: Erika Tamm et al, Wikipedia)

Theo một số người, nhiều hiện vật khó hiểu và kết quả từ các nghiên cứu ADN gần đây trên người Mỹ bản địa có thể mở ra giả thuyết về mối liên hệ giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ cổ đại.

Là một nhà phân tích nghiên cứu, John A. Ruskamp Jr. từng so sánh các hình vẽ chạm khắc của người Mỹ bản địa cổ đại với các chữ tượng hình của người Trung Hoa xưa, từ đó phát hiện ra sự trùng khớp chắc chắn giữa hai thứ này. Các hình vẽ chạm khắc và chữ tượng hình có ở một thời kỳ rất lâu sau khi cây cầu đất liền Bering (được gọi là Beringia) kết nối hai đầu lục địa và rất lâu trước khi hai nền văn hóa Trung Quốc và Châu Mỹ bản địa tiếp xúc với nhau vào thời hiện đại.

Trong khi đó, nhà di truyền học tiến sĩ Donald Yates đã nghiên cứu về ADN của người Mỹ gốc, và phát hiện ra mối liên hệ di truyền với những kẻ xâm lược thuộc Trung Quốc cổ đại hoặc trung cổ trong lịch sử.

Nhiều con thuyền có thể đã từng cập bến Tân Thế giới, mang theo những nhà thám hiểm mà các sử gia ngày nay chưa hề biết đến.

Tiến sĩ Yates cho rằng bảng phả hệ của người Mỹ bản địa không đơn giản như những gì chúng ta vẫn thường nghĩ. Ông nói, tổ tiên của người Mỹ bản địa ngày nay có lẽ không chỉ đến trong một cuộc di cư đơn lẻ. Ông cho rằng nhiều con thuyền khác có thể đã từng cập bến Tân Thế giới, mang theo những nhà thám hiểm mà các sử gia ngày nay chưa hề biết đến.

Chúng ta sẽ điểm qua một số khám phá của nhà phân tích Ruskamp và tiến sĩ Yates dưới đây.

So sánh chữ khắc của người Mỹ bản địa và chữ tượng hình của người Trung Hoa

Ruskamp đã sử dụng chỉ số về tính tương đồng Jaccard để so sánh hình vẽ chạm khắc của người Mỹ bản địa so với chữ tượng hình Trung Hoa. Chỉ số này được phát triển bởi nhà thực vật học Paul Jaccard từ thế kỷ 19 và được sử dụng để so sánh thống kê sự tương đồng và tính đa dạng trong nhiều bộ mẫu. Trên website của mình, ông Ruskamp đã liệt kê một danh sách gồm 53 cặp chữ chạm khắc và chữ tượng hình Trung Hoa. Sử dụng chỉ số Jaccard, ông tính toán được trong tổng số 53 cặp, có hơn 95% khả năng nét chạm khắc trùng khớp với ký tự tượng hình. Nói cách khác, khả năng các chữ khắc này chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên giống với chữ tượng hình Trung Hoa là ít hơn 5%. Trong hầu hết các trường hợp, tỷ lệ này ít hơn 1%.


Nét khắc trên đá tìm thấy ở New Mexico giống với chữ giáp cốt “Xun” (biểu tượng cho khoảng thời gian 10 ngày thiêng của Trung Quốc cổ đại). Ngay bên dưới chữ Xun là nét khắc giống với chữ “Ji” của Trung Quốc cổ (chữ “cát” trong “cát tường”) (trái ). Các ký tự giáp cốt văn của Trung Quốc, chữ “Xun” đứng bên trên chữ “Ji” ( phải ) (Ảnh: John A. Ruskamp)

Ví dụ, theo bài viết của Ruskamp trên website cá nhân, một hình khắc được tìm thấy ở bang New Mexico đã tạo thành một lời tiên tri bằng chữ giáp cốt truyền thống của Trung Quốc [1]. Nếu diễn giải theo chữ tượng hình cổ của Trung Quốc, đoạn chữ khắc ở New Mexico này mang nghĩa: “Giai đoạn 10 ngày tới sẽ tốt lành”. Ruskamp đã nghiên cứu thêm rất nhiều các cặp chữ khắc-chữ tượng hình bên ngoài danh sách 53 cặp nói trên và hiện vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu của mình.


(Ảnh: John A. Ruskamp)

“Đây là ví dụ điển hình của một lời tiên đoán trong kỷ nguyên giáp cốt văn Trung Quốc. Sự hiện diện của một thông điệp như vậy trong bản khắc trên đá ở Bắc Mỹ cho thấy người Châu Á cổ đã từng có mặt tại Châu Mỹ khoảng 1000 năm TCN, bởi chữ giáp cốt đã không còn được sử dụng vào khoảng thời gian này; và mãi cho đến năm 1899 SCN, nó mới được tái phát hiện và sau đó giải mã ở Trung Quốc”, Ruskamp viết. “Vì vậy, những chữ khắc cổ và hồi hương này (tuổi của chúng đã được khẳng định bởi nhân viên cấp cao của Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ – NPS) chỉ có thể được để lại bởi các nhà thám hiểm cổ đại của Trung Quốc không lâu sau khi triều đại nhà Thương kết thúc, khi các văn tự này đã bị thất truyền trong suốt 2.900 năm tiếp theo”.


Đây là ví dụ điển hình của một lời tiên đoán trong kỷ nguyên giáp cốt văn Trung Quốc. Sự hiện diện của một thông điệp như vậy trong bản khắc trên đá ở Bắc Mỹ cho thấy người Châu Á cổ đã từng có mặt tại Châu Mỹ khoảng 1000 năm trước Công nguyên.

– John A. Ruskamp Jr.

Ruskamp nói tiếp: “Điều đáng chú ý là cả người Mỹ bản địa và người Châu Á đều theo lịch biểu 10 ngày linh thiêng. Thực tế kỳ lạ nhất này đã được Michael Zeilik ghi chú trong bản luận thuyết năm 1986 của ông có tựa đề ‘The Ethnoastronomy of Historic Pueblos, II Moon Watching’ (Tạm dịch: Thiên văn học tại những cộng đồng da đỏ lịch sử, phần II: theo dõi Mặt Trăng). Trong đó, ông viết rằng bộ lịch 10 ngày của người Mỹ bản địa là ‘một truyền thống cũng có trong các dân tộc cực Bắc và vùng hạ cực bắc ở Châu Á”.


Trái: Chữ khắc ở Hẻm núi Rinconada, bang New Mexico, Mỹ. Phải: Ký tự tượng hình (hoa) ở Trung Quốc (Ảnh: John A. Ruskamp)


Trái: Chữ khắc trên Hẻm núi Grapevine, bang Nevada, Mỹ. Phải: Ký tự tượng hình (hàm răng) vào khoảng năm 1300 TCN (Ảnh: John A. Ruskamp)


Trái: Chữ khắc ở Oklahoma Panhandle; Phải: ký tự tượng hình (bụi gai) của Trung Quốc vào khoảng năm 1300 TCN (Ảnh: John A. Ruskamp)


Trái: Chữ khắc ở Painted Rocks, Arizona, Mỹ; Phải: ký tự Trung Quốc biểu thị một cái cây trưởng thành vào khoảng 1000 năm TCN (Ảnh: John A. Ruskamp)

Theo yêu cầu từ tổ chức DNA Consultants của tiến sĩ Yates, ông Ruskamp đã phân tích các dấu hiệu trên một hiện vật được gọi là “Thruston Tablet” (phiến đá Thruston). Phiến đá này được nhà khảo cổ Gates P. Thruston khai quật tại một gò đất có từ thời Mississipi (800-1600 SCN) gần khu vực Castalian Springs ở hạt Sumner County, bang Tennessee vào năm 1870. Có rất nhiều cách diễn giải cho những cảnh tượng trên phiến đá, từ một cuộc chiến giữa những bộ lạc thổ dân Mỹ, đến huyền thoại của người Mỹ bản địa, cho tới cuộc gặp gỡ giữa Thế giới Cũ và Tân Thế giới.

Chú thích của người dịch:

[1]: Giáp cốt là một loại văn tự cổ đại của Trung Quốc, được coi là hình thái đầu tiên của chữ Hán, thường được khắc trên mai rùa (giáp) hoặc xương thú (cốt)

(Còn tiếp)

Tara MacIsaac, Epoch Times
Hồng Liên biên dịch; Quý Khải, Phan A biên tập

Xem thêm: 
Chim sấm trong truyền thuyết là một sinh vật có thật?
Con người đã phẫu thuật thay tim và khoan sọ từ 5.000 -10.000 năm trước?
Ai Cập cổ đại từng được chiếu sáng bằng điện?

Exit mobile version