Đại Kỷ Nguyên

Người Inca thắt nút dây để ghi nhớ thông tin như thế nào?

Trong khi đối chiếu với các văn bản xa xưa của những người Tây Ban Nha đi chinh phục châu Mỹ , Manny Medrano – một sinh viên thuộc Đại học Harvard, Mỹ – đã giải mã được bí ẩn những nút thắt trên dây vốn được người Inca sử dụng để lưu giữ thông tin và những số liệu thống kê khi chưa có hệ thống chữ viết.

Hầu hết những hiểu biết của chúng ta về các nền văn minh thời Trước Cristo Colombo (Tiền Colombo) đều đến từ những người Tây Ban Nha đi chinh phục châu Mỹ, những người này (đáng tiếc) đã hủy hoại hoặc làm hư hỏng nhiều đồ vật và tư liệu của người bản địa trong thời gian chinh phục Thế giới Mới.

Trong số các hiện vật đang được bảo tồn, có vài trăm sợi dây có nút thắt (quipus – một thuật ngữ có nghĩa là “nút thắt” trong tiếng Két soa, thứ ngôn ngữ thông dụng trong nền văn minh Inca) – đã thoát khỏi sự tàn phá điên cuồng của những kẻ đi chinh phục (người Tây Ban Nha). Chúng là những sợi dây được bện với ba loại nút thắt khác nhau.

Mật mã thông tin của người Inca (Ảnh: ancient-origins)

Từ lâu, các nhà khoa học và  khảo cổ học cho rằng các sợi dây này được dùng để lưu giữ các thông tin hành chính liên quan đến  kinh tế và điều tra dân số.

Khi chưa có hệ thống chữ viết, việc sắp xếp các nút thắt trên các sợi dây này là một công cụ nguyên bản của người Incas để lưu giữ số liệu.

Cách đọc theo các sợi dây

Manny Medrano- sinh viên mới 21 tuổi, đang nghiên cứu toán học và khảo cổ học tại trường Đại học danh giá Harvard nằm ở bờ Đông nước Mỹ.

Từ 3 năm nay, anh trợ giúp giáo sư Gary Urton –  Chủ nhiệm khoa Nhân loại học tại Đại học Harvard, một chuyên gia lớn về các nền văn minh thời Tiền Colombo – trong các nghiên cứu và học cách giải mã những biểu tượng cổ xưa, gồm cả những sợi quipus nổi tiếng.

Sự phức tạp của chúng đã được một sinh viên Harvard bẻ mã (Ảnh: ancient-origins)

Nhờ nghiên cứu một cách tỉ mỉ 6 sợi dây quipus vừa được phát hiện tại một viện bảo tàng ở Lima, Peru, Manny đã giải mã được ý nghĩa của những nút thắt trên dây; những thông tin mà nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học uyên bác chưa phát hiện ra được.

Tôi chưa bao giờ giải mã được toàn bộ thông điệp của những sợi dây này. Nhưng Manny đã làm được khi tập trung nghiên cứu vào màu sắc của dây và cấu trúc “hai mặt” của chúng”, Gary Urton giải thích.

Trước khi có chữ viết, người Inca sử dụng nút thắt dây để lưu trữ thông tin (Ảnh: ancient-origins)

Theo giáo sư, đó là sự đối chiếu so sánh giữa những sợi dây quipus và một số văn bản của những người thực dân Tây Ban Nha viết vào thế kỷ 17 đã dẫn tới những diễn giải mới.

Tôi đã nghiên cứu 600 quipus ở Bắc Mỹ và Châu Âu – không chỉ về màu sắc của chúng, mà còn về cách các sợi dây được treo buộc cùng nhau và được bện về bên trái hoặc bên phải. Có rất nhiều cách thể hiện và tôi biết chúng tôi sẽ có một khám phá tuyệt vời nếu có thể đối chiếu chúng với những tin tức mà người Tây Ban Nha đã viết về người Incas vào thời điểm đó”, anh sinh viên cho biết.

Nó tái hiện tiếng nói của người Inca

Khi đối chiếu tin tức thông tin trên các văn bản hiện có với những nút thắt trên 6 sợi dây đang được xem xét, anh sinh viên trẻ đã phát hiện ra  hai tài liệu trên cùng nói về một ngôi làng ở Peru, nơi có 132 nhân khẩu thuộc bộ tộc Recuay.

Qua nghiên cứu các sợi quipus, Manny đã có thể hiểu được thông tin về những cư dân này như cấp bậc xã hội và gia tộc của họ – những thông tin  không bao giờ có thể xác định được nếu không xem xét tỉ mỉ các sợi dây bện quipus.

Bảng giải mã Manny Medrano đưa ra (Ảnh: ancient-origins)

Tôi tập trung ý tưởng vào những con số hoặc những nội dung đang ẩn chứa trong các nút thắt và những sợi dây. Điều quan trọng là phải quay lưng lại với những gì mà các nhà sử học châu Âu luôn nói về những nền văn hoá này, để cố hiểu những gì người Inca nói về chính bản thân họ “, anh sinh viên cho biết về nghiên cứu của mình.

Những phát hiện của hai thày trò (Manny và vị giáo sư của anh) đã được đăng trên tạp chí khoa học Ethnohistory; Chúng  có thể giúp làm sáng tỏ những bí ẩn hàng thế kỷ chắc chắn đang ẩn dấu ở những sợi quipus khác.

Hoài Anh

Exit mobile version