Đại Kỷ Nguyên

Nghệ sĩ thu vẻ đẹp của toàn vũ trụ vào 1 hình ảnh duy nhất theo dạng thức logarit

logarit

(Ảnh: Wikimedia)

Bức ảnh ngoạn mục bên trên là hình ảnh logarit của toàn bộ vũ trụ đã được biết đến, một tác phẩm được tạo ra và đăng tải lên Wikipedia Commons vào năm 2013 bởi nhạc sĩ và nghệ sĩ Pablo Carlos Budassi.

Đối với những ai còn lạ lẫm với thuật ngữ logarit, thì có thể hiểu đơn giản bản đồ hàm logarit này là đồ thị có lượng gia tăng giá trị của từng nấc trên mỗi trục theo cơ số 10. Ví như một chiếc thước kẻ, nhưng có các giá trị đo nối tiếp nhau lần lượt là 1, 10, 100, 1000 và cho đến lớn hơn nữa cứ sau mỗi nấc dài 1 cm. Vì vậy, đồ thị hàm logarit là một công cụ tuyệt vời để minh họa vũ trụ, một thứ gì đó rộng lớn vô hạn. Để tạo ra hình ảnh vũ trụ, ông Budassi đã sử dụng các bản đồ hàm logarit miêu tả vũ trụ được kết hợp lại nhờ các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Princeton.

Bức ảnh này mô tả điều gì? Phần chú thích ảnh trên Wikipedia có ghi, “Ý tưởng về một vũ trụ có thể quan sát được theo thang đo logarit với Hệ Mặt Trời ở trung tâm, các hành tinh bên trong và bên ngoài, vành đai Kuiper, đám mây Oort, hệ sao Alpha Centauri, cánh tay xoắn Perseus, Hệ Ngân hà, thiên hà Andromeda, các thiên hà lân cận, lưới vũ trụ, bức xạ vi sóng vũ trụ và vật chất plasma vô hình từ Vụ Nổ Lớn Big Bang tại rìa”.

Vậy nguồn cảm hứng nào đã thôi thúc tác giả tạo nên một tác phẩm như vậy?

Hóa ra, theo như trao đổi trong một email giữa ông Budassi và trang Tech Insider, “Khi đang vẽ họa tiết trên mảnh giấy hình lục giác để tạo thành một khối hộp làm quà sinh nhật cho đứa con trai, tôi bắt đầu phác họa cảnh tượng trung tâm của vũ trụ và Hệ Mặt Trời”. Ngày hôm đó, ý tưởng xây dựng bản đồ vũ trụ theo dạng thức logarit đã lóe lên trong tâm trí tôi, và trong những ngày sau đó, tôi đã có thể ráp nối nó lại với sự hỗ trợ của phần mềm Photoshop, sử dụng các bức ảnh từ NASA và một số họa tiết do tôi tạo ra”.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng đây chỉ là một hình ảnh của vũ trụ quan sát được, và Hệ Mặt Trời của chúng ta nằm ngay chính giữa bởi vì chúng ta đang quan sát mọi thứ từ vị trí này.


Một vũ trụ có thể quan sát được theo thang đo logarit với Hệ Mặt Trời ở trung tâm, các hành tinh bên trong và bên ngoài, vành đai Kuiper, đám mây Oort, hệ sao Alpha Centauri, cánh tay xoắn Perseus, Hệ Ngân hà, thiên hà Andromeda, các thiên hà lân cận, lưới vũ trụ, bức xạ vi sóng vũ trụ và vật chất plasma vô hình từ Vụ Nổ Lớn Big Bang tại rìa”.

Tác giả: Jim Liao, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch

Exit mobile version