Đại Kỷ Nguyên

Khủng long chẳng phải mạnh nhất kỷ Jura? Vậy mà vẫn có loài ăn thịt khủng long!

“Công viên kỷ Jura” từng là bộ phim có sức nóng bùng nổ tại các rạp chiếu phim lớn trên thế giới. Trong ấn tượng của nhiều người, khủng long xác thực là loài động vật tiền sử khổng lồ, giống như loài khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex – nhân vật chính trong bộ phim. Đây là loại khủng long vừa to lớn lại vô cùng hung dữ; chúng săn mồi đủ loại, bao gồm những loài động vật ăn cỏ và thậm chí cả những con khủng long nhỏ bé và yếu kém hơn.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch của rất nhiều loại khủng long, trong đó có không ít bộ xương của khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex. Nhiều phát hiện cho thấy có vết thương trên hóa thạch. Có người giả định rằng đó là do khủng long bắt giết con mồi, do tranh giành đồ ăn giữa đồng loại với nhau, do phối ngẫu hay tranh chấp lãnh thổ… mà tạo thành. Nhưng những bộ hóa thạch mới liên tiếp được phát hiện khiến cho các nhà khoa học có sự bất đồng trong việc giải thích về vấn đề này.

Cho dù là ở thời kỳ hưng thịnh nhất thì khủng long cũng không phải là loài chiếm vị trí thống trị tuyệt đối giống như trong truyền thuyết.

Loài vật nào đã ăn khủng long?

Nếu như có ai đó hỏi: “Loài vật nào có thể tấn công những con khủng long?” thì câu trả lời có vẻ hiển nhiên là “khủng long khác”, ví dụ như khủng long Allosaurus, khủng long bạo chúa Tyrannosaurus, hay là khủng long chân thú Theropod – những quái vật ưa thích săn mồi bậc nhất thời tiền sử. Mặc dù vậy, năm 2011, trong hội cổ sinh vật học có xương sống tại Las Vegas, một số nhà khoa học đã bắt đầu đặt câu hỏi: “Kẻ săn mồi hàng đầu thời đại trung sinh phải chăng là khủng long?”. Kết luận của họ là “không phải”. Trước đây, một loạt các loài bò sát đều bị xem nhẹ, nhưng hiện nay, người ta đã phát hiện một loài rất trọng yếu trong thời đại trung sinh mà chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay – cá sấu.

Giáo sư Paul Sereno bên cạnh hàm cá sấu khổng lồ SuperCroc (Ảnh: Paulsereno.org)

Theo Giáo sư Paul Sereno, trước kia cá sấu luôn bị đánh giá thấp (theo nghĩa hẹp là bộ cá sấu). Giáo sư Paul Sereno là nhà cổ sinh học thuộc Đại học Chicago (Mỹ); tại Bắc Phi ngày nay, ông phát hiện rằng vào thời gian khoảng một trăm triệu năm về trước (giữa kỳ Kỷ Phấn trắng), cá sấu chiếm vị trí thống trị trong hệ sinh thái. Ngoài ra, ông cũng phát hiện rằng chúng có hình dáng giống với cá sấu hiện đại, nhưng kích thước của nó lớn hơn rất nhiều so với các loài động vật thủy sinh lớn khác. Ông còn phát hiện một loạt các hình thái sinh vật khác bao gồm nhiều loài động vật ăn cỏ cùng với loài bước đi bằng đôi chân dài, giống như là chó mà không phải là loài cá sấu. Phát hiện này đã thúc đẩy các khoa học gia tìm kiếm nhiều hơn nữa các chứng cứ hóa thạch.

Giáo sư Clint Boyd nói về các mẫu hóa thạch khủng long tại Utah (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Ngựa vằn và linh dương là loài bị săn giết kinh điển trong chuỗi thức ăn của vùng hoang mạc châu Phi. Trong Kỷ Phấn trắng, khủng long Ornithopods được biết đến như là loài khủng long ăn cỏ. Dưới tình huống thông thường, chúng sẽ bị khủng long Theropod ăn thịt, nhưng cũng không phải luôn luôn là như vậy. Qua kiểm tra hóa thạch của một số khủng long nhỏ được tìm thấy tại Utah, nhóm các nhà khoa học gồm Clint Boyd, Stephanie Drumheller và Terry Gates đã phát hiện một số dấu vết giống như là vết răng của cá sấu hiện đại trên một bộ hóa thạch khủng long.

Một số hóa thạch được thu thập tại Utah (Ảnh chụp màn hình Youtube)
Hình ảnh scan cho thấy vết cắn của răng cá sấu trên xương khủng long (Ảnh: Boyd CA, Drumheller SK, Gates TA)

Tổ tiên của cá sấu đã từng sinh sôi phồn thịnh

Cho đến giữa thế kỷ trước, các nhà cổ sinh vật học vẫn cho rằng cá sấu tiền sử có hình dạng giống với cá sấu hiện đại bây giờ. Đến những năm 1980, sự tình bắt đầu xuất hiện thay đổi. Những hóa thạch mới khai quật được, thông qua phương pháp phân loại hóa thạch, cùng với sự xuất hiện của kỹ thuật phân tích phân tử, khiến cho lịch sử tiến hóa của bộ cá sấu một lần nữa lại trở thành đề tài nghiên cứu nóng bỏng, phá vỡ quan niệm đã tồn tại một thời gian dài trong quá khứ.

Nhà cổ sinh vật học Christopher Brochu thuộc Đại học Bang Iowa (Mỹ) bắt đầu kiểm tra chi tiết các hóa thạch của bộ cá sấu từ khắp nơi trên thế giới. Ông đã phát hiện rất nhiều hóa thạch có điểm tương đồng với cá sấu hiện đại, vì vậy, chúng có thể được quy về bộ động vật cá sấu. Nhưng trên thực tế, chúng đồng thời cũng có nhiều điểm khác xa so với cá sấu hiện đại, và hình dạng của bộ cá sấu này khác với những gì các nhà khoa học đã biết trong quá khứ, mặc dù chúng vẫn có cùng tập tính sinh hoạt.

Thông qua kiểm tra tỉ mỉ từ những nghiên cứu không đầy đủ và từ các hóa thạch mới được phát hiện gần đây, Brochu cùng các nhà cổ sinh vật học khác đã chứng minh rằng cá sấu tiền sử không chỉ khác với cá sấu hiện đại, mà chúng còn giống với khủng long về nhiều mặt.

Trên thực tế, tổ tiên của cá sấu đã từng là loài đa dạng nhất trên địa cầu, chiếm cứ vị trí thống trị, cho đến 200 triệu năm trước, có thể một đại tai nạn xảy ra đã diệt sạch chủng loại này, và cũng có thể khiến cho khủng long lớn mạnh và trở nên hưng thịnh. Chủng loại cá sấu còn sống sót tiếp tục sinh sôi nảy nở, càng ngày càng đa dạng hơn. Khoảng 65 triệu năm trước, sau khi một tiểu hành tinh va chạm với địa cầu làm hủy diệt tất cả các loài khủng long (ngoại trừ loài chim), khiến cho chủng loại cá sấu lại một lần nữa trở nên phồn thịnh.

Dưới đây là bức tranh phục dựng lại một cuộc chiến đọ sức kinh tâm động phách. Một con cá sấu dài 9 m đang tấn công con khủng long có thân hình cũng không hề thua kém; cả hai quái vật khổng lồ cùng giao chiến với nhau.

(Ảnh: Internet)

Vậy, cá sấu khổng lồ thời tiền sử có thể giết chết một con khủng long trưởng thành không?

Hóa thạch mà các nhà khoa học tìm thấy ở Utah là không lớn; độ nhỏ của hàm răng cho thấy kích thước của con cá sấu đó không thể quá một mét rưỡi. Với kích thước này, nó không thể tấn công một con khủng long Ornithopods trưởng thành được. Nhưng chiếc răng này là chứng cứ đầu tiên chứng minh cá sấu từng tấn công và có thể từng ăn thịt khủng long. Trước đây, giả thuyết này đã từng được bàn luận tới. Utah là nơi có một số khủng long sinh sống, tại đây, người ta đã phát hiện trứng khủng long, đồng thời cũng phát hiện thấy có xương cá sấu. Clint Boyd cùng các cộng sự đã làm sáng tỏ sự liên kết giữa hai điều này. Khủng long khi còn nhỏ có thể là con mồi của cá sấu, nhưng còn khủng long trưởng thành thì sao?

Để điều tra làm rõ vấn đề, Martin đến từ Đại học Colorado Denver cùng với Lucas từ Bảo tàng Khoa học và Lịch sử Tự nhiên New Mexico đã nhắm vào một trong những nơi xuất hiện hóa thạch nổi tiếng nhất hành tinh, đó là ‘đường khủng long’ ở Colorado, New Mexico, Kansas và Oklahoma. Tại một số địa điểm phân bố dọc theo bờ biển, bộ sưu tập các khu vực có tung tích khủng long được coi là kênh di cư của loài vật này thời cổ đại. Tại kênh di cư này, các nhà khoa học có thể xác định được hơn 1.380 di tích thân thể động vật, trong đó chủ yếu là khủng long Ornithopods, một số là loài khủng long ăn thịt cỡ nhỏ – những loài khủng long nhỏ này có thể ăn thịt một số ít con khủng long nhỏ tuổi hơn. Cá sấu cũng giống như vậy. Tuy nhiên, Martin và Lucas có thể đã bỏ sót một số tình huống – khi quan sát kỹ lưỡng những di tích đó, họ không tìm thấy khủng long ăn thịt cỡ lớn.

Điều này xét về sinh thái học là vô lý, trừ phi chúng là động vật ăn thịt hàng đầu trong hệ sinh thái. Nhưng điều đó cũng cho thấy loài vật có thể ăn thịt khủng long Ornithopods trưởng thành hoàn toàn không phải là khủng long. Một lần nữa, khi kiểm tra kỹ lưỡng những di tích nói trên, các nhà khoa học không tìm thấy dấu chân của loài khủng long ăn thịt chân thú Theropod mà lại phát hiện có dấu vết của cá sấu. Trên kênh di chuyển của khủng long, có 1/4 khu vực là có dấu viết của cá sấu. Hơn nữa, các dấu vết cho thấy những con cá sấu này rất to lớn, thậm chí có con dài đến 4 mét; loại cá sấu này cũng đủ lớn để có thể ăn thịt một con khủng long Ornithopods trưởng thành.

Những con cá sấu cỡ lớn này chứng minh rằng chúng chính là loài động vật ăn thịt bậc nhất trong hệ sinh thái. Nhưng điều này cũng không hoàn toàn giải thích cho câu hỏi tại sao không có dấu chân của khủng long chân thú Theropod. Hiện nay, loài động vật ăn cỏ là thức ăn cho rất nhiều động vật ăn thịt giống như các loài thuộc họ mèo, sói, linh cẩu,… Môi trường ẩm ướt của tuyến đường khủng long di chuyển là nguyên nhân hình thành và lưu giữ dấu chân. Nếu so sánh về khả năng săn mồi ở nơi khô ráo thì hoàn cảnh ẩm ướt sẽ thuận lợi cho cá sấu hơn. Tại môi trường này, cho dù những con khủng long Theropod có hình thể khổng lồ cũng phải quay đầu nhìn xung quanh bất cứ lúc nào. Chúng không lưu giữ dấu chân trên con đường di chuyển có lẽ là bởi chúng cũng đã trở thành con mồi của kẻ săn mồi khác.

Lực cắn của cá sấu tiền sử còn khủng khiếp hơn của khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex

Gần đây, các nhà khoa học Brazil đã nghiên cứu hóa thạch của cá sấu cổ tại Nam Mỹ. Loài động vật ăn thịt đã tuyệt chủng này còn có lực cắn kinh người, lớn hơn cả loài khủng long hung ác trứ danh – Tyrannosaurus rex.

Purussaurus (Ảnh: Wikipedia)

Loài cá sấu này có tên là Purussaurus, sống ở thời kỳ cuối Miocen cách đây 8 triệu năm, là một trong những loài cá sấu lớn nhất trên địa cầu. Thân của cá sấu Purussaurus có thể dài hơn 12,5 m, dài hơn một chiếc xe buýt, thể trọng đạt tới 8,4 tấn, trung bình mỗi ngày nó ăn hết 40 kg thức ăn. Báo cáo mới nhất của các nhà khoa học thực phẩm ở Hoa Kỳ đăng trên tạp chí “Thư viện khoa học công cộng khối lượng toàn diện” đã nói rằng, khi Purussaurus cắn con mồi, lực cắn có thể lên tới 69.000 Newton (tương đương khoảng 7 tấn), chỉ đứng sau siêu cá mập đã tuyệt chủng, mạnh hơn khủng long Tyrannosaurus rex, sư tử và hổ.

Kích thước của Purussaurus (màu đỏ) so với con người và so với các loài cá sấu khác (Ảnh: Wikipedia)

Căn cứ vào vị trí tìm thấy hóa thạch thì có thể suy đoán rằng, cá sấu Purussaurus chủ yếu sống tại một số nơi mà ngày nay là Nam Mỹ, Brazil và Purus thuộc Amazonas, sông Acre và lân cận lưu vực sông Jurua. Trong kỷ nguyên Miocene, những khu vực đầm lầy cực lớn có đủ loại rùa khổng lồ, loài thủy cầm cỡ lớn và loài động vật có vú cỡ lớn khác sinh sống, thậm chí có cả loài sinh vật gặm nhấm nặng đến 700 kg, đây chính là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho cá sấu Purussaurus. Nhưng do sự thay đổi của vỏ trái đất trong khu vực Amazon cùng với sự nổi lên của dãy núi Andes đã phá hủy môi trường sống của cá sấu Purussaurus, cuối cùng làm cho nó bị tuyệt chủng.

Theo Meirihaowen
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version