Một viên ngọc trai tuyệt mỹ từ thời Trung Cổ được khai quật nhiều năm trước tại Lâu đài Prague, Cộng hòa Séc, gần đây đã được điều tra và chế tác mô phỏng lại, nhờ đó tiết lộ kỹ thuật tay nghề cao siêu trong quá trình chế tác. Các nhà nghiên cứu đã gọi chiếc vòng ngọc trai cổ này là một kiệt tác vàng bạc chạm lộng, đồng thời cho rằng nó thuộc về một trong những người giàu có nhất được chôn cất ở khu nghĩa trang vườn Lumbe của lâu đài.
Lâu đài Prague được xây dựng hơn 1.000 năm về trước, và từ khoảng năm 900 SCN, nó từng là chỗ cư ngụ của giới chức tôn giáo và chính trị trong triều đại Přemyslid và tất cả các quốc gia Trung Âu sau này có thủ đô là Prague.
“Nghĩa địa trong khu vườn Lumbe là nơi chôn cất các thành viên quý tộc từ giai đoạn cuối thế kỷ 9 đến 25 năm đầu thế kỷ 11. Viên ngọc trai này được tìm thấy trong ngôi mộ của một trong những người phụ nữ giàu có nhất. Nó nằm trong chuỗi vòng đeo cổ làm từ 34 viên đá quý, các hạt bi thủy tinh, và bốn viên ngọc trai bạc. Một túi đựng bùa hộ mệnh bằng bạc và 14 vòng đeo trán hình chữ S cũng nằm trong danh sách đồ tùy táng”, theo một bài viết của các nhà nghiên cứu trên tạp chí Studies in Conservation.
“Viên ngọc trai là một kiệt tác của vàng bạc chạm lộng và kết hột. Các phân tích đã cho thấy bản chất của kỹ thuật hàn và các loại chất liệu được các thợ thủ công thời kỳ đầu Trung Cổ sử dụng để chế tác ra nó”, họ viết.
Trong cấu tạo của viên ngọc trai dài 12 mm có một lượng nhỏ vàng và bạc, mỗi kim loại có thành phần không vượt quá 7%. Hợp kim bạc cộng với đồng và vàng khiến viên ngọc trai cứng cáp hơn. Viên ngọc trai bao gồm rất nhiều các bộ phận được gia công tinh xảo và vô cùng chi tiết. Nó được hình thành từ hai bán cầu gắn với một vòng tròn (xem Hình B). Các bán cầu tạo thành từ hai bộ phận làm từ các vòng tròn hàn với nhau với một vòng tròn kín chụp lên trên.
“Mỗi bán cầu được tạo thành từ 4 vòng tròn đan xen các hột trang trí (hình B, C). Vòng tròn có hoa văn Omega sẽ nằm giữa 2 nửa bán cầu (hình C), và những chiếc vòng gắn hột nhỏ hơn sẽ được hàn thêm lên hình cầu để gia cố và trang trí” (hình D, E, F), các nhà nghiên cứu cho hay.
Khu vực lâu đài Prague đã được cư trú từ những thời kỳ tiền sử, nhưng các học giả tin rằng lần định cư lâu dài đầu tiên là vào thế kỷ 9. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm kiếm di chỉ của một thị trấn xung quanh có thể đã từng cung cấp nhu yếu phẩm cho lâu đài.
“Bằng chứng khảo cổ cho thấy một vùng định cư ổn định trong suốt thế kỷ 9 vẫn chưa được tìm ra”, trang web Heritage Route nói. “Tuy nhiên, người ta đã xác nhận được một vùng định cư dày đặc ở khu vực giáp ranh Hradčany và thị trấn Lesser ngày nay. Chúng ta phải xác định với không chỉ các vùng đất đã được định cư mà còn cả các trung tâm sản xuất và giao thương quan trọng nằm rải rác trên ngọn đồi chính yếu của tòa lâu đài Prague ngày nay. Vào thời đó, rõ ràng nó mang một ý nghĩa biểu tượng, dựa vào việc phát hiện thanh kiếm trong ngôi mộ chiến binh, có niên đại từ giữa thế kỷ 9. Gò đất ‘Žiži’ huyền thoại và ngai vàng đá trên đỉnh mũi đất trong khuôn viên tòa lâu đài, nơi các Công tước được phong chức, cho thấy tính chất tâm linh trọng yếu của nó. Phần tàn tích của nhà thờ Thánh Mary từ thế kỷ thứ 9, cũng chính là nhà thờ đầu tiên trong khu vực, đã góp phần củng cố cho giả thuyết này. Nhà thờ tọa lạc tại một vùng đất nhỏ nhô ra từ dốc phía bắc của mũi đất, và chúng ta có thể giả định rằng ở khu vực lân cận phải có một khu định cư phức hợp chưa được khám phá”.
Rất nhiều các hiện vật, bằng kim loại và các chất liệu khác, đã được tìm thấy trong khu nghĩa trang vườn Lumbe. Khu mai táng là một phần khu đất của lâu đài Prague bao quanh nhà thờ Thánh Mary, vốn được xây dựng từ khoảng năm 885 SCN và bị phá hủy vào thế kỷ 13. Nhà thờ Thánh Mary chỉ là nhà thờ thứ hai trên toàn xứ Bohemia. Nhà thờ này từng được khai quật vào năm 1925, vào những năm 1930, năm 1950, và những năm 1970. Các nhà khảo cổ của Học viện Khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Séc đã khai quật được khoảng 141 ngôi mộ ở nghĩa trang vườn Lumbe.
Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch.
Xem thêm: