Đại Kỷ Nguyên

Mê cung Buda: Hang động cổ kỳ vĩ và lệnh phong tỏa khó hiểu của cảnh sát

Featured image: The haunting beauty of the deep labyrinth of Buda. CC BY-SA 3.0 Vẻ đẹp sâu thẳm của mê cung Buda. (Ảnh: Wikimedia)

Nằm sâu bên dưới những bức tường đá sừng sững của một cung điện từ thế kỷ 13, Mê cung Buda, ẩn chứa trong những ngõ ngách và hành lang tối đen như mực cùng một lịch sử hắc ám của quận lâu đài cổ đại ở Budapest, Hungary.

Ở đây, các bộ xương người chết hé lộ những chiến tích khốc liệt, trong quãng thời gian gần đây quần thể hang động này đã được mở cửa cho công chúng, nhờ đó phô diễn vẻ đẹp tráng lệ của mình. Nhưng đột nhiên, vào năm 2011 cảnh sát đã đột kích mê cung này và niêm phong các cánh cửa với những nguyên nhân chưa thể giải thích. Điều gì đã thúc giục quyết định đóng cửa bí ẩn này? Điều gì ẩn giấu bên dưới những con phố của Budapest?

Căn hầm Arpadian với giếng rửa tội bên trong Mê cung của Lâu đài Buda. (Ảnh: Wikimedia)

Lịch sử hắc ám của quần thể hang động

Quần thể hang động và thông đạo ngầm bên dưới mặt đất đã hình thành từ những khối đá rắn bị bào mòn do các dòng nước chảy địa nhiệt, từ lâu trước khi con người thời tiền sử dùng chúng làm chỗ trú ẩn vào hơn nửa triệu năm về trước. Những công cụ lao động bằng đá có niên đại hơn 350.000 năm tuổi đã được báo cáo phát hiện ở đây.

Các thông đạo và hầm chứa trải dài hơn 1.200 m và nằm gần 16 m ngầm bên dưới quận lâu đài cổ đại của khu vực hiện là thủ đô Budapest, thành phố lớn nhất ở Hungary. Quần thể hang động mang tính lịch sử này đặc thù đến nỗi chúng đã trở thành Di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1987 như một quang cảnh vùng đô thị nổi bật. Quần thể hang động này đã trở thành một phần trong lịch sử nhân loại và nền văn hóa của Budapest từ thời tiền sử, và đã chứng kiến nhiều thay đổi qua những niên đại dài đằng đẵng.

Nghệ thuật theo phong cách thời tiền sử in dấu trên những bức tường mê cung. (Ảnh: Wikimedia)

Khu vực này từng là thành phố La Mã cổ đại Aquincum, tọa lạc ngay chính giữa Buda ở phía bên phải bờ sông Danube (Đa Nuýp), và Pest ở phía bên trái (hợp nhất thành Budapest như ngày nay). Pest là một trung tâm kinh tế quan trọng, nhưng đã bị phá hủy vào năm 1241 khi Đế quốc Mông Cổ xâm lược Hungary. Thành phố cổ đại này đã được tái dựng một lần nữa, và trong những năm tiếp theo, lâu đài đồ sộ Buda đã được Vua Bela IV cho xây dựng bên trên các hầm chứa cổ đại.

Lâu đài tráng lệ, bề thế ở Budapest, bên bờ sông Danube. (Ảnh: Wikimedia)

Những người cư trú thời kỳ đầu đã dùng hang động này làm nơi dự trữ lượng thực và cung cấp nước (sinh hoạt). Các đường hầm sâu thẳm cũng là nơi trú ẩn trong thời chiến hoặc khi xảy ra hỏa hoạn, và đã được cư dân gần lâu đài Buda sử dụng trong hàng trăm năm. Theo thời gian  chúng rốt cuộc đã dần trôi vào quên lãng.

Quần thể hang động quanh co uốn khúc này đã được tái phát hiện và khảo sát vào những năm 1930 trong tiến trình phát triển thành phố. Các mảnh xương đã được phát hiện, làm nền tảng cho một cuộc triển lãm các hiện vật và di thể. Các hầm rượu đã được mở cửa, hé lộ một con đường quanh co uốn khúc, giống mê cung.

Tượng “Người kỵ sĩ thất lạc” được chạm khắc sâu bên trong các hầm chứa của mê cung. (Ảnh: Wikimedia)

Các đại sảnh bị ma ám

Khi dãy tường đá và những mảnh xương ẩm thấp, được chiếu sáng lờ mờ gợi lại những giai đoạn khốc liệt ở nơi đây, thật dễ để tin vào các truyền thuyết tồi tệ nhất của một mê cung ngầm dưới lòng đất.

Bằng chứng cho sự tồn tại của một hậu cung của người Thổ Nhĩ Kỳ tại lối vào hang động, và báo cáo cho thấy có vài di thể phụ nữ đã được phát hiện sâu bên trong đường hầm, có niên đại từ thời kỳ Hungary còn là một phần của Đế quốc Ottoman. Người ta cho rằng họ là những nạn nhân bi thảm, bị thả rơi xuống một cái giếng khi quân Thổ bị buộc phải rời tòa lâu đài.

Mê cung này đóng vai trò như một nhà tù, một buồng tra tấn, và một trong những câu chuyện lạnh tóc gáy hơn khi có liên hệ với nhân vật Vlad Tepes khét tiếng, được mệnh danh là Vlad kẻ đâm xuyên, và được biết đến rộng rãi như nguồn cảm hứng cho nhân vật “Bá tước Dracula”.

Xem thêm:

Người ta cho rằng Vlad Tepes, Vương công xứ Wallachia, đã bị đồng minh của ông, vua Hungary Matthias, phản bội. Truyền thuyết địa phương kể rằng Vlad đã bị giam cầm và để mặc chết dần chết mòn dưới Lâu đài Buda vào khoảng năm 1462. Ông đã trở nên tiều tụy trong bao nhiêu năm, không ai biết rõ, nhưng người ta ngờ rằng có lẽ ông đã bị tra tấn dã man, vì sau khi được thả ông đã biến thành một người khét tiếng với các hành vi tra tấn, sát hại tàn độc của mình, đặc biệt là phương thức hành hình ghê rợn của ông—đâm xuyên vô số nạn nhân trên những cái cọc.

Truyền thuyết kể rằng Vlad Tepes đã được chôn cất dưới lớp sàn đá lạnh của hang động, và một ngôi mộ hiện đã được dựng lên để đánh dấu vị trí này.

Cánh cửa dẫn vào “Vòng trong” được đánh dấu bởi biểu tượng mê cung, cùng những cột đầu đá với nét mặt hung tợn nằm phía hai bên sườn. (Ảnh: Wikimedia)

Có các truyền thuyết khác kể về việc những người Thổ chôn cất kho báu của họ trong mê cung, những tay thu thuế thời Trung Cổ cất giấu của cải bên trong và xung quanh tòa lâu đài, cũng như trong quần thể đường hầm và giếng nước, nhưng cho đến nay chưa cái nào trong số đó từng được phát hiện.

Trục của Điện thờ Thế giới (The Axis of the World Shrine) trong mê cung của lâu đài Buda. (Ảnh: Wikimedia)

Các hình tượng kỳ lạ, nghệ thuật cổ đại, biểu tượng, giếng và thác nước, và các bức tượng đá chào đón du khách đến một mê cung huyền ảo, làm sống lại nền lịch sử rất đỗi cổ phác của quần thể hang động.

Những dụng cụ tra tấn và các song sắt của một nhà tù trong quá khứ được xếp dọc theo các dãy tường.

Những du khách may mắn có thể đi xuyên qua những dãy đường hầm tối đen như mực, các luồng ánh sáng mờ ảo, màn sương mù, và thứ âm thanh kỳ dị sẽ có cơ hội tìm thấy một căn hầm ẩn giấu (và có lẽ bí ẩn nhất trong quần thể hang động này), nơi rượu chảy tự do từ một cái “đài phun rượu” phủ dây leo. Tại sao rượu lại chảy ra không ngừng [từ cái đài phun rượu này], và tại sao đài phun rượu này lại tồn tại, đây vẫn là những bí ẩn chưa có lời giải.

Đài phun rượu Mátyás được phát hiện sâu bên trong mê cung Buda. (Ảnh: Wikimedia)
Cận cảnh đài phun rượu Mátyás được phát hiện sâu bên trong mê cung Buda. (Ảnh: Getty Images)

Xem video đài phun rượu Mátyás:

Hiện người ta cho rằng tác giả của đài phun rượu này là vua Matyas Corvinus, người đã tiếp nối việc xây dựng cung điện đồ sộ này. Truyền thuyết kể rằng ông đã bị vợ mình, Beatrice, đầu độc. Các du khách ghé thăm thường được khích lệ nếm thử loại rượu này, nếu họ dám.

Các bức tượng người kỳ lạ được trưng bày trong trong dãy đường hầm, với bức tượng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là bức Pháp sư hai mặt (Shaman with Two Faces).

Tượng Pháp sư hai mặt có một cái mặt ở cả hai phía bên thân thể, đang không ngừng quan sát. (Ảnh: Wikimedia)

Các bức tượng sáp nhợt nhạt, kỳ dị trong những bộ trang phục cổ kể lại câu chuyện về một giai đoạn lịch sử gần đây hơn trong khu vực, và hoàng thân cùng những người giàu có được phát hiện trong cung điện bên trên.

Năm mê cung uốn khúc độc lập chứa tổng cộng 10 đại sảnh.

Đóng cửa đột ngột

Mê cung này đã trở nên nổi tiếng như một kỳ quan bí ẩn, thu hút một dòng du khách ổn định, những người muốn khám phá lịch sử và văn hóa cổ đại của Budapest.

Tuy nhiên, vào ngày 29/7/2011, các du khách và nhân viên tại mê cung đã bị sốc khi cảnh sát đột kích hang động và cưỡng chế sơ tán tất cả mọi người bên trong. Tại thời điểm đó mọi người cho rằng nguyên nhân có thể là do đã xảy ra một vụ tấn công khủng bố, hay một tình huống khẩn cấp nào đó. Tất cả mọi người đã được yêu cầu thu dọn đồ đạc và rời đi ngay tức khắc, và được cho là đã bị giám sát liên tục. Nhưng một khi tất cả mọi người được sơ tán và các cánh cửa bị đóng lại, không có tình huống khẩn cấp nào xuất hiện và không có lời giải thích nào được đưa ra cho việc vội vã di tản mọi người ra ngoài như vậy.

Trong những ngày tiếp theo, những nhân viên quản lý mê cung đã hối thúc một câu trả lời từ các nhà chức trách, nhưng đã không được phép quay trở vào trong hang động. Có báo cáo cho biết các nhân viên ở đây đã được thay thế. Một số nguồn tin trực tiếp cho biết các du khách vẫn có thể tiến vào mê cung, và các trang mạng dường như vẫn đang tổ chức các tour tham quan, nhưng không rõ liệu các hang động có còn mở cửa hay không, hay chúng đã bị cách ly khỏi công chúng suốt từ năm 2011.

Vẫn còn đó các phỏng đoán về điều gì đã thực sự xảy ra vào cái ngày 29/7, và điều gì đã khiến cảnh sát đột nhiên sơ tán hang động và bịt kín các lối ra vào. Nhà chức trách đang tìm kiếm điều gì sâu bên trong các hầm chứa cổ đại vậy? Liệu đây có phải là một động thái nhằm kiểm soát hoặc quốc hữu hóa di sản thế giới, hay liệu có thứ gì đó đã được phát hiện bên dưới mặt đất?

Còn nhiều câu hỏi về các sự kiện xoay quanh mê cung Buda kỳ lạ và bí ẩn này.

Cảnh sát chặn lối vào Mê cung Buda. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)

Tham quan mê cung ngầm dưới lòng đất ở Budapest dường như sẽ mang đến một nhận thức rằng đây không chỉ là một mê cung đầy ấn tượng và có thể khiến chúng ta bất an, nhưng cũng là một đường mòn uốn khúc phức tạp liên kết thế giới ẩn khuất thời cổ đại và thời hiện đại của chúng ta.

Xem video về mê cung Buda:

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version