Các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy những tàn tích hóa thạch của một loài lười khổng lồ chưa từng được biết đến bị chôn sâu trong một hố nước ở bán đảo Yucatán, Mexico.
Sinh vật này chết cách đây khoảng hơn 10.000 năm, do rơi xuống một chiếc hố khô hoặc có một ít nước trong đó, Iflscience đưa tin hôm 17/8.
Những chiếc hố này được người Mexico gọi là “cenotes”, là những hố tự nhiên hình thành từ sự sụp đổ của các tầng đá vôi làm lộ ra một hang nước ngầm màu ngọc lam bên dưới. Đôi khi chúng được người Maya sử dụng để hiến tế. Chẳng hạn trong một chiếc hố cenotes ở Chichen Itza, người ta tìm thấy hài cốt của 4 người lớn và 2 trẻ em.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã thu thập được sọ, xương hàm, xương sống, xương sườn, móng vuốt, và một vài hệ xương khác. Phần còn lại của hóa thạch vẫn nằm sâu 50 mét phía dưới, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã có bộ xương gần như hoàn chỉnh. Phân tích ban đầu cho thấy sinh vật này sống vào khoảng 10,647 đến 10,305 năm trước.
Loài mới này được gọi là “Xibalbaonyx oviceps”, và nhóm nghiên cứu gọi tắt là “Pote”. Hiện tại có rất ít thông tin về khám phá này, vì các chuyên gia vẫn đang ở bước đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, họ cho biết có kế hoạch để đưa ra nhiều chi tiết cụ thể hơn trong năm tới.
Một chủng lười khổng lồ khác di lưu vào Nam Mỹ trong kỷ Pliocene là Megatherium. Loài này có chiều dài 6 mét – chiều ngang tương đương loài voi hiện đại – và sống sót cho đến tận giai đoạn đầu của kỷ Holocene, thời kỳ nền văn minh nhân loại lần này bắt đầu hình thành.
Hoài Anh
Xem thêm:
- Phát hiện hóa thạch loài khủng long lớn nhất thế giới
- Đã tìm thấy máu và DNA khủng long – Thách thức mới cho thuyết tiến hóa
- Dấu vết văn minh tiền sử: Tìm thấy chip điện tử ở khu hóa thạch 250 triệu năm tại Labinsk, Nga