Các nghiên cứu tiến hành tại Đại học Princeton, Mỹ đã cho thấy hai hay nhiều tâm trí đồng thời mang cùng một suy nghĩ hay cảm xúc sẽ có thể có một ảnh hưởng vật lý lên môi trường xung quanh.
Sức mạnh của tư tưởng không chỉ là điều giới hạn trong phạm trù ý thức. Tư tưởng có thể biểu hiện một cách hết sức thiết thực trong thế giới vật lý. Sự gắn kết giữa các cá nhân sẽ làm gia tăng sức mạnh này.
Tiến sĩ Roger Nelson đã điều phối nghiên cứu ở phòng thí nghiệm Nghiên cứu các Hiện tượng Dị thường ở Đại học Princeton (Princeton Engineering Anomalies Research-PEAR) trong hơn 20 năm. Ông hiện đang là giám đốc Dự án Ý thức Toàn cầu (Global Consciousness Project), một dự án hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới để kiểm chứng sức mạnh của ý thức con người.
Vào những năm 1990, các nghiên cứu của PEAR bắt đầu cho thấy tâm trí con người có thể tác động đến hành động của một cỗ máy gọi là máy tạo biến cố ngẫu nhiên (random event generator-REG). Cỗ máy này sẽ cho ra kết quả 1 hoặc 0. Chúng giống như máy tung đồng xu điện tử, tạo ra hai kết quả có thể một cách ngẫu nhiên. Người vận hành sẽ được yêu cầu hướng suy nghĩ của họ đến cỗ máy để khiến nó tạo ra nhiều kết quả 1 hay 0. REG đã biểu thị một thiên hướng tương ứng với sự lựa chọn của đối tượng tại một mức tỷ lệ cao hơn nhiều so với xác suất ngẫu nhiên.
Các cặp đối tượng, đặc biệt nếu có một sự gắn kết cảm xúc giữa họ, dường như sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đến cỗ máy REG.
Trong vòng bảy năm qua, các máy tạo biến cố ngẫu nhiên đã vận hành trên khắp thế giới, liên tục lật 200 đồng tiền xu mỗi giây, với mục đích đo lường một ý thức toàn cầu. Dự án Ý thức Toàn cầu đã đặt tên cho những máy tạo biến cố ngẫu nhiên này là Electrogaiagram (EGG) và hiện đang sử dụng chúng để kiểm chứng xem liệu ý định của con người có thể tạo ra một trường bao xung quanh Trái Đất, từ đó tác động đến kết quả của các sự kiện ngẫu nhiên hay không. Nói cách khác, họ muốn nói rằng khi một sự kiện quan trọng xảy ra, như vụ khủng bố ngày 11/9 hay cơn sóng thần ở ngoài khơi Ấn Độ Dương, những cỗ máy tạo biến cố ngẫu nhiên này sẽ bắt đầu hiển thị những mô thức vốn không thể tồn tại trong những dãy số liệu ngẫu nhiên thông thường.
TS Roger Nelson đã công bố một nghiên cứu vào năm 1997 với tựa đề: “Cầu mong mưa thuận gió hòa: Một thí nghiệm tự nhiên trong Ý thức Tập thể.”
Bản tóm tắt nghiên cứu này có ghi: “Những buổi hội họp và lễ trao bằng tại trường Đại học Princeton, với sự góp mặt của hàng nghìn cựu sinh viên, sinh viên tốt nghiệp, gia đình và những người khác, đều được tổ chức ngoài trời; và điều đáng chú ý là các sự kiện này hầu như luôn được thụ hưởng một thời tiết tốt đẹp.
“Theo một so sánh giữa lượng mưa được ghi nhận ở Princeton so với các khu vực lân cận, thì trong những ngày tổ chức các hoạt động ngoài trời chủ chốt ở Princeton, lượng mưa và số lần mưa đã giảm xuống một cách rõ rệt”.
TS Nelson tự hỏi rằng liệu những mong muốn tập thể của những người tham gia các hoạt động có thể có một tác động nào đó đến hoàn cảnh thời tiết hay không.
Nhiều thập kỷ nghiên cứu tại PEAR đã cho thấy tâm trí con người có thể có một tác động vật lý đối với hoàn cảnh môi trường xung quanh. Nghiên cứu này chủ yếu xoay quanh các cỗ máy tạo biến cố ngẫu nhiên. Các kết quả mang ý nghĩa thống kê đã được thu thập sau rất nhiều lần thí nghiệm, cho thấy các sự kiện “ngẫu nhiên” có thể chịu tác động của các suy nghĩ hoặc ý định của con người nên không còn mang tính “ngẫu nhiên” nữa.
TS Nelson đã tra cứu các tài liệu lưu trữ liên quan đến các buổi lễ trao bằng trong vòng 250 năm trở lại đây. Ông cũng đã thu thập các thông tin chi tiết về thời tiết ở Princeton và các khu vực lân cận, bắt đầu từ năm 1950 khi một trạm khí tượng được đưa vào hoạt động ở phía bên ngoài thành phố.
TS Nelson đặt câu hỏi: “Phải chăng lượng mưa vào các buổi trao bằng diễn ra vào ngày thứ 3 của trường Đại học Princeton thường có xu hướng ít hơn lượng mưa trung bình tại các khu vực lân cận trong cùng một ngày?”
Ông cũng đã sửa đổi câu hỏi này để cân nhắc đến khả năng khu vực này có thể có một môi trường vi khí hậu hơi chút khác biệt sao cho không bỏ sót bất kỳ điểm sai biệt nào tiềm năng. (Vi khí hậu: thuật ngữ ám chỉ một hiện tượng trong đó một vùng địa phương có khí hậu khác biệt so với khu vực xung quanh, với phạm vi có thể chỉ nhỏ như trong một khu vườn, hay lớn hơn như trong một thành phố).
“Kết quả phân tích số liệu thời tiết trên thực tế dường như đã cho thấy hiện tượng trời mưa thường tránh xa khỏi khu vực Princeton để … “tạo điều kiện” cho việc tổ chức lễ trao bằng [và các hoạt động khác] tại một mức xác suất khó có thể xảy ra”, TS Nelson đã viết. “Tuy những kết quả thú vị này chắc chắn chưa thật sự đủ sức thuyết phục, nhưng trường hợp này đã cho thấy một khả năng rất đáng nói”.
Một đề mục cho khái niệm Ý thức Toàn cầu trong cuốn từ điển Skeptic’s Dictionary (tạm dịch: Từ điển của người đa nghi của tiến sĩ Robert Todd Caroll) đã đề cập đến nghiên cứu này, trong đó lưu ý: “Tại sao những ý định của họ [những người từ trường Đại học Princeton] lại phát huy tác dụng trong khi đó rất nhiều cộng đồng khác có tư cách ngang hàng khi mong muốn điều tương tự (hoặc điều ngược lại) lại bị từ chối; đây sẽ là một bí ẩn dành cho các nhà cận tâm lý học trong tương lai”.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: