Đại Kỷ Nguyên

Ly kì vụ xâm nhập miền Bắc Việt Nam bằng tàu ngầm của hải quân Mỹ năm 1972

Một kế hoạch tuyệt mật của hải quân Mỹ với việc sử dụng tàu ngầm xâm nhập lãnh hải miền Bắc thời chiến tranh Việt Nam để giải cứu con tin tuy thất bại nhưng cho thấy một tinh thần rất Mỹ – Tính mạng binh lính quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc, khí tài.

Ngày 27-5-1972, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận được nguồn tin từ Đại sứ quán của một quốc gia có quan hệ mật thiết với Mỹ, đặt tại Hà Nội, cho biết 2 sĩ quan không quân Mỹ là Đại tá John Dramesi và Đại úy Ed Atterberry, sau khi bị bắn rơi và bị bắt trong một phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam, đã trốn thoát khỏi một trại giam gần Hà Nội rồi lấy cắp một chiếc thuyền nan xuôi dòng sông Hồng ra biển và đang ẩn náu tại một hòn đảo nhỏ nằm giữa tỉnh Nam Định và Thái Bình, cách bờ khoảng 500m.

Ngay lập tức, Trung tâm tìm kiếm và giải cứu của Hải quân Mỹ vào cuộc. Chỉ hai ngày sau đó – ngày 29-5-1972 – kế hoạch “Đầu Sấm – Operation Thunderhead” ra đời…

Xâm nhập

11 giờ trưa ngày 1-6-1972, tàu ngầm Grayback xuất phát từ cảng Subic, Philippines tiếp cận vùng biển miền Bắc Việt Nam, theo sau nó là tàu hỗ trợ Squadron HC-7 và tuần dương hạm USS Long Beach, làm nhiệm vụ chỉ huy.

Tàu ngầm Grayback của Hạm đội Thái Bình Dương (Ảnh: History)

Sau gần 18 tiếng di chuyển, tàu ngầm Grayback vào đến hải phận miền Bắc Việt Nam. Hồ sơ đã được bạch hóa trên trang web NAVY-SEAL của Hải quân Mỹ cho thấy Đại tá John Arthur Dramesi, phi công lái chiếc F105 Thunderchiefs bị bắn rơi và bị bắt tại miền Bắc Việt Nam ngày 1-4-1967 trong một phi vụ ném bom. Ngày 10-5-1967, Dramesi trốn trại nhưng không thoát. Tháng 11-1969, Dramesi và Đại úy Ed Atterberry, phi công lái chiếc phản lực trinh sát RA-5C Vigilante bị bắn rơi ngày 12-8-1967 trên vùng trời tỉnh Hà Bắc, âm mưu trốn thêm một lần nữa, nhưng rồi vẫn bị bắt trở lại.

Đến ngày 27-5-1972, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận được tin Dramesi lại trốn, và đã trốn thoát cùng Đại úy Ed Atterberry, (trong lúc thực tế thì sau khi bị bắt cùng với Dramesi hồi tháng 11-1969, Atterberry đã chết vì bệnh trong trại giam).

Hàng trăm chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam và rất nhiều phi công Mỹ rơi bị quân Bắc Việt bắt giữ (Ảnh: Reddit)

Lẽ ra, CIA cần có thời gian để kiểm chứng thông tin về vụ trốn trại, nhất là với chi tiết rất mơ hồ: “Lấy cắp một chiếc thuyền nan, xuôi theo sông Hồng ra biển rồi ẩn náu tại một hòn đảo nhỏ cách bờ 500m, nằm giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình” nhưng với “thành tích” 2 lần vượt ngục của Đại tá Dramesi – trong đó, lần thứ 2 – ông ta và Đại úy Ed Atterberry đã thoát ra ngoài được 12 tiếng, đi xa khỏi trại giam gần 6km thì những người đứng đầu CIA chẳng có lý do gì để nghi ngờ.

Lập tức, CIA thông báo cho Đô đốc Thomas H. Moorer, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Nhận thấy đây là vụ việc mang tính khẩn cấp, Đô đốc Moorer liền ủy quyền cho Phó Đô đốc James L. Holloway III, Tư lệnh Hạm đội 7 rồi chỉ vài tiếng sau đó, Đội tìm kiếm và giải cứu thuộc Hạm đội 7 được giao nhiệm vụ “đi đón” Đại tá John Arthur Dramesi và Đại úy Ed Atterberry “về nhà”.

Hòn đảo vô hình

0 giờ 10 phút đêm ngày 3-6-1972, lúc chỉ còn cách “hòn đảo nhỏ” khoảng 2km, tàu ngầm Grayback nổi lên và dừng lại ở độ sâu 6m dưới mặt nước biển. Trước đó, qua kính tiềm vọng, một sĩ quan trinh sát đã báo cho Trung úy Dry, Đội trưởng Đội SEAL rằng “trong phạm vi 5 dặm (khoảng 9, 6km), không ghi nhận bất cứ một hoạt động nào của người Bắc Việt Nam”.

Sau khi tham khảo ý kiến của chỉ huy tàu ngầm Grayback là Trung tá John D. Chamberlain, Trung úy Dry quyết định sẽ xâm nhập đảo để thám sát. Theo Thượng sĩ Martin, người cùng đi với Dry – ngoài Martin ra thì còn có 2 thành viên SEAL nữa là Trung úy John Lutz và binh nhất Edwards.

0 giờ 15 phút, 4 biệt kích SEAL mặc quần áo lặn, lưng đeo bình oxy, vai khoác súng tiểu liên MP3, ngang bụng là chiếc thắt lưng với những cái túi nhỏ, chứa thuốc chống cá mập, đèn phát tín hiệu định vị, cấp cứu, lương khô, bình nước uống, bông băng cá nhân, chất nổ C4…, bước vào phòng điều áp, bên trong đã có sẵn 1 chiếc SDV và xuất kích.

Tàu tác chiến SDV của lực lượng SEAL

10 phút sau khi ra khỏi tàu ngầm Grayback, Trung úy Dry ra hiệu cho Martin nổi lên. Trời hôm ấy đầy mây, không một ánh sao, sóng biển cao khoảng 2m. Xung quanh họ là một màu đen mịt mùng. Chiếc SDV với 4 biệt kích lầm lũi tiến về phía trước với tốc độ 6km/giờ. Thượng sĩ Martin kể: “Khi vào đến tọa độ mà trên bản đồ không ảnh là hòn đảo nhỏ, chúng tôi tìm kiếm hơn một tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thấy nó ở đâu. Đôi lúc, tôi mong nhìn được ánh đèn nhấp nháy của một tàu đánh cá Bắc Việt Nam nào đó để xác định vị trí nhưng ngoài chúng tôi ra thì chẳng có gì”.

1 giờ 40 phút, tín hiệu báo nguồn pin của chiếc SDV đã xuống thấp, chỉ còn hoạt động được chừng nửa giờ. Biết là không thể kéo dài cuộc tìm kiếm, Dry ra lệnh cho chiếc SDV quay lại tàu ngầm Grayback nhưng cũng như “hòn đảo nhỏ”, họ không tìm thấy chiếc Grayback ở đâu mặc dù theo quy ước, 1 tiếng sau khi SDV rời Grayback, nó sẽ nổi phần tháp chỉ huy lên khỏi mặt nước để các biệt kích SEAL trên tàu SDV nhận diện. Thượng sĩ Martin kể: “Khi không tìm được chiếc Grayback, Trung úy Dry quyết định chạy thẳng ra biển vì càng gần sáng, chúng tôi càng có nguy cơ đụng độ tàu tuần tra của Bắc Việt Nam”.

2 giờ 24 phút sáng ngày 3-6, chiếc SDV hết pin. 4 biệt kích SEAL cho thả trôi tự do. Lúc này, tàu hỗ trợ Squadron HC-7 do không nhận được thông tin gì về nhóm biệt kích từ tàu ngầm Grayback nên 5 giờ sáng, thuyền trưởng Squadron HC-7 ra lệnh cho một trực thăng HH-3A bay đi tìm kiếm. Thượng sĩ Martin nói: “Họ kéo chúng tôi lên lúc 5 giờ 27 phút. Trước đó, chúng tôi buộc lòng phải đánh chìm chiếc SDV vì trực thăng không thể cẩu nó theo được”.

Thuyền trưởng tàu Squadron HC-7 ra lệnh cho một trực thăng HH-3A bay đi tìm kiếm (Ảnh: zh.wikipedia.org)

Gần 6 giờ, chiếc HH-3A thả 4 biệt kích SEAL xuống boong tàu tuần dương USS Long Beach, là nơi đặt Bộ chỉ huy “Kế hoạch Đầu Sấm”. Sau khi liên lạc với tàu ngầm Grayback, Trung úy Dry và nhóm biệt kích được lệnh quay lại, sử dụng chiếc SDV thứ hai để tiếp tục cuộc tìm kiếm Đại tá Dramesi và Đại úy Atterberry nhưng không ai giải thích cho họ biết vì sao họ không tìm thấy vị trí của chiếc Grayback như đã quy ước trước lúc lên đường.

Binh nhất Edwards kể lại: “Tôi được phổ biến rằng chiến dịch giải cứu sẽ kéo dài trong 3 tuần cho đến khi – hoặc là tìm thấy 2 phi công – hoặc là không – nhưng tôi cảm thấy nghi ngờ về nơi ẩn náu của họ bởi lẽ tất cả các phi công đều được học về kỹ thuật mưu sinh thoát hiểm. Nếu quả thật họ đang ở tại hòn đảo đó thì chắc chắn họ sẽ tạo ra những dấu hiệu đặc biệt trên mặt đất để báo cho máy bay trinh sát như một số phi công bị bắn rơi trước đây vẫn thường làm…”.

Trưa ngày 3-6, đột ngột có sự xuất hiện bất thường của một số tàu phóng lôi Bắc Việt Nam nên tàu hỗ trợ Squadron HC-7 và tàu ngầm Grayback được lệnh rút ra hải phận quốc tế. Hình ảnh từ máy bay trinh sát RF-101 cho thấy ngoài tàu phóng lôi, còn có một số thuyền đánh cá hoạt động gần “hòn đảo nhỏ” nên bộ chỉ huy “Kế hoạch Đầu Sấm” lại càng có cơ sở để tin là Đại tá Dramesi và Đại úy Atterberry đã trốn thoát.

Trung tá Chamberlain, chỉ huy tàu ngầm Grayback nhớ lại: “Vì thế, tốt nhất là không nên làm điều gì khiến cho người Bắc Việt Nam nghi ngờ, nhất là ở hải phận quốc tế còn có 2 tàu trinh sát điện tử của Liên Xô, ngụy trang tàu đánh cá, thường xuyên lảng vảng gần tàu Squadron HC-7”.

Tổn thất ngoài dự kiến

23 giờ ngày 5-6, trực thăng HH-3A trên tuần dương hạm USS Long Beach đưa nhóm biệt kích SEAL trở về tàu ngầm Grayback. Thiếu úy John L. Wilson, phi công lái chiếc HH-3A kể: “Để giữ bí mật, chúng tôi được lệnh không liên lạc bằng vô tuyến, mà dùng kính hồng ngoại để quan sát vị trí của tàu ngầm. Theo quy ước, Grayback sẽ chỉ nhô kính tiềm vọng lên khỏi mặt nước và ở phần đỉnh của kính tiềm vọng, có một ngọn đèn màu đỏ nhỏ xíu, đặt trong một chiếc ống, cứ 30 giây nó chớp sáng 1 lần, chỉ có thể nhìn thấy từ trên không”.

Trước đó, khi trực thăng chuẩn bị cất cánh, Trung úy Dry và Thượng sĩ Martin đã thống nhất với phi công rằng khi nhận ra vị trí của chiếc Grayback, trực thăng sẽ bay cách xa nó khoảng 20m, tốc độ 40km/giờ, ở độ cao không quá 7m để 4 biệt kích nhảy xuống, bơi về tàu ngầm.

Wilson, phi công trực thăng HH-3A nói: “Trời rất u ám, gió thổi mạnh, sóng biển cao hơn 2m. Tôi lái chính, còn lái phụ là Thiếu úy David Moore và Thiếu tá Hải quân Edwin L. Towers, sĩ quan tham mưu thuộc Hạm đội 7 chịu trách nhiệm tìm kiếm vị trí tàu Grayback”.

Suốt 20 phút quần đảo, chiếc HH-3A vẫn không thấy đèn hiệu của tàu ngầm Grayback ở đâu. Phút thứ 27 đêm ngày 5-6-1972, phi công Wilson thấy một ánh sáng nhấp nháy và anh ta tin rằng đó là tín hiệu của chiếc Grayback. Lúc này, gió thổi với tốc độ 12m/giây nên trực thăng không thể bay treo để tạo an toàn cho nhóm biệt kích nhảy xuống. Phía dưới, lực từ cánh quạt trực thăng tạo ra những đợt sóng bụi nước biển nối tiếp nhau, lập lòe ánh sáng lân tinh của những sinh vật phù du. Sợ mất thời cơ nên không cần nhìn vào đồng hồ đo độ cao và đồng hồ tốc độ của trực thăng, phi công Wilson vỗ vai Dry, kêu lớn: “Nhảy, nhảy”.

Trung úy Dry lao ra đầu tiên, theo sau là Trung úy John Lutz, Thượng sĩ Martin và binh nhất Edwards. Nhìn thấy họ trôi lướt về phía sau rất nhanh, phi công Wilson biết là sai sót nhưng đã quá muộn. Martin kể: “Vừa lao ra khỏi trực thăng, tôi bắt đầu đếm. Chúa ơi, khi thân hình tôi chìm xuống nước, tôi biết mình đã nhảy ra từ độ cao 20m dựa vào thời gian rơi. Đó là khoảng cách nguy hiểm cho bất kỳ người nào dù họ nhảy ở bất kỳ tư thế nào”.

Do thời tiết xấu, đội SEAL nhảy ra khỏi trực thăng từ độ cao 20m (Ảnh minh họa)

Rơi xuống nước trong tư thế nằm ngửa, vài phút sau đó Dry chết vì gãy đốt sống cổ. Trước khi chết, Dry vẫn kịp tháo chốt bình hơi nén cho áo phao phồng lên. 3 biệt kích SEAL còn lại đều bị thương. Thượng sĩ Martin kể: “Vội vã làm phồng áo phao, tôi lên tiếng gọi nhưng chỉ nghe Trung úy Lutz trả lời yếu ớt, anh ấy bị chấn thương vùng ngực, thở rất khó khăn. Cả hai chúng tôi vừa bơi, vừa tìm kiếm. Một lát, tôi gặp Edwards, cậu ta bị gãy xương sườn và đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Tầm nhìn khi đó gần như bằng không nên chúng tôi chỉ biết mò mẫm trong bóng tối”.

Không tìm thấy Trung úy Dry, Martin, Lutz dìu Edwards bơi ra biển. Sau này, phi công Wilson mới biết ánh sáng nhấp nháy mà anh ta tưởng đó là đèn hiệu của tàu ngầm Grayback thì thật ra nó là của chiếc SDV thứ hai, chở theo 4 biệt kích là Tim R. Reeves, Richard C. Hetzell, Eric A. Knudson và Michael J. Shortell, họ mở đèn báo cho trực thăng biết vị trí của họ.

Trung tá Chamberlain, chỉ huy tàu ngầm Grayback kể: “Đợi mãi mà không thấy trực thăng thả nhóm của Dry xuống, tôi cho chiếc SDV thứ hai đi tìm”. Trung sĩ Richard C. Hetzell, đi theo nhóm thứ hai kể tiếp: “Ra khỏi tàu ngầm, chúng tôi cho chiếc SDV nổi trên mặt nước và sau vài phút, chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay trực thăng. Nhưng chẳng hiểu sao chiếc SDV bỗng dưng chìm xuống, càng lúc càng sâu”. Không thể điều khiển cho nó nổi lên, 4 biệt kích quyết định bỏ mặc nó, bơi trở lại tàu ngầm.

Đội SEAL tham gia kế hoạch Thunderhead (Ảnh: Pinterest)

0 giờ 40 phút ngày 6-6-1972, Martin, Lutz, và Edwards thấy một ánh sáng nhấp nháy và có tiếng người nói. Họ bơi đến và gặp nhóm biệt kích thứ hai, lúc ấy cũng đang trôi giạt vì không tìm ra vị trí tàu ngầm Grayback. Đến 1 giờ sáng, cả hai nhóm thấy xác Trung úy Dry, nổi bập bềnh trong chiếc áo phao. Họ thay phiên nhau dìu xác Trung úy Dry đi theo họ. 7 giờ, một máy bay trực thăng của tàu Squadron HC-7 phát hiện ra họ và đưa họ về tàu tuần dương USS Long Beach.

Xác Dry cùng hai người bị thương nặng là Trung úy Lutz và binh nhất Edwards được chuyển về tàu sân bay USS Kitty Hawk. Riêng chiếc Grayback, nó quay lại vị trí cách “hòn đảo nhỏ” 3km rồi nằm im ở đó trong 2 ngày, quan sát bằng kính tiềm vọng để mong tìm ra dấu hiệu của Đại tá John Dramesi và Đại úy Ed Atterberry, hai phi công được cho là “đã trốn thoát” nhưng tất cả đều vô vọng!

Cái kết

Ngày 12-6-1972, tàu ngầm Grayback được lệnh rút về căn cứ Subic, Philippines. Kế hoạch “Đầu Sấm” xem như kết thúc.

Nhân vật cuối cùng và cũng là nhân vật chính của “Kế hoạch Đầu Sấm” là Đại tá phi công John Dramesi. Sau khi Hiệp định Paris ký kết hồi đầu năm 1973, Dramesi cùng tất cả những phi công tù binh khác được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho phía Mỹ.

Lúc được hỏi về vụ trốn trại hồi tháng 5-1972, Dramesi tròn mắt: “Ai nói vậy? Kể từ vụ vượt ngục hồi tháng 11-1969 rồi bị bắt trở lại, tôi bị giám sát rất chặt chẽ, mọc cánh cũng không thoát chứ trốn thế nào được…”.

Mặc dù thất bại và phải chịu các tổn thất lớn ngoài ý muốn do nhiều nguyên nhân khách quan. Kế hoạch “Đầu Sấm” vẫn cho thấy một tinh thần rất Mỹ khi điều động tới một lực lượng hùng hậu, bất chấp nguy hiểm giải cứu 2 phi công dù chỉ có những thông tin tình báo chưa được kiểm chứng. Tất nhiên bạn có thể nói họ giàu, nhưng không thể phủ định rằng, chính phủ của họ trân trọng từng người lính và sẽ làm tất cả nếu có cơ hội cứu người của mình.

Hoài Anh

 

Exit mobile version