Đại Kỷ Nguyên

Làm cách nào loài quạ ở Australia ‘xơi’ được loài cóc mía kịch độc mà không bị trúng độc?

Sở hữu kỹ năng sinh tồn “độc nhất vô nhị” chưa từng thấy trong thế giới động vật hoang dã ở Úc, loài quạ có lẽ là sinh vật duy nhất có thể tấn công và ăn thịt cóc mía mà không lo bị trúng độc. 

Chắc hẳn ai cũng đọc qua câu chuyện “Con quạ thông minh” của tác giả Aesop thời Hy Lạp cổ đại. Nội dung câu chuyện xoay quanh việc 1 con quạ đã sử dụng trí thông minh của mình để uống được nước trong bình khi lượng nước quá ít và mỏ của nó không với tới được. 

Dù hiện nay vẫn còn không ít tranh cãi về tính thực hư của câu chuyện nhưng một điều mà chúng ta có thể nhận thấy ở loài quạ là trí thông minh đến mức kinh ngạc của chúng. Tuy não quạ rất bé khi so sánh với não người nhưng điều quan trọng ở đây là kích cỡ của bộ não trong mối tương quan với kích thước cơ thể. Khi so sánh với cơ thể, tỷ lệ não của quạ tương đương với tỷ lệ não của loài linh trưởng.

Dù mang tiếng là kẻ mang đến điềm gở nhưng quạ là loài chim rất thông minh. (Ảnh: Flickr)

Theo Giáo sư John Marzluff thuộc trường Đại học Washington, Mỹ thì một con quạ về cơ bản là “một con khỉ biết bay”.

Và gần đây, các nhà tự nhiên học Australia lại khiến chúng ta càng thêm bất ngờ khi phát hiện bằng mới về trí thông minh của loài quạ, độc đáo hơn là kỹ năng sinh tồn này chưa từng trông thấy ở bất kỳ sinh vật nào tại xứ sở Kangaroo trước đây. 

Trước tiên cần nói qua một chút về vấn đề đang gây nhức nhối cho các chuyên gia Úc là việc ngăn chặn sự phát triển mất kiểm soát của loài cóc mía. Tên gọi của chúng xuất phát từ việc loài này bản địa Trung và Nam Mỹ nhưng đã được du nhập từ Hawaii vào châu Úc năm để ăn các loài bọ cánh cứng sống trên cây mía gây hại cho cây mía. 

Tuy nhiên, cóc mía là loài phàm ăn và phát triển rất nhanh; từ 3.000 con ban đầu nay đã lên tới 1,5 tỉ, trải rộng khắp phía Bắc châu Đại Dương. Cóc mía có các tuyến độc (bufotoxin, tiết ra từ tuyến da sau lưng) và nòng nọc rất độc nên chúng hầu như không có thiên địch ngoài tự nhiên. Nơi nào có sự hiện diện của cóc mía, các quần thể sinh vật bản xứ nhanh chóng giảm mạnh về số lượng do bị cạnh tranh về tài nguyên cũng như bị nhiễm độc do ăn cóc mía. 

Cóc mía với độc tố cực mạnh đang hoành hành tại Úc. (Ảnh: Navalwiki)

Ngay cả những loài bò sát lớn như cá sấu hoặc động vật nhà như chó, mèo cũng không nằm ngoài danh sách. 

Nhưng loài quạ lại là một sự khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại. Chúng chẳng cần sự giúp đỡ của ai hết nhưng vẫn đủ sức tiêu diệt cóc mía. 

Một nhiếp ảnh gia người Úc có tên Steve Wilson mới đây đã tung ra một bộ ảnh về một chú quạ thông minh tại Brisbane, Australia xử lý và xơi tái một con cóc mía như thế nào mà không bị nhiễm độc. 

Cụ thể, trong bản báo cáo của Wilson đã ghi rất chi tiết rằng:

“Con quạ chỉ tóm chân tay lũ cóc hoặc tóm vào phần xương đầu phía trên mắt nhằm tránh phải chạm vào cơ thể cóc mía. 

Quạ đã học được cách lật ngửa lũ cóc ra, đó không phải là ngẫu nhiên vì chúng lập lại hành vi đó nếu con cóc may mắn lật lại được và chạy trốn. Chúng biết phần nào ăn được và tách riêng ra như đùi, lưỡi, ruột cũng như tránh chạm vào những phần nguy hiểm hơn.”

Bức ảnh cho thấy trí thông minh của loài quạ khi xử lý cóc mía. (Ảnh: Of The Box)

Đã từng có những báo về việc quạ thành thục trong việc xử lý cóc mía từ năm 2007 nhưng không ai đưa ra được bằng chứng xác thực nhưng với bộ ảnh này của Steve Wilson, điều này đã trở thành sự thực. Ngoài ra, một điểm thú vị khác mà Wilson nhắc đến là trong khi chú quạ thông minh dành tới 40 phút để xử lý con cóc một cách thật cẩn thận, có một đàn quạ đang quan sát xung quanh.

Đây là cách để truyền thụ kinh nghiệm vì quạ vốn nổi tiếng với khả năng học hỏi từ các cá thể cùng loài. Điều này giải thích vì sao những con quạ sống cách xa Brisbane cũng biết cách xử lý loài cóc tai nguy hiểm này.

Sơn Tùng

Exit mobile version