Đại Kỷ Nguyên

Không có thuốc kháng sinh, bác sĩ cổ đại trị nhiễm trùng như thế nào?

thuốc kháng sinh

Trích máu là phương pháp điều trị nhiễm khuẩn trong quá khứ. Thư viện Wellcome, London. (Ảnh: Internet)

Việc phát triển thuốc kháng sinh và các liệu pháp kháng vi sinh vật khác chắc chắn là thành tựu lớn nhất của y học hiện đại. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, chứng nhiễm trùng được điều trị như thế nào trước khi thuốc kháng sinh ra đời vào đầu thế kỷ 20?

Máu, đỉa và dao

Trích máu (bloodletting) đã được sử dụng như một phương pháp chữa bệnh trong hơn 3.000 năm. Phương pháp này bắt nguồn ở Ai Cập cổ đại vào khoảng 1.000 TCN và đã được ứng dụng cho đến giữa thế kỷ 20.

Các tư liệu y học từ thời cổ đại cho đến tận những năm 1940 đã đề xuất phương pháp trích máu để trị nhiều chứng bệnh, đặc biệt là chứng nhiễm trùng. Cho đến tận năm 1942, ấn bản thứ 14 của cuốn sách “Những nguyên lý và thực hành nghề y (Principles and Practice of Medicine)” của Bác sĩ William Osler, từng được coi là cuốn sách giáo khoa về nội khoa nổi tiếng, đã đề cập đến trích máu như một biện pháp điều trị bệnh viêm phổi.

Trích máu đã được dựa trên một lý thuyết y học cổ đại cho rằng cần phải cân bằng bốn loại chất dịch trong cơ thể, hay “thể dịch” (máu, niêm dịch, mật đen và mật vàng—tương ứng với bốn nguyên tố cơ bản cấu thành vũ trụ là không khí, đất, lửa và nước) thì cơ thể mới được khỏe mạnh. Sự nhiễm trùng được cho là biểu hiện của tình trạng dư thừa máu, vì vậy lượng máu dư thừa cần phải được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân nhiễm trùng. Một cách trong số đó là tạo một vết rạch ở tĩnh mạch hay động mạch, nhưng đây không phải là cách duy nhất.

Giác hơi là một phương pháp phổ dụng khác. Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh.

Ngoài ra, người ta còn sử dụng đến các con đỉa để trích lấy máu.


Một người đàn ông ngồi trên ghế, hai tay dang hai bên, một dòng máu trào ra khi bà xơ đặt các con đỉa lên người ông. (Ảnh: Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ)

Điều thú vị là, tuy rằng trích máu đã được các bác sĩ khuyến nghị, nhưng biện pháp này thực ra lại được thực hiện bởi những người thợ cắt tóc, hay “thợ cắt tóc kiêm phẫu thuật viên”. Cái cột sọc trắng đỏ tại hiệu cắt tóc bắt nguồn như một cách thức “quảng cáo” dịch vụ trích máu kèm theo của họ, trong đó màu đỏ biểu thị cho máu và màu trắng biểu thị cho băng cứu thương.

Cột sọc trắng đỏ thường thấy tại các hiệu cắt tóc ở phương Tây là một cách thức “quảng bá” cho dịch vụ trích máu. (Ảnh: Internet)

Phương pháp này thực ra cũng có thể có một số lợi ích – ít nhất đối với một số loại vi khuẩn nhất định trong những giai đoạn nhiễm trùng đầu tiên. Rất nhiều vi khuẩn cần chất sắt để tái phân lập, và chất sắt được truyền tải trên hem, một thành phần trong tế bào máu đỏ. Vì vậy trên lý thuyết, càng ít tế bào máu đỏ thì sẽ càng ít chất sắt để duy trì tình trạng nhiễm trùng.

Dùng thủy ngân chữa bệnh giang mai?

Các nguyên tố và hợp chất hóa học được tìm thấy trong tự nhiên đã từng được sử dụng như các phương pháp điều trị cho nhiều chứng nhiễm khuẩn, đặc biệt cho chứng nhiễm trùng vết thương và bệnh giang mai.


Một bức tranh khắc gỗ năm 1689 cho thấy một loạt các phương pháp điều trị bệnh giang mai bao gồm xông khói thủy ngân. (Ảnh: Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ)

Các loại thuốc đắp chứa i-ốt, brôm và thủy ngân đã được sử dụng để điều trị các vết thương nhiễm trùng và các chỗ hoại tử trên da trong cuộc Nội chiến Mỹ. Brôm là chất đã được sử dụng thường xuyên nhất, nhưng sẽ rất xót khi đắp trực tiếp hay tiêm vào vết thương, và nó có thể làm tổn thương mô tế bào. Các phương pháp điều trị này sẽ cản trở quá trình tái lập tế bào vi khuẩn, nhưng chúng cũng có thể gây tổn hại cho các tế bào thông thường của người.

Các hợp chất thủy ngân đã được sử dụng để điều trị bệnh giang mai trong giai đoạn khoảng từ 1363 đến 1910. Các hợp chất này có thể được bôi trực tiếp lên da, hay uống hoặc tiêm. Nhưng các hiệu ứng phụ tiềm tàng bao gồm các tổn thương trên diện rộng trên da và màng nhầy, các tổn thương thận và não bộ, và thậm chí tử vong. Arsphenamine, một loại thuốc được tổng hợp từ Asen (As), cũng đã được sử dụng trong nửa đầu thế kỷ 20. Tuy rằng có công hiệu tốt, nhưng arsphenamine cũng có các hiệu ứng phụ bao gồm viêm dây thần kinh thị giác, co giật, gây cảm, tổn thương thận và phát ban.

May mắn là, vào năm 1943, penicillin đã thế chỗ các phương pháp điều trị này, và trở thành phương pháp điều trị hàng đầu cho tất cả các giai đoạn của bệnh giang mai.

Kháng sinh ngay trong vườn

Qua nhiều thế kỷ, một loạt các phương thuốc bằng thảo mộc đã được phát triển để điều trị các chứng nhiễm khuẩn, nhưng rất ít trong số chúng từng được đánh giá bằng các nghiên cứu lâm sàng đối chứng.

Một trong những phương thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc khá nổi tiếng là quinin, vốn được sử dụng để chữa sốt rét. Nó có nguồn gốc từ vỏ của cây canh ki na, một loại cây bản địa ở Nam Mỹ. Ngày nay chúng ta sử dụng một dạng chất tổng hợp của quinin để chữa bệnh. Trước đó, vỏ cây canh ki na sẽ được phơi khô, nghiền vụn thành bột, và trộn với nước để uống. Việc sử dụng vỏ cây canh ki na để chữa các chứng cảm đã được miêu tả bởi những nhà truyền đạo Dòng Tên vào những năm 1600, mặc dù có lẽ nó đã được sử dụng trong cộng đồng những người bản địa sớm hơn trước đó rất nhiều.


Hình minh họa một cây canh ki na vào năm 1880. Thư viện Wellcome, London. (Ảnh: Internet)

Artemisinin (hay còn gọi là Thanh hao tố), vốn được tổng hợp từ cây Ngải hoa vàng là một phương pháp điều trị sốt rét cũng rất công hiệu khác. Một nhà khoa học người Trung Quốc, bà Đồ U U (Tu You You), và nhóm nghiên cứu của bà đã phân tích các tài liệu y học và các phương pháp chữa bệnh trong dân gian của Trung Quốc cổ đại, nhận thấy hiệu quả của các thành phần chiết xuất từ cây ngải hoa vàng trong việc ngăn chặn sự tái phân lập của ký sinh trùng sốt rét ở các loài động vật. Bà Đồ U U đã được đồng trao giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2015 với việc phát hiện ra Artemisinin.

Nhà khoa học người Trung Quốc đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 2015, bà Đồ U U, với việc tìm ra Artemisinin, một loại thuốc trị bệnh sốt rét. (Ảnh: Internet)

Xem thêm:

Có lẽ bạn cũng sở hữu phương thuốc điều trị nhiễm trùng vết thương có nguồn gốc tự nhiên trong căn bếp nhà bạn. Việc sử dụng mật ong để điều trị vết thương đã xuất hiện từ thời người Sumer từ niên đại 2000 TCN. Lượng đường khá cao trong mật ong có tác dụng khử nước trong các tế bào vi khuẩn, trong khi tính axit của nó sẽ ngăn chặn sự sinh trưởng và phân chia của rất nhiều tế bào. Mật ong cũng chứa một loại enzym, gọi là glucose oxidase, có tác dụng khử oxy để tạo ra oxy già, từ đó giết chết vi khuẩn.

Loại mật ong trong tự nhiên có hiệu lực mạnh mẽ nhất được nhìn nhận là mật ong Manuka. Loại mật ong này được chiết xuất từ hoa của bụi cây trà, vốn có các đặc tính kháng khuẩn kèm theo.

Vấn nạn vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh

Tuy rằng một số những liệu pháp cổ đại này tỏ ra có hiệu quả và vẫn được sử dụng theo một vài dạng thức nào đó ngày nay, nhưng trên tổng thể chúng chưa đủ tốt như các loại thuốc kháng sinh hiện đại trong việc điều trị các chứng nhiễm trùng. Tuy vậy, do tình trạng lạm dụng và sử dung nhầm lẫn, thuốc kháng sinh hiện đại cũng  đang ngày một trở nên kém hiệu quả hơn.

Ở Mỹ, mỗi năm có đến ít nhất 2 triệu người nhiễm các loại vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh, và ít nhất 23.000 người sẽ tử vong hàng năm do hệ quả trực tiếp từ tình trạng này.

Tuy vi khuẩn kháng thuốc là đối tượng được báo cáo nhiều nhất, nhưng phản ứng kháng thuốc cũng có thể xuất hiện trong các vi sinh vật khác, bao gồm nấm, virus và ký sinh trùng. Tình trạng xuất hiện phản ứng kháng thuốc đang ngày một gia tăng đã làm dấy lên khả năng các chứng nhiễm trùng nhất định rốt cục sẽ không thể được chữa khỏi bằng các loại thuốc kháng sinh chúng ta đang có hiện nay.

Cuộc chạy đua tìm kiếm các phương pháp mới để điều trị các chứng nhiễm trùng này vẫn đang tiếp tục, và các nhà nghiên cứu đang khám phá các phương pháp điều trị mới cũng như các nguồn thuốc kháng sinh mới.

Tác giả: Cristie Columbus, The Conversation.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.

https://theconversation.com/in-a-world-with-no-antibiotics-how-did-doctors-treat-infections-53376
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version