Đại Kỷ Nguyên

Mặt trời ‘xoay tròn, nhảy múa’ trên không trung: Đức mẹ thi triển ‘phép lạ’ hay hiện tượng quang học thuần túy?

Ảnh: Ancient Origins

Một thần tích tôn giáo, một hiện tượng quang học hiếm gặp xuất hiện ở Bồ Đào Nha vào năm 1917, đã làm chấn động giới khoa học mãi đến tận ngày nay.

Đây là một sự việc thần kỳ được ghi nhận tại một thôn làng nhỏ ở Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ 20. Nó được gọi là “Phép lạ của Mặt Trời”, một hiện tượng quang học hiếm gặp, vô cùng kỳ diệu diễn ra trước con mắt của hơn 70.000 người tham gia, bao gồm rất nhiều phóng viên và nhà báo. Trong quá trình này, Mặt Trời dường như đã sống dậy, nhảy múa, và tung ra các chùm tia sáng nhiều màu, thậm chí đáp gần xuống mặt đất, trước sự kinh ngạc xen lẫn sợ hãi của đám đông. Sự việc này bản thân vốn đã kinh ngạc, nhưng lại càng kinh ngạc hơn khi nó đã được báo trước cho ba đứa trẻ chăn cừu cách đó cả tháng trời. Và ba đứa trẻ này cho biết, Đức mẹ Maria đã hiển linh và nói cho chúng biết điều này.

Một góc ngôi làng Fatima, Bồ Đào Nha (Ảnh: Fatima Tours)

Đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo, đây có thể là một câu chuyện thần kỳ, góp phần củng cố niềm tin của họ vào tín ngưỡng cá nhân. Đối với các nhà khoa học, đặc biệt là đám đông hơn 70.000 người trực tiếp chứng kiến sự việc, đây cũng vẫn là một điều phi thường, một kỳ tích, mở ra cho họ một trải nghiệm mới mẻ. Có cách giải thích hợp lý dưới góc nhìn khoa học cho hiện tượng này, nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng, việc xuất hiện của nó có xác suất vô cùng nhỏ, đặc biệt khi cân nhắc tất cả các sự kiện có liên quan. Nói thẳng ra, đối với giới khoa học, đây quả là một “thần tích” không tưởng, theo đúng nghĩa đen của nó.

Chúng ta hãy cùng lật trở ngược lại lịch sử, để xem xét sự kiện này.

Bối cảnh Bồ Đào Nha

Câu chuyện xảy ra vào năm 1917. Châu Âu lúc đó đang trải qua Thế chiến thứ I (1914 – 1918). Bồ Đào Nha lúc đó đang phải hứng chịu hậu quả của một cơn bão bài xích tôn giáo như một phần trong cuộc cách mạng tháng 5/1910. Các nhà thờ ở thủ đô Lisbon và phần còn lại của Bồ Đào Nha đều bị cưỡng chế niêm phong, đóng cửa. Rất nhiều linh mục, thầy dòng, nữ tu, cha xứ bị ép lấy dấu tay, chụp ảnh và liệt kê vào danh sách tội phạm trước khi bị tống giam.

Những thập niên cuối thế kỷ 19 và hai thập niên đầu thế kỷ 20 là thời kỳ đen tối và đặc biệt nhất trong lịch sử Bồ Đào Nha. Những năm 1890 -1899 và thập kỷ đầu thế kỷ 20, Bồ Đào Nha là một quốc gia quân chủ và mộ đạo gắn liền với Giáo hội Công giáo. Thống kê cho biết, vào thời gian này có lúc cứ 9 người thì 2 người là linh mục hoặc tu sĩ.

Châu Âu thời kỳ này đang lún sâu trong vũng bùn Thế chiến I (Ảnh: BBC)

Từ những năm cuối thế kỷ 19, các lực lượng chống Hoàng gia và giáo hội bắt đầu thành hình. Năm 1900, các lực lượng này kết hợp với nhau trong chủ trương “vị vua cuối cùng sẽ bị treo cổ cùng với ruột gan của vị linh mục cuối cùng”. Năm 1908, vua Charles I và Hoàng Thái tử bị ám sát. Năm 1910, vua Manuel I trốn sang Anh Quốc, và chính thể cộng hòa cách mạng lên cầm quyền, đi theo chủ trương Marxist, vô Thần; cai trị dựa trên khủng bố tàn bạo và reo rắc sự sợ hãi.

Theo thống kê, trong giai đoạn năm 1911-1916, ít nhất 17 ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ bị giết chết, hoặc riêng rẽ hoặc tập thể. Đôi khi ruột gan và đầu của người chết bị treo vào cây sào rồi đem diễu hành ngoài đường phố để khủng bố tinh thần các linh mục, tu sĩ, còn sót lại. Tất cả các Thánh đường đều bị đóng cửa hoặc phá hủy. Không một ai dám đi dự Thánh lễ trong nhà thờ. Ảnh tượng Chúa, Đức mẹ và các Thánh bị chà đạp giữa đường phố. Cùng lúc này, Thế chiến I – một trong những đại ác họa của nhân loại bắt đầu diễn ra tại châu Âu.

Ảnh: wikimedia

Tuy nhiên, vẫn có những chốn bình yên trong bầu không khí hỗn loạn. Một trong những nơi đó là Fátima, một giáo xứ nhỏ ở vùng nông thôn ở miền Trung Bồ Đào Nha. Có lẽ bởi diện tích khá nhỏ, nên nơi đây đã thoát khỏi phần lớn cuộc bức hại; nhà thờ của họ vẫn được mở cửa, và hầu hết mọi người trong giáo xứ đều là những tín đồ thành tâm.

Giáo xứ Fatima gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv…Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết.

Trong thôn Aljustrel thuộc giáo xứ Fatima có hai gia đình Dos Santos và Marto cư ngụ. Gia đình Dos Santos có 1 bé gái, tên là Lúcia dos Santos, sinh ngày 22/3/1907. Gia đình người em họ Marto có một con trai là Francisco Marto, sinh ngày 11/6/1908 và một con gái là Jacinta Marto, sinh ngày 11/3/1910. Ba em này thường chăn dắt đàn cừu tại một bãi cỏ gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km.

Chị cả Lúcia (trái) cùng hai người em họ Jacinta (giữa) và Francisco (phải) trên đồng cỏ trong bộ phim chuyển thể “Phép màu của Đức mẹ Fatima” vào năm 1952. Ảnh: The Miracle of Our Lady of Fatima

Quãng thời gian tuổi thiếu thời của các em cứ êm đềm diễn ra như vậy với những ngày chăn bò, chăn dê,… trên đồng cỏ, trước khi cái ngày định mệnh 13/5/1917 đó đến, khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện phi thường, kỳ lạ.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất

Ngày 13/5/1917, tầm giữa trưa, khi ba em đang chăn cừu, thì đột nhiên một người phụ nữ mặc áo trắng hiện lên trước mắt.

Ảnh: Warner Archive

Bà bảo các em hãy lần chuỗi và đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh (Thế chiến I đang diễn ra), để được hòa bình.

Ảnh: Warner Archive

Trước khi biến mất, Bà mặc áo trắng bảo các em nhớ quay trở lại vào đúng ngày này trong 5 tháng kế tiếp, tức ngày 13 trong 5 tháng tiếp theo.

Jacinta, lúc đó mới lên 7, quên giữ kín nên đã về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này sau đó nhanh chóng loan truyền khắp làng. Nhiều dân làng cảm thấy điều này thật khó tin. Vị linh mục chính xứ đã trực tiếp đến hỏi Lúcia, và cũng tỏ ra bán tín bán nghi sau khi nghe chuyện. Trong báo cáo gửi lên Giám mục cai quản giáo phận Leiria-Fatima, vị linh mục này đã ghi chú:

“Cần phải giữ kín chuyện này”.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai

Ngày 13 tháng sau, tức 13/6, lúc tầm trưa, ba em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò hiếu kỳ đến xem. Mọi người lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, nhắc Lúcia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện dâng hiến cho «trái tim vô nhiễm Maria», đồng thời báo trước cái chết của 2 anh em Francisco và Jacinta Marto:

“Ta sẽ sớm đưa Francisco và Jacinta về trời, còn con, con cần ở lại thế gian một thời gian để hoàn thành một sứ mệnh quan trọng”. Đức Mẹ cũng yêu cầu Lúcia học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho người khác”.

Ảnh: Warner
Ảnh: Warner

Những người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ (mà Đức Mẹ đứng) trĩu xuống bởi sức nặng, rồi đột nhiên bật lên (khi Đức Mẹ biến đi, theo lời kể của 3 em).

Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba

Một tháng sau, đúng vào thứ sáu ngày 13/7/1917, Đức mẹ lại hiện lên với 3 em, lần này có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lúcia việc đọc kinh Mân Côi hàng ngày, để chiến tranh chóng chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em “3 bí mật” gọi là “3 bí mật của Đức mẹ Fatima”, một loạt các lời tiên tri về các sự kiện trọng đại sẽ xảy ra trong tương lai mà hai trong số đó về sau đã được nghiệm chứng và xác thực. Ba bí mật này sẽ được đề cập đến trong phần 2.

Ảnh: Warner
Ảnh: Warner

Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư

Đúng một tháng sau, vào ngày 10/8/1917, viên chánh tổng – một người có thái độ chống đối hàng giáo sĩ – đã đòi 3 em tới để tra hỏi, nhưng không thu được kết quả gì. Ngày 13/8, ông ta nhốt 3 em với lý do làm rối loạn trật tự công cộng, nhưng mục đích thật sự là để tiếp tục tra hỏi, nhưng rốt cục vẫn hoài công. Đến ngày 15/8, ông ta buộc phải thả 3 em trở về nhà.

Ba cô cậu bé được Đức Mẹ giao trọng trách (Ảnh: Fatima Tour)

Ngày 13/8, lúc 3 em vắng mặt vì còn bị nhốt, có khoảng 18.000 người đã tới bãi cỏ Cova de iria để chờ xem sự lạ giống hai lần trước, nhưng rốt cục đã phải về tay không. Nhưng đúng vào ngày chủ nhật 19/8, tức 6 ngày sau thời điểm hẹn ước, khi 3 em dẫn đàn thả cừu trên bãi như mọi khi, Đức Mẹ đã hiện lên. Lần này Đức mẹ yêu cầu các em truyền lại thông điệp rằng, mọi người cần cầu nguyện để những người mang tội sớm ăn năn. Lần này, Đức mẹ hứa sẽ làm một phép lạ vào lần xuất hiện sau chót để mọi người tin.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm

Ngày 13/9, có khoảng 30.000 người tụ họp tại bãi cỏ Cova de iria, cầu nguyện cùng 3 em. Đức Mẹ đã hiện ra và cho biết tháng sau, Chúa, Đức Mẹ núi Carmêlô, thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng xuất hiện. Và thời điểm cũng chín muồi để triển hiện phép lạ như Đức mẹ đã hứa.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu, triển hiện phép lạ trước đám đông

Đúng một tháng sau, vào ngày 13/10/1917, trời mưa như trút nước. Tuy vậy, khu vực Fatima hôm đó lại đột nhiên trở nên đông đúc náo nhiệt lạ thường, khi một đám đông khoảng 70.000 người  – bao gồm nhiều phóng viên chụp hình và ký giả – kéo về tụ tập bãi cỏ Cova da Iria, mong muốn được tận mắt chứng kiến phép lạ đã được hứa trước. Họ tụ tập ở đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện.

Đám đông hơn 70.000 người tụ tập tại bãi cỏ Cova da Iria  vào ngày 13/10/1917 để chứng kiến phép lạ. Hôm đó trời như trút nước. Ảnh: fatimastlouis
Ảnh: Wiki

Rồi sau đó, “phép lạ” như được báo trước đã xuất hiện.

Các miêu tả nhân chứng về sự kiện này không giống nhau. Theo nhiều nhân chứng, sau một trận mưa xối xả, bầu trời dăng đầy mây đen vỡ ra, để lộ những tia sáng đầu tiên của mặt trời. Trên bầu trời, mặt trời hiện lên dưới dạng một cái đĩa mờ đục, xoay tròn. So với bình thường, mặt trời mờ đục hơn rất nhiều, và phóng ra những tia sáng nhiều màu phủ khắp đồng cỏ, người dân, và những đám mây bao quanh. Mặt trời sau đó dường như đã lao về phía trái đất theo hình zig-zag trước khi trở lại vị trí ban đầu. Nó dường như đang nhảy múa trong suốt quá trình này. Các nhân chứng cho hay quần áo của họ vốn khá ẩm vì ngấm nước mưa nay đột nhiên trở nên hoàn toàn khô ráo. Điều tương tự cũng xảy đến với mặt đất ẩm ướt và lầy lội.

Như đã nói ở trên, không phải tất cả nhân chứng đều trông thấy mặt trời “nhảy múa”. Một số người chỉ nhìn thấy những luồng ánh sáng rực rỡ nhiều màu, và số khác, bao gồm cả những tín đồ Công giáo, hoàn toàn không nhìn thấy gì cả.

Ảnh: Ancient Origins

Sự kiện “Phép lạ của Mặt trời” được đăng báo. Ảnh: novusordowatch
Ảnh: novusordowatch

De Marchi là một nhà nghiên cứu. Ông đã dành 7 năm tại Fátima, từ năm 1943 – 1950, để tiến hành nghiên cứu và thu thập lời khai của các nhân chứng trong cuộc.  Trong một cuốn sách của ông về chủ đề này, xuất bản năm 1952, De Marchi viết:

“Những nhân chứng trong cuộc (vào ngày 13/10) bao gồm cả những người theo đạo và không theo đạo, những phụ nữ có tuổi sùng đạo và những thanh niên trẻ ngông nghênh mới lớn. Hàng trăm người, từ đủ loại nhóm người trên, đã đưa ra lời khai chính thức. Các báo cáo có sự khác biệt; một số chi tiết nhỏ có thể gây nhầm lẫn, nhưng không ai phủ nhận việc nhìn thấy điều kỳ diệu từ mặt trời”.

Ảnh: portugalresident
Ảnh: twimg
Mặt trời xoay tít trên bầu trời. Ảnh: romancatholicman

De Marchi dẫn một vài đoạn miêu tả của nhân chứng, về cảnh tượng Mặt Trời khi đó đột nhiên xoay tròn và phát ra các tia sáng nhiều màu trên không trung:

“Tại một thời điểm, Mặt trời được bao quanh bởi những ngọn lửa màu đỏ tươi, tại một thời điểm khác được bao trọn trong một vầng hào quang màu vàng đậm và tím. Nó dường như đang xoay tròn tại mức vận tốc cực nhanh, tại thời điểm khác lại trông như thể đang rơi khỏi bầu trời và áp sát gần trái đất, tỏa ra một nguồn nhiệt lượng cực đại”, TS Domingos Pinto Coelho, viết trên tờ Ordem.

“… Ánh nắng bạc, bao phủ trong cùng một thứ ánh sáng xám mỏng như sa, bắt đầu xoay tròn cuốn theo các đám mây rời rạc phân tán … Ánh sáng chuyển sang một màu xanh dương êm dịu, như thứ ánh sáng được lọc qua kính màu ghép ở nhà thờ, chiếu lên khắp những người đang quỳ gối với đôi bàn tay dang rộng… nhiều người khóc và cầu nguyện trước phép mầu mà họ vẫn mong ngóng. Một giây dường như dài bằng cả giờ, cảnh tượng thật vô cùng hoành tráng và sống động”, phóng viên cho tờ báo thủ đô O Dia, cho hay.

Ảnh: tinypic

Đi kèm theo đó là miêu tả của nhân chứng về cảnh tượng Mặt Trời như thể rơi khỏi bầu trời và rớt xuống Trái Đất:

“Đĩa mặt trời quay không ngừng nhưng không cố định tại một vị trí, bởi sau một lúc đột nhiên từ đám đông phát ra tiếng la thét dữ dội. Mặt trời, xoay tròn, dường như đã tuột mất khỏi không gian và áp sát trái đất một cách đầy hăm dọa, như thể sẽ nghiền nát chúng tôi với trọng lượng khổng lồ của nó. Cảm giác trong những thời khắc đó thật đáng sợ”, theo TS Almeida Garrett, giáo sư ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Coimbra.

Xem video miêu tả “phép lạ của mặt trời” tại Fatima trong bộ phim “The 13th Day”:

Các lý giải khoa học cho “phép lạ của mặt trời”

Trao đổi về hiện tượng này, Andrew Pinsent, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Tôn giáo Ian Ramsey trực thuộc Đại học Oxford (Anh), nói:

“Khoa học không [tự nó] loại trừ hay phủ nhận [sự tồn tại] của phép mầu, và sự kiện tại Fatima, theo quan điểm của nhiều người, là rất có cơ sở”.

Stanley L. Jaki, tiến sỹ vật lý tại Đại học Fordham (Mỹ), nhận định rằng dựa trên cơ sở khoa học, “phép mầu” này không nằm ở bản thân Mặt Trời, bởi các đài quan sát thiên văn không ghi nhận được bất kỳ sự chuyển động kỳ lạ nào của mặt trời vào ngày hôm đó, và những người ở các khu vực khác bên ngoài Fatima cũng không báo cáo bất kỳ hiện tượng lạ nào về Mặt Trời.

Thay vào đó, GS Jaki cho rằng bản chất của phép lạ này, về cơ bản là do các tinh thể băng trong không khí lúc đó đã đóng vai trò một loại ống kính khuếch đại, nhưng lại xảy ra vào đúng khoảng thời gian báo trước (theo thông điệp truyền đến 3 em từ Đức mẹ Maria). Nói cách khác, đây là một sự kiện khí tượng học tự nhiên, nhưng lại được thúc đẩy bởi một lực lượng siêu thường.

GS Jaki cho biết:

“Có rất nhiều dữ kiện trong tay để tiếp cận hiện tượng phép lạ mặt trời này trên bình diện khoa học.

Sự tương tác tinh tế và phức tạp của rất nhiều nhân tố vật lý tự bản thân nó đã là một phép lạ. Rõ ràng, “phép lạ” này của mặt trời không phải là một hiện tượng khí tượng hiếm gặp đơn thuần. Nếu không, hiện tượng này hẳn đã xuất hiện và được ghi nhận trước và sau thời điểm đó, bất kể có sự hiện diện của một đám đông những người mộ đạo hay không. Tôi cho rằng, cũng như với các bài viết khác của tôi về các “phép lạ” [từng được ghi nhận trong lịch sử], những phép lạ này đã được tạo ra dựa trên các yếu tố tự nhiên bình thường, nhưng các yếu tố đó đã được tăng cường đáng kể các thành phần vật chất bên trong và tương tác giữa chúng, bởi [một lực lượng siêu nhiên chưa thể lý giải mà tôi gọi là] Chúa”.

Không chỉ vậy, nhà nghiên cứu De Marchi cũng cho biết, bên cạnh sự biến đổi thần kỳ của Mặt Trời vào hôm đó, thì các hiện tượng kỳ diệu có liên quan, cũng là những điều không thể lý giải theo cách thức thông thường, ví như việc ánh nắng Mặt Trời chỉ trong phút chốc đã làm bốc hơi những vũng nước lớn – hệ quả của cơn mưa xối xả ngay trước đó. De Marchi cho hay:

“… các kỹ sư từng nghiên cứu vụ này cho rằng cần một nguồn năng lượng khổng lồ để có thể làm bốc hơi chỉ trong vài phút chóng vánh những vũng nước mưa còn sót lại trên cánh đồng, một hiện tượng được báo cáo bởi rất nhiều nhân chứng (hơn 70.000 nhân chứng) có mặt”.

De Marchi nhận định rằng rất nhiều các yếu tố khác nhau, bao gồm việc báo trước sự xuất hiện của một “phép lạ” (từ 3 đứa trẻ), sự bắt đầu và kết thúc đột ngột và chóng vánh của sự kiện (chỉ diễn ra trong 10 phút), sự đa dạng trong tín ngưỡng tôn giáo của các nhân chứng tham gia (có người theo đạo, có người không), số lượng khổng lồ những người có mặt (hơn 70.000 người), việc ghi nhận được các báo cáo về sự kiện kỳ lạ trong bán kính lên đến 18 km quanh bãi cỏ Cova da Iria, và sự thiếu vắng bất kỳ cách giải thích khoa học chắc chắn nào, khiến sự việc này không thể được cho là một dạng ảo giác số đông hoặc ảo giác tập thể. Và do đó, De Marchi đi đến kết luận rằng không có cách giải thích nào khác hợp lý hơn ngoài việc đây chính là một phép mầu.

Sự công nhận của Giáo hội Công giáo Rôma

Năm 1930, sự kiện này đã được Giáo hội Công giáo tuyên bố là có “tính chất siêu thường”. Một nhà thờ đã được dựng lên gần hiện trường nơi xảy ra sự kiện ở Fatima, nơi có hàng ngàn tín đồ viếng thăm hàng năm.

Đền thờ Đức mẹ Fatima được dựng lên tại chính bãi cỏ Cova da Iria, Fátima, Bồ Đào Nha, nơi Đức mẹ hiển linh năm 1917. Ảnh: WIki

Năm 1940, đại diện cho Tòa thánh Vatican, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã chính thức công nhận sự hiển linh của Đức mẹ Maria, cùng với tước hiệu “Đức Mẹ Fatima, Đức mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Mân Côi Fatima” cho Đức mẹ. Ảnh: Shutterstock

Năm 2017, giáo hoàng đương nhiệm Francis đã chủ sự thánh lễ trọng thể phong thánh cho 2 em Francisco và Jacinta Marto.

Giáo hoàng đường nhiệm Francis họp mặt các Hồng y tại Điện Tông Tòa để ấn định ngày lễ phong thánh cho hai đứa trẻ tại Fatima vào ngày 20/4/2017. Ảnh: AP

(còn tiếp phần 2)

Quý Khải

Exit mobile version