Dù giáp và hỏa lực yếu hơn rất nhiều nhưng xe tăng M4 Sherman của Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên chiến trường trước lực lượng thiết giáp của Đức Quốc xã nhờ áp đảo về số lượng và tính cơ động cao.
M4 Sherman là dòng xe tăng hạng trung nổi tiếng của Mỹ trong chiến tranh thế giới II, xuất hiện lần đầu tiên trong chiến dịch Miền Tây 1942. Chúng góp mặt trong mọi chiến trường như Bắc Phi, Thái Bình Dương và châu Âu. Sở hữu hỏa lực khá tốt, tốc độ nhanh và độ tin cậy cao, M4 Sherman có thể ngang hàng với xe tăng Panzer IV của phát xít Đức.
Đây là dòng xe tăng khá nổi tiếng nhờ độ bền nhờ các linh kiện đạt chuẩn và chất lượng của dây chuyền lắp ráp. Chúng rất dễ dàng điều khiển và sửa chữa trong điều kiện chiến tranh, không gian bên trong cũng khá rộng rãi.
Sherman được trang bị pháo chính 75 mm (hoặc 76 mm) với cơ số đạn tương ứng là 90 và 71 viên; súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm với cơ số đạn 500 viên, 2 súng máy M1919A4 7,8 mm với cơ số đạn 4.750 viên.
Xe sử dụng động cơ Wright R-975 Whirlwind 9 xylanh bố trí hình tròn làm mát bằng không khí với công suất 400 mã lực, đây là loại động cơ chạy bằng xăng. Xe tăng nặng 30 tấn, tốc độ tối đa là 38,5 km/giờ với tổ lái gồm 5 người cùng bán kính hoạt động chỉ hơn 190km.
Điểm trừ của dòng tăng Sherman là việc nó sử dụng động cơ xăng. Đây thật sự là một thảm họa hay một cái “bẫy tử thần” với kíp lái bên trong xe nếu 1 chọi 1 với xe tăng Đức. Chỉ cần một phát đạn pháo chống tăng; lớp giáp mỏng, số đạn dược và thùng xăng lớn này sẽ biến “con ngựa chiến” của quân đội Mỹ thành một ngọn đuốc sáng rực.
Để khắc phục yếu điểm này, kíp lái thường đắp lên thân xe nhiều vật cản như bao cát, gỗ hay thậm chí là bê tông… nhằm giảm bớt sức công phá từ hỏa lực từ đối phương nhưng không hiệu quả.
Dù tồn tại nhiều điểm yếu nhưng xe tăng Sherman vẫn là lực lượng chủ chốt cho quân đội Mỹ trên chiến trường. Cũng giống như dòng T-34 của Liên Xô, điều tạo nên sức mạnh của chúng không đến từ pháo chính hay giáp bảo vệ mà chính là số lượng. Trên chiến trường khốc liệt, dù yếu thế hơn xe tăng Đức rất nhiều nhưng M4 Sherman vô cùng hiệu quả khi hoạt động theo nhóm nhờ sự cơ động và tính linh hoạt cao.
Trong chiến tranh thế giới II, có khoảng 53.500 chiếc xe tăng Sherman cùng các biến thể được Mỹ sản xuất với giá thành rẻ và rất dễ sản xuất (chỉ đứng sau T-34 của Liên Xô). Và đây là cách lượng tăng-thiết giáp Mỹ dành chiến thắng ở Mặt trận phía Tây khi sử dụng số lượng và sự cơ động đè bẹp chất lượng của tăng-thiết giáp Đức vốn được trang bị những chiếc xe tăng mạnh hơn nhưng số lượng ít, tốc độ chậm và khó sửa chữa hay bảo dưỡng.
Nếu người Đức nói rằng: “Một chiếc Tiger có thể hạ 10 chiếc Sherman” thì người Mỹ đáp trả rằng: “Tôi có 11 chiếc hoặc nhiều hơn nữa nếu muốn!”. Bởi nếu 1 chiếc Sherman bị hạ, ngay lập tức có 1 chiếc khác nhảy vào tham chiến.
Quân đội Mỹ cũng cải biến và nâng cấp xe tăng M4 Sherman với nhiều biến thể khác nhau. Trong đó M4A3E2 Sherman Jumbo được cho là phiên bản được trang bị giáp bảo vệ tốt nhất với độ dày lên tới hơn 100mm, ngay cả vị trí thông thường nhưng trọng lượng của nó khá nặng và chỉ có thể di chuyển với vận tốc tối đa 30km/h.
Ngoài ra, còn một biến thể khác có tên tương đồng là M4A3E8 của Anh được trang bị pháo chính 76 mm có thể bắn hạ Tiger I của Đức Quốc xã ở cự ly trung bình (xuất hiện trong bộ phim Fury). Hơn nữa, từ năm 1944, các phiên bản của M4 Sherman đều được trang bị thùng đạn ướt nhằm giảm khả năng bốc cháy cho xe khi trúng đạn.
Trong thế chiến II, Sherman cũng được trang bị cho quân đội các nước Đồng Minh khác như Anh với 17.000 chiếc, Pháp hơn 600 chiếc và cả Liên Xô là hơn 4.000 chiếc. Về sau, M4 cũng góp mặt trong nhiều cuộc xung đột như Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh 6 Ngày năm 1967 và Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Ngày nay, xe tăng M4 Sherman chỉ còn xuất hiện trong các bảo tàng hay một số nước còn sử dụng trong công tác huấn luyện như Paraguay nhưng nó sẽ mãi là niềm tự hào của người Mỹ góp phần đè bẹp phe Trục và giúp quân Đồng Minh giành thắng lợi trong Thế chiến II.
Sơn Tùng